Đề bài: Phân tích cuộc đấu tranh thiện – ác trong Tấm Cám
This post: Phân tích cuộc đấu tranh thiện – ác trong Tấm Cám
Phân tích cuộc đấu tranh thiện – ác trong Tấm Cám
I. Dàn ý Phân tích cuộc đấu tranh thiện – ác trong Tấm Cám (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề
2. Thân bài:
a. Giải thích:
– Thiện: cái tốt đẹp, cái đạo đức mà con người hướng tới.
– Ác: điều xấu, gây hoạ cho con người khác
– Từ lâu, cái thiện và ác luôn tranh đấu với nhau, song hành cùng nhau trong đời sống hàng ngày.
b. Cuộc đấu tranh trong Tấm Cám:
– Bắt nguồn từ Tấm – cô gái mồ côi mẹ, phải sống với dì ghẻ và em gái cùng cha khác mẹ.
– Tấm bị mẹ con Cám chèn ép, bị áp bức bóc lột.
– Mỗi lần như thế, nàng chỉ biết khóc và được Bụt hiện lên cứu giúp.
– Nhưng sau đó, mẹ con Cám ngày càng độc ác, giết hại Tấm, từ đó, Tấm bắt đầu phản kháng mẹ con Cám.
– Nàng hoá thành chim vàng anh cảnh cáo Cám.
– Chim vàng anh bị hại, nàng biến thành cây xoan đào, khung cửi, tiếp tục cảnh cáo mẹ con Cám.
– Cuối cùng, sau bao lần phản kháng, Tấm cũng đã để mẹ con Cám nhận sự trừng phạt thích đáng. Đây là niềm tin vào công lý công bằng của nhân dân ta.
c. Liên hệ:
– Ngày nay cuộc đấu tranh ấy vẫn tiếp tục
– Con người phải luôn hướng về cái thiện thì mới mong xã hội tốt đẹp hơn.
3. Kết bài:
– Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong Tấm Cám là bài học cho chúng ta.
II. Bài văn mẫu Phân tích cuộc đấu tranh thiện – ác trong Tấm Cám (Chuẩn)
Mỗi câu chuyện cổ tích mà ông cha ta để lại luôn chứa đựng những ý nghĩa, những bài học sâu sắc cho thế hệ con cháu chúng ta. Trong kho tàng truyện cổ tích, có rất nhiều câu chuyện nói về cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác luôn. Câu chuyện Tấm Cám cũng không ngoại lệ, bởi nó đã thể hiện được một cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, chính và tà hết sức khốc liệt.
Trước hết, để hiểu rõ được cuộc đấu tranh là như thế nào, ta phải hiểu được thiện và ác là gì. Thiện tức là cái tốt, là điều tốt đẹp, đạo đức mà mọi người luôn hướng tới. Còn cái ác là việc gây đau khổ, gây tai hoạ cho người khác để thu lợi ích về cho mình. Từ ngàn năm nay, cái thiện và cái ác luôn luôn song hành cùng nhau. Những người tốt luôn cố gắng hướng tới sự tốt đẹp, hướng tới đạo đức, cái thiện còn những kẻ xấu luôn tìm cách gây tai hoạ, áp bức những kẻ tốt.
Được dựng dựa trên sự sáng tạo của cha ông ta, được truyền miệng qua bao thế hệ, Tấm Cám là sự gửi gắm của nhân dân về những mong ước của họ về cuộc sống. Câu chuyện bắt đầu khi Tấm mồ côi mẹ và phải sống trong sự ghẻ lạnh của người dì ghẻ. Đúng như câu nói của ông bà ta “Mấy đời bánh đúc có xương/ mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”, Tấm sống trong sự chèn ép của người dì và cô em gái tên Cám. Họ chèn ép Tấm, bắt Tấm phải làm mọi việc từ chăn trâu, cắt cỏ, nấu cơm, bắt tép, … Mọi công việc nhà đều một mình Tấm gánh vác, còn mẹ con Cám thì “ăn trắng mặc trơn”. Mỗi lần Tấm bị bức ép, tủi thân, nàng chỉ biết khóc và khi ấy, ông Bụt đã hiện lên để giúp đỡ nàng. Đến khi nàng lên làm hoàng hậu, nàng cũng vẫn bị mẹ con Cám giết hại hết lần này đến lần kia. Thế nhưng, cái thiện luôn tồn tại, Tấm hết lần này đến lần khác tái sinh, khi thì thành chim vàng anh, rồi thành cây xoan đào, thành khung cửi, thành quả thị. Và đến cuối cùng, nàng trở lại làm người, xinh đẹp, được đoàn tụ cùng vua và trừng trị mẹ con nhà Cám.
Câu chuyện chỉ đơn giản, thế nhưng, cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong đó lại vô cùng khốc liệt. Những lần đầu tiên khi Tấm bị chèn ép, bị hắt hủi, nàng chỉ biết khóc trong tủi nhục, trong cô đơn. Mỗi lần như vậy, ông Bụt lại hiện ra giúp nàng hoá giải vấn đề. Ông Bụt vốn là một vị thần tiên trong trí tưởng tượng của nhân dân, luôn giúp đỡ những người hiền lành gặp khó khăn. Ta có thể bắt gặp ông Bụt ở hầu hết mọi câu chuyện cổ tích. Bởi đó là ước mơ, là sự mong ước của nhân dân về công lý, về một người luôn bênh vực những kẻ yếu. Tấm là hiện thân của cái thiện, vậy nên, ban đầu nàng nhút nhát, nhu nhược, bị bắt nạt nhưng nàng chỉ dám khóc một mình, mong chờ sự giúp đỡ.
Thế nhưng, đến khi nàng chết đi và hồi sinh, nàng đã ngày một trở nên chủ động, trở nên mạnh mẽ hơn. Tấm chết đi hóa thành chim vàng anh, lần này, nàng chẳng còn sợ hãi, nhu nhược nữa, thấy Cám phơi áo cho chồng, nàng bảo rằng: “Phơi áo chồng tao thì phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”. Nàng không còn hiền lành như lúc trước, nàng đã phản kháng, xưng hô “mày – tao” với Cám. Đây là mức độ cảnh cáo đầu tiên nàng làm với mẹ con nhà Cám. Thế nhưng, chim vàng anh cũng bị mẹ con Cám lừa ăn thịt mất, nàng biến thành cây xoan đào, rồi thành khung cửi, giờ đây, nàng đã lên tiếng mạnh mẽ mà đe doạ rằng:
“Kẽo cà kẽo kẹt
Lấy tranh chồng chị
Chị khoét mắt ra”.
Đúng là “con giun xéo lắm cũng quằn”, cái thiện bị hại, bị chèn ép bao nhiêu lân giờ đây cũng đã phản kháng lại thật mạnh mẽ. Tấm đã biết vị trí mình ở trên, nàng đã xưng hô với Cám là “chị” một cách hết sức mạnh mẽ với hàm ý đe dọa trong câu nói. Sau mỗi lần chết đi sống lại, sự cảnh báo của Tấm lại thêm một bậc và cuối cùng, mẹ con Cám cũng phải trả giá bằng cái chết, trả giá cho sự độc ác, tàn nhẫn và xấu xa của mình. Đây là chân lý, là niềm tin của nhân dân vào công lý, cái thiện sẽ vẫn và mãi mãi chiến thành cái ác, ở hiền thì sẽ gặp lành, ác giả ác báo.
Ngày nay cuộc sống càng trở nên hiện đại thì con người lại càng dễ dàng nhiễm các thói hư tật xấu, đi vào con đường sai trái. Họ dễ dàng bị thao túng bởi đồng tiền, bởi quyền lực và vô vàn những thứ khác. Khi đó, cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác lại càng thêm khốc liệt. Có những kẻ vì lợi ích, tiền bạc mà sẵn sàng giết chết cả người thân, anh em ruột thịt, hay kiện cáo, đưa họ vào tù. Tình cảm anh em ruột thịt tan vỡ, gia đình tan nát, khi đó chính là lúc cái ác lên ngôi. Hay những kẻ gian thương, sẵn sàng vì đồng tiền mà làm ra những sản phẩm kém chất lượng, những thực phẩm bẩn khiến cho người dùng bị nhiễm bệnh, bị ung thư.
Ranh giới giữa cái thiện và cái ác chỉ là một tấm màng mỏng manh. Nếu cái thiện trong ta không đủ mạnh, nó sẽ bị cái ác lấn át, xúi giục. Cuộc đấu tranh thiện ác khốc liệt nhất là ở trong bản thân mỗi người. Con người luôn hướng tới cái chân thiện mỹ, cái đạo đức ở đời, vậy nên, mỗi chúng ta phải luôn tự ý thức, phải tranh đấu không ngừng mà hoàn thiện bản thân mình. Không nên để những dục vọng xấu xa len lỏi vào trái tim, bởi cuộc chiến thiện ác là cuộc chiến không bao giờ có hồi kết. Còn xã hội thì sẽ còn đấu tranh. Mỗi con người hãy biết trân trọng những bản tính tốt đẹp, ngày một làm cho nó tốt đẹp hơn, và hơn thế, không được để cái ác có cơ hội được tồn tại. Có như thế, chúng ta mới có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong câu chuyện Tấm Cám là bài học cho chúng ta về cuộc đấu tranh hướng tới cái thiện, đấu tranh vì một cuộc sống, một xã hội tươi đẹp và công bằng hơn. Mỗi con người chúng ta cần đoàn kết, cần biết san sẻ, yêu thương nhau, hoàn thiện bản thân mình để đẩy lùi cái ác, cái xấu. Và hãy luôn nhớ một chân lý đúng đắn rằng: Ở hiền thì gặp lành, ác giả thì ác báo.
—————HẾT—————–
Cuộc đấu tranh giữa thiện và đã và đang diễn ra trong xã hội. Điều quan trọng là mỗi con người cần phải có mục tiêu, hướng tới những điều thiện lành trong cuộc sống, đừng vì tham lợi ích cá nhân mà làm chuyện hại người. Cùng tham khảo các bài viết khác như Phân tích các hình thức biến hoá của Tấm trong truyện Tấm Cám, Bản chất mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám, Phân tích thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm trong truyện Tấm Cám, Bản chất mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám để hiểu thêm về câu chuyện cổ tích đặc sắc này nhé!
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục