Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật Đào trong truyện ngắn Mùa Lạc
This post: Phân tích hình tượng nhân vật Đào trong truyện ngắn Mùa Lạc
Phân tích hình tượng nhân vật Đào trong truyện ngắn Mùa Lạc
I. Dàn ý Phân tích hình tượng nhân vật Đào trong truyện ngắn Mùa Lạc
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác phẩm Mùa lạc và nhân vật chị Đào
2. Thân bài:
a. Chị Đào là người phụ nữ tuy không xinh đẹp nhưng lại có cá tính khác biệt, ấn tượng:
– Ngoại hình:
+ Chị hai mươi tám tuổi, ít duyên dáng, mặt tàn nhang, hai bàn tay với những ngón tay rất to “gò má đầy tàn hương”.
+ Đôi mắt hẹp và dài, hàm răng trên hơi hô
– Nhưng chị lại có cá tính sắc sảo và thông minh:
+ Thể hiện ở đôi mắt sắc sảo, tuy không đẹp nhưng lại đem lại cảm giác sự nhanh nhẹn.
+ Chị cũng là người phụ nữ hay chữ nên khi trò chuyện với mọi người thì hay ví von, nói vần “chị vốn biết chữ …ví xưa” =>khẳng định sự thông minh.
+ Bị mọi người trêu chọc, ghép đôi với Huân, chị ngâm nga “Huê thơm …lạng vàng” => khẳng định giá trị bản thân + cách đối đáp duyên dáng, sắc sảo.
+ Lúc mới lên nông trường, bị Huân châm biếm “Chị có biết …báo không?”, “phải là thơ hay đấy”, chị đã ngang ngược mà đối đáp, và sáng tác một bài thơ “Đường lên nông trường Điện Biên” rất hay.
=> Tuy ngoại hình không xinh đẹp nhưng chị Đào lại có được một cá tính và một sự sắc sảo vô cùng. Sự thông minh, sắc sảo của chị lấn át ngoại hình, tôn lên vẻ đẹp bên trong và là điều mọi người bị thu hút từ chị.
b. Chị Đào là người phụ nữ bất hạnh nhưng luôn khao khát hạnh phúc và luôn cần mẫn làm việc để vươn lên.
– Cuộc sống chị bất hạnh:
+ Chị lấy chồng từ năm mười bảy, chồng cờ bạc nợ nần rồi bỏ đi,
+ Trở về được hai năm thì chết, đứa con cũng bị sài bỏ chị đi
+ Từ đó chị sống một mình và rong ruổi khắp nơi “Hòn Gai, Cẩm Phả …bẻ nhãn”
+ Chị không có gia đình, “tối đâu …là giường” => Cuộc sống bấp bênh, không chốn nương tựa.
=> Cuộc sống của chị là chuỗi ngày của sự bất hạnh, đây là điều khiến chị mất đi niềm tin, ý nghĩa của cuộc sống.
– Chị nuôi trong tâm hồn niềm khao khát hạnh phúc và sự cần mẫn, chăm chỉ của người lao động:
+ Khi chưa lên nông trường, chị buôn ngược bán xuôi, hết miền xuôi miền ngược “bàn chân …một buổi nào” => cần mẫn, chăm chỉ hết sức.
+ Lên nông trường, chị vẫn phát huy cái đức tính ấy của mình: sôi nổi làm việc, làm hết sức mình, không chịu thua kém ai “cặp chân ngắn … từng bó lạc”, “vào lúc giờ nghỉ …mấy đạp”.
=> Bản tính của người phụ nữ lao động + cá tính của người phụ nữ mạnh mẽ.
+ Thế nhưng sâu thẳm trong chị vẫn nuôi một niềm khao khát hạnh phúc mãnh liệt
+ Khi ở nhà người quen lúc bị ốm, chị “sực nhớ …việc tối” =>chị cũng muốn được trở về quê hương, được sớm hôm lo lắng cho chồng con nhưng “quê hương nào còn có ai”.
+ Khi nhìn thấy Huân “nhìn đôi …bên cạnh”, chị mơ về cái hạnh phúc gia đình mà chị đã mất từ lâu”chị lại … phía trước”.
+ Lúc được Dịu ngỏ lời, ban đầu, Đào giận dữ=> phản ứng tự vệ của người phụ nữ mạnh mẽ – niềm hạnh phúc lan tỏa trong chị, cái khát khao kia lại nảy mầm “gập lá thư …nổi” => Sự xúc động trào dâng.
+ Tình cảm của Dịu đã đánh thức khát khao mà Đào đã chôn giấu từ lâu, đánh thức bản năng kiếm tìm hạnh phúc của người phụ nữ “thức tỉnh nỗi …năm trời nay”.
=> Sự khao khát hạnh phúc của chị Đào là sự khao khát bản năng của người phụ nữ, nhất là người phụ nữ đã từng trải qua đau khổ như Đào. Cái giận dữ đầu tiên là sự phản ứng tự vệ của người phụ nữ, là sự tự ti của Đào bởi chị là một người đàn bà từng trải lại không xinh đẹp – nỗi khát khao hạnh phúc bừng lên mạnh mẽ trong chị và chị nhận ra Dịu rất có thể là người mang tới thứ hạnh phúc chị mong chờ.
=> Cái nhìn hiện thực đầy nhân đạo của Nguyễn Khải dành cho người phụ nữ lao động thời kì sau chiến tranh (so sánh với người phụ nữ thời kì trước).
c. Những thay đổi trong cuộc đời Đào ở nông trường trong môi trường tập thể và tình hữu nghị giai cấp.
– Trong công việc: chị Đào cố gắng hết sức để hoàn thành công việc, hăng say lao động, ca hát.
+ Lúc tuốt lạc với Huân, Đào cố sức cùng Huân, tuy thấm mệt nhưng vẫn luôn gắng sức “đôi mắt … thách thức”.
+ Lúc khiêng cáng với Huân “hai tay …cáng”, hăng say lao động, cất lên tiếng hát “véo von”
=> Sự thay đổi trong cuộc sống lao động của Đào, chị hăng say hơn, vui tươi hơn, tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống lao động tập thể.
– Trong cách ứng xử với mọi người, Đào trở thành một người chân thành, thẳng thắn:
+ Nhận được lời mời viết thơ có phần hơi châm biếm của Huân, nhưng đào vẫn nhiệt tình sáng tác bài thơ “Đường lên nông trường Điện Biên” rất hay.
+ Đối với Duệ: Đào nhiệt tình vun đắp cho tình yêu của cô và Huân.
+ Đối với Huân: Chị yêu quý, trân trọng anh bằng tình cảm chân thành, tin tưởng anh (lúc giãi bày lá thư của Dịu).
– Chị đã thay đổi và tìm được hạnh phúc cho mình:
+ Từ lúc nhận được thư, chị trở nên dịu dàng nữ tính, thay cho nét tính cách mạnh mẽ những ngày đầu.
+ Nếu những ngày đầu, một câu trêu chọc của mọi người có thể khiến chị tức giận mà chua cay đáp lại – bây giờ, chị dịu dàng “mủm mỉm … ứng” => nét dịu dàng nữ tính, đúng mực của một người phụ nữ đang yêu
+ Chị còn thay đổi cả trong suy nghĩ:
+ Ban đầu, chị lên nông trường với suy nghĩ “tâm lý của …đã qua … sắp tới …không rõ nữa” => sự buông xuôi số phận, mặc kệ cuộc sống – Sống trong môi trường tập thể, được mọi người quan tâm, yêu thương, Đào đã nhận ra được ý nghĩa cuộc sống, chị yêu nông trường và con người nơi đây “đấy là anh em …họ nhà gái cả”.
+ Chị yêu cuộc sống ở đây, coi đây là quê hương của mình, vậy nên khi được hỏi khi nào về xuôi, chị đã chẳng ngại ngầm mà đáo “về là về …về quê”.
+ Hạnh phúc đã đâm chồi trong tâm hồn chị:
+ Lá thư ngỏ lời của Dịu đã khiến Đào “giận dữ” nhưng cũng đồng thời thổi một luồng gió mới vào tâm hồn chị “một cảm giác …nắng hạn”. Từng lời trong lá thư ấy “ngân vang … hạnh phúc” =>chỉ mới là lá thư ngỏ lời những chị đã “hình dung … chồng”.
=> Chị tiếp nhận hạnh phúc, tình yêu nhanh chóng, tự nhiên bởi chị đã chờ mong nó từ lâu rồi.
+ Ngay tối đó, chị đã tìm Huân để giải bày và tham khảo ý kiến của Huân, nhưng Huân chưa kịp bày tỏ, chị đã tiếp lời “Em xem … quý mình”, chị đã không còn muốn rời xa mảnh đất này nữa, chị muốn xây dựng hạnh phúc của mình ở đây.
=> Hạnh phúc chị tìm kiếm đã hiện hình ở ngay Hồng Cúm – mảnh đất đã từng là chiến trường khốc liệt này, bởi thế Nguyễn Khải khẳng định “Sự sống hiện ….ranh giới ấy” và Đào đã vượt qua ranh giới ấy để tìm được hạnh phúc của mình.
+ Nguyễn Khải không miêu tả về đám cưới mà chỉ dừng lại ở lời của Lộ “Anh ấy …mùa lạc đấy”, một đám cưới sẽ đến sau mùa lạc, rất gần thôi, nơi mà hai con người đã từng đau khổ tìm được hạnh phúc của mình.
=> Đọc lên người đọc cũng cảm nhận được niềm vui của cuộc sống lao động tập thể, của những công nhân nông trường giản dị ấy. Cái hạnh phúc giản dị, mộc mạc ấy được tìm thấy giữa mùi hăng của những cây lạc tươi, mùi nồng của đất mới cày. Sau mùa lạc ấy, Đào sẽ có được hạnh phúc mà chị đã tìm kiếm bao lâu nay.
d. Ý nghĩa và các xây dựng nhân vật:
– Ý nghĩa:
+ Mảnh đất đã từng là nơi đau thương trở thành mảnh đất ươm mầm hạnh phúc của Huân, Đào, Duệ, Dịu và những con người khác.
+ Nguyễn Khải khẳng định: Hạnh phúc, tình yêu thay đổi dựa vào ý chí, sự vươn lên của con người trước tác động của hoàn cảnh.
– Cách xây dựng nhân vật:
+ Khắc họa ngoại hình và tâm lý phức tạp của nhân vật thông qua cách miêu tả chi tiết ngoại hình của Đào: Đào có ngoại hình không xinh đẹp – trái tim khao khát yêu thương và thông minh =>Nguyễn Khải đã khắc họa thành công diễn biến tâm lý phức tạp của Đào, từ một con người buông xuôi số phận nhưng nhờ tình yêu thường và quan tâm của mọi người trong tập thể đã tìm được hạnh phúc của mình.
+ Nguyễn Khải rất linh hoạt trong bút pháp kể chuyện, vừa trần thuật, vừa miêu tả tâm lý => góp phần khắc họa tính cách và số phận nhân vật rõ ràng hơn.
+ Chất thơ trong phong cảnh thiên nhiên và lao động cũng là một phần tạo nên thành công cho tác phẩm
+ Văn Nguyễn Khải giàu triết lý, ông xây dựng nhân vật xen lẫn với những triết lý mang tới sự sinh động trong câu chuyện.
3. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề
II. Bài văn mẫu Phân tích hình tượng nhân vật Đào trong truyện ngắn Mùa Lạc
Sau chiến tranh, những năm sáu mươi, nhà nước ta chủ trương đi lên xã hội chủ nghĩa, tập trung vào phát triển sản xuất, trong đó có việc vận động thanh niên lên các vùng cao để xây dựng kinh tế mới. Bám sát đề tài đó, Nguyễn Khải đã viết “Mùa lạc” để lột tả cuộc sống của những thanh niên miền xuôi lên vùng cao làm kinh tế. Mỗi người một tính cách, họ hòa vào nhau trong môi trường tập thể ở nông trường Hồng Cúm, Điện Biên.Trong số đó, nổi bật là chị Đào – một người phụ nữ trẻ nhưng sâu thẳm trong tâm hồn là những vết thương, là những nỗi niềm khao khát không thể tỏ bày cùng ai. Chị Đào là nhân vật được xây dựng lên từ cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Khải khi viết về người phụ nữ trong xã hội mới.
Trước Nguyễn Khải, đã có nhiều nhà văn viết về những người phụ nữ như Phương Định, như Thao trong Những ngôi sao xa xôi, hay chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, … Mỗi người có một cuộc sống riêng, một nét tính cách khác biệt tạo nên những người phụ nữ rất Việt Nam. Nếu Phương Định là một cô gái trẻ Hà thành trở thành một nữ thanh niên xung phong đầy gan dạ thì chị Dậu lại là một người phụ nữ nghèo đầy đau khổ trước Cách mạng tháng Tám, còn chị Đào lại là người phụ nữ của xã hội mới, đi làm kinh tế, nhưng cũng mang trong mình những bất hạnh đau khổ vô cùng.
Đầu tiên ta bắt gặp ở chị Đào là một người phụ nữ không hề xinh đẹp nhưng lại có một cá tính khác biệt, rất mạnh mẽ, nổi bật lên trong những người phụ nữ ở nông trường Hồng Cúm này.
Chị Đào là một người phụ nữ rất khác biệt “rất dễ phân biệt với chị em khác” bởi nếu như các chị em khác luôn có sự dịu dàng, e thẹn của một người phụ nữ thì chị Đào lại rất cá tính và sắc sảo. Xét về mặt ngoại hình, chị Đào kém sắc hơn các chị em khác bởi chị đã là một người phụ nữ đã từng có chồng. Thân hình chị “sồ sề’, đã hai mươi tám tuổi nhưng ít duyên dáng, bởi khuôn mặt chị là tổ hợp của “những nét thiếu hòa hợp”, “hai con mắt hẹp và dài đưa đi đưa lại rất nhanh, gò má cao đầy tàn hương, và hàm răng trên hơi hô một chút”. Những nét miêu tả thật tỉ mỉ, phác họa nên một người phụ nữ “kém xinh”, đã quá lứa lỡ thì và không có nhan sắc. Hơn thế, Nguyễn Khải đã đặt chị cạnh Huân – “người đẹp trai nhất đội” như muốn làm một sự tương phản cho cái ngoại hình không mấy xinh xắn của chị. Thế nhưng, cái nét ngoại hình “khác biệt” ấy của Đào lại như ánh lên đời sống bên trong, phản ánh nét tính cách mạnh mẽ bên trong con người chị.
Cá tính của chị toát lên ở đôi mắt. Một đôi mắt “hẹp và dài” không đẹp nhưng lại “đưa đi đưa lại rất nhanh” như muốn phản ánh cái cách mà chị ứng phó với cuộc sống và những sự việc ở ngoài đời, nó cũng linh hoạt như cái cách chị đưa đôi mắt ấy. Đôi mắt của chị cũng ánh lên những hờn ghen, đanh đá khi nhìn thấy Duệ hạnh phúc “Đôi mắt hẹp của Đào loang loáng nhìn sang Duệ, cặp môi như muốn mím chặt lại, gò má càng dồ lên đanh đá”. Cũng phải thôi, chị ghen tị với Duệ – ghen tị với một cô gái còn trẻ, xinh đẹp, giàu sức sống lại đang được hưởng thụ một tình yêu thật đẹp với Huân, còn chị chỉ là một người phụ nữ bất hạnh. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn và quả không sai khi Nguyễn Khải khắc họa đôi mắt ấy của Đào như muốn thể hiện cách nhìn nhận con người thật tinh vi, tài tình của mình. Nếu đôi mắt của Duệ “tròn to” ánh lên sự ngây thơ, yếu đuối thì đôi mắt “hẹp và dài” của Đào như muốn thể hiện cái bản tính “sống táo bạo và liều lĩnh, ghen tị với mọi người và hờn giận cho thân mình” của chị.
Nét cá tính của Đào còn thể hiện ở chỗ chị vô cùng thông minh trong ứng xử, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Vốn là một người phụ nữ biết chữ, cách chị trò chuyện với mọi người cũng thể hiện vốn tri thức của mình khi chị đưa những cách ví von, những cách nói vần vào câu chuyện uyển chuyển lại duyên dáng vô cùng. Ấy thế cuộc đời thường trái ngược như vậy, một ngoại hình không xinh đẹp nhưng lại bù lại bởi nét cá tính, bởi sự duyên dáng trong câu chuyện với người khác. Và nét cá tính của Đào càng được thể hiện sắc sảo khi chị bị anh em trong đội sản xuất trêu đùa “ghép chị người xấu nhất đội sản xuất với Huân, người đẹp trai nhất”, chị đã cất cao giọng nói của mình, ngân nga lời thơ đầy ý nghĩa “Huệ thơm bán một đồng mười, Huệ tàn nhị giữa bán đôi lạng vàng”. Một câu nói như chứng minh được giá trị con người chị, khẳng định nét tính cách vô cùng mạnh mẽ của một người đàn bà từng trải. Phải, chị là một con người như thế, không như Duệ – yếu đuối, dịu dàng, chị mạnh mẽ, sắc sảo trong từng câu nói, không để ai bắt nạt được mình dù là trong lời nói hàng ngày.
Nhớ những ngày đầu khi chị còn “chân ướt chân ráo” lên nông trường Hồng Cúm này, chị đã gặp Huân “đang hí hoáy pha màu vẽ cho tờ báo tường”, chị đã ngỏ lời khen Huân vẽ đẹp nhưng lại bị Huân hỏi “chị có bài thơ nào đưa lên báo không?” – một câu “vừa nói cho vui, vừa châm biếm”, chị đã “ngang ngược” mà trả lời rằng “Chắc không đến nỗi dở lắm!”. Và ngay trong buổi trưa hôm đó, chị đã sáng tác được bài thơ “Đường lên nông trường Điện Biên” – một bài thơ hay mà “vài buổi đã nhiều người ngâm nga đọc thuộc”. Chị sắc sảo, mạnh mẽ lại hay chữ, đôi mắt “lóng lánh” sự thông minh hơn người nhưng cũng đầy hờn ghen tủi giận.
Khi nhà văn miêu tả người phụ nữ, ta thường thấy xuất hiện những người phụ nữ xinh đẹp, hiếm có ai có ngoại hình kém sắc như Đào, nếu không nói đến nhân vật Thị Nở của nhà văn Nam Cao. Nhưng nếu Nam Cao khai thác cái nét xấu của Thị Nở theo cách phóng đại “xấu ma chê quỷ hờn” thì Nguyễn Khải lại miêu tả chị Đào tuy không xinh đẹp nhưng lại rất “có duyên”. Cái duyên đó của chị thấy được hiện lên từ đôi mắt “hẹp và dài’ nhưng “lóng lánh”, khuôn mặt “thô” nhưng “đỏng đảnh”. Đào tuy không xinh đẹp nhưng lại không hề đơn điệu, chị có cái tính cách thu hút người khác, hấp dẫn người đối diện mình. Thế nhưng, cái ngoại hình ấy của Đào cũng phần nào nói lên cái cuộc sống chẳng hề bình lặng và suôn sẻ của chị.
Nguyễn Khải quả thật rất tài tình trong nghệ thuật miêu tả nhân vật, bởi ông dựng lên chân dung nhân vật mà lại có thể khiến cho người ta có thể thấy được sự sinh động của nhân vật ấy, nét tính cách và đời sống của nhân vật đó qua từng đường nét ngoại hình.
Có lẽ ai đọc câu chuyện cũng như thấy được một phần cái cuộc đời bất hạnh của chị Đào thông qua cái ngoại hình của chị, thế nhưng, sâu trong chị, cái khát khao hạnh phúc, khát khao tình yêu luôn nồng cháy mãnh liệt.
Số phận của chị được Nguyễn Khải giới thiệu rất tỉ mỉ, chi tiết. Chị vốn quê ở Hưng Yên, “lấy chồng từ năm mười bảy tuổi, nhưng chồng cờ bạc nợ nần, bỏ nhà đi”. Chỉ cần thế thôi, người ta đã cảm thấy được cái bất hạnh mà chị phải chịu, một người đàn bà sống với chồng mà chồng cờ bạc thì còn gì nữa. Sau này, chồng chị có tìm về ở được hai năm thì chết, đứa con của chị cũng “lên sài bỏ đi để chị một mình”. Một gia đình phút chốc tan vỡ, chẳng còn gì, không người thân, không nơi nương tựa, chị lang bạt khắp nơi để kiếm sống từ “Hòn Gai, Cẩm Phả lấy muồng, khi ngược Lào Cai buôn gà, vịt, mùa tu hú sang đất Hà Nam buôn vải, tháng sáu lại về quê bẻ nhãn”. Với chị, cuộc sống dường như vô nghĩa, “tối đâu là nhà, ngả đâu là giường”, chỉ chẳng còn tha thiết một điều gì ở tương lai, có lẽ chính điều này đã khiến cho chị “giận hờn” với cuộc đời nhiều như thế! Cuộc sống ấy tàn phá tuổi xuân, nhan sắc, tàn phá ngoại hình của người đàn bà ấy “mái tóc óng mượt ngày xưa qua năm tháng đã khô lại như chết, hàm răng phai không them nhuộm, soi gương thấy gò má càng cao, tàn hương nổi càng nhiều”. Chị cũng đã mong muốn được về quê, mong muốn có gia đình để chăm lo mỗi bữa, thế nhưng, cuộc sống chẳng để lại cho chị thứ gì cả!
Cuộc sống bất hạnh nhiều đường, thế nhưng, càng bất hạnh, chị lại càng khao khát có được hạnh phúc, khao khát có được tình yêu. Khi ốm ở nhà người quen, chị “sực nhớ trước đây mình cũng có gia đình”, chị cũng mong mỏi được trở thành một người vợ, một người mẹ mà chăm lo cho cái gia đình nhỏ của mình, thế nhưng “quê hương nào còn có ai”, chẳng còn chút gì để chị phải lo lắng, phải suy nghĩ, níu bước chân chị trở về nữa. Khao khát hạnh phúc, khao khát có được tình yêu, nên khi nhìn thấy Huân – chàng thanh niên trẻ phơi phới tuổi xuân bên cạnh “nhìn cánh tay cuồn cuộn những thớ thịt cháy nắng đỏ rực của Huân thấp thoáng bên cạnh”, Đào bỗng nhiên cảm thấy cái khao khát kia càng cháy bỏng hơn, “chị lại bừng bừng nghĩ tới cảnh một gia đình hạnh phúc” – thứ mà chị đã mất từ lâu lắm rồi.
Nguyễn Khải đã khiến người đọc cảm thông, đồng tình khi khai thác ở người phụ nữ đã lỡ dở ấy cái khao khát ở bất cứ người phụ nữ nào cũng khao khát, đó là hạnh phúc gia đình.
Mang trong mình cái khao khát ấy, chị vẫn là một người phụ nữ điển hình của Việt Nam khi nuôi trong mình sự cần mẫn trong lao động dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu như những người khác, rơi vào nghịch cảm như chị, có khi chẳng chống chịu nổi mà tha hóa, mà trở thành những người đàn bà hư thân, nhưng chị vẫn mang trong mình cái đức tính cần mẫn muôn đời của người phụ nữ Việt. Chị chăm chỉ làm lụng, cần mẫn từng ngày, từ ngày chưa lên đến nông trường cho đến khi bước chân vào “tổ sản xuất số sáu”. Ở nông trường Hồng Cúm này, chị sôi nổi với công việc của mình, không chịu thua bất kì ai, dù là đàn ông hay thanh niên sức trẻ.
Cuộc đời chị Đào là một chuỗi những tháng ngày bất tận của sự đau khổ, cô đơn, thế nên khi phải cá tính của chị mới “ngang ngược”, mới “hờn giận cho thân mình” nhiều đến thế. Có chăng đó là sự phản ứng của chị trước hoàn cảnh, trước sóng gió mà chị đã phải trải qua! Thế nhưng, lên tới nông trường này, con người Đào dường như thay đổi, và dường như chị đang tìm được cái hạnh phúc của đời mình.
Ngày đầu bước chân tới nông trường, chị mang tâm trạng của một kẻ tha hương “con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân, muốn tìm một nơi hẻo lánh nào đó, thật xa những nơi quen thuộc để quên cuộc đời đã qua, còn những ngày sắp tới chị cũng không cần rõ…”. Đây là tư tưởng của một người buông xuôi đầu hàng số phận, chẳng tha thiết, hi vọng gì vào cuộc sống nữa! Thế nhưng, khi đến nông trường, sống giữa tình yêu thương, quan tâm của mọi người, chị đã dần thay đổi, chị đã dần nhận ra được cái ý nghĩa cuộc sống, yêu thương mọi người “đấy là anh em, là người làng, là họ nhà gái cả”. Và chị đã chẳng ngập ngừng mà đáp luôn khi được hỏi chuyện về quê rằng: “Về là về cửa về nhà. Một trăm năm nữa mới đà về quê’. Bởi chị đã coi mảnh đất Điện Biên này là quê hương thứ hai của mình, chị chẳng muốn rời xa nữa!
Và cũng chính ở nông trường này, tình yêu đã nảy nở trong tâm hồn của chị, hạnh phúc đã chạm đến trái tim chị. Đó là khi lá thư ngỏ lời của trung đội trưởng phụ trách lò gạch – Dịu đến tay chị khiến chị vừa “giận dữ” nhưng lại cũng vừa hân hoan. Nó đến bất ngờ quá, và phản ứng của Đào như là một sự tự vệ chính đáng của một người phụ nữ, bởi chị sợ bị nhạo báng, bị xúc phạm tới cái quá khứ đau buồn kia. Thế nhưng đồng thời, lá thư ấy cũng thổi một luồng gió mới vào tâm hồn chị “một cảm giác êm đềm cứ lan nhanh ra, như mạch nước ngọt rỉ thấm vào những thớ đất khô cằn vì nắng hạn, một nỗi vui sướng kì lạ rào rạt không thể nén lại nổi”. Đó là sự thức tỉnh của tâm hồn chị, thức tỉnh của một trái tim yêu khao khát hạnh phúc mà chị “cố hắt hủi”. Lá thư ngỏ ấy mới chỉ là bước khởi đầu, thế nhưng Đào đã tưởng tượng ra phía sau khi mình chung sống với đứa con chồng “hình dung ra cách đối đãi với đứa con riêng của người rồi đây sẽ gọi là chồng”. Chị tiếp nhận tình yêu, hạnh phúc thật nhanh chóng, thật tự nhiên quá đỗi bởi chị đã mong chờ nó từ lâu lắm rồi!
Sự khao khát hạnh phúc của Đào là bản năng của con người, đặc biệt là người phụ nữ đã từng trải như Đào. Cái “giận dữ” kia chẳng qua là một sự tự vệ, một cách phản ứng của người phụ nữ với tính cách mạnh mẽ và cả sự tự ti về cuộc đời từng trải của mình nữa. Nhưng rồi chị chợt nhận ra rằng, có thể Dịu chính là người sẽ giúp chị “thức tỉnh” thứ hạnh phúc chị đã chờ mong từ lâu.
Đây là một cái nhìn vừa hiện thực vừa đầy nhân đạo của Nguyễn Khải dành cho người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ như Đào! Bởi nếu như trước đây, những người phụ nữ trong xã hội xưa phải chịu “tam tòng tứ đức”, “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” thì có lẽ những người phụ nữ mang số phận như chị Đào sẽ vĩnh viễn chẳng tìm được cho mình hạnh phúc. Nhưng Nguyễn Khải, với tư tưởng tiến bộ của mình đã mang lại cho chúng ta một cái nhìn thực sự giàu tính nhân văn đối với người phụ nữ bất hạnh ấy.
Hồng Cúm là mảnh đất đạn bom khốc liệt nay đã trở thành một nông trường tươi xanh, nhộn nhịp những tập thể đi làm kinh tế mới. Đó là sự đổi thay của mảnh đất nơi đây, và Hồng Cúm cũng đã giúp Đào thay đổi con người mình khi được sống giữa môi trường tập thể, sống giữa tình cảm hữu ái giai cấp của mọi người.
Trong công việc, chị Đào luôn cố gắng hết sức mình cùng mọi người hoàn thành công việc, hăng say lao động, hăng say ca hát. Tuốt lạc cùng Huân, chị gắng sức làm việc cho bằng anh, dù rằng “đã quá mệt nhưng gò má đầy tàn hương vẫn nhọn hoắt bướng bỉnh và đôi mắt nhỏ tí ánh lên thách thức”. Chị vẫn luôn là con người như vậy, bướng bỉnh, mạnh mẽ, cá tính, chẳng chịu thua kém ai, lúc làm việc, khiêng cáng cùng Huân, “hai bàn tay to và đen choàng lấy ôm từng bó lớn chuyển lên cáng” mà vẫn hát “véo von” ở phía sau, hăng say lao động, cần mẫn với công việc của mình.
Đó là trong công việc, còn về trong cách ứng xử với mọi người, chị là người vô cùng thẳng thắn. Lần đầu tiên tới nông trường, nhận được lời mời viết thơ có phần châm biếm của Huân, chị đã chẳng ngần ngại sáng tác ngay một bài thơ “Đường lên nông trường Điện Biên” hay tới nỗi vài hôm sau “đã có người ngân nga đọc thuộc”. Đối với ai, chị cũng luôn chân thành, với Duệ, chị nhiệt tình vun vén cho hạnh phúc của cô và Huân, với Huân, chị vô cùng trân trọng anh, khi đùa vui, khi lại tin tưởng giãi bày những điều thầm kín.
Thế nhưng, thay đổi thực sự trong con người chị xảy đến sau khi lá thư ngỏ lời của trung đội trưởng Dịu đến tay chị. Nó như một mạch nguồn tưới mạch cho tâm hồn chị, một nguồn gió mới thổi vào tâm hồn khô hạn đã lâu của chị, khiến chị phải biến đổi.
Chị đã trở thành một người vợ, một người đàn bà giàu nữ tính sau khi tiếp nhận lá thư ấy, nó biến đổi con người chị một cách nhanh đến không ngờ. Và Nguyễn Khải đã nắm trọn cái khoảnh khắc tinh tế ấy khi Đào nói chuyện với Huân, kể về câu chuyện của mình một cách ngập ngừng. Nếu như trước đây, chị mang tới cho người đọc cảm giác mạnh mẽ, sự cá tính, khi bị trêu chọc, sẽ không ngượng ngùng mà còn giận dữ đáp lại ngay, thì giờ đây chị lại nữ tính đi rất nhiều, trong cách xưng hô anh – em với Huân, trong câu chuyện mà chị kể. Hạnh phúc mà chị kiếm tìm dường như đã hiện hình ở Hồng Cúm này – mảnh đất một thời bom đạn khốc liệt. Và Nguyễn Khải đã thẳng thắn khẳng định: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này”. Và có lẽ, chị Đào đã làm được, chị đã vượt qua cái ranh giới ấy mà bước vào thế giới hạnh phúc của mình.
Nguyễn Khải không miêu tả về đám cưới mà chỉ dừng lại ở lời của Lộ “Anh ấy nói với tôi là định sau mùa lạc đấy”, đó là thời gian của một đám cưới – nơi mà hai con người đã từng bất hạnh tìm đến với nhau và cùng nhau xây dựng thứ hạnh phúc tưởng chừng đã mất.
Đọc từng dòng mà người đọc như thấy được niềm vui len lỏi vào từng dòng cảm xúc, niềm vui của cuộc sống lao động tập thể, của những con người giản dị, cần mẫn, dễ thương. Cái hạnh phúc mà chị Đào tìm lại được ấy cũng giản dị như chị, như bao con người nơi đây. Mùa lạc lại đến với những mùi hăng của những cây lạc tươi, mùi nồng của đất mới và cả mùi tình yêu, hạnh phúc chứa chan nữa.
Mảnh đất Hồng Cúm, Điện Biên này tưởng chừng là một mảnh đất tràn ngập sự đau thương, vậy mà giờ đây nó thay da đổi thịt, trở thành mảnh đất ươm mầm hạnh phúc của chị Đào, cho Duệ, cho Huân, cho Dịu, cho những con người nơi nông trường này. Qua đó, Nguyễn Khải muốn khẳng định với chúng ta rằng: Hạnh phúc, tình yêu, số phận con người có thay đổi đều là nhờ vào ý chí, con người vươn lên trên hoàn cảnh thì mới có được hạnh phúc, và sự thay đổi vươn lên ấy nằm chung trong sự thay đổi của cuộc đời.
Nguyễn Khải đã xây dựng thành công hình ảnh của Đào – một người phụ nữ bất hạnh, trở thành một công dân trong nông trường vùng kinh tế mới. Ông đã khắc họa ngoại hình, tâm lý phức tạp của nhân vật thông qua những biện pháp như đối lập, so sánh, … Khắc họa thành công số phận, cá tính, tính cách nhân vật thông qua cách xây dựng ngoại hình. Ông đã khắc họa một cô Đào với ngoại hình không hề xinh đẹp nhưng lại có một trái tim tràn đầy yêu thương, khắc họa tâm lý phức tạp của chị Đào từ một người đàn bà buông xuôi số phận tới một người phụ nữ đang vui trong niềm hạnh phúc của mình. Ông cũng chuyển đổi bút pháp liên tục từ trần thuật rồi miêu tả tâm lý rồi lại trần thuật, nó đã góp phần khắc họa tâm lí nhân vật hết sức chi tiết. Giong văn tự nhiên, giàu tính triết lý, khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, giàu chất thơ cũng là những phần tạo nên thành công cho tác phẩm Mùa lạc.
Chị Đào – đại diện cho những người phụ nữ đi làm kinh tế mới sau chiến tranh, mang trong mình nỗi bất hạnh từ quá khứ, đi lên tìm lại hạnh phúc cho bản thân mình. Mùa lạc đã thực sự thành công khi miêu tả cuộc sống mới, ý nghĩa của những con người đang góp sức mình xây dựng chủ nghĩa xã hội những năm sáu mươi.
Mô tả cuối: Mùa lạc để lại trong lòng chúng ta hình ảnh một người phụ nữ mạnh mẽ, khao khát yêu thương và cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc của mình ở nông trường Hồng Cúm sau những nỗ lực cần mẫn làm việc. Bài Phân tích truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải để hiểu rõ hơn về những con người ở nông trường Hồng Cúm, Điện Biên yêu thương này.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)