Đề bài: Phân tích hình tượng dân làng làng Xô Man trong Rừng xà nu
This post: Phân tích hình tượng dân làng làng Xô Man trong Rừng xà nu
Dàn ý, văn mẫu phân tích hình tượng dân làng Xô Man trong truyện ngắn Rừng xà nu
I. Dàn ý Phân tích hình tượng dân làng làng Xô Man trong Rừng xà nu
1. Mở bài
– Sơ lược về Nguyễn Trung Thành và phong cách sáng tác.
– Giới thiệu về hình tượng dân làng Xô Man trong tác phẩm Rừng xà nu.
2. Thân bài
a. Bức chân dung của làng Xô Man:
– Là một ngôi làng của những con người anh hùng, ai cũng có vũ khí sẵn sàng đứng lên đấu tranh, không phân biệt tuổi tác, giới tính.
– Có niềm tin vững chắc với Đảng, với cách mạng.
– Cùng làm chung một nhiệm vụ ấy là nuôi giấu cách mạng, tuy có nhiều khó khăn vất vả và hy sinh mất mát nhưng làng Xô Man vẫn kiên cường, hết lớp này đến lớp khác tham gia làm nhiệm vụ không ngừng nghỉ.
b. Bức chân dung của từng cá nhân làm nên hình tượng làng Xô Man anh hùng trong kháng chiến:
*Cụ Mết:
– Ngoại hình: Mang đậm dáng vẻ của vùng đất Tây Nguyên, khỏe mạnh, tựa như một cây xà nu lớn.
– Là chỉ huy trực tiếp cuộc kháng chiến của dân làng Xô Man, lãnh đạo dân làng chuẩn bị vũ khí, sẵn sàng chiến đấu và nổi dậy giải cứu Tnú, kêu gọi cho dân làng chuẩn bị lương thực để chiến đấu trường kỳ với giặc Mỹ.
– Là người lãnh đạo tinh thần của cả buôn làng nên cụ luôn có ý thức giáo dục tinh thần yêu nước, yêu cách mạng cho đám thanh niên, đám con nít.
– Định hướng tư tưởng cho dân làng Xô Man, làm bừng ngộ chân lý của thời đại đánh Mỹ cho mỗi người dân làng Xô Man “Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo”.
* Tnú:
– Là người anh hùng mang đậm khuynh hướng sử thi.
– Thuở nhỏ đã tham gia chiến đấu, tiếp ứng cho cách mạng, gan dạ, dũng cảm và không chịu khuất phục.
– Trưởng thành thì trở thành người tiếp bước anh Quyết trở thành cán bộ cách mạng.
– Hiện lên là con người với tình yêu gia đình sâu sắc, yêu quê hương đất nước tha thiết.
– Phải trải qua hai bi kịch lớn trong cuộc đời: Mất vợ con, mất 10 đầu ngón tay do giặc tra tấn. Từ đó hình thành nên lòng thù hận sâu sắc đối với giặc Mỹ, tô đậm thêm lý tưởng cách mạng của người anh hùng.
– Hình ảnh đôi bàn tay là ký ức không thể nào quên là minh chứng cho sự kiên cường của Tnú trong kháng chiến, là biểu tượng cho vẻ đẹp của người anh hùng chiến đấu trong mọi hoàn cảnh, dù tàn nhưng không phế, phản ánh tội ác của đế quốc Mỹ.
* Dít:
– Có những nét đẹp của Mai, nhưng ở cô còn có sự gan góc kiên cường, quyết đoán.
– Thuở nhỏ phải chịu sự tra tấn tinh thần khủng khiếp nhưng không hề khuất phục.
– Lớn lên trở thành bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội là một người lãnh đạo của làng Xô Man, được dân làng vô cùng tin yêu và mến phục.
* Cậu bé Heng:
– Là hình ảnh một Tnú thứ hai, đại diện cho thế hệ thiếu niên tiếp nối sự nghiệp cách mạng của làng Xô Man.
3. Kết bài
Cảm nhận chung về hình tượng dân làng Xô Man trong tác phẩm.
