Giáo dục

Phân tích nhân vật cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên của An-đéc-xen

Đề bài: Phân tích nhân vật cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên của An-đéc-xen

phan tich nhan vat co be ban diem trong truyen ngan cung ten cua an dec xen

This post: Phân tích nhân vật cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên của An-đéc-xen

Phân tích nhân vật cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên của An-đéc-xen

I. Dàn ý Phân tích nhân vật cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên của An-đéc-xen (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát tác giả An-đéc-xen, truyện ngắn “Cô bé bán diêm”
– Dẫn dắt đến nhân vật cô bé bán diêm: Là một em bé có hoàn cảnh bất hạnh

2. Thân bài

* Phân tích nhân vật cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên của An-đéc-xen
– Khái quát hoàn cảnh của cô bé bán diêm:
+ Bà và mẹ qua đời, ở với cha, hay bị đánh và bị chửi mắng
+ Nhà nghèo phải đi bán diêm kiếm sống

– Cô bé bán diêm có số phận bất hạnh, chịu nhiều tổn thương:
+ Chịu đói chịu rét trong đêm giao thừa, có nhà nhưng không dám về
+ Sự vô tâm thờ ơ của mọi người xung quanh…(Còn tiếp)

>>Xem chi tiết Dàn ý Phân tích nhân vật cô bé bán diêm tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên của An-đéc-xen (Chuẩn)

An-đéc-xen là nhà văn Đan Mạch nổi tiếng với thể loại truyện kể cho trẻ em, trong đó, tác phẩm quen thuộc với bạn đọc trên khắp thế giới phải kể đến là “Cô bé bán diêm”. Truyện hấp dẫn người đọc bởi sự đan xen giữa hiện thực và mộng tưởng, bên cạnh đó, hình ảnh cô bé bán diêm trong đêm giao thừa đã gợi cho chúng ta lòng thương cảm sâu sắc đối với một em bé nghèo khổ, đáng thương.

Trước hết, cô bé bán diêm có một hoàn cảnh bất hạnh, sớm đã mồ côi mẹ, bà là người yêu thương em nhất cũng bỏ em mà đi, sống với cha trong hoàn cảnh nghèo khổ, em phải đi bán diêm. Ngày qua ngày, cô bé với giỏ diêm trên tay lầm lũi đi qua từng góc phố, con đường, ngày nào không bán được, em sẽ bị người cha đánh mắng. Cô bé vừa thiếu thốn tình cảm lại phải chịu đựng cảnh bạo lực gia đình, chịu nhiều tổn thương cả về tinh thần lẫn thể xác. Trong đêm giao thừa, một đêm đặc biệt nhất, đêm kết thúc một năm và bắt đầu một năm mới, ngoài kia người ta sum vầy, quây quần bên nhau ấm cúng bao nhiêu thì cô bé bán diêm lại lẻ loi, đơn độc bấy nhiêu. Giữa trời mưa tuyết rét mướt lạnh cóng, đôi chân trần của em lê hết các con phố ngõ ngách để bán những bao diêm, cả một ngày em chưa được ăn, phải chống lại cái lạnh, cái đói để bán diêm thế nhưng cũng không bán được bao diêm nào. Càng về đêm trời càng lạnh, cái lạnh và đói đang đày đọa em, dù có vậy em vẫn không dám về nhà, bởi “về nhà mà không bán được bao diêm nào”, không có tiền, em sẽ lại phải chịu đòn của cha, hơn nữa căn phòng trên gác mái của cha con em cũng chẳng khác gì ở ngoài trời. Ở lứa tuổi của cô bé, chúng ta đang được quây quần bên ông bà, cha mẹ ăn những bữa tiệc thịnh soạn và chuẩn bị chào đón năm mới, ấy vậy mà em lại phải chịu sự thờ ơ, vô tâm và lạnh lùng đến đáng sợ của những người xung quanh. Họ không hề để ý đến em, chẳng ai quan tâm, đoái hoài đến hoàn cảnh và nỗi khổ của em. Em không nhận được sự yêu thương và đồng cảm từ mọi người, điều đó càng khiến ta cảm thấy xót xa cho tình cảnh đáng thương của cô bé bán diêm. Trái tim người đọc như thắt lại bởi hoàn cảnh của cô bé bán diêm quá đỗi thực tế, xã hội có rất nhiều em bé phải chịu cảnh như em, sớm đã phải chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh và khổ sở.

Nép mình vào một góc tường trên hè phố, cô bé bán diêm đáng thương quẹt những que diêm sưởi ấm cho đôi tay, đôi chân đã tê cứng vì lạnh. Từng que diêm được em đốt lên bằng cả niềm khao khát và ước muốn, ngọn lửa của que diêm hiện ra nào là bàn ăn thịnh soạn với ngỗng quay, nào là lò sưởi đang cháy và cây thông Noel đều là những thứ cần thiết trong hoàn cảnh đói rét bơ vơ của em. Cho đến khi gặp được bà trong ngọn lửa que diêm, em đã vui sướng biết bao, em khao khát được đi theo bà, cầu xin Thượng Đế cho em được ở cùng bà, và cuối cùng em đã được toại nguyện. Tuy những que diêm chỉ mang lại những ảo ảnh nhưng lại là hạnh phúc thực sự đối với cô bé bán diêm, “Bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa”. Cái chết của em thật nhẹ nhàng, như một sự giải thoát cho kiếp người bất hạnh khốn khổ của em, thế nhưng nó phản ánh một sự thật đau lòng rằng em đã phải chết giữa dòng người vô tâm, lãnh đạm và thờ ơ, chính xã hội đó đã giết chết những con người như em, nếu người ta có tình thương, có lòng nhân ái có lẽ số phận của em đã khác.

Nhân vật cô bé bán diêm đã để lại trong lòng người đọc những hoài niệm, những suy nghĩ khôn nguôi về số phận con người, khơi dậy trong mỗi chúng ta lòng thương cảm đối với những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Chúng ta may mắn là những “chiếc lá” lành lặn phải có trách nhiệm giúp đỡ và đùm bọc cho những “chiếc lá” kém may mắn hơn, đó là lòng nhân ái và tình thương mà con người cần có dành cho nhau.

———————HẾT——————-

Cô bé bán diêm là một trong những truyện ngắn nước ngoài hay và giàu ý nghĩa nhất được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 8, để tìm hiểu về truyện ngắn này, bên cạnh bài Phân tích nhân vật cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn An-đéc-xen, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nghĩ về nhân vật cô bé bán diêm trong truyện ngắn Cô bé bán diêm của An-đec-xen, Cảm nghĩ về cái kết truyện Cô bé bán diêm, Cảm nhận về truyện Cô bé bán diêm, Thông điệp và tấm lòng nhân ái của nhà văn trong truyện Cô bé bán diêm, Hoá thân vào những que diêm để kể lại câu chuyện Cô bé bán diêm.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button