Đề bài: Anh/chị hãy Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn Hạnh phúc của một tang gia
This post: Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn Hạnh phúc của một tang gia
Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn Hạnh phúc của một tang gia
I. Dàn ý Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn Hạnh phúc của một tang gia (Chuẩn)
1. Mở bài
– Vũ Trọng Phụng là một trong những ngòi bút trào phúng châm biếm xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là trong nửa đầu của thế kỷ XX.
– Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Vũ Trọng Phụng là tiểu thuyết Số đỏ, đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia chính là đỉnh cao của ngòi bút châm biếm sắc sảo mang tên Vũ Trọng Phụng.
2. Thân bài
* Nghệ thuật châm biếm nằm ở nhan đề:
– “Hạnh phúc của một tang gia” => Nghịch lý gây tò mò và sửng sốt cho người đọc.
* Tình huống truyện trào phúng:
– Ông cụ chết nhưng cả nhà lại khấp khởi vui mừng “Ba hôm sau ông cụ già chết thật”
– Bản chất xấu xa và tệ hại của từng con người trong gia đình được bộc lộ thông qua những suy nghĩ và hành động của họ…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn Hạnh phúc của một tang gia tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn Hạnh phúc của một tang gia (Chuẩn)
Vũ Trọng Phụng là một trong những ngòi bút trào phúng châm biếm xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là trong những năm đầu của thế kỷ XX. Ông có một đôi mắt hiện thực với ánh nhìn sâu sắc, xuyên thấu tất cả những hào nhoáng, bóng bẩy sa hoa của tầng lớp thượng lưu giữa phố thị Hà Thành, dùng ngòi bút điêu luyện để vạch trần toàn bộ những mặt giả dối, bẩn thỉu đang được đắp lên mình cái vỏ thượng lưu thơm tho nhưng vẫn không thôi bốc mùi. Từ trong những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, bộ mặt thối nát của cái xã hội nhốn nháo Tây, Tàu, Ta lẫn lộn, đã khiến độc giả được nhiều phen cười ra nước mắt nhưng cũng rất thấm thía về một giai đoạn mà đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, ở thế giới “thượng lưu” ấy thứ gì cũng đáng giá, chỉ trừ một thứ ấy chính là nhân tính con người. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Vũ Trọng Phụng là tiểu thuyết Số đỏ, đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia chính là đỉnh cao của ngòi bút châm biếm sắc sảo mang tên Vũ Trọng Phụng.
Nói ngòi bút của Vũ Trọng Phụng là ngòi bút châm biếm sắc sảo bởi lẽ, lấy ví dụ đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, xuyên suốt là những dòng văn là sự châm biếm sâu sắc và sâu cay. Bắt đầu từ nhan đề, dẫu rằng nó không phải là đích thân tác giả đặt, thế nhưng nó lại chính là cái nhan đề hợp lý nhất cho tất cả những nghịch lý đầy đốn mạt của xã hội thời bấy giờ. Đó là một cái nhan đề rất ấn tượng, đảm bảo đọc một lần là nhớ mãi, bởi người ta có phần bị sốc bởi một đám tang mà lại được gắn thêm chữ hạnh phúc, thật bất thường và kỳ quặc làm sao? Bởi xưa nay người ta vẫn thường quen với những đám tang âu sầu ảo não, tiếng khóc than rợp trời, còn ngược lại đám tang nhà cụ cố Hồng lại tiềm ẩn những niềm “hạnh phúc” bí ẩn. Dẫu có phũ phàng, thế nhưng đó chính là cái thực tại xã hội hiện diện trong một gia đình ba, bốn thế hệ mà Vũ Trọng Phụng muốn nhắm vào.
Sau nhan đề mở đầu sự châm biếm, thì tình huống truyện chính là đỉnh cao của sự trào phúng. Dường như cụ ông chết, lại là ban phước cho đám con cháu bất hiếu, chẳng biết cả nhà ông Cố Hồng trông mong đến độ nào mà khi cụ ông chết, tác giả đã buông một câu rất nhẹ “Ba hôm sau ông cụ già chết thật”. Trong lòng đám con cháu có lẽ cái chết ấy đã mở ra một khởi đầu mới, mỗi người một toan tính cho riêng mình, nên họ mới có vẻ khấp khởi sung sướng như thế. Dưới ngòi bút sắc sảo của Vũ Trọng Phụng bộ mặt giả dối, vô liêm sỉ của từng con người trong gia đình ông cố Hồng được vạch trần một cách dí dỏm, giọng điệu hài hước nhưng đầy đả kích đối với xã hội thượng lưu thời bấy giờ. Từ một đám tang của cụ ông, người ta thấy được một ông Phán mọc sừng, vứt hết tôn nghiêm, lòng tự trọng của một người đàn ông để chìa đôi bàn tay phát điên lên vì tiền nhận lấy số tiền vài ngàn đồng mà ông cho đó là giá trị của “cặp sừng hươu vô hình” trên đầu mình. Không chỉ dừng lại ở đó, sự châm biếm của Vũ Trọng phụng còn nằm ở việc một kẻ không có lòng tự trọng như ông Phán lại hằng mong giữ “chữ tín” trả lại món tiền năm đồng cho Xuân tóc đỏ, khiến người ta phải lắc đầu ngao ngán về sự lố bịch, ẩm ương của một kẻ trí thức, ăn bám giới thượng lưu. Và thông qua hình tượng nhân vật ông Phán, người ta cũng ngầm thấy được hình ảnh của cô con gái cả nhà ông cố Hồng, cô Hoàng Hôn, một người đàn bà lăng loàn, trắc nết, đến mức chồng cô ta cũng tự nhận thấy sừng trên đầu mình không chỉ có một hai cái mà nó thậm chí sinh sôi nảy nở chẳng khác gì sừng hươu. Nếu người ta thấy ông Phán với bộ mặt đê tiện, tham lam thì người ta sẽ nhìn thấy ở cậu cháu đích tôn Văn Minh lại là một kẻ thủ đoạn và dĩ nhiên cũng tham tiền, nhưng ông ta tính toán đến món lợi lớn hơn, là cả cái gia sản được thừa kế. Một đứa cháu trai, nhưng trước cái chết của ông nội lại chỉ chăm chăm lo lắng về việc giải quyết chuyện Xuân tóc đỏ, và không thôi nghĩ về chuyện “cái chúc thư kia sẽ vào thời kỳ thực hành chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa”. Đó là bộ phận những con người hám lợi, còn gia đình nhà ông cố Hồng lại chủ yếu là những kẻ hám danh, to nhất chính là bà cụ, trước cái chết của ông chồng tội nghiệp thế nhưng bà ta cũng chỉ nghĩ đến làm một cái đám ma sao cho to, cho sang, đúng với đẳng cấp thượng lưu để cả thiên hạ người ta nhìn vào mà trầm trồ, ngưỡng mộ. Ông cố Hồng thì chỉ mơ đến lúc được “mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu…” để người ta biết được rằng ông đã làm chủ gia đình và được thiên hạ khen ngợi nữa. Như vậy rõ ràng tiếng khóc của ông Cố Hồng chính là sự châm biếm sâu sắc cho cái sự giả tạo kệch cỡm của nhân vật này, ông ta rõ ràng đang khóc như một diễn viên diễn tuồng và phía dưới có muôn người đang chỉ trỏ nhận xét. Bà Văn Minh cũng chẳng khác bố chồng là bao, cũng mong được mặc những bộ đồ xô gai tân thời nhất, dường như bà ta đang định biến đám tang của ông nội chồng thành sàn “catwalk” cho riêng mình, ham hư vinh đến thế là cùng. Còn cậu con trai út của ông cố Hồng là cậu tú Tân thì chỉ mong đến giờ phát tang, để cậu ta được trổ tài với mấy cái máy ảnh của mình, rõ ràng rằng đám tang của ông nội đã trở thành nơi cậu ta “tác nghiệp” với đam mê. Một trong những nhân vật ấn tượng nhất, có lẽ là cô Tuyết, một cô gái trẻ cũng mang trong mình cái bản chất đa dâm lăng loàn, chẳng thế thì sao cô lại mặc bộ đồ Ngây thơ bằng voan mỏng, trông như hở cả ngực để chứng minh rằng mình không hư hỏng như lời đồn. Đôi lúc tự hỏi rằng, cô Tuyết rốt cuộc đang nghĩ gì, hay là cô ta yêu đương mê đắm đến mức mù quáng mà lại làm ra cái hành động hài hước như vậy. Vũ Trọng Phụng viết “Thành thử tang gia ai cũng vui vẻ, trừ một mình Tuyết”, cô ta buồn đơn giản vì tình nhân Xuân đã biệt tăm mấy ngày, chứ nào phải là đau lòng ông nội mất, ơ thế hóa ra cô ta cố tình ăn mặc gợi cảm vậy cũng là để trông ngóng tình nhân ư? Một gia đình lớn, cái gì cũng có thế nhưng chỉ riêng đạo đức và nhân tính là dường như bị quên bẵng, như một đứa con ghẻ bị bỏ rơi.
Vượt ra ngoài khuôn khổ gia đình ông cố Hồng, nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng còn thể hiện ở việc miêu tả những phân cảnh của một đám tang thượng lưu. Bằng giọng văn hóm hỉnh, tự do người ta thấy được một đám tang với phong cách Tây – Tàu – Ta lẫn lộn, mà tác giả ví rằng trông như một cái hội chợ triển lãm. Người đi rước trông có vẻ lề lối và lịch sự thế nhưng bản chất lại là những câu chuyện vặt vãnh, những câu bông đùa, tán tỉnh lẫn nhau, dường như học chẳng thèm quan tâm xem ai chết, ai khóc. Nếu kể đến chi tiết châm biếm đặc sắc nhất có lẽ tôi đề cử 2 chi tiết, một là “Kèn Ta, kèn Tây, kèn Tàu thi nhau mà rộn lên”, chỉ một chi tiết nhỏ ấy thôi thế nhưng dường như nó đã bao trùm toàn bộ cái hoạt cảnh đám tang lố bịch đến độ chua chát này, nó còn vạch ra bản chất xã hội lúc bấy giờ với sự dung nhập những thứ văn hóa ngoại quốc một cách tràn lan và thiếu tổ chức. Cái còn lại nằm ở phần cuối đoạn trích, cảnh hạ huyệt ấy đã tố cáo và đả kích sâu sắc cái đạo đức bại hoại, giả tạo của giới thượng lưu. Có lẽ người ta sẽ sửng sốt hơn là phì cười bởi cảnh cậu tú Tân “luộm thuộm trong chiếc áo thụng trắng bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng, hoặc lau mắt như thế này, như thế nọ,…để cậu chụp ảnh lúc hạ huyệt. Bạn hữu của cậu cũng rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác để mà chụp ảnh cho khỏi giống nhau.” Riết rồi cái đám tang trở thành chỗ vui chơi giải trí của những kẻ thượng lưu ưa diễn kịch, ích kỷ và suy đồi đạo đức, nhân phẩm.
Nghệ thuật châm biếm của Vũ Trọng Phụng đạt đến mức độ sắc bén và sâu cay vô cùng, ngoài việc tạo dựng chủ đề và tình huống trào phúng thì còn chủ yếu dựa vào cách sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu đậm chất trào phúng. Từng có những ý kiến cho rằng ngôn ngữ của Vũ Trọng Phụng quá đỗi phóng túng, đôi lúc còn gợi tạo cảm giác dung tục không hề hợp với phong cách của một nhà văn chân chính. Thế nhưng phải nói lại rằng đó chính là bản chất của xã hội thượng lưu lúc bấy giờ và Vũ Trọng Phụng chỉ dám nói thật, chứ nào có những ý nghĩ khác, đó chính là trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của một nhà văn có tâm và có tầm. Có những lúc tác giả nói rất thẳng rằng “họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau”, nhưng cũng có những chỗ ông lại ý nhị rằng “Vẫn còn nhiều câu nói vui vẻ, ý nhị khác nữa, rất xứng đáng với những người đi đám ma”, cách nói ấy là thái độ mỉa mai và khinh khi tột độ của một con người chân chính trước những hoạt cảnh đầy ghê tởm của xã hội, đôi lúc nói không ngoa nhưng có lẽ xã hội ấy không phải là xã hội loài người nữa, bởi là người thì phải có nhân cách và đạo đức.
Hạnh phúc của một tang gia chính là trích đoạn thể hiện xuất sắc nhất ngòi bút châm biếm, trào phúng sắc sảo của Vũ Trọng Phụng. Ở đó người ta thấy được bộ mặt thật của một xã hội thượng lưu hào nhoáng, sang trọng nhưng bại hoại và thối nát, tiền tài, danh vọng và những ham muốn cá nhân được xếp lên trên tất cả, tình người và nhân phẩm trở thành thứ bỏ đi, bị chà đạp không thương tiếc. Văn chương Vũ Trọng Phụng trước tiên luôn gây những tiếng cười, bởi sự hài hước và hóm hỉnh sâu cay, thế nhưng sau đó người ta lại cảm thấy chua xót, bẽ bàng về một giai đoạn lịch sử mà đạo đức xã hội nằm ở giá trị âm.
——————HẾT——————
Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia nói riêng, tiểu thuyết Số đỏ nói chung là tác phẩm kết tinh tài năng và đỉnh cao bút pháp trào phúng của Vũ Trọng Phụng. Để việc học và phân tích tác phẩm được hiệu quả nhất, bên cạnh bài Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn Hạnh phúc của một tang gia, các bạn có thể tham khảo: Tiếng cười trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia, Phân tích tâm trạng của các nhân vật trong Hạnh phúc của một tang gia, Phân tích giá trị hiện thực và giá trị tố cáo của Hạnh phúc của một tang gia, Cảm nhận về tiếng khóc của Phán mọc sừng trong Hạnh phúc của một tang gia
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục