Giáo dục

Phân tích quá trình hồi sinh của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở

Đề bài: Phân tích quá trình hồi sinh của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở

phan tich qua trinh hoi sinh cua chi pheo tu khi gap thi no

This post: Phân tích quá trình hồi sinh của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở

Phân tích quá trình hồi sinh của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở

I. Dàn ý Phân tích quá trình hồi sinh của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở

1. Mở bài
– Giới thiệu về truyện ngắn Chí Phèo và nhân vật Chí Phèo
– Dẫn dắt đến chi tiết: sự hồi sinh của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở.

2. Thân bài

* Khái quát về Chí Phèo sau khi ra tù:
+ Trở thành tay sai cho Bá Kiến
+ Triền miên trong những cơn say, trong những lần rạch mặt ăn vạ.
=> Dần trở thành “con quỷ dữ làng Vũ Đại”.
+ Trong một lần say rượu → gặp gỡ bất ngờ với Thị Nở

* Sự thay đổi từ khi gặp Thị Nở:

– Buổi sáng hôm sau:
+ Tỉnh dậy từ cơn say, lần đầu tiên tỉnh táo từ sau khi ra tù
+ Hắn thấy “bâng khuâng, mơ hồ buồn”
+ Nghe được những âm thanh của cuộc sống “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng của mấy bà đi chợ về”.
+ Nhớ về những ước mơ thời trai trẻ “Có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải”.
+ Nhận thức về hoàn cảnh hiện tại của bản thân “hắn đã tới cái dốc bên kia của cuộc đời”.
+ Nỗi sợ hãi mơ hồ “sợ tuổi già, đói rét, ốm đau và cô độc”.
=> Chí đã dần tìm lại những tình cảm, nhận thức, lí chí của một con người, đây là dấu hiệu của sự hồi sinh

– Khi Thị Nở bước vào:
+ Chí xúc động, hắn thấy “mắt hình như ươn ướt” bởi lần đầu tiên có người đối xử tốt với hắn như vậy.
+ Chí thấy “lòng thành trẻ con, muốn làm nũng với thị như với mẹ”.
+ Khát khao lương thiện trỗi dậy “Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người”.
+ Mong muốn có một gia đình nhỏ với Thị Nở “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?”, “hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”.
=> Chí Phèo đã thức tỉnh hoàn toàn, phần người bên trong Chí đã được hồi sinh.

3. Kết bài

Đánh giá về sự thức tỉnh của Chí Phèo.

II. Bài văn mẫu Phân tích quá trình hồi sinh của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở (Chuẩn)

Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nam Cao viết về những người nông dân nghèo. Qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao không chỉ lên án hiện thực xã hội đen tối đã đẩy con người vào bước đường tha hóa mà còn thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc khi hướng con người. Nhà văn đã dùng tình thương và tấm lòng cảm thông để phát hiện, bênh vực và trân trọng những phẩm chất tốt đẹp bên trong Chí Phèo- người được coi là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Ta có thể thấy rất rõ điều này qua những miêu tả của nhà văn Nam Cao về quá trình hồi sinh của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở.

Từ sau khi ra tù, Chí Phèo trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến, hắn triền miên trong những cơn say, trong những lần rạch mặt ăn vạ. Men rượu và những hành động lưu manh của một tay sai đã biến Chí trở thành “con quỷ dữ” trong mắt mọi người. Có lẽ cuộc sống của Chí Phèo sẽ mãi mơ hồ, hắn sẽ mãi sống trong hơi rượu và tội ác nếu không có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng cũng đẹp đẽ, hạnh phúc nhất với Thị Nở.

Thị Nở là người đàn bà xấu “ma chê quỷ hờn”, nhà lại có mả hủi, tính tình không được sáng suốt, nhanh nhẹn nên bị cả làng hắt hủi, coi thường. Cuộc gặp gỡ tình cờ không chỉ gắn kết giữa hai con người dưới đáy xã hội mà còn đánh thức phần nhân tính đã “ngủ quên”, giúp Chí Phèo hồi sinh sau một chuỗi ngày trượt dài trong tội ác. Sáng hôm sau, khi Chí Phèo tỉnh dậy từ cơn say thì “trời đã sáng từ lâu”, đây cũng là lần đầu tiên từ khi ra tù mà hắn tỉnh táo. Giây phút tỉnh táo hiếm hoi này khiến Chí nhận thức được thế giới xung quanh, nhận thức được chính mình, gắn thấy “bâng khuâng, mơ hồ buồn”.

Chí nghe được những âm thanh quen thuộc của cuộc sống “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng của mấy bà đi chợ về”. Đó là những âm thanh của cuộc sống lao động bình dị, những âm thanh ấy ngày nào cũng có, thế nhưng với Chí nó thật đặc biệt bởi đã lâu lắm rồi hắn không nghe thấy, vì hôm nay hắn đã hết say. Cũng chính âm thanh của cuộc sống đã làm Chí nhớ về những ước mơ giản đơn thời trai trẻ “Có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Chí từng là một anh canh điền hiền lành, hắn mơ ước có một gia đình nhỏ và sống lương thiện cả đời, thế nhưng chỉ vì sự lăng loàn của bà Ba và sự ghen tuông vô lí của Bá Kiến đã phá vỡ tất cả. Chí phải đi tù, ra tù lại bị Bá Kiến chi phối để rồi trở thành một tên lưu manh bị cả làng khinh ghét. Trở về thực tại, Chí thấy cuộc đời mình thật đáng buồn, hắn không có gì trong tay “hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc”, “hắn đã tới cái dốc bên kia của cuộc đời”. Thế nhưng, với Chí tuổi già, đói rét, ốm đau không đáng sợ, điều đáng sợ nhất là sự cô độc. Sau cơn say dài, sau khi tỉnh rượu Chí đã nhận thức được thế giới xung quanh, hiểu được những khát khao và cả những nỗi sợ hãi mơ hồ sâu kín trong lòng mình. Chí đã dần tìm lại những tình cảm, nhận thức, lí chí của một con người, đây là dấu hiệu của sự hồi sinh.

Khi Chí đang đắm chìm trong những suy nghĩ miên man thì Thị Nở vào mang theo một nồi cháo hành nóng hổi. Sự xuất hiện bất ngờ cùng hành động quan tâm đầy ấm áp của Thị Nở khiến Chí xúc động, hắn thấy “mắt hình như ươn ướt”, bởi trong cuộc đời Chí, chưa có người đàn bà nào đối tốt với hắn như vậy “đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi bàn tay đàn bà. Trước hành động chăm sóc ân cần của Thị Nở, Chí thấy “lòng thành trẻ con, hắn muốn làm nũng với Thị như làm nũng với mẹ…”. Lúc này hắn cũng hiền lành, lương thiện như bất kì một người nông dân lương thiện nào khác, hắn hiền lành đến khó tin “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt ăn vạ, đâm chém người”. Có thể nói phần lương tri của Chí đã thức tỉnh, Chí đã tìm thấy con người thật của mình.

Nhân tính thức tỉnh, Chí nhận thức thấm thía khát khao cháy bỏng trong lòng mình, hắn muốn trở về cuộc sống lương thiện trước kia, muốn được bắt đầu một cuộc sống mới và thèm được làm hòa với mọi người “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao…”. Không chỉ khát khao lương thiện, Chí Phèo còn mong muốn có một mái ấm gia đình đúng nghĩa. Hắn trân trọng và khát khao về một hạnh phúc bình dị, đơn sơ “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ”. Không chỉ ấp ủ trong lòng mà Chí đã bộc lộ trực tiếp với Thị Nở, lời bày tỏ “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui” đã thể hiện được mong muốn, sự chân thành của Chí.

Qua việc miêu tả quá trình hồi sinh của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở, nhà văn Nam Cao đã thể hiện sâu sắc tình thương, tấm lòng cảm thông với những con người bất hạnh. Nhà văn không chỉ nhìn nhận họ ở diện mạo, hành động bên ngoài mà hướng ngòi bút khám phá phần người bên trong để thấy được những phẩm chất đáng trân trọng. Qua sự hồi sinh của Chí Phèo, Nam Cao muốn khẳng định vẻ đẹp, sức mạnh của sự lương thiện, đó là phần bản chất tự nhiên, tốt đẹp mà không có thế lực tàn bạo nào có thể hủy diệt.

——————HẾT——————

Để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về bi kịch của người nông dân trong xã hội xưa, bên cạnh quá trình hồi sinh của Chí Phèo, các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Phân tích con đường tha hoá của Chí Phèo, Ý nghĩa cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến trong truyện Chí Phèo, Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo, Hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo.

Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button