Đề bài: Phân tích đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng
This post: Phân tích đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng
Phân tích đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng
I. Dàn ý Phân tích đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm, đoạn trích.
2. Thân bài
a. Nhân vật Lưu Bị:
– Hoàn cảnh:
+ Đang chịu nhún mình nương nhờ chỗ Tào Tháo để chờ thời cơ rời đi làm đại nghiệp của riêng mình. Tuy nhiên luôn bị Tào Tháo hết sức đề phòng, tìm mọi cách thăm dò.
+ Lưu Bị cố gắng thu mình, lập hẳn một khu vườn nhỏ sau nhà để đánh lạc hướng Tào Tháo nhưng vẫn không khiến Tháo hết nghi ngờ.
=> Cuộc uống rượu luận anh hùng giữa hai nhân vật này.
– Tháo tìm đến tận nhà Lưu Bị, nói một câu nhiều ẩn ý “Huyền Đức độ này ở nhà làm một việc lớn lao ấy nhỉ”, bộc lộ sự nghi hoặc, thăm dò của Tào Tháo đối với Bị.
– Lưu Bị khi bị cuốn vào cuộc rượt đuổi vờn bắt căng não này, vốn dĩ lúc đầu đã có tâm thế chuẩn bị và đề phòng, bắt đầu từ việc chuyên tâm giả trồng rau, cho đến việc nhanh chóng chuyển từ trạng thái “sợ tái mặt” đến “vững dạ” theo bước Tào Tháo cùng uống rượu.
– Trong cuộc luận anh hùng, Lưu Bị đã tỏ ra là một người khôn ngoan, thận trọng, đồng thời cũng là kẻ am tường về các nhân vật trong thời loạn lạc.
+ Lưu Bị kể những cái tên không mấy tài năng, để né tránh phải đương đầu trực tiếp với Tào Tháo về quan niệm anh hùng, và cũng để khẳng định câu nói ẩn nhẫn của mình rằng “Bị này người trần mắt thịt, biết đâu được anh hùng”.
+ Khi Tào Tháo bất ngờ lật ngửa ván bài nói “Anh hùng trong thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tháo thôi” khiến Lưu Bị làm rơi cả đũa vì giật mình.
→ Lưu Bị đã nhanh chóng cứu vãn tình hình bằng việc lợi dụng vừa có tiếng sấm chớp to, liền ung dung cúi đầu nhặt muỗng đũa, tỏ vẻ sợ sấm, lại dân cả chuyện Khổng Tử sợ sấm để củng cố cho ý nói của mình, khiến Tào Tháo bỏ mối hiềm nghi cho được.
=> Lưu Bị là một người anh hùng thông minh, nhanh trí, lại am hiểu mọi việc, trong cuộc rượt đuổi và trận đối đầu gay gắt mà vẫn tỏ được sự ung dung, trấn tĩnh thấy sự không loạn. Quan niệm về người anh hùng của Lưu Bị ấy là hết lòng vì nhân dân đất nước, sẵn sàng xông pha cứu giúp những chỗ khốn khó, nguy nan, có ý chí làm vua, yên định lê dân bá tánh.
b. Nhân vật Tào Tháo:
– Là một nhân vật tài giỏi, nhìn nhận sự việc và con người rất tốt, đồng thời cũng rất tự tin vào khả năng của mình.
– Tuy nhiên bản thân Tào Tháo trong quan điểm về người anh hùng lại quá đề cao cái tài năng cá nhân vượt bậc cho rằng người anh hùng thì phải “có chí lớn, mưu cao, có tài bao trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt được cả trời đất”. Nhưng không nhắc nhở gì đến cái đức độ, tấm lòng của người anh hùng.
– Là kẻ “gian hùng”, tài giỏi nhưng không có đức, có thể dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, lại hay đa nghi, kiêng kỵ.
– Tào Tháo lầm tưởng mình đã bao quát hết được thiên hạ, tin tưởng vào nhãn lực của mình, thành ra từ đa nghi lại dẫn đến việc Tháo chủ quan, và không lường được Lưu Bị, xem thường, đánh giá thấp nhân vật này.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng
Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung được xếp vào hàng tứ đại kiệt tác của nền văn học Trung Hoa, với dung lượng đồ sộ, cuốn tiểu thuyết dã sử này đã mang đến cho độc giả nhiều thế hệ những bài học, những chiêm nghiệm sâu sắc xung quanh cuộc tranh giành thế lực giang sơn giữa những nhân vật lịch sử nổi tiếng là Tào Tháo – Bắc Ngụy, Lưu Bị – Tây Thục, và Tôn Quyền – Đông Ngô, tạo nên thế chân vạc liên tục kiềm chế lẫn nhau. Cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt các nhân vật anh hùng, tiểu nhân, đại diện cho muôn mặt con người trong xã hội, cùng với một hệ thống các sách lược binh pháp, thuật dùng người, nhìn người đều được tác giả tinh tế lồng ghép và trong tác phẩm của mình, tạo nên một tuyệt đại danh tác khiến đời đời ngưỡng mộ. Trong số các nhân vật của Tam quốc diễn nghĩa thì Tào Tháo và Lưu Bị là một trong những nhân vật chính yếu, có bản chất nhân phẩm theo cái nhìn khách quan của tác giả là hoàn toàn đối lập và là nổi bật lẫn nhau. Điều này được thể hiện khá rõ thông qua đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng trích ở hồi 21 của tiểu thuyết, khi Tào Tháo từ việc thăm dò Lưu Bị đã lộ rõ bản chất gian hùng của mình, ngược lại Lưu Bị khiêm nhường, cẩn thận lại càng bộc lộ rõ bản chất của một anh hùng thực sự giữa thời loạn, không vì loạn mà sợ.
Chuyện bắt đầu từ việc anh em nhà Lưu Bị mưu đồ nghiệp lớn muốn tự lập nên giang sơn, cứu bá tánh nhân dân khỏi cảnh lầm than chinh chiến, thế nhưng khốn nỗi là binh lương chưa có, người tài cũng có hạn, thành ra đành chịu nhún mình nương nhờ chỗ Tào Tháo để chờ thời cơ rời đi làm đại nghiệp của riêng mình. Tuy nhiên Tào Tháo vốn là kẻ đa nghi, một mặt muốn thu anh em nhà Lưu Bị về dưới trướng cùng mưu đồ nghiệp lớn, một mặt lại hết sức đề phòng, tìm mọi cách thăm dò tâm thế của Lưu Bị. Trước tình cảnh ngặt nghèo và sự phòng bị của Tào Tháo, Lưu Bị lại càng cố gắng thu mình, thậm chí lập hẳn một khu vườn nhỏ sau nhà, ngày ngày ra sức trồng rau chăm bón để đánh lạc hướng Tào Tháo. Tuy nhiên sự nhún nhường, tỏ ra không quan tâm đại sự, an nhàn chốn điền viên của Lưu Bị vẫn không khiến Tháo hết nghi ngờ, thế nên mới có cuộc uống rượu luận anh hùng giữa hai nhân vật này. Tháo tìm đến tận nhà Lưu Bị, nói một câu nhiều ẩn ý “Huyền Đức độ này ở nhà làm một việc lớn lao ấy nhỉ”, ngay từ câu nói đầu tiên đã bộc lộ sự nghi hoặc, thăm dò của Tào Tháo đối với Bị. Cái việc “lớn lao” ấy ở đây, người thường thì nghĩ Tháo đùa vui chuyện Lưu Bị trồng rau nuôi gà, cái việc của “tiểu nhân” giống như Quan Vũ và Trương Phi nói. Nhưng mặt khác sâu xa hơn là Tháo đang cố ý khuấy động lòng Lưu Bị, đụng đến cái tham vọng mà Lưu Bị cố ẩn nhẫn cất giấu. Tuy nhiên bản thân Lưu Bị khi bị cuốn vào cuộc rượt đuổi vờn bắt căng não này, vốn dĩ lúc đầu đã có tâm thế chuẩn bị và đề phòng, bắt đầu từ việc chuyên tâm giả trồng rau, cho đến việc nhanh chóng chuyển từ trạng thái “sợ tái mặt” đến “vững dạ” theo bước Tào Tháo cùng uống rượu. Trong cuộc luận anh hùng, Lưu Bị đã tỏ ra là một người khôn ngoan, thận trọng, đồng thời cũng là kẻ am tường về các nhân vật trong thời loạn lạc. Đối với câu hỏi ý muốn thăm dò quan điểm anh hùng của Tào Tháo, thực tế những người Lưu Bị kể chưa hẳn đã là người mà Lưu Bị xem là anh hùng, cứ nhìn cách Tào Tháo đưa ra lý do để phủ nhận thì biết. Bởi lẽ Tháo tuy là kẻ gian hùng, nhưng cũng là người tài giỏi, là đối thủ ngang tầm ngang sức với Lưu Bị, nhìn người hẳn không sai. Sở dĩ Lưu Bị kể những cái tên như Viên Thuật, Viên Thiệu, Lưu Biểu, Tôn Sách, Lưu Chương, Trương Tú, Trương Lỗ, Hàn Toại,… là những người không mấy tài năng, cốt chỉ là để né tránh phải đương đầu trực tiếp với Tào Tháo về quan niệm anh hùng, và cũng để khẳng định câu nói ẩn nhẫn của mình rằng “Bị này người trần mắt thịt, biết đâu được anh hùng”. Tức là phải làm cho Tào Tháo tin rằng mình không có mưu đồ gì khác. Thế nhưng, Tào Tháo không phải là kẻ dễ tin người, ông ta đã thăm dò Lưu Bị đến tận cùng khi bất ngờ lật ngửa ván bài chỉ vào mình và Lưu Bị mà nói “Anh hùng trong thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tháo thôi”. Quả thực đó là một đòn dứt khoát và rất độc của Tào Tháo, khiến Lưu Bị vốn trấn tĩnh phải làm rơi cả đũa vì giật mình. Tuy nhiên người anh hùng không phải không vì chút chấn động mà sợ hãi, Lưu Bị đã nhanh chóng cứu vãn tình hình bằng việc lợi dụng vừa có tiếng sấm chớp to, liền ung dung cúi đầu nhặt muỗng đũa, tỏ vẻ sợ sấm, lại dân cả chuyện Khổng Tử sợ sấm để củng cố cho ý nói của mình. Phong thái, hành động, và lý luận của Lưu Bị khiến Tào Tháo không thể không loại bỏ mối hiềm nghi cho được. Quả nói Lưu Bị là anh hùng không thể sai được, một người anh hùng thông minh, nhanh trí, lại am hiểu mọi việc, trong cuộc rượt đuổi và trận đối đầu gay gắt mà vẫn tỏ được sự ung dung, trấn tĩnh thấy sự không loạn. Bên cạnh đó ta cũng nhận thấy được quan niệm về người anh hùng của Lưu Bị ấy là hết lòng vì nhân dân đất nước, sẵn sàng xông pha cứu giúp những chỗ khốn khó, nguy nan, có ý chí làm vua, yên định lê dân bá tánh.
Về nhân vật Tào Tháo, trước hết trong cuộc luận anh hùng, ta cũng thấy rằng đây là một nhân vật tài giỏi, nhìn nhận sự việc và con người rất tốt, đồng thời cũng rất tự tin vào khả năng của mình. Tuy nhiên bản thân Tào Tháo trong quan điểm về người anh hùng lại quá đề cao cái tài năng cá nhân vượt bậc cho rằng người anh hùng thì phải “có chí lớn, mưu cao, có tài bao trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt được cả trời đất”. Tuy nhiên Tào Tháo không nhắc nhở gì đến cái đức độ, tấm lòng của người anh hùng, bởi lẽ nhân vật này nêu quan điểm nhằm mục tiêu khẳng định mình là anh hùng. Mà ở Tào Tháo người ta đặt cho hai chữ “gian hùng”, ý chỉ kẻ tài giỏi nhưng không có đức, có thể dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, lại hay đa nghi, kiêng kỵ. Nhưng chính vì lẽ quá đa nghi và kiêu ngạo, thành thử Tào Tháo lầm tưởng mình đã bao quát hết được thiên hạ, tin tưởng vào nhãn lực của mình, thành ra từ đa nghi lại dẫn đến việc Tháo chủ quan, và không lường được Lưu Bị, thậm chí tỏ rõ thái độ xem thường, đánh giá thấp nhân vật này.
Đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng là một đoạn trích khá thú vị của Tam quốc diễn nghĩa, bộc lộ rõ bản chất của hai nhân vật chính yếu trong tác phẩm một người là chính nhân quân tử, là người anh hùng tiêu biểu của thời đại với những nét tính cách ung dung, trầm ổn, biết nhẫn nhịn chờ thời, một người khác lại là kẻ gian hùng, quá phô trương, tự đại thành thử trở nên chủ quan, thiếu cảnh giác. Thể hiện rõ quan điểm của tác giả, cũng như của nhân dân từ bao đời nay về người anh hùng trong lịch sử và các nền văn hóa Nho học, Khổng Tử.
Bài Phân tích đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng là những phân tích chi tiết về đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng để thấy rõ tính cách của Lưu Bị và Tào Tháo. để tìm hiểu thêm về đoạn trích mời các em tham khảo thêm các bài viết Soạn bài Tào tháo uống rượu luận anh hùng, Phân tích bài Hồi trống Cổ Thành, Cảm nhận về đoạn trích Tào tháo uống rượu luận anh hùng, Kể lại nội dung đoạn trích Hồi trống cổ Thành theo lời của Quan Công.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)