Đề bài: So sánh ước nguyện của Thanh Hải trong Mùa xuân nho nhỏ và Viễn Phương trong Viếng lăng Bác
This post: So sánh ước nguyện của Thanh Hải trong Mùa xuân nho nhỏ và Viễn Phương trong Viếng lăng Bác
So sánh ước nguyện của Thanh Hải trong Mùa xuân nho nhỏ và Viễn Phương trong Viếng lăng Bác
I. Dàn ý So sánh ước nguyện của Thanh Hải trong Mùa xuân nho nhỏ và Viễn Phương trong Viếng lăng Bác (Chuẩn)
1. Mở bài:
Giới thiệu về 2 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và Viếng lăng Bác
2. Thân bài:
a. Khái quát chung về hai tác phẩm:
* Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải:
– Được sáng tác vào tháng 11 năm 1980 trước khi nhà thơ qua đời không lâu.
– Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống cũng như khát vọng được dâng hiến cuộc đời mình cho cuộc đời chung, cho đất nước.
– Ước nguyện của nhà thơ được thể hiện ở khổ 4 và 5:
+ Ước nguyện của nhà thơ: được trở thành “chim”, thành “hoa”, thành “nốt trầm” trong bản hoà ca cuộc đời: những vật vô cùng nhỏ bé nhưng góp hương sắc tươi thắm cho cuộc đời.
+ Điệp từ “làm” diễn tả nỗi khát khao cháy bỏng của nhà thơ.
+ Điệp từ “ta”: thể hiện cái chung của mọi người, đại diện cho tất cả mọi người trong đất nước Việt Nam (đối lập với “tôi” ở khổ 1).
→ Nhà thơ muốn được trở thành “một mùa xuân nho nhỏ” để dâng cho đời trong “lặng lẽ” dù là khi còn trẻ “hai mươi” hay khi đã già “tóc bạc”.
=> Bộc lộ tình yêu cuộc đời, yêu đất nước của nhà thơ cùng khát vọng được cống hiến cho mùa xuân của đất nước.
* Viếng lăng Bác của Viễn Phương:
– Sáng tác vào năm 1976 khi Viễn Phương lần đầu từ miền Nam ra thăm lăng Bác.
– Bài thơ thể hiện niềm cảm xúc chân thành, tấm lòng thành kính của nhà thơ đối với Bác.
– Khổ thơ cuối thể hiện cảm xúc lưu luyến, nghẹn ngào của tác giả khi phải rời xa Bác cùng ước nguyện chân thành của nhà thơ:
+ Nhà thơ ước nguyện trở thành những vật nhỏ bé như “chú chim”, như “đoá hoa”, như “cây tre” để được ở cạnh Bác Hồ.
+ Điệp ngữ “muốn làm”: thể hiện niềm ước nguyện, khát khao cháy bỏng của nhà thơ.
+ Nhịp thơ chậm rãi như muốn kéo dài giây phút chia xa của nhà thơ với Bác.
+ Hình ảnh “cây tre trung hiếu”: tượng trưng cho con người Việt Nam trung dũng, kiên cường, nhà thơ muốn làm “cây tre” quanh lăng Bác để được Người soi sáng, dẫn đường, chỉ lối.
→ Khẳng định sự tin tưởng, trung thành của mỗi người dân Việt Nam đối với Bác.
b. So sánh giữa hai tác phẩm:
– Điểm giống:
+ Cả hai tác phẩm đều thể hiện những nguyện ước chân thành của hai nhà thơ, được cống hiến cho đất nước, cuộc đời. Ước nguyện bình dị, khiêm nhường, nhỏ bé.
+ Hai nhà thơ cũng dùng những hình ảnh rất đẹp đẽ của thiên nhiên để thể hiện ước nguyện của mình.
– Điểm khác:
+ Nhà thơ Thanh Hải viết về đề tài thiên nhiên đất nước; khát vọng của ông là cống hiến cuộc đời riêng của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước.
+ Nhà thơ Viễn Phương viết về đề tài ca ngợi lãnh tụ, thể hiện niềm cảm xúc chân thành của nhà thơ đối với Bác; ước nguyện là được hòa nhập vào thiên nhiên để được ở cạnh Bác.
c. Đánh giá chung:
– Những ước nguyện của hai nhà thơ đều rất chân thành, khiến chúng ta vô cùng cảm động.
3. Kết bài:
– Hai nguyện ước khác nhau nhưng đều hướng tới khát vọng được cống hiến cho cuộc đời.
II. Bài văn mẫu So sánh ước nguyện của Thanh Hải trong Mùa xuân nho nhỏ và Viễn Phương trong Viếng lăng Bác (Chuẩn)
Trong kho tàng văn học Việt Nam, có rất nhiều tác phẩm thơ ca, truyện,… thể hiện những mong muốn, nguyện ước của tác giả dành cho cuộc đời, cho đất nước. Tiêu biểu trong số đó có thể kể tới hai bài thơ rất hay là Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải và Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương. Thông qua khổ bốn của bài thơ Viếng lăng Bác cũng như hai khổ thơ bốn và năm của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, hai nhà thơ đã thể hiện những mong ước, khát vọng của mình một cách hết sức độc đáo và sâu sắc.
Hai bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và Viếng lăng Bác đều được sáng tác ở hai thời điểm rất đặc biệt. Nếu bài thơ Viếng lăng Bác được nhà thơ Viễn Phương viết khi ông lần đầu từ miền Nam xa xôi tới thăm lăng Bác Hồ ngay sau khi lăng được khánh thành vào tháng 4 năm 1976 thì bài thơ Mùa xuân nho nhỏ lại được nhà thơ Thanh Hải sáng tác vào tháng 11 năm 1980, trước khi ông qua đời không lâu. Vậy nên khi đọc hai bài thơ, chúng ta có thể cảm nhận được những suy tư, những cảm nhận rất chân thành, tha thiết của hai tác giả, đồng thời, ta cũng thấy được những nguyện ước vô cùng đẹp đẽ của cả hai thi nhân.
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được nhà thơ Thanh Hải sáng tác ngay trên giường bệnh của mình vào mùa đông năm 1980. Thế nhưng với người thi nhân, đó đã là thời điểm mà mùa xuân rục rịch chuyển mình, bước vào cuộc sống của ông. Vậy nên những vần thơ của ông là sắc xuân ngập tràn trên đất trời xứ Huế và nổi bật trên nền cảnh đó là hình ảnh của những con người lao động, những chiến sĩ đang cống hiến hết mình cho Tổ quốc thân yêu. Trong từng vần thơ, ta thấy được một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu đất nước vô cùng tha thiết của Thanh Hải, và tới những vần thơ cuối, ông đã nói lên khát vọng nhỏ bé mà chân thành của mình:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Mùa xuân đã về mang theo nguồn nhựa sống tràn trề, Thanh Hải khi ấy đang nằm trên giường bệnh nhưng ông khao khát vô cùng được sống, được hòa nhập, được hoá thành một phần của mùa xuân kia, dù đó chỉ là một chú chim nhỏ, một “cành hoa” xinh hay một “nốt trầm” trong bản hoà ca của cuộc đời. Những khát vọng ấy, ước mong ấy thật nhỏ nhoi biết bao nhưng cũng thực tha thiết, đẹp đẽ. Qua đó, ta cảm nhận được niềm khao khát được cống hiến, khao khát được hòa nhập đến cháy bỏng của nhà thơ. Đặc biệt là điệp từ “làm” được lặp lại liên tiếp ở khổ thơ thứ tư như khẳng định nỗi khát khao đến cháy bỏng của ông. Nếu như ở khổ 1, Thanh Hải chỉ sử dụng từ “tôi” để chỉ cá nhân mình thì ở khổ thơ này, ông sử dụng liên tiếp ba lần điệp từ “ta” để chỉ chung mọi người, là cái chung cho muôn người trên đất nước Việt Nam. Tất cả đều mong muốn được hiến dâng sức lực của mình cho mùa xuân của dân tộc. Còn đối với Thanh Hải, nhà thơ muốn một lần nữa trở thành “một mùa xuân nho nhỏ” để cống hiến cho đời, cho sự nghiệp của đất nước. Chỉ cần “lặng lẽ dâng cho đời” chứ chẳng cần phô trương, cũng chẳng cần hào nhoáng, bất kể là lúc nào, khi còn trẻ “hai mươi” hay khi đã về già “tóc bạc”. Điệp từ “dù là” lặp lại hai lần như để nhấn mạnh khát vọng mãnh liệt của nhà thơ. Chỉ với hai khổ thơ ngắn, nhưng nó đã gửi gắm biết bao tình yêu cuộc đời, yêu đất nước cùng ước nguyện chân thành mà cháy bỏng của nhà thơ, nguyện hiến dâng cho đời những thanh âm trong trẻo nhất. Và nhà thơ dù đang trên giường bệnh nhưng chưa bao giờ ông thôi khao khát được cống hiến cho sự nghiệp của nước nhà.
Đến với bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương, ta lại bắt gặp một tình yêu khác, đó là tình yêu, niềm kính trọng với vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc Việt Nam – Bác Hồ. Bài thơ được viết năm 1976, khi nhà thơ lần đầu từ miền Nam ra thăm lăng Bác khi lăng Bác vừa mới được khánh thành. Trong ngày vui, hạnh phúc đó, nhà thơ đã hòa mình cùng dòng người vào lăng thăm viếng Bác. Và ông đã viết lên những cảm xúc vô cùng chân thành của mình, thể hiện sự thành kính, niềm xúc động vô vàn của mình cũng như mọi người đối với Bác. Cuối bài thơ, khi phải rời xa Người để trở về phương Nam, Viễn Phương đã vô cùng nghẹn ngào, lưu luyến vậy nên ông ước nguyện rằng:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
Chỉ ngày mai thôi, Viễn Phương đã phải trở về miền Nam, rời xa vị Cha già của dân tộc, trong khoảnh khắc xúc động ấy, ông đã ước mình được trở thành chú“chim” nhỏ, thành “ đoá hoa” thơm, thành “cây tre”, dù là nhỏ bé thôi nhưng ngày ngày sẽ được bầu bạn, được gần cạnh Người cha già của dân tộc. Ước nguyện tuy bé nhỏ nhưng thật cháy bỏng, thật chân thành, điều đó được thể hiện qua điệp ngữ “muốn làm” lặp lại ba lần trong khổ thơ cuối. Nhịp thơ chậm rãi như muốn kéo dài giây phút chia xa Bác của nhà thơ. Nhà thơ muốn trở thành chú chim nhỏ hót lên những tiếng ca vui tươi, muốn trở thành một bông hoa nhỏ “tỏa hương” ngát thơm cho Người. Và hình ảnh cuối cùng xuất hiện trong ước vọng của nhà thơ là “cây tre trung hiếu”. Cây tre – loài cây tượng trưng cho dân tộc Việt Nam, trung dũng, kiên cường, bất khuất, không bao giờ chịu khuất phục trước mọi kẻ thù. Và nhà thơ muốn mình được trở thành một “cây tre” nhỏ ở quanh lăng Bác để “trung hiếu” với Bác cũng là để Bác soi sáng, dẫn đường và đưa lối cho mình. Ước nguyện đó cũng là sự khẳng định sự tin tưởng, sự trung thành của nhà thơ, của mỗi người dân Việt Nam đối với Bác, với chân lý mà Bác đã mang về cho dân tộc ta.
Đọc xong những vần thơ thể hiện ước nguyện của hai nhà thơ Thanh Hải và Viễn Phương, ta chợt thấy rằng ước nguyện của họ thật đẹp. Đó đều là những ước nguyện chân thành, giản dị, mong muốn được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước Việt Nam, dù chỉ là những điều thật nhỏ bé, thật khiêm nhường. Hai thi nhân cũng khéo léo sử dụng những hình ảnh rất đẹp của thiên nhiên như “hoa”, như “chim”, như “mùa xuân”, … để thể hiện niềm ước vọng của mình, làm nên những vần thơ thật đặc biệt, thật xúc động.
Thế nhưng, vì được sáng tác trong hai hoàn cảnh và cảm hứng khác biệt, vậy nên mỗi ước nguyện của hai thi nhân lại mang những nét riêng biệt, không thể pha lẫn. Với Thanh Hải, ông chọn đề tài về thiên nhiên, đất nước bởi bài thơ được ra đời khi đất nước ta đang bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều đó đã khơi gợi niềm cảm hứng để ông viết lên bài thơ này, cũng là niềm cảm hứng để ông thể hiện khát vọng của mình là được hòa nhập, được cống hiến cuộc đời riêng của mình cho cuộc đời chung của đất nước, non sông.
Còn với nhà thơ Viễn Phương, niềm cảm hứng của nhà thơ đến với ông khi ông lần đầu từ miền Nam xa xôi tới thăm lăng Bác vào năm 1976. Chính vì vậy, bài thơ Viếng lăng Bác của ông ông viết về Bác Hồ, về vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta để thể hiện những cảm xúc chân thành, thiêng liêng đối với Người. Chính vì được viết trong thời điểm khác nhau, đề tài khác nhau nên khát vọng của Viễn Phương cũng không giống Thanh Hải, ông khát khao được ở lại, được hòa nhập với thiên nhiên quanh lăng Bác Hồ để được mãi mãi ở gần bên cạnh Bác.
Tuy mỗi đoạn thơ đều có những nét tương đồng và riêng biệt, thế nhưng chúng đều khiến cho người đọc chúng ta vô cùng xúc động trước những nguyện ước chân thành của cả hai nhà thơ. Mượn những hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ, Viễn Phương và Thanh Hải đã giúp chúng ta thấu hiểu được những khát vọng của những thi nhân chân chính, của những con người khát khao được hoà mình vào cuộc đời chung, cống hiến cho cuộc sống tươi đẹp này.
Có thể nói rằng, tuy hai ước nguyện là khác nhau, thế nhưng ước nguyện của Thanh Hải trong Mùa xuân nho nhỏ hay của Viễn Phương trong Viếng lăng Bác đều chung hướng đến khát vọng là được cống hiến, được dâng tặng cuộc đời riêng của mình cho non sông, cho Tổ quốc. Những điều đó thật đáng trân trọng và đó cũng là tấm gương để thế hệ chúng ta học tập, noi theo mà cố gắng hết mình để dựng xây quê hương, đất nước ngày thêm tươi đẹp.
——————HẾT—————–
Cả hai bài thơ Viếng lăng Bác hay Mùa xuân nho nhỏ đều chứa đựng những cảm xúc riêng, hay và độc đáo của mỗi nhà thơ. Để tìm hiểu sâu hơn về hai thi phẩm rất hay này, mời các bạn tham khảo thêm các bài viết: Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Phân tích khổ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ, Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác, Phân tích khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác.
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục