Đề bài: Quan niệm về người anh hùng trong Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc
This post: Quan niệm về người anh hùng trong Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc
Văn mẫu phân tích về người anh hùng trong Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc
Bài làm:
Văn học sử thi ta bắt gặp hình ảnh người anh hùng Đăm Săn đầy oai hùng, giết chết tù trưởng Mtao-mxây, xây dựng thị tộc của mình lớn mạnh, phồn thịnh, giàu có. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là hình ảnh người anh hùng Từ Hải quyết tạm gác hạnh phúc lứa đôi để thoả tráng chí bốn phương, ra đi lập công danh sự nghiệp. Đọc thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, ta cũng bắt gặp những hình ảnh về người anh hùng đầy bản lĩnh, đó là một Lục Vân Tiên giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha, làm ơn há dễ mong người trả ơn. Hay một Phan Tòng trong cơn đau khổ của nỗi đau mất mẹ, vẫn gác lại tình riêng cầm quân ra chiến trận để lại gương sáng cho muôn đời. Đến với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, tác giả đã xây dựng nên quan niệm mới mẻ và đúng đắn về người anh hùng, họ là những tượng đài bất hủ, không tên tuổi nhưng sáng mãi với thời gian.
Trải qua bao thế kỉ, nhân dân luôn có vai trò vô cùng lớn trong chiến thắng với kẻ thù. Họ không phải là những người được đào tạo, cũng không phải là kẻ trí dũng song toàn, nhưng ở họ có cốt cách anh hùng, mang những tầm vóc cao đẹp của người anh hùng dân tộc. Cuộc sống của những người nông dân vốn vẫn vậy, họ chăm chỉ làm ăn, chịu nhiều vất vả, dãi nắng dầm mưa suốt một đời mong kiếm đủ ăn, cuộc sống đâu mấy phần dư dả. Họ chân chất, mộc mạc, bình dị, lúc đất nước yên bình, họ sống trong lao động cuốc cày ruộng vườn, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
“Nhớ linh xưa:
Cui cút làm ăn;
Riêng lo nghèo khó.
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;
Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.”
Nhưng khi quân giặc ngang nhiên xâm lược bờ cõi, cướp phá miếng cơm manh áo thì họ đứng lên đấu tranh, có áp bức thì phải có đấu tranh. Họ cùng nhau đoàn kết, vươn mình dậy như những vị anh hùng đấu tranh giành lấy tự do cho chính mình, cho đất nước thân yêu. Họ sẵn sàng hi sinh thân mình vì dân tộc. Những vị anh hùng vô danh ấy vốn quen với cuốc cày ruộng vườn, đâu quen với chiến trận, gươm giáo, vậy mà họ bỗng vụt lớn, trở thành những vị anh hùng.
“Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa
Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọt như nhà nông ghét cỏ.
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan;
Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.
Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu;
Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó.
Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình;
Chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.”
Vũ khí chiến đấu chỉ là manh áo mỏng, lưỡi dao phay hay rơm con cúi, võ nghệ không đợi rèn, binh thư chiến lược không đợi bày, tự nguyện lên đường giết giặc. Lòng dũng cảm và căm thù giặc sâu sắc cùng với một tinh thần dũng mãnh là thứ vũ khí sắc bén để chiến đấu với lũ giặc tàn nhẫn, bạo ngược. Những người anh hùng ấy luôn hiểu giữa ta và giặc không bao giờ có thể đứng chung một bầu trời, là hai thái cực khác nhau, không thể cùng tồn tại. Họ đã chiến đấu hết mình bằng những gì có được, tinh thần ấy thật kiên cường, bất khuất, dũng cảm. Họ xem thường cái chết của chính mình, không hề lo lắng, hoang mang. Họ chiến đấu bằng chính tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
“Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh;
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ.”
Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng của những người nông dân trong mọi cuộc chiến. Họ là một tập thể anh hùng của một dân tộc anh hùng. Họ đã làm rạng rỡ truyền thống yêu nước quật cường của nhân dân Nam Bộ nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng. Họ là những vị anh hùng “vô danh” nhưng sáng mãi muôn đời trong lòng những thế hệ mai sau, là đại diện cho ý chí, nghị lực của người dân Việt. Họ bình dị, chân chất, nặng tình với quê hương đất nước, là linh hồn của dân tộc mang cốt cách dân tộc, là bức tượng đài sừng sững của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Đình Chiểu đã mang tới một quan niệm mới về anh hùng, đó là một bài ca dạt dào, thấm đẫm niềm xót thương và tự hào về người anh hùng thất thế nhưng mãi bất tử, hiên ngang với non sông, đất nước.
—————— Hết ——————-
Trên đây là chi tiết bài văn mẫu phân tích quan niệm về người anh hùng trong Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc. Ngoài ra, để hiểu thêm về giá trị nội dung, phong cách nghệ thuật của tác phẩm, các em cần tham khảo thêm các bài Cảm nhận về bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tóm tắt bài Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc, Hình ảnh người nông dân qua Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, … Các bài văn này chính là nguồn tài liệu hữu ích, hỗ trợ tốt cho quá trình học, ôn tập kiến thức môn Ngữ văn lớp 11 của các em học sinh.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục