Đề bài: Phân tích đoạn trích Tình yêu và thù hận
This post: Phân tích đoạn trích Tình yêu và thù hận
I. Dàn ý Phân tích đoạn trích Tình yêu và thù hận
– Giới thiệu sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp của Uy-li-am Sếch-xpia.
– Rô-mê-ô và Giu-li-ét là vở bi kịch kinh điển về tình yêu, là kiệt tác văn học ra đời dựa trên mối thù hận có thực của hai dòng họ Môn-ta-giu và Ca-piu-lét tại I-ta-li-a thời trung cổ.
– Tình yêu và thù hận trích trong lớp hai, hồi II của vở kịch là những lời tâm sự tận đáy lòng của đôi trai tài gái sắc, hai trái tim cùng hướng về thứ tình yêu đích thực, sẵn sàng từ bỏ, vượt qua những rào cản thù hận dòng họ để đến bên nhau.
2. Thân bài
a. Tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét:
– Là tình yêu trên nền thù hận, với Giu-li-ét sự thù hận của hai dòng họ được nhắc đến như một nỗi sợ, nỗi ám ảnh thường trực.
– Với Rô-mê-ô chàng luôn mang tâm thế sẵn sàng, vượt lên trên thù hận với thái độ quyết đoán, sẵn sàng từ bỏ cả tên họ, từ bỏ cả dòng tộc vì tình yêu với Giu-li-ét, nhưng chàng lại băn khoăn và e dè vì chưa xác định được tình yêu của Giu-li-ét….(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích đoạn trích Tình yêu và thù hận tại đây
II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Tình yêu và thù hận
Uy-li-am Sếch-xpia (1564-1616), sinh ra trong một gia đình thương nhân bình dân ở thị trấn Tây Nam nước Anh. Ông được mệnh danh là nhà viết kịch thiên tài, là “người khổng lồ” của nhân loại trong thời kỳ Phục Hưng. Ông đã để lại một khối lượng tác phẩm rất đồ sộ gồm 37 vở kịch và đều được được xếp vào hàng kiệt tác với nhiều thể loại khác nhau. Rô-mê-ô và Giu-li-ét là vở bi kịch kinh điển về tình yêu, là kiệt tác văn học ra đời dựa trên mối thù hận có thực của hai dòng họ Môn-ta-giu và Ca-piu-lét tại I-ta-li-a thời trung cổ. Sếch-xpia bằng tiếng nói nhân văn và tư tưởng tiến bộ, khát vọng tự do mãnh liệt đã mang đến một tình yêu trong sáng nhưng không kém phần mãnh liệt, dùng tình yêu tuyệt vời ấy để hóa giải đi mối hận thù của hai dòng họ vốn đã in sâu trong tâm trí hai con người trẻ tuổi. Đoạn trích Tình yêu và thù hận trích trong lớp hai, hồi II của vở kịch là những lời tâm sự tận đáy lòng của đôi trai tài gái sắc, hai trái tim cùng hướng về thứ tình yêu đích thực, sẵn sàng từ bỏ, vượt qua những rào cản thù hận dòng họ để đến bên nhau.
Tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét là tình yêu trên nền thù hận, với Giu-li-ét sự thù hận của hai dòng họ được nhắc đến như một nỗi sợ, nỗi ám ảnh thường trực, nàng không thể giấu nổi sự lo lắng, hoang mang lặp đi lặp lại trong từng lời thoại. Nàng lo lắng cho tình yêu mới chớm nở, lo lắng cho số phận của người mình yêu và của cả chính bản thân nàng. Khác với Giu-li-ét, Rô-mê-ô khi đối mặt với tình yêu và với thù hận của dòng họ, chàng lại có cách nghĩ và một thái độ khác hẳn, mà có lẽ rằng đó là đặc điểm riêng của phái mạnh, mang trong mình sự dũng cảm, cứng cỏi. Chàng luôn mang tâm thế sẵn sàng, vượt lên trên thù hận với thái độ quyết đoán, sẵn sàng từ bỏ cả tên họ, từ bỏ cả dòng tộc vì tình yêu với Giu-li-ét, đối với chàng trai trẻ tình yêu của chàng có thể vượt lên trên tất cả, vượt lên cái bóng đen u ám mãi quanh quẩn giữa hai dòng tộc. Thế nhưng Rô-mê-ô cũng lại có một mối lo lắng khác, điều đó nằm ở tình yêu của Giu-li-ét, chàng quẩn quanh bởi những câu hỏi, những băn khoăn về vị trí của mình trong trái tim nàng, bởi nếu yêu mình sao nằng còn lo lắng và cứ mãi ậm ờ, không dứt khoát như thế. Rô-mê-ô nói “Ánh mắt của em còn nguy hiểm cho tôi hơn hai chục lưỡi kiếm của họ”, hóa ra trong đôi mắt chàng trai trẻ, chỉ có duy nhất Giu-li-ét khiến chàng không an tâm, khiến chàng phải e dè, bởi chàng đã yêu nàng quá sâu đậm, một lời từ chối của nàng cũng khiến Rô-mê-ô đau đớn hơn là vài chục lưỡi kiếm cắt vào da thịt. Có thể thấy rằng tuy cả hai nhân vật có những suy nghĩ khác nhau nhưng họ đều nhắc đến hận thù, nhưng không phải để khơi dậy hay khoét sâu nó mà nhắc tới để tìm cách vượt lên trên hận thù, để vun đắp tình yêu mới chớm nở của mình bằng tất cả trái tim và hi vọng cháy bỏng.
Trong đoạn trích chúng ta có thể nhận thấy rằng có hai kiểu đối thoại một là độc thoại nội tâm, và một là màn đối thoại trực tiếp của hai nhân vật. Trước hết màn độc thoại của từng nhân vật chính là những lời sâu tận đáy lòng mà họ muốn bộc bạch cùng trăng sao, họ muốn nói ra cho thỏa nỗi lòng mong nhớ. Những lời muốn ngỏ của Rô-mê-ô rất nhiều và được thể hiện qua những lời độc thoại rất dài khi chàng ngắm trộm Giu-li-ét bên khung cửa sổ “Kẻ chưa từng bị thương thì há sợ gì sẹo…mơn trớn đôi gò má ấy”. Bối cảnh gặp gỡ của hai người là một đêm trăng sáng, không gian tĩnh mịch thanh vắng, trên trời những vì sao nhỏ lấp lánh, có thể nói đây là không gian vô cùng thích hợp để đôi lứa hẹn hò. Có một điều đáng chú ý là trong mắt chàng Rô-mê-ô vẻ đẹp của Giu-li-ét sánh ngang với “mặt trời”, điều ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước hết là từ vị trí đứng của Rô-mê-ô khi chàng hướng mắt lên bắt gặp vẻ đẹp của người con gái trẻ trung, rực rỡ, vẻ đẹp ấy giống như ánh dương ấm áp sáng chói tâm hồn hồn chàng. Đặc biệt, nếu như trước khi nàng xuất hiện không gian chỉ có mình ánh trăng thanh lãnh thì đến khi Giu-li-ét đến bên cửa sổ, vẻ đẹp của nàng tỏa ra thứ ánh sáng cạnh tranh với thiên nhiên, thậm chí lấn át của ánh trăng khiến cho nó trở nên nhợt nhạt xanh xao, điều ấy khiến Rô-mê-ô chỉ có thể liên tưởng đến mặt trời, thứ ánh sáng độc nhất, vĩ đại nhất. Ngoài ra, xuất phát từ thần thoại La Mã về mặt trăng, mà bản thân Rô-mê-ô lại ao ước một tình yêu thực tế, tươi đẹp gần sát với trần thế, như vậy Giu-li-ét của chàng phải xứng đáng với hình tượng mặt trời ấm áp. Thêm nữa, Giu-li-ét lại xuất hiện trong cuộc đời chàng, lúc chàng rơi vào tuyệt vọng, chán chường bởi nỗi buồn thất tình, chính tình yêu của nàng đã hồi sinh tâm hồn chàng, khiến chàng trở lại sự tươi vui, rực rỡ. Chàng Rô-mê-ô đã có một sự so sánh ngầm rằng, chính Giu-li-ét đã mang đến sức mạnh, củng cố nguồn sống, là sự hiện diện tuyệt đối cần thiết trong cuộc đời chàng, tựa như mặt trời với Trái Đất, nhờ có sức mạnh ấy mà chàng có thể vượt lên trên thù hận của gia tộc, rũ bỏ hết tất cả, kể cả họ tên để dũng cảm theo đuổi tình yêu. Bên cạnh vẻ đẹp tựa ánh sáng mặt trời, vẻ đẹp của Giu-li-ét hiện lên trong ánh mắt si tình của chàng Rô-mê-ô được đặc tả qua đôi mắt, chàng so sánh đôi mắt ấy tựa như hai vì tinh tú sáng nhất trên bầu trời, từ đó dùng làm đòn bẩy nâng cao vẻ đẹp nữ thần trong mắt chàng. Có thể thấy rằng, rất cả các cách so sánh, cách gọi của Rô-mê-ô dành cho người con gái anh yêu đã thể hiện một đặc điểm của chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng, vẻ đẹp của con người đã được tôn vinh để sánh ngang với vẻ đẹp của vũ trụ, mang tầm vóc vũ trụ, thậm chí còn vượt trội hơn cả vẻ đẹp của thiên nhiên. Và vẻ đẹp của Giu-li-ét đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu đương mãnh liệt ở Rô-mê-ô và cũng từ vẻ đẹp ấy đã thức dậy những khao khát được thổ lộ, được gần gũi được chia sẻ, được thấu hiểu, điều ấy thể hiện qua lời thoại của chàng “Ôi, giá nàng biết nhỉ”.
Nếu như Rô-mê-ô chỉ đơn giản là chìm đắm trong sự say mê của tình yêu bay bổng thì Giu-li-ét lại bị níu kéo bởi thực tế, một thực tế đau lòng, đó là mối thù sâu như biển giữa hai gia tộc. Ta có thể thấy rõ điều đó thông qua lời thoại nội tâm của nàng, “Ôi chao!” một lời thoại rất ngắn ngủi, tuy nhiên chúng ta có thể thấy những cảm xúc chất chứa dồn nén ở trong ấy, đó là tình cảm gói ghém dành cho mối tình đầu tiên của mình, nhưng cũng là tiếng thở dài lo lắng khi nghĩ đến việc chàng là con trai của dòng họ Môn-ta-giu. Ngoài ra đó cũng là nỗi băn khoăn của nàng về tình yêu của Rô-mê-ô dành cho mình liệu đã đủ lớn lao, đủ chân thành hay chưa. Đến lời thoại thứ hai, nàng gọi tên người yêu một cách rất thiết tha “Ôi Rô-mê-ô, chàng Rô-mê-ô”, thể hiện tình cảm trong mình một cách mãnh liệt, nhưng kèm theo đó lại là một câu hỏi đầy xót xa “Sao chàng lại là Rô-mê-ô nhỉ?”. Đồng thời nàng cũng lập tức nghĩ ra ngay giải pháp là một trong hai người họ phải từ bỏ dòng họ, có thể thấy rằng tình yêu của Giu-li-ét dành cho Rô-mê-ô là vô cùng lớn lao, là lời mách bảo chân thành của trái tim. Tuy nhiên sau khi nói ra những giải pháp ấy, Giu-li-ét đã dùng những lý lẽ để bảo vệ, biện minh cho việc từ bỏ dòng họ vì tình yêu “Chỉ có tên họ…đổi lấy cả em đây!”. Dường như Giu-li-ét đã không còn là cô bé 14 tuổi nữa mà đã vụt trưởng thành, chín chắn, có thể nói tình yêu của nàng cũng chẳng kém Rô-mê-ô mãnh liệt sâu sắc và chân thành.
Sau khi kết thúc phần độc thoại nội tâm, hai nhân vật có có cuộc chạm mặt chính thức, trong những lời mà Giu-li-ét nói đều thể hiện một nỗi sợ hãi thường trực, nàng luôn gợi nhắc về mối thù của hai đại gia tộc mà hiện thân của nỗi lo lắng ấy chính là bức tường rào nhà nàng. Bức tường đá ấy bao quanh khu lâu đài nhà Ca-piu-lét để bảo vệ dòng họ khỏi sự đột nhập của những kẻ có ý đồ bất chính, bên cạnh nghĩa tả thực thì bức tường này còn mang nhiều ý nghĩa biểu trưng, đó là sự ngăn trở tình yêu, là rào cản, là mối thù sâu đậm của hai dòng họ, nó còn là biểu tượng cho nỗi lo lắng của Giu-li-ét về tình yêu của Rô-mê-ô, tình yêu của chàng liệu có đủ chân thành, đủ lớn để vượt qua những ngăn trở hay không, và ngược lại. Đặc biệt Giu-li-et còn thể hiện nỗi lo lắng luôn thường trực khi gọi chính khu vườn nhà mình là “tử địa” và cảnh báo cho Rô-mê-ô rằng nếu chàng bị bắt gặp chàng sẽ bị giết chết không nghi ngờ. Trái lại Giu-li-ét thì suy nghĩ của Rô-mê-ô lại thoáng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều, nếu như Giu-li-ét nhắc về thù của hai dòng họ, thì Rô-mê-ô đã lập tức khẳng định chàng sẵn sàng từ bỏ tên họ để xóa bỏ mối thù. Chàng cũng xóa tan mọi băn khoăn lo lắng của Giu-li-ét về tình yêu của chàng bằng cách khẳng định chắc chắn về tình yêu mãnh liệt dành cho nàng “mấy bức tường đá ấy làm sao ngăn nổi tình yêu”, “người nhà em ngăn sao nổi tôi”,… hình bóng bức tường trở thành đòn bẩy, là công thức chính minh cho tình yêu của Rô-mê-ô.
Mối tình của Rô-mê-ô và Giu-li-ét đã khẳng định một cách mạnh mẽ sức sống và sự vực dậy mạnh mẽ vươn lên trên mọi nghịch cảnh của cuộc sống, mọi giới hạn của con người. Dẫu có là bi kịch nhưng tác phẩm của Sếch-xpia đã đem đến cho toàn nhân loại những nhận thức lớn về tình yêu, về sự khắc nghiệt của chế độ phong kiến, sự thù hận của tình người và quan trọng nhất chính là chủ nghĩa nhân văn sâu sắc mà ông muốn đề cao.
——————–HẾT————————-
Tình yêu và thù hận là đoạn trích đặc sắc trong vở kịch Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Xếch-xpia, bên cạnh bài Phân tích đoạn trích Tình yêu và thù hận, các em cũng có thể tìm hiểu thêm: Soạn bài Tình yêu và thù hận, Đọc hiểu Tình yêu và thù hận, Phân tích diễn biến tâm trạng của Rô-mê-ô và Giu-li-ét trong Tình yêu và thù hận, đã được tổng hợp trong bài văn hay lớp 11, các em cùng đón đọc.
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục