Giáo dục

Phân tích đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền

Đề bài: Phân tích đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền

phan tich doan trich nguoi cam quyen khoi phuc uy quyen

This post: Phân tích đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền

Phân tích đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền
 

I. Dàn ý Phân tích đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền (Chuẩn)

1. Mở bài

– Sơ lược về Huy-go và phong cách sáng tác.
– Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền cuối phần thứ nhất Phăng-tin của tác phẩm Những người khốn khổ, kể về sự vùng dậy của quyền uy, thứ quyền uy đến từ lòng nhân ái, vị tha sâu sắc khiến cho quân độc ác cũng phải khiếp sợ của Giăng Van-giăng.

2. Thân bài

a. Nhân vật Gia-ve:

* Vẻ bề ngoài:
– Khuôn mặt: Có một “bộ mặt gớm ghiếc”, nó đáng sợ đến mức Phăng-tin chỉ mới nhác trông thấy đã như “chết lịm đi”, phải “lấy tay che mặt rồi kêu lên hãi hùng” cầu cứu Giăng Van-giăng.
– Giọng nói thì lạnh lùng, cộc lốc chỉ hai từ “Mau lên!” không chỉ vậy nó còn “man rợ và điên cuồng, không còn là tiếng người nói mà lá tiếng thú gầm”…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền tại đây.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền (Chuẩn)

Vích-to Huy-go (1802-1885), là một thiên tài nở sớm của nền văn học nhân loại trong suốt thế kỷ XIX và kéo dài cho đến tận ngày hôm nay, ông là một con người đa tài hầu như trong lĩnh vực nghệ thuật nào mà Huy-gô tham gia, ông cũng để lại những dấu ấn đậm nét. Đặc biệt, bằng những trải nghiệm quý báu tích lũy được trong thời thơ ấu nhiều gian truân, bằng cuộc đời sống trong một thế kỷ nhiều biến động của bão tố cách mạng, Huy-gô đã sáng tạo ra những trang sách bất hủ mà theo như ông tự nhận định đó là “Một tiếng vọng âm vang của thời đại”. Những người khốn khổ được biết đến là tác phẩm xuất sắc và nổi tiếng được biết đến trong kho tàng sáng tác mênh mông của Huy-gô, đó là tác phẩm mang những giá trị nhân văn cao cả, viết cho những con người khốn khổ phải vật lộn giữa cuộc đời đầy đớn đau. Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền cuối phần thứ nhất Phăng-tin của tác phẩm Những người khốn khổ, kể về sự vùng dậy của quyền uy, thứ quyền uy đến từ lòng nhân ái, vị tha sâu sắc khiến cho quân độc ác cũng phải khiếp sợ của Giăng Van-giăng.

Đoạn trích có sự xuất hiện nổi bất nhất chính là Gia-ve và Giăng Van-giăng, nói một cách hơi hóm hỉnh thì Gia-ve là người đồng hành cùng Giăng Van-giăng trong suốt bộ tiểu thuyết, hắn là một tên mật thám vô cùng mẫn cán, trách nhiệm trong công việc, tuy nhiên điều đó cũng đem đến nhiều mặt trái. Đặc điểm bề ngoài của nhân vật này được tái hiện thông qua cuộc chạm trán với Giăng Van-giăng, ông ta có một “bộ mặt gớm ghiếc”, nó đáng sợ đến mức Phăng-tin chỉ mới nhác trông thấy đã như “chết lịm đi”, phải “lấy tay che mặt rồi kêu lên hãi hùng” cầu cứu Giăng Van-giăng. Giọng nói thì lạnh lùng, cộc lốc chỉ hai từ “Mau lên!” không chỉ vậy nó còn “man rợ và điên cuồng, không còn là tiếng người nói mà lá tiếng thú gầm”. Đặc biệt ánh mắt của Gia-ve được miêu tả rất đặc biệt, gây ấn tượng sâu sắc với người đọc, đó là một ánh nhìn giống như “cái móc sắt”, “từng quen kéo giật về phía hắn bao nhiêu kẻ khốn khổ”, ánh nhìn khiến người khác phải ghê sợ như ăn tận vào xương tủy của mình. Đến cả cái nụ cười vốn dĩ là thứ tuyệt vời của con người được tạo hóa ban tặng, để thể hiện niềm vui và hạnh phúc vậy mà nụ cười ấy phát ra trên người Gia-ve lại đem đến một cảm giác kinh khủng, đó là nụ cười “ghê tởm phô ra tất cả hai hàm răng”. Tổng hòa tất cả những đặc điểm trên, thì cách hành xử của Gia-ve chẳng khác nào một con thú đói khát lâu ngày đang vồ mồi bằng tất cả trí lực và sự ghê gớm. Dường như tất cả những vẻ bề ngoài ấy đã bộc lộ gần hết thế giới nội tâm của Gia-ve, trước Phăng-tin – một người bệnh gần chết, hắn lại quát tháo khiến người bệnh khiếp sợ, không những thế hắn còn tàn nhẫn nói thẳng ra sự thật Cô-dét, con gái của Phăng-tin vẫn chưa trở về, đả kích nặng nề người đàn bà tội nghiệp. Phăng-tin vẫn còn một tia hi vọng bám víu cuối cùng rằng ông thị trưởng tốt bụng có thể đưa con cô về, nhưng Gia-ve cũng nhẫn tâm cắt đứt nó, cắt đứt cả sinh mệnh của Phăng-tin bằng sự thật tàn nhẫn rằng ông thị trưởng là một tội nhân, không có Ma-đơ-len nào hết chỉ có “một tên kẻ cướp, một tên tù khổ sai”. Thậm chí Gia-ve khi đứng trước tình mẫu tử sâu nặng như vậy, hắn vẫn lòng lim dạ đá, buông ra cả những lời độc ác, tàn nhẫn miệt thị, xúc phạm thân phận khốn khổ của chị và Giăng Van-giăng. Trước cái chết của Phăng-tin Gia-ve lại càng hiện lên với tâm hồn của một con người máu lạnh, một con quỷ dữ, hắn phát điên lên vì lời buộc tội của Giăng Van-giăng mà không hề cảm thấy một chút hối hận, áy náy, thương xót cho kẻ vừa mới trút hơi thở cuối trên giường bệnh. Từ tất cả những biểu hiện trên ta có thể thấy rằng nội tâm Gia-ve là hình bóng của một con quỷ tàn nhẫn, là bản tính của loài ác thú chứ không còn là con người nữa.

Trái ngược với sự tàn nhẫn, vô tình và hung hăng của Gia-ve thì Giăng Van-giăng lại có một hình tượng điềm tĩnh và nhân đạo. Khi đối mặt với Gia-ve, trước khi Phăng-tin qua đời, Giăng Van-giăng luôn có thái độ nhẹ nhàng, nhún nhường, ngôn ngữ nói chuyện tinh tế. Điều ấy không phải là sự sợ hãi trước quyền lực mà là tình yêu thương vô bờ bến, là lòng nhân ái dành cho người phụ nữ mất con khốn khổ, ông buộc phải nhẹ nhàng nói với Gia-ve nhằm giấu đi sự thật về Cô-dét, tránh cho Phăng-tin bị sốc. Trái ngược, sau cái chết của Phăng-tin, mọi cố gắng của Giăng Van-giăng đều trở thành vô ích, ông không lay chuyển được kẻ tàn nhẫn kia, cũng không cứu được Phăng-tin, cô ấy đã chết trong đau đớn và tuyệt vọng, điều này khiến ông vô cùng đau khổ và bất lực. Lúc này đây khi đứng trước Gia-ve thái độ của ông hoàn toàn xoay chuyển, trở nên cương quyết, ngôn ngữ lạnh lùng và dứt khoát, kết tội Gia-ve “Anh đã giết chết người phụ nữ này rồi đó”. Trước hành động đòi bắt giải của Gia-ve, ông lạnh lùng giật gãy thanh sắt của giường, sẵn sàng chiến đấu với Gia-ve nếu hắn dám sấn tới, và hành động mạnh mẽ ấy của Giăng Van-giăng đã làm Gia-ve một kẻ vốn tàn nhẫn, sắt đá cũng phải run sợ. Có thể thấy rằng, tình thương dành cho Phăng-tin đã lên đỉnh điểm, lòng nhân ái mạnh mẽ đã mang đến cho ông sự can đảm chống lại cái ác chống lại cường quyền, để ông vượt qua ranh giới của thân phận, giành lấy chút thời gian để từ biệt người đàn bà khốn khổ vừa trút hơi thở cuối. Ngoài ra nhân vật Giăng Van-giăng còn hiện lên thông qua cách mà ông đối xử với cô, trước khi cô chết Giăng Van-giăng đã làm tất cả, kể cả việc hạ mình trước tên mật thám Gia-ve chỉ để níu giữ niềm tin và sự sống cho Phăng-tin. Sau khi cô qua đời, ông lại sẵn sàng chống đối Gia-ve chỉ để ở lại mấy phút từ biệt cô, người đàn ông ấy dịu dàng dùng tình thương lòng nhân ái vô hạn để ngắm nhìn người phụ nữ bất hạnh, thì thầm với cô những lời cuối cùng với nỗi xót thương vô hạn. Tình yêu thương ấy thể hiện ở những hành động của ông đối với Phăng-tin sau khi cô chết “lấy hai tay nâng đầu cô lên, đặt ngay ngắn giữa gối như người mẹ sửa sang cho con. Ông thắt lại dây rút cổ áo cho chị, vén gọn mớ tóc vào trong chiếc mũ vải. Rồi ông vuốt mắt cho chị”. Trong cách đối xử với Phăng-tin, Giăng Van-giăng hiện lên như là một vị cứu tinh với tấm lòng bao dung, được bao phủ bằng những vầng hào quang của sự yêu thương, nhân ái vô bờ bến đối với những kiếp người rẻ mạt, khốn khổ.

Cuối cùng, phần kết của đoạn trích chính là minh chứng rõ nét nhất của khuynh hướng lãng mạn trong sáng tác của Huy-go. Dẫu rằng cái kết là cái chết của Phăng-tin là việc Giawng Van-giăng quay về con đường đày ải, khổ sai, thế nhưng cái kết ấy lại không đem đến cho người đọc cảm giác bi lụy, tuyệt vọng về một cái kết buồn. Điều ấy đã được V. Huy-go thể hiện bằng hai câu văn, thứ nhất “Chết là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại”, điều đó khiến độc giả liên tưởng đến việc Phăng-tin cuối cùng cũng thoát khỏi chốn trần gian đầy tối tăm, bẩn thỉu và đau khổ, để đến một nơi tốt hơn, ở nơi ấy có hào quang thanh khiết và vĩ đại của Chúa che chở, chị sẽ có một khởi đầu mới, một cuộc đời mới sáng sủa hơn, không cần phải chịu đủ mọi đớn đau, tủi nhục nữa. Câu thứ hai cũng đại diện cho khuynh hướng lãng mạn của Huy-gô ấy là câu “Giờ thì tôi là của anh”, đây là câu nói của nhân vật chính Giăng Van-giăng ông chấp nhận quay lại con đường tù khổ sai, một cách tự nguyện và thanh thản, thể hiện tư thế chủ động của nhân vật, rằng chúng có thể mãi mãi cầm cố thể xác ông nhưng không bao giờ có thể giam cầm tâm hồn vĩ đại của ông bằng cái lồng cũi bẩn thỉu của cường quyền, việc bị bắt giữ đối với Giăng Van-giăng dường như chẳng có nghĩa lý gì cả.

Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền đã gửi gắm đến độc giả một thông điệp rằng lòng nhân ái rất quan trọng trong cuộc sống, nhất là khi con người rơi vào những tình thế khó khăn, nhất là khi con người phải đẩy lùi bóng tối của cường quyền của sự khổ đau và nhen nhóm niềm tin vào tương lai. Nhưng cũng có một hiện thực đầy đau xót rằng chỉ riêng tình thương và lòng nhân hậu vẫn chưa đủ để xóa đi hết những bất công trong cuộc đời mà con người ta còn cần phải có thêm những con đường khác nữa.

———————HẾT———————-

Người cầm quyền khôi phục uy quyền là đoạn trích đặc sắc trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Huy-go, để tìm hiểu kĩ hơn về tác phẩm, ngoài bài Phân tích đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, các em có thể tìm đọc thêm: Phân tích nhân vật Phăng-tin trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, Phân tích hai tính cách trái ngược của Gia-ve và Giăng Van Giăng trong Người cầm quyền khôi phục uy quyền, Phân tích phần kết Người cầm quyền khôi phục uy quyền. Từ đó, nêu nhận xét về nghệ thuật lãng mạn, Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền đã được chúng tôi cập nhật trong tài liệu tham khảo những bài văn hay lớp 11, các em nhớ đón đọc!

 

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button