Đề bài: Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
This post: Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
I. Dàn ý Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều và đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, vấn đề: nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong 8 câu cuối.
2. Thân bài
– Giải thích:
+ Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình là mượn cảnh vật để gửi gắm tâm trạng.
+ Bút pháp tả cảnh ngụ tình được sử dụng đầy tài tình trong 8 câu thơ cuối đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.
–> Bộc lộ tâm trạng cô đơn, đau khổ và những dự cảm không lành về tương lai sóng gió của Thúy Kiều.
– Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong 8 câu cuối “Kiều ở lầu Ngưng Bích”:
+ “cửa bể chiều hôm”, “cánh buồm xa xa”: nỗi cô đơn, chơi vơi, lạc lõng của Thúy Kiều nơi đất khách.
+ “ngọn nước mới sa” và “hoa trôi man mác”: Gợi ra cái nhỏ bé, lênh đênh, trôi nổi của một kiếp người.
+ “nội cỏ rầu rầu”, “một màu xanh xanh”: thể hiện cho cuộc đời tàn lụi héo úa, một màu xanh nhợt nhạt, đơn sắc, đó là lúc tâm trạng Kiều vô cùng tuyệt vọng, chán nản.
+ “gió cuốn mặt duềnh”, “Ầm ầm tiếng sóng”: sóng biển gào thét dữ dội như chính sự đáng sợ của tương lai và viễn cảnh sau này của cuộc đời Kiều, Kiều lúc này lo sợ, sợ hãi đến hoảng loạn.
– Đánh giá chung: Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình góp phần truyền tải mỗi biểu hiện của cảnh đều phù hợp với từng trạng thái của tình. Thể hiện ngòi bút của Nguyễn Du hết sức tinh tế cả khi tả cảnh cũng như khi ngụ tình.
3. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề
II. Bài văn mẫu Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Chuẩn)
Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” trong thiên truyện Truyện Kiều của Nguyễn Du là tiêu biểu nhất cho nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật qua thủ pháp tả cảnh ngụ tình. Sau những câu thơ viết về hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều cũng như nỗi nhớ thương Kim Trọng và thương cha mẹ già, đại thi hào đã tập trung khắc họa tâm trạng của nàng Kiều trong 8 câu thơ cuối. Cả thảy tám câu thơ đều là tả cảnh ngụ tình thể hiện tâm trạng đau buồn, âu lo và sợ hãi của Kiều về cuộc đời, số phận, tương lai qua cách nhìn cảnh vật.
Để khắc tâm trạng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích “khóa xuân”, Nguyễn Du đã chọn cách biểu hiện “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”, nghĩa là tả cảnh ngụ tình. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình chính là mượn cảnh vật để gửi gắm (ngụ) tâm tình, tâm trạng con người. Cảnh ở đây không đơn thuần chỉ là cảnh vật bên ngoài của bức tranh thiên nhiên mà còn là cảnh trong bức tranh tâm trạng. Cảnh ở đây còn là phương tiện dùng để miêu tả, còn tâm trạng chính là mục đích mà của miêu tả. Cảnh ở tám câu thơ cuối này vẫn là tại lầu Ngưng Bích nhưng không gian là biển và thời gian là lúc chiều tà:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?”
Cảnh “cửa bể chiều hôm” vốn đã mang trong mình nỗi buồn man mác nay lại thấm đượm tâm trạng của con người khiến cho khung cảnh ấy càng thêm khắc khoải, sầu bi. Trong khung cảnh mênh mông, quạnh vắng của cửa bể xuất hiện hình bóng của con thuyền thấp thoáng, đó là sự hiện diện duy nhất của con người giữa hoàn cảnh cô đơn, cô quạnh của Kiều khi ở lầu Ngưng Bích. Con thuyền và cánh buồm xa xa khiến Kiều lại nhớ nhà, muốn được trở về với mái ấm gia đình, bên cha mẹ và người yêu của mình là chàng Kim. Tuy nhiên đường về nhà của nàng cũng xa vời và mịt mù như chính con thuyền thấp thoáng xa xăm ấy, có lẽ sẽ chẳng bao giờ nàng có thể trở về với cuộc sống trước kia. Cảnh ngộ ấy của kiều càng thêm xót xa khi nàng nhìn ra dòng nước:
“Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?”
“Ngọn nước mới sa” cũng giống như cuộc đời nhỏ bé của Kiều đã lạc lõng giữa cuộc đời rộng lớn. Hoàn cảnh đưa đẩy khiến cuộc đời nàng sớm đã phải chịu những sóng to gió lớn của biển đời, cuộc đời và số phận nàng như bông hoa trôi man mác giữa dòng nước, chẳng thể biết được là sẽ đi được đến đâu, sẽ đi về đâu. Nàng thương cho chính kiếp hồng nhan bạc phận của mình, thân phận nàng nổi nênh vô định, hoa mỏng manh, nhỏ bé như con người và hoàn cảnh bất lực không thể phản kháng hay chạy thoát của Thúy Kiều.
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”
Cái nhìn của Kiều không còn nhìn ra biển nữa mà nhìn về mặt đất, bầu trời, cả một không gian rộng lớn đang khỏa lấp khiến Kiều càng cảm thấy bản thân nhỏ bé, quạnh vắng. Hình ảnh “nội cỏ rầu rầu” gợi liên tưởng đến cuộc đời tàn lụi héo úa không còn sức sống, tương lai hay một tia hy vọng nào, trời và đất thảy đều là màu xanh xanh, một màu xanh nhợt nhạt, đơn sắc, đó là lúc tâm trạng Kiều vô cùng tuyệt vọng, chán nản. Hình ảnh cuối với nhiều sóng gió, bão dữ:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Gió cuốn mạnh trên mặt vụng biển khiến cho những con sóng ào ào xô tới tới vào bờ, tiếng sóng ầm ầm dữ dằn và gằn gào như một lời đe dọa đang bủa vây lấy chiếc ghế ngồi hay chính là cuộc đời của Kiều. Ngọn gió cuốn mặt duềnh và tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi là cách mà Nguyễn Du mượn cảnh để nói về những dự đoán tương lai của nàng Kiều. Một cuộc đời không bình yên sóng lặng mà đầy bão giông, những cơn bão với sóng gió sẽ kéo đến vùi dập cuộc đời của nàng. Tâm trạng Kiều khi ấy chính là sợ hãi, hoang mang, tiếng sóng và gió như là dự báo về một cuộc đời đầy sóng gió, bão táp đang chờ đợi Kiều ở phía trước. Nhưng dù có được sự báo thì nàng cũng chẳng thể gắng gượng hay làm điều gì để thay đổi được hiện thực trước mặt.
Ta phải thừa nhận rằng, cảnh tượng và bức tranh thiên nhiên xung quanh lầu Ngưng Bích được nhìn qua một tấm kính đó chính là tâm trạng của Kiều: cảnh đi từ từ xa đến gần, màu sắc của cảnh được tô từ nhạt đến đậm dần, âm thanh của cảnh cũng đi từ tĩnh lặng đến dữ dội, tâm trạng của Kiều chính vì thế mà đi từ nỗi buồn man mác, mông lung đến lo âu và kinh sợ. Và nhờ có tám câu thơ cuối cùng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tài hoa của Nguyễn Du ta đã có thể cảm nhận và cảm thương sâu sắc với Thúy Kiều nói riêng và số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa nói chung.
—————HẾT——————
Một trong những kết quả cần đạt khi các em học và làm bài văn về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là cảm nhận được tâm trạng cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Kiều. Để giúp các em đạt được kết quả đó, dưới đây là những bài các em có thể tham khảo: Cảm nhận về 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, Cảm nhận về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Cảm nhận 6 câu thơ đầu đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục