Giáo dục

Phát biểu cảm nghĩ về người thân

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về người thân

phat bieu cam nghi ve nguoi than 41957

This post: Phát biểu cảm nghĩ về người thân

Phát biểu cảm nghĩ về người thân

 

I. Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ về người thân (Chuẩn)
 

1. Mở bài

– Giới thiệu về người thân của em: tên, tuổi, nghề nghiệp, quan hệ với em
 

2. Thân bài

– Cảm nghĩ về ngoại hình (Lựa chọn chi tiết tiêu biểu để thể hiện biểu cảm, không liệt kê)

+ Dáng người, dáng đi
+ Khuôn mặt, ánh mắt, giọng nói, nụ cười

– Cảm nghĩ về tính cách, sở thích, thói quen

+ Tính cách: tuỳ vào đối tượng biểu cảm mà có những tính cách khác nhau. Ví dụ như cảm nghĩ về mẹ: hiền lành, dịu dàng, mẫu mực,…
+ Những sở thích mà em thấy của người thân, ví dụ như bố em thích chơi bóng chuyền, mẹ thích trồng hoa,…
+ Cảm nghĩ về một số thói quen mà em thấy của người thân: tập thể dục buổi sáng, 

– Cảm nghĩ về mối quan hệ trong gia đình của người thân:

+ Vị trí, vai trò của người thân trong gia đình em (là trụ cột gia đình, là người hòa giải,…)
+ Quan hệ với mọi người: luôn gần gũi, vui vẻ, biết quan tâm đến người khác

– Tình cảm của em đối với người thân:

+ Là người đã sinh thành và nuôi dưỡng em, lo cho em từ những điều nhỏ nhất
+ Là người dạy cho em những bài học làm người
 

3. Kết bài

Cảm nghĩ về người thân của em

 

II. Bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ về người thân
 

1. Bài mẫu Phát biểu cảm nghĩ về người thân – mẹ, mẫu số 1:

Tình thân là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý, là tình cảm được nảy sinh từ những con người có cùng huyết thống, máu mủ ruột già, tình cảm đó thật linh thiêng và người thân đối với em là những người quan trọng nhất.

Mẹ là người mang nặng đẻ đau, chín tháng mười ngày chịu bao khổ cực, vất vả để cho em được chào đời, được đến với cuộc sống muôn màu tươi đẹp như ngày hôm nay. Mẹ em năm nay 40 tuổi và hiện đang là một giáo viên tại trường trung học, ở tuổi của mẹ, các cô vẫn còn trẻ trung phơi phới, ăn diện chẳng khác các chị gái là bao nhưng mẹ em thì khác, mẹ em lại luôn thích làm cho mình già đi vài tuổi. Tuy vậy những nét đẹp trên khuôn mặt mẹ chẳng thể bị tuổi tác che giấu, mẹ có nụ cười má lúm đồng tiền mà cứ mỗi khi cười mẹ trông như cô gái đôi mươi, em đã từng ước ao mình sẽ có nụ cười giống mẹ nhưng tiếc rằng em lại chỉ có đôi má phúng phính. Một người giáo viên trung học như mẹ rất bận rộn, hàng ngày đi dạy trên trường, dạy thêm rồi khi về nhà lại trở thành một người nội trợ chu toàn, lo từng bữa ăn, quần áo, nhà cửa cho chồng cho con. Nhiều lúc em cảm giác như mẹ là một siêu nhân, làm nhiều mà không thấy kêu mệt, bao nhiêu việc vào tay mẹ cũng đâu ra đấy, ôm một núi việc vào người nhưng mẹ chẳng bao giờ cáu kỉnh hay quát mắng vu vơ. Mẹ rất hiểu và quan tâm đến từng người trong gia đình, mẹ luôn dịu dàng và nhẹ nhàng, dù có chuyện gì mẹ cũng giữ phong thái bình tĩnh để giải quyết mọi chuyện. Ngay cả bố cũng có lúc phải tìm mẹ để than vãn, kể lể nhưng mẹ thì không, chẳng bao giờ mẹ để cho người khác lo lắng cho mình, mẹ luôn dõi theo và quan tâm từng li từng tí cho mọi người.

Mẹ là một người tuyệt vời và nếu như có một điều ước được trở thành hiện thực em sẽ ước mẹ mãi là mẹ của em, luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và yêu thương em.

cam nghi ve me cua em

Bài văn mẫu cảm nghĩ về người thân ngắn gọn

 

2. Cảm nghĩ về người thân ngắn gọn- Cảm nghĩ về người bố, mẫu số 2:

Trong cuộc đời của tôi có một người thầy giáo dạy cho tôi tất cả mọi thứ trên đời mà thầy biết, dạy cho tôi từ những ngày tôi còn chưa biết gì và dạy cho tôi cách làm người, có lẽ chẳng có thầy giáo nào tuyệt vời hơn thế nữa, bởi người thầy đó chính là bố của tôi.

Tôi gọi bố là thầy giáo cũng vì bố chính là một người giáo viên dạy toán, bố đứng trên bục giảng đến nay đã được gần chục năm, trong công việc của mình bố là một thầy giáo yêu nghề và tận tụy với nghề. Bố là một người vui tính, bản chất vui tính của bố dường như đã ngấm vào máu, bởi dù là ở nhà, ở trường hay ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng thấy bố cười nói vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Bố cũng là một người thầy giáo khá điển trai nhưng với tính cách của bố thì luôn nhận mình là thầy giáo đẹp trai nhất trường, nhiều lúc bố còn tự nhận mình có hơi tự tin. Bố là người thưởng – phạt phân minh rõ ràng, cái gì được thưởng vẫn khen ngợi tán dương hết mực nhưng cái gì đáng phải phạt thì phạt cho ra phạt không thể bỏ qua hay phạt qua loa cho xong. Bố làm như vậy bởi bố nói rồi mai sau bước ra ngoài cuộc sống, mọi chuyện vui buồn, thành công hay thất bại đều phải trải qua hết, không thể đánh đồng, không thể chỉ có thành công mà không có thất bại, vấp ngã. Bố là một người rất giàu tình cảm, đối với mẹ bố chẳng bao giờ thể hiện tình cảm bằng lời nói nhưng tôi cảm nhận được qua những hành động nhỏ như cất áo mưa vào trong cốp xe cho mẹ. Bố tôi được mọi người xung quanh rất yêu quý, ai cũng nhắc về bố tôi là một thầy giáo vui tính, nhà ai có con học ở lớp của bố tôi thì mặc định là rất yên tâm, quả thực có một người bố như vậy tôi thật hạnh phúc và tự hào khi được làm con của bố.

Nếu như cuộc đời là chuỗi những ngày học của tôi và người thầy giáo là bố tôi thì tôi chẳng muốn tốt nghiệp, tôi mong mãi mãi vẫn được đi học, được làm người con, người học trò của bố để bố yêu thương và che chở suốt đời.

cam nghi ve bo cua em

Bài văn cảm nghĩ về người thân – bố của em

 

3. Bài văn ngắn cảm nghĩ về người thân, cảm nghĩ về mẹ, mẫu số 3

Trong cuộc đời chúng ta luôn có những điều quan trọng, việc quan trọng, và người quan trọng, đối với tôi, người quan trọng nhất trong cuộc đời này chính là người mẹ vĩ đại của tôi.

Mẹ tôi chẳng phải là người nổi tiếng hay có tầm ảnh hưởng lớn lao gì, chỉ đơn giản mẹ là một người vĩ đại trong lòng tôi, mẹ vĩ đại vì những điều mẹ làm cho tôi chẳng có ai trên thế gian này có thể làm được như mẹ. Bốn mươi tuổi, mái tóc mẹ đã lấm tấm những sợi tóc trắng, những nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ khiến cho tôi cảm thấy rất ghét thời gian, thời gian đã làm mẹ ngày càng già đi, làm nhiều hơn và phải lo nghĩ nhiều hơn. Mẹ tôi là một người nghiêm khắc, nếu như người ta hay nói “Con hư tại mẹ” vì mẹ hay chiều chuộng con cái đâm ra hư hỏng, nhưng đối với gia đình tôi thì khác. Mẹ luôn cứng rắn trong việc dạy dỗ chị em tôi, mẹ đặt ra những quy định, kỷ luật và yêu cầu chúng tôi sinh hoạt cho đúng nề nếp, kỷ luật đã đặt ra. Tuy vậy nhưng mẹ vẫn là người mẹ hiền như bao người mẹ khác, mỗi khi tôi có chuyện buồn, mẹ chẳng ngại ngần dang tay ôm trọn tôi vào lòng rồi xoa đầu, tỉ tê tâm sự san sẻ nỗi buồn cùng tôi. Đối với tôi mẹ không chỉ là mẹ mà mẹ còn đóng rất nhiều vai trong cuộc sống của tôi, có lúc mẹ đóng vai bố, lúc lại là người chị gái, người bạn, mẹ làm tất cả chỉ để có thể thấu hiểu, giúp đỡ và chăm lo cho con của mình. Mẹ có vẻ bên ngoài mạnh mẽ, rắn rỏi nhưng sâu bên trong vẫn yếu mềm như bao người phụ nữ khác, mẹ thích đọc những cuốn sách về cuộc sống và đã đôi lần tôi thấy mẹ xúc động rơi nước mắt, mẹ là người nhạy cảm nhưng cũng rất biết tiết chế cảm xúc của mình. Chẳng ai trong nhà giỏi che giấu cảm xúc như mẹ và tôi luôn cố gắng để có thể đọc được những cảm xúc đó của mẹ.

Cho đến một ngày nào đó khi tôi đã lớn, đã trưởng thành tôi hứa sẽ cố gắng làm cho mẹ vui, làm cho mẹ cảm thấy tự hào, hãnh diện và hạnh phúc, không để mẹ phải lo lắng cho tôi.

 

4. Cảm nghĩ về người thân – bà ngoại, mẫu số 4:

Trong tuổi thơ của con người, sẽ có biết bao nhiêu điều đẹp đẽ và cảm động làm giàu có thêm tâm hồn trẻ thơ. Và những người thân yêu trong gia đình chính là những người sẽ tạo nên cho thế giới tuổi thơ của chúng ta một khoảng trời yêu thương đẹp nhất. Một trong những người thân yêu mà em luôn yêu mến và biết ơn chính là bà ngoại của em.

Bà ngoại của em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Mẹ em thường lo lắng về sức khỏe của bà, nhưng bà vẫn cười vang khi nghe mẹ dặn dò bà giữ sức khỏe. Bà hay đi chùa và làm nhiều việc từ thiện, mà theo như bà khẳng định: “Đi làm việc thiện như thế, bà thấy khỏe hơn cứ ru rú ở nhà”. Em nghĩ có lẽ đúng như thế. Dáng bà em còn nhanh nhẹn lắm. Mái tóc của bà điểm hoa râm, gương mặt có nhiều nếp nhăn, nhưng đôi mắt tinh anh và giọng nói dứt khoát của bà khiến cho em có cảm giác bà em còn rất trẻ khỏe. Em cảm thấy vui vì điều đó. Mỗi lần về thăm bà, em lại cùng bà ngồi bên cửa nhà, năn nỉ bà kể cho em nghe những chuyện ngày xưa, và cả chuyện bà đi chùa, chuyện ăn chay, niệm Phật. Có những chuyện bà kể, còn khó hiểu với em, nhưng em rất thích nghe giọng bà kể thánh thót khi lên giọng, xuống giọng thật hấp dẫn.

cam nghi ve ba ngoai cua em

Bài văn cảm nghĩ về người thân hay, xúc động

Trong suốt những năm tháng em học tiểu học và lên cấp hai, nhiều lần ba mẹ đưa em về quê thăm bà. Bà thấy cả nhà em về thì mừng vui lắm. Vì bà ngoại em sống một mình trong ngôi nhà nhỏ ở Bình Dương. Mẹ em và các cậu đều công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, khoảng một vài tuần thì mọi người thay nhau về thăm và chăm sóc bà. Em cứ hay hỏi: “Bà ơi, ở một mình như vậy, bà có buồn không? Có sợ không?”. Khi nghe câu hỏi, bà em mỉm một nụ cười hiền từ rổi bảo: “Buồn đấy, cháu ạ! Nhưng dần dần cũng quen đi. Ở quê thì ấm cúng, không đến nỗi cô quạnh”. Em nghĩ bà nói đúng, vì em thấy bà em có nhiều người bạn cùng lứa tuổi làm hàng xóm. Các ông, các bà thường ghé nhà thăm hỏi khi gia đình em về quê thăm bà. Nhưng em vẫn cảm thấy thương bà lắm. Em muốn về quê thăm bà nhiều hơn, mong các cậu của em sắp xếp thời gian về bên bà thật nhiều. Nhất là khi cô giáo dạy Văn của em đọc cho chúng em nghe câu ca dao:
“Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con”.

Bà em không ở túp lều tranh, nhưng em biết bà sẽ rất vui khi con cháu ríu rít trong nhà. Em càng thương bà và mong mỏi được về bên bà, ngồi nghe bà kể chuyện và nhổ những sợi tóc đã bắt đầu bạc trắng cho bà em.

Bà em không phải chỉ là người bà hiền từ mà em yêu quý vô bờ bến, bà còn rất nghiêm khắc khiến cho em phải kính trọng và có phần nể sợ. Có lần, khi bà lên thành phố thăm ba mẹ và em, bà nhìn thấy bàn học của em bừa bộn, trong ngăn bàn đầy rác. Bà đã nhất định yêu cầu em phải tự tay dọn ngay, mặc cho mẹ em bảo: “Cháu nó đang bận học. Bà cứ để đấy, tí con xếp lại cho cháu”. Bà nghiêm nghị nói: “Những việc cá nhân, cháu phải tự biết làm. Nếu cứ ỉ lại ba mẹ, sau này sẽ khó thành người chăm chỉ và tự lập”. Dù ấm ức, nhưng sợ bà giận, em phải tự mình dọn dẹp bàn học. Nhưng sau khi làm việc đó, tự nhiên em thấy vui, và thấy bà em nói chẳng sai. Một lần khác, bà em nhìn thấy em gắt gỏng với một bà lão bán vé số, khi bà cụ chìa xấp vé số qua hang rào để mời bà em mua, mà bà em từ chối mãi nhưng bà cụ kia cứ nằn nì. Em bực bội bảo: “Bà cháu đã nói không mua, sao bà cứ mời dai thế”. Sau đó, bà em đã giận em cả buổi, vì theo bà: “Làm người phải lễ phép và nhân hậu. Cháu chẳng thương người nghèo khó đã đành, lại còn không lễ phép với người lớn tuổi bằng bà. Bà buồn lòng quá”. Em nhìn thấy đôi mắt của bà đầy ánh giận, đôi môi bà run run, thì biết mình sai thật rồi. Nhất là khi bà em quay người đi vào nhà, không nói gì với em nữa. Tối hôm ấy, sau bữa ăn, em lấy hết can đảm đến xin lỗi bà và hứa rằng em sẽ không bao giờ làm như thế nữa. Đến lúc đó, bà em mới ôn tồn khuyên nhủ rồi tha lỗi cho em.

Thế đấy, tuổi thơ của em thật đẹp vì có bà. Bà đem cho em tình thương, bà đem cho em cách sống trung thực và nhân hậu. Em luôn kính trọng và yêu quý bà em vô bờ bến. Em mong sao bà em sẽ khỏe mạnh và vui tươi mãi, để kể cho em nghe những câu chuyện thú vị, và dạy cho em những điều đúng đắn trong cuộc sống này.

Trên đây là bài Phát biểu cảm nghĩ về người thân, bên cạnh đó các em có thể tham khảo thêm một số bài văn đặc sắc khác như: Cảm nghĩ ngày đầu tiên bước chân vào trường trung học phổ thông, Cảm nghĩ về thiên nhiên và đời sống của con người trong thời khắc chuyển mùa (sang thu, sang đông hoặc sang xuân,…), Cảm nghĩ về một câu chuyện anh (chị) đã học mà đến nay vẫn không thể nào quên (ví dụ: Chuyện người con gái Nam Xương, Chiếc lược ngà, Bố của Xi-mông,…), Phát biểu cảm nghĩ về dòng sông quê hương em.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button