Giáo dục

Phân tích đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió

Đề bài: Phân tích đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió

phan tich doan trich danh nhau voi coi xay gio

This post: Phân tích đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió

Phân tích đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió
 

I. Dàn ý Phân tích đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió”.

2. Thân bài

– Nội dung đoạn trích:
+ Đôn Ki-hô-tê nhìn thấy những chiếc cối xay gió nhưng lại tưởng đó là những tên khổng lồ liền xông đến giao chiến.
+ Giám mã Xan-chô Pan-xa hết lòng ngăn cản nhưng Đôn Ki-hô-tê cứ lao thẳng đến để đánh nhau với những chiếc cối xay gió.
+ Kết quả là cả người và ngựa của Đôn Ki-hô-tê bị văng ra xa.

– Nhân vật Đôn Ki-hô-tê:
+ Xuất thân trong một gia đình quý tộc.
+ Ngoại hình: Cao, gầy
+ Thích đọc truyện kiếm hiệp và tự coi mình là một hiệp sĩ và tự tìm cho mình một người tình nương để tôn thờ…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió

Nhắc đến Tây Ban Nha, chúng ta không chỉ nhắc tới xứ sở của những đấu trường bò tót mà còn nhớ tới những tiểu thuyết kiếm hiệp. Tiêu biểu cho thể loại kiếm hiệp là tác phẩm “Đôn Ki-hô-tê” của nhà văn Xéc-van-tét mà đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió” là một đoạn trích để lại nhiều ấn tượng đối với độc giả mọi thế hệ.

Đôn Ki-hô-tê có tên thật là Ki-ha-đa – một lão quý tộc nghèo ôm mộng trở thành hiệp sĩ vì quá say mê truyện kiếm hiệp. Lão đã thực hiện hành trình của mình bằng việc lục tìm những đồ binh giáp han gỉ của tổ tiên để lại, tự phong cho mình là hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê xứ Man-cha và phong cho con “ngựa còm” là chiến mã Rô-xi-nan-tê. Không chỉ vậy, lão còn phong cho người phụ nữ mình thầm yêu ngày xưa là công nương Đuyn-xi-nê-a và song hành cùng với lão trong cuộc hành trình này là giám mã Xan-chô Pan-xa. Nội dung đoạn trích kể về việc Đôn Ki-hô-tê nhìn thấy những chiếc cối xay gió nhưng lại tưởng đó là những tên khổng lồ liền xông đến giao chiến. Giám mã Xan-chô Pan-xa hết lòng ngăn cản nhưng Đôn Ki-hô-tê cứ lao thẳng đến để đánh nhau với chúng. Kết quả là lão nhận lấy thất bại, cả người và ngựa của Đôn Ki-hô-tê bị văng ra xa.

Với thân hình của một người khoảng năm mươi tuổi cao, gầy, Đôn Ki-hô-tê cưỡi trên lưng con “ngựa còm” đi khắp nơi để tiêu diệt cái ác và giúp đỡ những con người lương thiện. Sự say mê truyện kiếm hiệp khiến lão trở nên mù quáng đến nỗi tưởng rằng ba bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng là “ba bốn chục tên khổng lồ ghê gớm” và cho rằng “đây là một cuộc chiến đấu chính đáng, và quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất là phụng sự Chúa đấy”. Lão còn nghĩ rằng mình sẽ trở nên giàu có khi thu được những chiến lợi phẩm từ những gã khổng lồ. Khi Xan-chô Pan-xa nói rằng đó là những chiếc cối xay gió thì Đôn Ki-hô-tê gạt phăng ý kiến đó và cho rằng Xan-chô Pan-xa “chẳng thành thạo gì về những chuyện phiêu lưu”. Những tên khổng lồ mà lão nhìn thấy có cánh tay “dài ngoẵng, có đứa, cánh tay dài tới hai dặm” trong khi sự thật đó chỉ là những cánh quạt, “khi có gió thổi chúng sẽ làm chuyển động cối đá bên trong”.

Bỏ ngoài tai những lời can ngăn của giám mã Xan-chô Pan-xa, Đôn Ki-hô-tê bất chấp tất cả lao đến giao chiến với những chiếc cối xay gió với lời thét lớn: “Chớ có chạy trốn, lũ hèn mạt nhát gan kia, bởi duy nhất chỉ có một hiệp sĩ tấn công bọn mi đây”. Trước cuộc giao chiến không cân sức này, Đôn Ki-hô-tê không quên nhớ đến người tình nương Đuyn-xi-nê-a và cầu mong nàng cứu giúp trong lúc nguy nan. Lão “lấy khiên che kín thân, tay lăm lăm ngọn giáo, lão thúc con Rô-xi-nan-tê phi thẳng tới chiếc cối xay gió gần nhất ở trước mặt, và đâm mũi giáo vào cánh quạt”. Kết cục là “gió làm cánh quạt quay tít khiến ngọn giáo gãy tan tành, kéo theo cả ngựa và người ngã văng ra xa”. Mặc dù thân thể đau đớn nhưng lão không thiết đến ăn uống, nghỉ ngơi mà lại bắt chước những hiệp sĩ suốt đêm không ngủ để nghĩ tới tình nương vì “nghĩ đến người yêu cũng đủ no rồi”. Lão không kêu đau vì học theo các hiệp sĩ giang hồ “có bị thương thế nào cũng không được rên rỉ, dù xổ cả gan ruột ra ngoài”. Ngay cả trong những giây phút đau đớn sau cuộc chiến lão vẫn hoang tưởng, lãng mạn nghĩ về người tình nương để lấy lại tinh thần. Đôn Ki-hô-tê sống có mục đích, có lí tưởng nhưng lí tưởng chính nghĩa ấy lại được thực hiện bằng những hành động ảo tưởng thậm chí là điên rồ. Lão là người có lí tưởng lớn lao nhưng lại mê muội, không ý thức được hành động của mình.

Đồng hành cùng Đôn Ki-hô-tê là Xan-chô Pan-xa – một bác nông dân có thân hình béo, lùn đi theo làm giám mã cho Đôn Ki-hô-tê. Xan-chô Pan-xa có đủ tỉnh táo để nhận ra phía đằng xa là những chiếc cối xay gió chứ không phải những gã khổng lồ mà người chủ của mình trông thấy. Xan-chô Pan-xa đã ra sức khuyên ngăn nhưng lại không nhận được sự đồng tình của Đôn Ki-hô-tê. Xan-chô cho rằng chỉ “những kẻ đầu óc quay cuồng như cối xay” mới cho rằng những chiếc cối xay là những tên khổng lồ xấu xa. Đây là nhân vật thích ăn uống và chè chén: “Được phép, Xan-chô ngồi lại cho thật thoải mái trên lưng lừa, lôi các thứ ở trong cái túi hai ngăn ra, vừa đi theo chủ vừa ung dung đánh chén, thỉnh thoảng lại tu bầu rượu một cách ngon lành khiến tay chủ quán rượu dễ thương nhất ở Ma-la-ga cũng phải phát ghen”. Chính vì vậy mà Xan-chô thấy “cái nghề đi tìm kiếm chuyện phiêu lưu này dù có nguy hiểm đến đâu cũng chẳng vất vả gì mà lại thoải mái nữa là khác”. Xan-chô coi trọng bản thân và những nhu cầu của bản thân hơn bất cứ thứ gì. Khác với Đôn Ki-hô-tê, Xan-chô chỉ cần bị đau một chút là rên rỉ, kêu la. Trong khi Đôn Ki-hô-tê mơ tưởng về nàng tình nương của mình thì bác ngủ một mạch vì “dạ dày no căng toàn là rượu thịt”, tỉnh dậy thấy buồn rầu vì bầu rượu đã nhẹ hơn tối hôm trước. Bác lo lắng vì trên đoạn đường phiêu lưu này không biết đào đâu ra rượu để đổ vào cho đầy. Xan-chô là con người thực dụng nhưng rất tỉnh táo và luôn tin vào những gì mình nhìn thấy.

Xéc-van-tét đã xây dựng nên cặp nhân vật có ngoại hình và tính cách đối lập. Cuộc giao chiến giữa Đôn Ki-hô-tê và cối xay gió được tác giả tái hiện bằng vài chi tiết tiêu biểu nhưng cũng đủ khiến bạn đọc thấy được sự ngớ ngẩn, mê muội của một con người say mê truyện kiếm hiệp. Đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió” đã thể hiện được tài năng của Xéc-van-tét, nhân vật của ông không chỉ có được những điểm tốt mà còn tồn tại cả những điểm đáng chê trách.

——————HẾT——————–

Đánh nhau với cối xay gió là một trong những đoạn trích đặc sắc nhất trong tiểu thuyết Đôn-ki-hô-tê của Xéc-van-téc. Để có những hiểu biết chi tiết về tác phẩm, bên cạnh bài Phân tích đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích cảnh đánh nhau với cối xay gió của Đôn-ki-hô-tê, Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê trước khi đánh nhau với cối xay gió, Cảm nhận của em khi đọc đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió, Tóm tắt đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button