Đề bài: Phân tích đoạn trích Sau phút chia li (Chinh phụ ngâm khúc)
This post: Phân tích đoạn trích Sau phút chia li (Chinh phụ ngâm khúc)
Phân tích đoạn trích Sau phút chia li (Chinh phụ ngâm khúc)
I. Dàn ý Phân tích đoạn trích Sau phút chia li (Chinh phụ ngâm khúc)
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Đặng Trần Côn và dịch giả Đoàn Thị Điểm
– Giới thiệu khái quát về đoạn trích “Chinh phụ ngâm” (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị của tác phẩm,…)
– Giới thiệu chung về đoạn trích “Sau phút chia li” (vị trí đoạn trích, những nét đặc sắc về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…)
2. Thân bài
a. Bốn câu thơ đầu
– Sử dụng cặp từ ngữ xưng hô “chàng” – “thiếp” tác giả đã cho thấy cuộc sống sum vầy, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ
– Hình ảnh đối lập “chàng đi” – “thiếp về”, hai con người đi về hai ngả, câu thơ vang lên một nỗi niềm xót xa, đau đớn đến khôn nguôi.
-Hình ảnh “cõi xa mưa gió” phải chăng đã làm hiện lên hình ảnh chiến tranh với biết bao khốc liệt, dữ dội, tàn ác, ngày ra đi không biết bao giờ trở về.
– Hình ảnh “buồng cũ chiếu chăn” gợi lên không gian yêu thương xưa cũ nay trở nên cô quạnh, lẻ loi, đơn côi
→ Bốn câu thơ đầu với việc sử dụng hàng loạt các hình ảnh đối lập đã thể hiện một cách rõ nét nỗi buồn chia li da diết đến khôn nguôi.
b. Bốn câu thơ tiếp theo
– Hai địa danh của Trung Quốc – “Hàm Dương”, “Tiêu Tương”: tượng trưng cho sự xa xôi, cách trở.
– Nghệ thuật:
+ Sử dụng điệp ngữ “Tiêu Tương”, “Hàm Dương”
+ Đảo ngữ
+ Biện pháp đối lập – “chàng ngoảnh lại”, “thiếp trông sang”.
→ Câu thơ trở nên thống thiết, não nùng và nỗi đau chia li như tăng lên gấp bội.
c. Bốn câu thơ còn lại
– Nghệ thuật đối lập, “trông lại” – “chẳng thấy”, “chàng” – “thiếp” cùng việc sử dụng thành công nghệ thuật điệp ngữ vòng – “thấy”, “ngàn dâu” đã diễn tả một cách rõ nét nỗi buồn li biệt của chủ thể trữ tình
– Câu hỏi tu từ khép lại đoạn trích
→ Nỗi buồn đau ấy đã kết lại thành một khối sầu thương trĩu nặng trong nỗi lòng của chủ thể trữ tình.
3. Kết bài
Khái quát những nét đặc sắc về giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của đoạn trích và nêu cảm nhận của bản thân.
II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Sau phút chia li (Chinh phụ ngâm khúc)
“Chinh phụ ngâm khúc” là tác phẩm ngâm khúc xuất sắc bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn, được nhiều tác giả dịch ra chữ Nôm. Tác phẩm đã thể hiện một cách sâu sắc và rõ nét nỗi lòng nhớ thương, sầu muộn của người vợ có chồng ra trận. Và có thể nói, đoạn trích “Sau phút chia li” đã giúp chúng ta cảm nhận được nỗi lòng của người vợ sau phút chia tay với chồng.
Bốn câu thơ mở đầu đoạn trích tác giả đã vẽ nên một khung cảnh chia li đầy đau đớn, xót xa của đôi vợ chồng.
Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh.
Với việc sử dụng cặp từ ngữ xưng hô “chàng” – “thiếp” tác giả đã cho thấy cuộc sống sum vầy, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Và để rồi, tiếp sau đó, tác giả đã vẽ nên một khung cảnh chia li đầy đau đớn, xót thương với việc sử dụng hàng loạt các hình ảnh đối lập “chàng đi” – “thiếp về”, hai con người đi về hai ngả, câu thơ vang lên một nỗi niềm xót xa, đau đớn đến khôn nguôi. Cùng với đó, hình ảnh “cõi xa mưa gió” phải chăng đã làm hiện lên hình ảnh chiến tranh với biết bao khốc liệt, dữ dội, tàn ác, ngày ra đi không biết bao giờ trở về. Thêm vào đó, tác giả còn sử dụng hình ảnh “buồng cũ chiếu chăn” gợi lên không gian yêu thương xưa cũ nay trở nên cô quạnh, lẻ loi, đơn côi đến tột cùng. Hai hình ảnh đối lập cứ thế sóng đôi cùng nhau, như khắc sâu vào lòng người ra đi và người ở lại một nỗi đau xót vô cùng. Vừa bước chân ra đi ấy vậy mà khi quay đầu nhìn lại mọi thứ đã trở nên thật xa, cả miền không gian là một màu xanh thăm thẳm của núi rừng, đó là sự xa cách về không gian thực vừa là sự xa cách trong tâm tưởng, điều đó thể hiện rõ nét qua hình ảnh “tuôn màu xanh biếc, trải ngàn núi xanh”. Như vậy, bốn câu thơ đầu với việc sử dụng hàng loạt các hình ảnh đối lập đã thể hiện một cách rõ nét nỗi buồn chia li da diết đến khôn nguôi.
Nếu trong bốn câu thơ mở đầu diễn tả nỗi buồn, sự đau xót khi chia ly thì trong bốn câu thơ tiếp theo tác giả đã cho chúng ta thấy nỗi nhớ tha thiết, khắc khoải và một nỗi buồn như càng thêm đậm sâu.
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Trong bốn câu thơ tác giả đã nhắc tới hai địa danh của Trung Quốc – “Hàm Dương”, “Tiêu Tương”, đó chính là hình ảnh tượng trưng cho sự xa xôi, cách trở. Thêm vào đó, tác giả đã sử dụng nghệ thuật điệp ngữ “Tiêu Tương”, “Hàm Dương”, đảo ngữ và đặc biệt là tiếp tục sử dụng thành công biện pháp đối lập – “chàng ngoảnh lại”, “thiếp trông sang”. Tất cả những điều đó đã quyện hòa vào nhau, làm cho câu thơ trở nên thống thiết, não nùng và nỗi đau chia li như tăng lên gấp bội.
Cuối cùng, bốn câu thơ khép lại bài thơ đã thêm một lần nữa giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc và rõ nét nỗi buồn, nỗi sầu thương khôn nguôi trong nỗi lòng người chinh phụ.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Bốn câu thơ một lần nữa sử dụng thành công nghệ thuật đối lập, “trông lại” – “chẳng thấy”, “chàng” – “thiếp” cùng việc sử dụng thành công nghệ thuật điệp ngữ vòng – “thấy”, “ngàn dâu” đã diễn tả một cách rõ nét nỗi buồn li biệt của chủ thể trữ tình. Dường như cả không gian vũ trụ đang phủ đầy một màu xanh của xa cách, của nỗi nhớ, nỗi buồn li biệt. Đặc biệt, với câu hỏi tu từ kết thúc đoạn trích đã nhấn mạnh nỗi buồn li biệt, nỗi buồn đau ấy đã kết lại thành một khối sầu thương trĩu nặng trong nỗi lòng của chủ thể trữ tình.
Tóm lại, đoạn trích “Sau phút chia li” với ngôn ngữ chọn lọc cùng việc sử dụng thành công thủ pháp đối lập và nghệ thuật điệp ngữ đã diễn tả thành công nỗi buồn li biệt của người chinh phụ có chồng ra trận. Điều đó vừa tố cáo chiến tranh phi nghĩa vừa thể hiện thấm thía nỗi niềm khao khát hạnh phúc của người phụ nữ.
———————HẾT———————–
Bên cạnh bài Phân tích đoạn trích Sau phút chia li (Chinh phụ ngâm khúc), các em có thể tham khảo thêm: Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ qua đoạn trích Sau phút chia li, Cảm nhận khi đọc đoạn trích Sau phút chia li, Phân tích nỗi sầu chia li của người vợ trong Sau phút chia li, Vẻ đẹp ngôn từ của Sau phút chia li
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục