Giáo dục

Phân tích triết lý sống trong Hồn Trương Ba da hàng thịt

Đề bài: Phân tích triết lý sống trong Hồn Trương Ba da hàng thịt

phan tich triet ly song trong hon truong ba da hang thit

This post: Phân tích triết lý sống trong Hồn Trương Ba da hàng thịt

Phân tích triết lý sống trong Hồn Trương Ba da hàng thịt
 

I. Dàn ý Phân tích triết lý sống trong Hồn Trương Ba da hàng thịt

1. Mở bài

– Giới thiệu Lưu Quang Vũ vùng vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt.
– Giới thiệu vấn đề cần phân tích.

2. Thân bài

a. Tình huống truyện:

– Trương Ba vốn là một người làm vườn khéo léo, chăm chỉ, giỏi đánh cờ, lại hiền lành, có lối sống thanh cao, trong sạch nên được mọi người yêu mến kính trọng.
– Nam Tào cai quản sổ sinh tử trên thiên đình vì vội đi dự tiệc mà gạch nhầm tên của Trương Ba, khiến ông chết bất ngờ và đầy oan ức. Đế Thích đã khuyên Nam Tào, Bắc Đẩu nên “sửa sai” bằng cách cho hồn Trương Ba được sống lại vào xác anh hàng thịt vừa mới chết hôm qua, bởi lẽ xác của Trương Ba đã bị mục rữa, không thể chứa hồn được nữa.
=> Dẫn đến một loạt bi kịch khác nhau.

b. Triết lý sống trong vở kịch:

* Mối quan hệ giữa phần xác và phần hồn:

– Cốt truyện dân gian: Đề cao sự quan trọng, tuyệt đối của phần hồn, đem tách rời giữa linh hồn và thể xác làm hai khía cạnh, trong khi hồn nắm giữ mọi tư tưởng, quyết định, xác chỉ là một cái túi thịt không hơn không kém, không có suy nghĩ, tư tưởng.
– Vở kịch của Lưu Quang Vũ: Mối quan hệ giữa hồn và xác được nhìn nhận một cách sâu sắc và đậm tính triết lý. Tác giả vẫn đi vào khẳng định vai trò cao hơn của linh hồn đồng thời đưa ra mối quan hệ mật thiết gắn bó hữu cơ giữa phần xác và phần hồn.
– Sự tự ý thức của Trương Ba về sự tha hóa của mình, cũng như cuộc tranh luận gay gắt giữa hồn và xác đã khiến chúng ta rút ra nhiều điều:
+ Giữa phần hồn và phần xác phải có một sự thống nhất hữu cơ chặt chẽ, xác nắm giữ vai trò nhận thức lý tính, là cơ sở để chứa đựng linh hồn, đồng thời cho linh hồn nhận thức cảm tính, xây dựng nên vẻ đẹp của tâm hồn, cả hai phải phối hợp chặt chẽ ăn ý với nhau, thì mới có thể trở thành một con người toàn vẹn và sống đúng với bản thân mình được.
+ Bản thân xác thịt cũng có những nhu cầu nhất định, được ăn uống chăm sóc, mà các nhu cầu sinh lý khác cần được thỏa mãn, nhưng phần hồn phải khống chế và điều khiển được những nhu cầu ấy sao cho hợp lý, chứ không thể bị xác thịt điều khiển.
+ Linh hồn là nắm giữ vai trò trọng yếu hình thành nên nhân cách, tư tưởng, chính vì vậy nó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với những gì xác thịt đã tạo nên, chứ không thể giống như hồn Trương Ba, rõ ràng đã “dung túng” cho thể xác, rồi cuối cùng lại đổ hết tội lỗi cho nó để bảo vệ sĩ diện của mình.
– Cuộc tranh luận gay gắt giữa hồn và xác chính là cuộc đấu tranh liên tục trong mỗi cá nhân, là sự đấu tranh tư tưởng giữa linh hồn và thể xác trong cuộc sống để hoàn thiện nhân cách đạo đức, và rèn luyện được khả năng làm chủ bản thân, giữ cho phần “người” ưu thế hơn phần “con” của chính chúng ta trong xã hội.

* Con người phải được sống một cách toàn vẹn cả phần hồn và phần xác, không thể trong một đằng ngoài một nẻo:
– Hồn Trương Ba đã khẳng định với Đế Thích “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. => Nhận ra sự chắp vá kệch cỡm kỳ dị này là vô cùng vô lý, nó đã khiến cho ông và cả những người xung quanh ông phải chịu đau khổ, giày vò.
– Việc Trương Ba quyết trả lại xác cho anh hàng thịt:
+ Bảo vệ cho phần hồn của mình được những giá trị cao khiết, trong sáng chứ không phải sự đổ đốn vì sự chi phối của xác thịt.
+ Là một lựa chọn đúng đắn, sáng suốt và đầy đạo đức, người ta không thể vì ham sống mà làm hại những người xung quanh mình phải khổ sở được.
+ Người ta cũng không thể sống mà hồn một đằng xác một nẻo, không thống nhất biện chứng với nhau được.
=> Người ta chỉ có thể sống một cách toàn vẹn và chân thực khi có sự thống nhất ăn ý giữa hồn và xác, chứ không phải kiểu chắp vá hồn một đằng xác lại một nẻo được.

* Con người luôn đấu tranh để hoàn thiện nhân cách:
– Đế Thích gợi ý cho hồn Trương Ba ngụ vào xác của cu Tị, nhưng Trương Ba từ chối. => Đó lại cũng là một thử thách lớn đối với hồn Trương Ba.
– Trong cuộc chiến đấu gay gắt giữa phần hồn (phần người) – tượng trưng cho sự cao khiết, thanh sạch và phần xác (phần con) – tượng trưng cho những khao khát, nhục dục tầm thường, thì phần người, phần nhân cách cuối cùng cũng chiến thắng, thoát khỏi sự quyến rũ của việc được tiếp tục sống, được tận hưởng.
=> Minh chứng rõ nét nhất cho sự cao thượng, vẻ đẹp của đạo đức và khát khao hoàn thiện nhân cách từ bao đời nay của con người.

* Một số triết lý khác:
– “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm”, nhằm khuyên nhủ con người không nên vì lòng ích kỷ của cá nhân mà gượng ép sửa chữa để rồi cuối cùng mọi chuyện càng trở nên không thể cứu vãn được, đồng thời lại còn khiến những người khác phải chịu tổn thương.
– Trương Ba nói với Đế Thích “ông phải tồn tại lấy chứ”, lúc nhân vật này bảo rằng Trương Ba là lẽ sống của mình. Điều đó đã ngầm nhắc nhở mỗi chúng ta rằng bản thân sống không phải là dựa dẫm vào người khác, mà phải có mục tiêu lý tưởng riêng cho bản thân mình, chứ không thể cứ mãi bám theo cái bóng của người khác để tìm kiếm giá trị của bản thân được.

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận.

II. Bài văn mẫu Phân tích triết lý sống trong Hồn Trương Ba da hàng thịt

Lưu Quang Vũ đến với thể loại kịch nói và thực sự tìm thấy sở trường của mình sau khi đã tham gia sáng tác ở nhiều mảng cả thơ, truyện ngắn mà vẫn chưa để lại nhiều dấu ấn trên văn đàn Việt Nam. Với cái nhìn thấu đáo, mới mẻ và thực tế của một người lính từng trải qua chiến trường và đi qua những năm tháng đất nước đang chuyển mình đổi mới với nền kinh tế bao cấp lạc hậu, nhiều khó Lưu Quang Vũ đã cho ra đời đến gần 50 vở kịch lớn nhỏ, phản ánh nhiều khía cạnh của xã hội lúc bấy giờ. Kịch của ông thời điểm đó rất được người dân ưa chuộng bởi lối viết rất tinh tế, rất đời, lại đậm tính triết lý nhân văn sâu sắc. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến vở Hồn Trương Ba da hàng thịt được tác giả dựng lại từ một câu chuyện dân gian cùng tên, nói về bi kịch của một người là Trương Ba chết oan vì sự tắc trách của các quan trên thiên đình, cuối cùng được cho sống lại dưới xác của anh hàng thịt. Sự sống lại kỳ dị ấy của Trương Ba đã khiến cuộc sống của hai gia đình đảo lộn, đồng thời gây nên đau khổ cho chính bản thân ông, vì sống mà trong ngoài bất nhất, không thể sống theo ý mình. Việc biến một câu chuyện dân gian thành một vở bi kịch đã mang đến cho người đọc nhiều triết lý sống sâu sắc, thông qua suy nghĩ, lời thoại của hồn Trương Ba.

Trương Ba vốn là một người làm vườn khéo léo, chăm chỉ, giỏi đánh cờ, lại hiền lành, có lối sống thanh cao, trong sạch nên được mọi người yêu mến kính trọng. Bi kịch bắt đầu khi Nam Tào cai quản sổ sinh tử trên thiên đình vì vội đi dự tiệc mà gạch nhầm tên của Trương Ba, khiến ông chết bất ngờ và đầy oan ức. Chuyện ông chết đến tận gần một tháng sau thì Đế Thích vốn là tiên, đồng thời là bạn cờ tri kỷ của ông, mới biết chuyện. Vì thương cho Trương Ba chết oan uổng, lại tiếc vì mất đi một tay đấu cờ giỏi, thế nên Trương Ba đã khuyên Nam Tào, Bắc Đẩu nên “sửa sai” bằng cách cho hồn Trương Ba được sống lại vào xác anh hàng thịt vừa mới chết hôm qua, bởi lẽ xác của Trương Ba đã bị mục rữa, không thể chứa hồn được nữa. Câu chuyện sống lại kỳ dị của Trương Ba đã đem đến cho cả hai gia đình một phen rối bời, nhưng vì Trương Ba trong xác hàng thịt đã chứng minh được mình là Trương Ba nên quay trở về nhà mình và bắt đầu cuộc sống với thân xác mới. Những tưởng mọi chuyện sẽ êm đẹp, nhưng hàng loạt bi kịch đã xảy đến, khiến Trương Ba vô cùng đau khổ. Nếu như theo cốt truyện dân gian cũ, thì sau khi Trương Ba về nhà với thân xác mới thì ông tiếp tục an hưởng cuộc sống với vợ con mình, mang đến một triết lý rất đơn giản: Đề cao sự quan trọng, tuyệt đối của phần hồn, đem tách rời giữa linh hồn và thể xác làm hai khía cạnh, trong khi hồn nắm giữ mọi tư tưởng, quyết định, còn xác chỉ đơn giản là cái xác, không có hồn thì xác chỉ là một cái túi thịt không hơn không kém, không có suy nghĩ, tư tưởng. Tuy nhiên đến với ngòi bút của Lưu Quang Vũ, mối quan hệ giữa hồn và xác được nhìn nhận một cách sâu sắc và đậm tính triết lý. Tác giả vẫn đi vào khẳng định vai trò cao hơn của linh hồn, thông qua các sự kiện Trương Ba nhớ ký ức của mình, cũng như tình cảm dành cho gia đình và dẫn theo xác anh hàng thịt về nhà sinh sống, cùng với việc các thành viên trong gia đình qua những cử chỉ, thói quen và ký ức chính xác của Trương Ba cũng nhanh chóng chấp nhận Trương Ba dưới xác anh hàng thịt, mặc dù điều đó là rất khó khăn. Tuy nhiên Lưu Quang Vũ không chỉ đơn giản là khẳng định vai trò của linh hồn so với thể xác, mà còn đưa ra mối quan hệ mật thiết gắn bó hữu cơ giữa phần xác và phần hồn. Linh hồn Trương Ba sau một thời gian sống trong xác anh hàng thịt thì dần nhận ra sự thay đổi của bản thân, mà chúng ta gọi đó là sự tha hóa. Ông bắt đầu thích uống rượu, ăn tiết canh, thích ăn ngon, nước cờ đi cũng khác xưa, thậm chí ông còn ham bán thịt lợn hơn cả chơi cờ. Trước sự thay đổi đến mức bị người hàng xóm phê bình rằng ông đổi tính, đổi nết Trương Ba đã rất đau khổ, ông cảm thấy căm ghét và ghê tởm cái thể xác âm u, đui mù này ghê gớm, ông ước mình có thể thoát khỏi nó dù một chút thôi. Như vậy ta có thể nhận thấy rằng bản thân Trương Ba bắt đầu chán ghét cuộc sống hồn một đằng, xác một nẻo và ông bắt đầu nhận thức được sự không thích hợp của cả hai, thế nên ông mới cảm thấy ngột ngạt và muốn thoát khỏi nó để dễ thở hơn. Sự không hòa hợp giữa hồn và xác càng được làm rõ thông qua cuộc tranh luận giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt. Hồn Trương Ba luôn tự tin vì mình có một tâm hồn trong sạch, thanh cao, khác hẳn với cái xác tầm thường chỉ toàn những ham muốn phàm tục. Thế nhưng những tưởng hồn sẽ thắng thế, nhưng cái xác với giọng điệu mỉa mai, lý lẽ sắc bén đã liên tục phản biện lại, nó chỉ ra bản thân hồn Trương Ba đã thay đổi ra sao, thích ăn ngon, thích uống rượu, hơn thế nữa còn chút nữa thì không kiềm lòng được trước người vợ trẻ trung của anh hàng thịt trong một đêm nọ, chỉ ra việc ông đã tát thằng con trai đến hộc cả máu mồm việc mà trước đây ông chẳng bao giờ làm thế,… Những biểu hiện tha hóa ấy đã giáng một cái tát thật mạnh vào hồn Trương Ba khiến ông thấy xấu hổ vô cùng vì sự đổ đốn kỳ lạ của bản thân. Thế nhưng Trương Ba vẫn không chấp nhận sự thật rằng bản thân đã thay đổi, ông cố chấp cho rằng chính những cái ham muốn tầm thường, nhục dục của cái xác “âm u, đui mù” đã làm vấy bẩn linh hồn ông, khiến ông thay đổi mặc dù bản thân ông không muốn. Nhưng xác lập tức vạch trần sự hoang mang của hồn bằng việc chỉ trích ông là kẻ ưa sĩ diện, hay tự ái, mỗi khi tham gia vào việc gì xấu xa thì lại muốn đẩy hết trách nhiệm cho cái xác, để bản thân mình được thanh thản và tâm hồn vẫn luôn cao khiết, thánh thiện. Như thế có thể thấy tuy phần hồn Trương Ba vẫn luôn muốn điều khiển sự ham muốn cái xác, tuy nhiên vì sự không phù hợp về bản chất thế nên ngược lại ông bị cái xác người hàng thịt chi phối lại, và thường làm ra những chuyện khác xa với bản tính trong vô thức, đến khi nhận ra thì lại hối hận không kịp. Từ đó ta rút ra một triết lý rằng giữa phần hồn và phần xác phải có một sự thống nhất hữu cơ chặt chẽ, xác nắm giữ vai trò nhận thức lý tính, là cơ sở để chứa đựng linh hồn, đồng thời cho linh hồn nhận thức cảm tính, xây dựng nên vẻ đẹp của tâm hồn, cả hai phải phối hợp chặt chẽ ăn ý với nhau, thì mới có thể trở thành một con người toàn vẹn và sống đúng với bản thân mình được. Bản thân xác thịt cũng có những như cầu nhất định, được ăn uống chăm sóc, mà các nhu cầu sinh lý khác cần được thỏa mãn, nhưng phần hồn phải khống chế và điều khiển được những nhu cầu ấy sao cho hợp lý, chứ không thể bị xác thịt điều khiển. Bởi vì là một thực thể thống nhất, trong đó linh hồn là nắm giữ vai trò trọng yếu hình thành nên nhân cách, tư tưởng, chính vì vậy nó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với những gì xác thịt đã tạo nên, chứ không thể giống như hồn Trương Ba, rõ ràng đã “dung túng” cho thể xác, rồi cuối cùng lại đổ hết tội lỗi cho nó để bảo vệ sĩ diện của mình. Có thể thấy rằng cuộc tranh luận gay gắt giữa hồn và xác chính là cuộc đấu tranh liên tục trong mỗi cá nhân, là sự đấu tranh tư tưởng giữa linh hồn và thể xác trong cuộc sống để hoàn thiện nhân cách đạo đức, và rèn luyện được khả năng làm chủ bản thân, giữ cho phần “người” ưu thế hơn phần “con” của chính chúng ta trong xã hội.

Triết lý thứ hai nữa của tác phẩm nằm ở việc hồn Trương Ba quyết định trả lại xác cho anh hàng thịt, còn mình thì chấp nhận chết đi thật sự. Hồn Trương Ba đã khẳng định với Đế Thích “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Nhân vật này đã nhận ra sự chắp vá kệch cỡm kỳ dị này là vô cùng vô lý, nó đã khiến cho ông và cả những người xung quanh ông phải chịu đau khổ, giày vò, thà rằng ông thật sự chết hẳn thì có lẽ giờ đây gia đình ông đã yên ổn trở lại, và mọi người vẫn nhớ về ông với tấm lòng thương yêu, kính trọng chứ không phải là sự lạ lẫm, ghê sợ, và xa lánh như ngày hôm nay. Thế nên ông quyết trả lại xác cho anh hàng thịt, để bảo vệ cho phần hồn của mình được những giá trị cao khiết, trong sáng chứ không phải sự đổ đốn vì sự chi phối của xác thịt. Đó chính là một lựa chọn đúng đắn, sáng suốt và đầy đạo đức, người ta không thể vì ham sống mà làm hại những người xung quanh mình phải khổ sở được. Hơn thế nữa người ta cũng không thể sống mà hồn một đằng xác một nẻo, không thống nhất biện chứng với nhau được, điều ấy được chỉ ra trong vở kịch, người ta đã nhìn nhận rất rõ sự sai lệch giữa linh hồn và thể xác, khiến nó trở thành một sự chắp vá kệch cỡm vô cùng. Linh hồn Trương Ba thích làm vườn, lại chăm chỉ, khéo léo và rất yêu cây, khi sống trong xác hàng thịt ông vẫn giữ thói quen ấy, thế nhưng sự thô lỗ, vụng về của cái xác đã làm gãy tiệt cái chồi non, bàn chân to như cái xẻng đã xéo nát hết cả mấy cây sâm quý, rồi đôi tay giết heo đã làm hỏng luôn cả cái diều mà cu Tị hằng yêu quý,… Sự không thống nhất, đã khiến cho mọi việc trở nên bung bét cả ra, bởi những công việc khéo léo, tỉ mẩn ấy không dành cho người vai u thịt bắp quen việc giết mổ, mà là để dành cho người có đôi bàn tay cẩn thận, gầy guộc giống như cái xác cũ của Trương Ba thì mới phù hợp. Cuối cùng người đọc rút ra một chân lý rằng người ta chỉ có thể sống một cách toàn vẹn và chân thực khi có sự thống nhất ăn ý giữa hồn và xác, chứ không phải kiểu chắp vá hồn một đằng xác lại một nẻo được.

Một chi tiết khác cũng đậm tính triết lý trong truyện ấy là việc Đế Thích gợi ý cho hồn Trương Ba ngụ vào xác của cu Tị, nhưng Trương Ba từ chối. Đó lại cũng là một thử thách lớn đối với hồn Trương Ba, bởi Đế Thích cho rằng ông không thích cái xác thô lỗ của anh hàng thịt, có lẽ ông sẽ thích xác của cu Tị hơn. Thế nhưng Trương Ba đã từ chối, ông chấp nhận cái chết, chứ không giẫm vào vết xe đổ ấy lần nữa bởi bi kịch không thể tiếp tục tái diễn bằng một bi kịch tương tự nữa. Từ đó ta hiểu ra rằng trong cuộc chiến đấu gay gắt giữa phần hồn (phần người) – tượng trưng cho sự cao khiết, thanh sạch và phần xác (phần con) – tượng trưng cho những khao khát, nhục dục tầm thường, thì phần người, phần nhân cách cuối cùng cũng chiến thắng, thoát khỏi sự quyến rũ của việc được tiếp tục sống, được tận hưởng. Đó là minh chứng rõ nét nhất cho sự cao thượng, vẻ đẹp của đạo đức và khát khao hoàn thiện nhân cách từ bao đời nay của con người. Có lẽ câu “chết vinh còn hơn sống nhục” nó lại khá đúng trong trường hợp này.

Đọc hết vở kịch của Lưu Quang Vũ ta phát hiện ra rằng ngoài cốt truyện đầy bi kịch và những triết lý chủ đề của tác phẩm , thì bản thân tác giả thông qua lời nhân vật cũng thường xuyên đưa vào những lời thoại mang tính chất triết lý nhân văn sâu sắc, khiến người đọc không chỉ nhìn nhận những nội dung chính như việc sống toàn vẹn thống nhất giữa thể xác và tâm hồn hay việc đấu tranh để hoàn thiện nhân cách cao thượng của con người, mà còn học thêm được nhiều điều khác. Khiến độc giả được mở rộng được tầm nhìn của mình với cuộc sống ví như trích lời Trương Ba: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm”, nhằm khuyên nhủ con người không nên vì lòng ích kỷ của cá nhân mà gượng ép sửa chữa để rồi cuối cùng mọi chuyện càng trở nên không thể cứu vãn được, đồng thời lại còn khiến những người khác phải chịu tổn thương. Như bản thân Nam Tào thì vì tắc trách lại muốn bưng bít tội trạng của mình, còn Đế Thích thì cứ tiếc mãi một người bạn chơi cờ hay, thành thử đã gây nên cho Trương Ba và những người bên cạnh ông ta một loạt các bi kịch. Hoặc khi Trương Ba nói với Đế Thích “ông phải tồn tại lấy chứ”, lúc nhân vật này bảo rằng Trương Ba là lẽ sống của mình. Điều đó đã ngầm nhắc nhở mỗi chúng ta rằng bản thân sống không phải là dựa dẫm vào người khác, mà phải có mục tiêu lý tưởng riêng cho bản thân mình, chứ không thể cứ mãi bám theo cái bóng của người khác để tìm kiếm giá trị của bản thân được (bởi Đế Thích đánh cờ với Trương Ba thì luôn thắng).

Hồn Trương Ba da hàng thịt là một vở kịch hay mang đậm giá trị nhân văn và các triết lý nhân sinh sâu sắc, khuyên nhủ con người ta phải biết đấu tranh để hoàn thiện nhân cách của mình, phải sống được là chính mình, không thể sống mà trong ngoài bất nhất rồi cuối cùng phải chịu đau khổ, bi kịch. Bên cạnh đó cũng giáo dục con người không thể vì lòng ích kỷ riêng mà làm những chuyện ảnh hưởng đến người khác. Dẫu kết thúc câu chuyện là bi kịch thế nhưng đó lại là cái kết hợp lý nhất, làm thỏa mãn độc giả hiện đại.

————————-HẾT——————————-

Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch chứa đựng nhiều triết lí nhân sinh của Lưu Quang Vũ, tìm hiểu về nội dung, giá trị của vở kịch, bên cạnh bài Phân tích triết lý sống trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, các em có thể tham khảo: Phân tích truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Phân tích đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Cảm nhận về Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Hàm ý nhà viết kịch Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm qua đối thoại hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button