II. Bài văn mẫu Phân tích hình tượng dân làng làng Xô Man trong Rừng xà nu
Nguyễn Trung Thành là một trong những nhà văn trẻ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, thời gian chiến đấu và gắn bó với chiến trường Tây Nguyên trong nhiều năm đã để lại trong ký ức của tác giả nhiều những ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc. Và nó đã trở thành những tư liệu sống còn ấm nồng hơi thở của chiến trường khi tác giả chắp bút cho các tác phẩm viết về đề tài “lực lượng vũ trang – chiến tranh cách mạng” của mình. Nhân vật chính trong các tác phẩm viết về chiến trường Tây Nguyên là người dân tộc anh dũng trong chiến tranh, mang đậm khuynh hướng sử thi với những vẻ đẹp chung của một thời đại đầy máu và lửa. Với Rừng Xà nu, tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, ngoài việc xoay quanh cuộc đời cách mạng của Tnú, thì hình ảnh những người dân làng Xô – man xuất hiện liên tục trong truyện ngắn đã trở thành một điểm nhấn rất đặc sắc của tác phẩm. Hình tượng dân làng Xô-man chính là đại diện cho cả một cộng đồng dân tộc, đoàn kết, hy sinh hết mình vì Tổ quốc, không kể là người già hay trẻ nhỏ, không kể là đàn ông hay phụ nữ.
Có thể nói làng Xô-man là một tập thể anh hùng trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Nguyễn Trung Thành là một chiến sĩ cách mạng, thế nên hơn ai hết ông hiểu rất rõ về tính chất toàn dân, toàn diện trong kháng chiến của dân tộc, thế nên mỗi một người dân Việt Nam đều là anh hùng, ở mỗi một cộng đồng, mỗi một bản làng thì tất cả những người dân đều là chiến sĩ, góp công vào thắng lợi của cách mạng. Sự càn quét, ác liệt của chiến tranh đã không chừa một ai, thế nên hiển nhiên không có ai đứng ngoài cuộc chiến đấu, mà mỗi người đều cố gắng lập chiến công để trả mối thù chung và mối thù riêng của riêng cả nhân mình. Chính vì thế Nguyễn Trung Thành đã rất tinh tế khi đặt tên cho tác phẩm là “Rừng xà nu” chứ không phải là “Tnú” hay một cái tên nào khác, để tập trung thể hiện tính chất tập thể, tính chất sử thi anh hùng của cả một cộng đồng mà rừng xà nu bạt ngàn chính là biểu tượng cho hàng loạt những con người ấy.
Đầu tiên hiện lên trong tác phẩm đó là bức chân dung tập thể làng Xô Man trong kháng chiến. Nó được tái hiện rất rõ, trước hết là hình ảnh mỗi người dân đều là một chiến sĩ, ai cũng có trong tay một thứ vũ khí cho riêng mình:”Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông!”. Và trong tinh thần họ lúc nào cũng cháy bỏng một niềm tin vững chãi vào Đảng vào Cách mạng như một chân lý:”Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn”. Cái chân dung tập thể làng Xô Man còn thể hiện thông qua việc họ cùng nhau làm nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ cách mạng trong rừng làng mình. Trong những năm chiến trường miền Nam ác liệt nhất, cũng là lúc đen tối nhất của Cách mạng, bọn Mỹ Diệm ra sức càn quét, chó và súng của chúng sủa vang khắp cả một vùng rừng, khiến quân đội ra vô cùng khó khăn và căng thẳng, dân làng Xô Man đã mạnh mẽ đứng ra làm nhiệm vụ tiếp ứng cho Cách mạng. Để hoàn thành nhiệm vụ này, họ đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, rất nhiều người đã ngã xuống vì bị giặc phát hiện. Kẻ thù đã treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng, chặt đầu cột tóc bà Nhan treo lên đầu súng, thế nhưng thanh niên không làm nhiệm vụ được, người già cũng không thực hiện nhiệm vụ được thì đã có những đứa trẻ như Tnú, Mai, sau này là Dít, rồi đến Heng,… Có thể nói là tre già măng mọc, lớp sau ngày càng mạnh mẽ và hăng hái trong chiến đấu, tựa như cây xà nu với sức sống mạnh mẽ, kiên cường, cây này đổ rạp thì mấy hôm sau bên cạnh đã mọc lên đến mấy cây con vậy. Chính vì họ kiên cường và ủng hộ cách mạng như thế cho nên họ đã lập được một chiến công rất đáng tự hào đó là trong suốt “5 năm chưa hề có một cán bộ nào bị giặc bắt hay giết trong rừng của làng này”.
Để tạo nên vẻ đẹp của bức chân dung dung tập thể thì chính là nhờ vào sự góp sức của nhiều cá nhân, những con người anh hùng với những bức chân dung riêng biệt. Trong bức tranh tập thể làng Xô Man, Nguyễn Trung Thành đã cố gắng khắc họa những con người ở nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ, có cả đàn ông và đàn bà, không phân biệt giới tính, không phân biệt lứa tuổi. Bức chân dung tiêu biểu đầu tiên chính là cụ Mết. Tây Nguyên là mảnh đất màu mỡ, đồng thời cũng là mảnh đất sản sinh ra nhiều hạt giống cách mạng, đặc biệt là những hạt giống xuất thân từ đồng bào, dân tộc thiểu số. Sở dĩ các hạt giống này được phát triển tươi tốt và mạnh mẽ là nhờ vào sức mạnh truyền thống, biểu hiện rõ nhất qua hình tượng cụ Mết. Trong một hồi ức tác giả Nguyễn Trung Thành đã viết như sau: “Ông là cội nguồn là Tây Nguyên của thời đại đất nước đứng lên còn trường tồn đến hôm nay. Ông như lịch sử bao trùm, nhưng không che lấp đi sự đi tới nối tiếp và mãnh liệt, ngày càng mãnh liệt hơn, sành sỏi và tự giác hơn của thế hệ sau”. Cụ Mết được xây dựng một bức chân dung khá đầy đặn, tác giả dùng những đặc tính của cây xà nu nhiều năm tuổi để nói về cụ Mết “ngực căng như một cây xà nu lớn”, “bàn tay nặng trịch nắm chặt lấy vai anh như một cái kìm sắt”, rồi thì “Ông cụ vẫn quắc thước như xưa, râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng, mắt vẫn sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng”. Giọng nói mạnh mẽ vang dội “sáu mươi tuổi rồi mà tiếng nói vẫn ồ, ồ, dội vang trong lồng ngực”, Tnú đi ba năm trở về mà cụ vẫn như xưa, không hề thay đổi. Có thể nói rằng cụ Mết chính là hiện thân đẹp đẽ cho dáng hình của núi rừng Tây Nguyên. Ở người già làng đánh kính này có những phẩm chất sử thi của người anh hùng rất nổi bật, cụ là người chỉ huy trực tiếp cuộc kháng chiến của dân làng Xô Man. Trong những giờ phút quan trọng của lịch sử, trong những giờ phút kề cận giữa sự sống và cái chết của cả dân làng Xô Man, trong cái đêm mà giặc kéo về truy quét, tra tấn mẹ con Mai đến chết để dụ Tnú ra, thì cụ Mết đã chỉ huy đám thanh niên trong làng vào rừng lấy vũ khí, nhất tề xông lên lên giải cứu Tnú. Tiếng hô vang dội của cụ Mết “Chém! Chém hết!”, đã khiến những cây rựa sáng loáng ung lên đồng loạt để hạ sát hàng chục tên giặc thù, thằng Dục phải chịu chết. Có thể nói có được chiến công ấy phần lớn là nhờ vào sự quyết đoán của vị già làng đáng kính này. Hơn thế nữa cụ cũng chính là người lãnh đạo, chỉ huy dân làng Xô Man chuẩn bị vũ khí, bằng lời kêu gọi như một lời hịch chống Mỹ: “Thế là bắt đầu rồi! Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông! Đốt lửa lên!” và cả rừng xà nu đêm ấy “suốt đêm nghe cả rừng Xô-man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng…” không khí chiến đấu sục sôi cả một vùng trời và cháy bỏng trong tim từng người dân làng Xô Man. Không những chỉ huy dân làng chuẩn bị vũ khí, cụ Mết còn lệnh cho người dân chuẩn bị cả lương thực thực phẩm để sẵn sàng cho cuộc chiến dài hơi sắp tới, cụ cho phát hết các rẫy cũ để trồng sắn, trồng cây pomchu xanh mượt cả núi đồi, thức ăn dự trữ có thể đủ ăn đến vài mùa nữa, họ liên tục chuẩn bị để tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến khi dành chiến thắng. Thứ hai, vì là người lãnh đạo tinh thần của cả buôn làng nên cụ luôn có ý thức giáo dục tinh thần yêu nước, yêu cách mạng cho đám thanh niên, đám con nít, việc giáo dục lòng thương núi thương nước của cụ là cách giáo dục rất sinh động rất cụ thể. Bằng cách kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần câu chuyện về cuộc đời của anh Tnú, câu chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man như một kiểu ám thị, khiến chúng in sâu vào trong ký ức của từng thế hệ nối tiếp, từ đó hình thành nên tình cảm dành cho đất nước cho dân tộc, cùng với lòng căm thù giặc sâu sắc. Cuối cùng, chính cụ Mết là người đã định hướng tư tưởng cho dân làng Xô Man, làm bừng ngộ chân lý của thời đại đánh Mỹ cho mỗi người dân làng Xô Man “Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo”, nghĩa là phải lấy bạo lực cách mạng để tiêu diệt bạo lực phản cách mạng, muốn được tự do thì chỉ có một con đường duy nhất là đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược. Có thể nói rằng cụ Mết đã tạo nên màu sắc Tây Nguyên đậm đà trên từng trang truyện của Nguyễn Trung Thành, là cơ sở quan trọng cho giọng văn trầm hùng, vang dội đậm tính sử thi của Rừng xà nu.
Bức chân dung anh hùng thứ hai chính là người anh hùng Tnú, đây là nhân vật trung tâm của cả tác phẩm nổi bật lên với hình ảnh đôi bàn tay bị giặc đốt cụt mất mười ngón. Ở Tnú mang đầy đủ các vẻ đẹp theo khuynh hướng sử thi của người anh hùng, là hình tượng mà cộng đồng luôn hướng tới. Cuộc đời Tnú ngày từ thuở nhỏ đã khổ cực, mồ côi cha mẹ sống lên trong tình yêu thương của cả làng Xô Man. Từ thuở tấm bé đã có ý thức và ham làm cách mạng với những phẩm chất tốt đẹp như lòng gan dạ, dũng cảm, sự nhạy bén, nhanh nhẹn, dù bị giặc bắt nhưng chưa từng run sợ bao giờ. Đến khi trưởng thành Tnú trở thành một cán bộ cách mạng xuất sắc và như một cách để gây dựng hình tượng nhân vật này rõ nét hơn, mang tính sử thi thời đại hơn, thì tác giả đã để Tnú phải gánh chịu những nỗi đau lớn đến tột cùng. Tnú đã phải tận mắt chứng kiến cảnh vợ con bị giặc tra tấn đến chết, người vợ tội nghiệp và đứa con đỏ hỏn đã chết tức tưởi trong vòng tay Tnú. Trước khi là một anh hùng thì nhân vật này là một con người có thất tình lục dục, có tình yêu thương gia đình sâu sắc, dẫu biết rằng nếu nhảy ra để cứu vợ thì bản thân mình phải bị bắt, nhưng Tnú vẫn quyết làm, bởi vợ con anh đang cần anh lúc này nhất, anh đâu phải là gỗ đá, anh cũng biết đớn đau chứ. Sau nỗi đau mất vợ, Tnú tiếp tục phải chịu nỗi đau thể xác kinh hoàng, mười đầu ngón tay canh bị giặc dùng chính nhựa xà nu của quê hương đốt cháy như 10 ngọn đuốc sáng rực. Dù đau đến xé gan, xé ruột nhưng Tnú quyết không kêu một tiếng “Người cộng sản không thèm kêu van…” vẻ kiên cường, lòng trung thành với Đảng hiển hiện rõ trong trái tim người cán bộ. Như vậy bước qua hai nỗi đau lớn của cuộc đời, thì tinh thần cách mạng của người anh hùng Tnú lại càng trở nên kiên định và mạnh mẽ không gì có thể lay chuyển được, anh làm cách mạng trước là để trả mối nợ nhà sau là để trả mối thù nước. Những hy sinh mất mát trong quá khứ chính là nguồn động lực to lớn cho Tnú trong chiến đấu. Mười đầu ngón tay mỗi ngón cụt một đốt chính là ký ức không bao giờ quên luôn nhắc nhở Tnú về nỗi đau đớn mà giặc thù đã gây ra cho anh. Chính vì thế Tnú vốn đã là anh hùng nay lại càng anh hùng hơn, vẻ đẹp sử thi hiện lên thông qua tấm lòng yêu quê hương, đất nước, yêu gia đình sâu sắc, lý tưởng cách mạng vững chãi cùng với mối thù sâu sắc. Tnú là dường như đã trở thành biểu tượng của cả làng Xô Man trở đi trở lại trong những câu chuyện của cụ Mết, là người anh hùng tuy tàn nhưng không phế, bàn tay ấy vẫn có thể bóp chết một tên giặc khỏe mạnh, vẫn cầm được súng, được giáo thậm chí nó còn trở nên mạnh mẽ hơn. Ngoài những vẻ đẹp sử thi thì cuộc đời Tnú còn phản ánh những tội ác man rợ của giặc thù đã đổ lên cả dân tộc Việt Nam và người anh hùng bước ra từ trong thương đau ấy đã trở thành tượng đài của nền văn học kháng chiến.
Dít, em gái của Mai, cô có rất nhiều điểm giống chị khiến Tnú khi nhìn thấy vô cùng xúc động, nhưng Dít không giống như chị gái của mình, thay vì vẻ dịu dàng, nữ tính thì ở Dít lại là sự gan góc và quyết đoán, mang tâm thế chủ động của một người cán bộ chủ chốt trong làng kháng chiến. Bản chất anh hùng của Dít đã được bộc lộ từ khi cô còn nhỏ, trong lần mang gạo đi tiếp tế cho Tnú và đám thanh niên đang ẩn nấp ở trong rừng thì Dít bị giắc, chúng không giết mà trói cô bé lại rồi “lên đạn tôm – xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, sém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ của Dít”. Thoạt đầu Dít khóc ré lên “nhưng rồi đến viên thứ mười nó chùi nước mắt, từ đó im bặt. Nó đứng lặng giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ của nó lại quật lên một cái, nhưng đôi mắt nó thì vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng, bình thản như đôi mắt của chị bí thư bây giờ vậy”. Một đứa trẻ vậy mà có thể trấn tĩnh trước sự tra tấn tinh thần khủng khiếp của lũ giặc tàn ác như thế và trở thành một cán bộ như ngày hôm nay hẳn là không tầm thường. Khi trưởng thành Dít đã trở thành bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội là một người lãnh đạo của làng Xô Man, được dân làng vô cùng tin yêu và mến phục.
Cuối cùng là bức chân dung của chú bé Heng, dù rằng hình ảnh của cậu chỉ xuất hiện thoáng qua với cảnh đeo súng chéo qua lưng ra vẻ một người lính khi dẫn Tnú về làng. Thế nhưng đã để lại cho người đọc nhiều thiện cảm, Heng chính là hình bóng của Tnú và tương lai sẽ trở thành một người nối gót Tnú trở thành cán bộ cách mạng xuất sắc. Cậu bé chính là đại diện cho thế hệ thiếu niên của làng Xô Man, là lớp người sẽ nối tiếp công cuộc kháng chiến chống Mỹ về sau này của làng, là những cây xà nu đang mạnh mẽ vươn mình dưới bóng của những cây xà nu trưởng thành như cụ Mết, Tnú, Dít và nhiều người khác nữa.
Sở dĩ Nguyễn Trung Thành dày công xây dựng nên hình tượng những người anh hùng làng Xô Man là bởi tác giả là một nhà văn cách mạng có nhận thức rất sâu sắc về tính chất toàn dân, toàn diện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thắng lợi của kháng chiến. Mỗi gương mặt anh hùng đều mang những nét riêng về số phận, cá tính, lứa tuổi, giới tính nhưng nổi bật với những phẩm chất chung mang vẻ đẹp sử thi đó là sự gan góc, dũng cảm, mưu trí, lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước sâu sắc và sự căm thù giặc đến tột cùng. Họ đã trở thành những gương mặt điển hình đại diện cho cả vùng núi rừng Tây Nguyên vả cả Tổ quốc trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt.
—————— HẾT ——————-
Qua truyện ngắn Rừng xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã tái hiện đầy sống động không khí của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đồng thời xây dựng thành công hình tượng người anh hùng sử thi – T nú và cộng đồng anh hùng làng Xô Man. Bên cạnh bài Phân tích hình tượng dân làng làng Xô Man trong Rừng xà nu, các em có thể tìm hiểu thêm về tác phẩm qua một số Bài văn hay lớp 12 khác như: Phân tích hình tượng rừng xà nu, Phân tích cảm hứng sử thi trong Rừng xà nu, Chứng minh Rừng xà nu là bản anh hùng ca của người Tây Nguyên, Cảm nhận về nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục