Đề bài: Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh
This post: Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh
Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh
I. Dàn ý Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát bài thơ Ngắm trăng
– Dẫn dắt vào hai câu cuối bài thơ
2. Thân bài
a. Vẻ đẹp hài hoà, tri kỷ giữa trăng và người
– Không gian: tại phòng giam của nhà tù.
– Thời gian: đêm
– Bác “ngắm” trăng, thưởng trăng qua ánh cửa nhà tù, niềm say mê với đẹp của thiên nhiên.
– Trăng “nhòm” qua khe cửa để “ngắm” người tù.
=> Sự giao cảm, tri âm giữa trăng và người.
b. Vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ.
– Nơi ngục tù không làm cho người cách mạng nản chí, mệt mỏi.
– Lạc quan trong gian khó
– Yêu thiên nhiên, nhạy cảm trước thiên nhiên
3. Kết bài
Khẳng định lại vẻ đẹp trong hai câu thơ cuối bài.
II. Bài văn mẫu Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh
Trăng luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của biết bao nhà thơ, nhà văn trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Trong số đó, phải kể đến một thi sĩ gắn bó với trăng tha thiết, đó là Hồ Chí Minh. Bác viết rất nhiều về trăng, nhưng có lẽ Ngắm trăng là bài thơ hay nhất của Người bởi nó có cảnh, có tình trong đó. Đặc biệt, hai câu cuối bài thơ là đã khắc họa bức chân dung tự họa đầy hài hoà, độc đáo giữa người từ với vầng trăng:
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
Trong chốn tù lao gông cùm, nơi chật hẹp với bốn bức tường lạnh lẽo ấy, ngỡ là cô đơn đến tột cùng. Nhưng không, nơi tù đày không có rượu hoa làm bạn, tri kỉ tìm đến Người là vầng trăng. Người thưởng thức ánh trăng lại trong cảnh ngộ của tù nhân vậy mà vẫn toát lên vẻ ung dung, thảnh thơi lạ thường. Ngoài cửa sổ, ánh trăng soi, Người lặng lẽ ngắm nhìn ánh trăng hiền dịu, thứ ánh sáng mênh mang, an bình của thiên nhiên đã xua tan những nhọc nhằn nơi ngục tù tăm tối. Tù đày giữ chân Người, nhưng không thể ngăn tâm hồn Người được, qua khung cửa sổ, vẻ đẹp của thiên nhiên không rộng lớn nhưng tròn đầy, Bác trân trọng khoảnh khắc đẹp đẽ, trong ngần ấy. Từ “ngắm” vừa cho thấy được sự nâng niu, yêu thương của Người dành cho thiên nhiên vừa cho thấy được sự say đắm của người khi thưởng thức vầng trăng của tạo hoá.
Đọc ở nguyên bản chữ Hán, ta càng cảm nhận được cảnh thưởng trăng đặc biệt này:
“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia”.
Và ánh trăng kia đang hiểu được tấm lòng của thi nhân hay đang ngưỡng mộ người tù nhân trong căn phòng ấy mà buông mình đáp xuống:
“Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
Thủ pháp nhân hoá được sử dụng tài tình, trăng “nhòm”, trăng “ngắm”. Nơi khe cửa kia là song sắt của phòng lao nhà tù, ánh trăng vượt qua nó, rọi sáng gốc nơi tù nhân đang đứng, ngắm nhìn người tù bằng tất cả sự khâm phục, ngưỡng mộ. Đến với người thi nhân giàu tình cảm kia, trăng không còn là vật vô tri nữa mà biết thưởng thức, biết ngắm nhìn và trân trọng tấm lòng kia. Trăng và người, mặt đối mặt như đôi bạn tâm giao, tri kỉ. Khoảnh khắc ấy thật đẹp biết bao, đó là khoảnh khắc làm tan biến mọi đau khổ, bóng tối, cô đơn nơi xứ người của nhà cách mạng.
Hai câu thơ chỉ với 14 tiếng thôi mà khiến ta không khỏi khâm phục Người. Bác đâu chỉ có tâm hồn đẹp, một lý tưởng rộng lớn mà Bác con là người bản lĩnh, mạnh mẽ, một tinh thần lạc quan, vượt lên những khó khăn của nghịch cảnh để sống đẹp, sống có ích.
——————HẾT———————–
Các em vừa tham khảo bài văn mẫu phân tích vẻ đẹp của hai câu cuối bài Ngắm trăng. Để khám phá toàn bộ tác phẩm và hình ảnh Bác thể hiện qua bài thơ, mời các em cùng tham khảo các bài viết cùng chuyên đề: Cảm nhận về bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh, Hình ảnh Bác Hồ hiện lên qua bài thơ Ngắm trăng, Phân tích vẻ đẹp của bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh, Cảm nghĩ của em sau khi đọc hai bài thơ của Bác Hồ: “Ngắm trăng” và “Sáu mươi tuổi”.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)