Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về đoạn trích Nỗi oan hại chồng
This post: Phát biểu cảm nghĩ về đoạn trích Nỗi oan hại chồng
Phát biểu cảm nghĩ về đoạn trích Nỗi oan hại chồng
I. Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ về đoạn trích Nỗi oan hại chồng
1. Mở bài
Giới thiệu đoạn trích “Nỗi oan hại chồng” và khái quát nội dung
2. Thân bài
a. Khái quát về đoạn trích “Nỗi oan hại chồng”
– Nằm trong phần mở đầu của vở chèo
– Có 5 nhân vật xuất hiện trong đoạn trích
b. Cảnh mở đầu đoạn trích
– Khởi nguồn xung đột
+ Thị Kính quạt cho chồng ngủ, tình cờ thấy sợi râu mọc ngược nên định lấy dao cắt đi
+ Đúng lúc Thiện Sĩ tỉnh, kêu ầm ĩ lên
+ Sùng bà chạy xuống, khép cho Thị Kính tội giết chồng
– Thái độ của Sùng bà
+ Không nghe giải thích, không rõ đầu đuôi đã vội vàng khép tội
+ Liên tục dùng lời lẽ cay nghiệt để chửi rủa, đay nghiến Thị Kính, thể hiện sự khinh ghét, phân biệt giai cấp
+ Hành động tàn nhẫn, thô bạo
+ Đuổi Thị Kính đi
– Thái độ của Thị Kính
+ 5 lần kêu oan, 4 lần kêu oan với Sùng bà và chồng nhưng không nhận được sự thông cảm.
+ Càng kêu oan càng dày thêm tội
+ Nhận được sự cảm thông duy nhất từ Mãng ông
c. Quyết định của Thị Kính
– Thị Kính đi tu, nương nhờ cửa Phật, tuy không buông xuôi nhưng cam chịu, chưa dám đứng lên đấu tranh
3. Kết bài
Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật
II. Bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ về đoạn trích Nỗi oan hại chồng
Chèo là loại hình nghệ thuật tiêu biểu cho văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Nhắc đến chèo, không thể không nhắc tới vở chèo “Quan âm Thị Kính”. Đoạn trích “Nỗi oan hại chồng” có lẽ chính là phần đặc sắc nhất trong tác phẩm. “Nỗi oan hại chồng” đã diễn tả sinh động, cụ thể tình cảnh bi thảm bế tắc của Thị Kính, đồng thời cũng là của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời.
“Nỗi oan hại chồng” nằm ở phần mở đầu của “Quan âm Thị Kính”. Đó là bi kịch đầu tiên trong cuộc đời Thị Kính – một nàng dâu ngoan hiền, nết na, thùy mị. Trong đoạn trích có 5 nhân vật, Thị Kính, Thiện Sĩ – chồng nàng, Sùng ông, Sùng bà là cha mẹ chồng nàng và Mãng ông – cha ruột của Thị Kính.
Mở đầu đoạn trích, tác giả tái hiện khung cảnh sinh hoạt đầm ấm của gia đình Thị Kính. Vốn là người vợ tần tảo, yêu thương chồng. Sau khi xong xuôi việc nhà, thấy chồng học bài thiếp đi, nàng ngồi quạt cho chồng ngủ. Bất ngờ thấy chiếc râu mọc ngược dưới cằm chồng, nàng lo lắng điềm chẳng lành nên lấy dao định cắt đi. Đúng lúc ấy, Thiện Sĩ tỉnh dậy. Thấy con dao trên tay vợ thì tâm chí rối bời, gọi mẹ ầm ĩ. Hành động đầy yêu thương săn sóc bỗng trở thành khởi nguồn của những bi kịch trong cuộc đời Thị Kính.
Sùng ông, Sùng bà nghe tiếng chạy lên. Chẳng cần hiểu rõ ngọn nguồn, Sùng bà đã ầm ĩ kêu to, sừng sộ khép cho Thị Kính tội giết chồng “Cái con mặt sứa gan lim này! Mày định giết con bà à?” Bao nhiêu lời lẽ đay nghiến chửi rủa liên tiếp hướng vào Thị Kính. Bà ta trắng trợn vu cho nàng những tội tày đình ” Mày trót say hoa đắm nguyệt”, “Gái say trai lập chí giết chồng”, gieo rắc nỗi oan lên người Thị Kính.
Mặc cho Thị Kính kêu oan, bà ta vẫn hành động hết sức tàn nhẫn, thô bạo “dúi đầu Thị Kính xuống” rồi “bắt Thị Kính ngửa đầu lên”.
Thị Kính càng kêu thì oan càng lớn, mụ không cho Thị Kính cơ hội thanh minh, giải thích. Mụ nhẫn tâm đuổi thẳng con dâu ra khỏi nhà. Không chỉ bởi sự vu oan Thị Kính giết chồng mà còn đay nghiến Thị Kính là người đàn bà hư đốn, xấu xa, không xứng với con trai mụ:
“Giống nhà bà đây giống phượng giống công
Còn tuồng bay mèo mả gà đồng lẳng lơ
Nhà bà đây cao môn lệnh tộc
Mày là con nhà cua ốc
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu
Đồng nát thì về Cầu Nôm
Con gái nỏ mồm về ở với cha…”
Trong lời nói của Sùng bà, các tác giả dân gian đã khéo léo sử dụng nghệ thuật ẩn dụ đầy sinh động, tạo dựng một loạt hình ảnh sự vật trái ngược nhau. Từ đó nhấn mạnh sự tương phản, mâu thuẫn xung đột của câu chuyện. Sùng bà chửi rất nhiều song đều hướng tới tư tưởng phân chia giai cấp, phân biệt “cao – thấp”, “giàu – nghèo”. Lời nói của Sùng bà không chỉ thể hiện sự lạnh lùng, vô tình mà còn có sự khắc nghiệt, kiêu căng của tầng lớp địa chủ, vừa là sự căng thẳng không thể hóa giải trong quan hệ mẹ chồng và nàng dâu. Thị Kính tuy đầy đủ đức hạnh mà lễ giáo phong kiến quy định nhưng vì là con nhà nghèo, nên không được Sùng bà chấp nhận.
Mâu thuẫn giữa Sùng bà với Thị Kính, hay giữa gia đình Sùng bà với Thị Kính và cha nàng không chỉ là mâu thuẫn hôn nhân, gia đình. Nó còn phản ánh mâu thuẫn giai cấp gay gắt trong xã hội phong kiến đương thời. Sùng bà chính là đại diện cho giai cấp địa chủ tàn ác, khoe khoang, hợm của, độc đoán và tàn nhẫn. Không dừng lại ở đó, mụ là kẻ tạo ra “luật lệ” gia đình, thậm chí bắt cả chồng cả con phải nghe theo, phải nể sợ mình. Hình tượng Sùng bà hiện lên trong đoạn trích vô cùng sống động, gây nên nỗi ghê sợ, căm ghét sâu sắc cho người đọc, người xem
Đối lập hoàn toàn với nhân vật Sùng bà là nhân vật Thị Kính. Nàng là nhân vật chính vở chèo, cũng là đại diện cho người phụ nữ nông dân, bình thường, lương thiện. Dẫu có đức có hạnh nhưng số phận lại thảm thương, bất hạnh.
Trước nỗi oan mẹ chồng vu hãm, Thị Kính kêu oan năm lần. Bốn lần, nàng hướng về mẹ chồng và chồng để kêu oan: “Giời ơi ! Mẹ ơi, oan con lắm mẹ ơi”, “Oan cho con lắm mẹ ơi”… “Oan thiếp lắm chàng ơi”… “Mẹ xét tình cho con, oan con lắm mẹ ơi!”. Nhưng tất cả đều vô ích. Mỗi lần kêu oan là một lần thêm tội. Với Sùng bà, những lời ấy chỉ càng làm tăng thêm sự khinh ghét. Còn Thiện Sĩ chỉ là một người chồng đớn hèn, bạc nhược. Hắn bỏ mặc người vợ yêu thương, gắn bó, mặc kệ mẹ mình buông lời đay nghiến, mặc kệ mẹ mình vu cho nàng những nỗi oan vô lí. Khi Thị Kính cầu cứu “Oan thiếp lắm chàng ơi”, Thiện Sĩ im lặng, giống như không chút tình cảm. Đến đây, có lẽ không ai ngăn nổi sự tức giận và xót thương Thị Kính. Một người vợ hiền dâu thảo, tần tảo, yêu thương chồng như thế chỉ vì vài câu không đầu không đuôi mà bị hàm oan, bị đuổi khỏi nhà.
Mãi đến lần thứ năm kêu oan với Mãng ông, cha của mình, người phụ nữ đáng thương ấy mới nhận được sự cảm thông. Dù chỉ là sự cảm thông trong khổ đau và bất lực. Càng về sau, cảnh ngộ của Thị Kính càng thê thảm. Hạnh phúc tan vỡ. Thị Kính vừa than vừa hờn trách:
“Trách lòng ai nỡ phụ lòng
Đang tay nỡ bẻ phím đồng làm đôi…”
Và rồi, trước cảnh ngộ ấy, nàng quyết định từ biệt gia đình, xuống tóc giả trai đi tu, đến nương nhờ nơi cửa Phật. Không buông xuôi, Thị Kính mong muốn sống nơi trong sạch linh thiêng để chứng minh sự trong sạch. Tuy vậy, chúng ta cũng thấy được trong đó sự cam chịu, nhẫn nhục của nàng trước số phận. Không từ bỏ nhưng cũng không đấu tranh. Thị Kính chưa đủ dũng cảm và bản lĩnh chống lại những oan trái bất công mà mình phải chịu đựng.
Có thể nói, qua đoạn trích “Nỗi oan hại chồng” và cả vở chèo “Quan âm Thị Kính”, người đọc, người xem đã thấy được cuộc đời Thị Kính. Thấy được phẩm chất tốt đẹp và nỗi oan bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói riêng, người lao động nói chung. Đồng thời lên án tầng lớp địa chủ phong kiến độc ác nhẫn tâm và nét nghệ thuật chèo nổi tiếng của dân tộc.
Quan Âm Thị Kính là vở chèo nổi tiếng trong nền nghệ thuật dân gian Việt Nam. Tìm hiểu chi tiết về vở chèo cũng như trích đoạn Nỗi oan hại chồng, bên cạnh bài Phát biểu cảm nghĩ về đoạn trích Nỗi oan hại chồng, các em có thể tìm đọc: Phân tích đoạn trích Nỗi oan hại chồng Tóm tắt đoạn trích Nỗi oan hại chồng, Xung đột trong đoạn trích Nỗi oan hại chồng (Trích Quan Âm Thị Kính), Phải chăng con đường duy nhất sau Nỗi oan hại chồng của Thị Kính là kiếp tu hành.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục