Giáo dục

Phân tích bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương

Đề bài: Phân tích bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương

phan tich bai tu tinh 2 cua ho xuan huong

This post: Phân tích bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương

3 bài văn Phân tích bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương
 

I. Dàn ý Phân tích bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương và bài thơ “Tự tình” (bài II)
+ “Bà Chúa Thơ Nôm” – Hồ Xuân Hương là một nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, thơ của bà chính là tiếng nói thương cảm đối với số phận người phụ nữ, đồng thời đó còn là sự khẳng định đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ.
+ Bài thơ “Tự tình” (bài II) nằm trong chùm thơ “Tự tình” của bà là một trong những sáng tác mà ở đó ta cảm nhận được tâm trạng buồn tủi, phẫn uất trước duyên phận éo le và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc ở Hồ Xuân Hương.

2. Thân bài

– Phân tích bốn câu thơ đầu để thấy được hoàn cảnh và tâm trạng của nhà thơ:
+ Không gian đêm khuya tĩnh mịch gợi nỗi cô đơn, muộn phiền
+ Phận hồng nhan vẫn còn trơ trơ, chỉ có mình ta với nước non, đó là sự cô đơn, lẻ bóng…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bài Tự tình 2 tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương
 

1. Phân tích bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương, mẫu số 1 (Chuẩn)

Được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm”, Hồ Xuân Hương đã để lại cho chúng ta những tác phẩm thơ Nôm thật sự xuất sắc, trong đó đa số là các bài thơ nói về thân phận người phụ nữ, cùng với nỗi niềm đồng cảm, thương cảm sâu sắc và khao khát được hạnh phúc. Trong các tác phẩm ấy có chùm thơ ba bài thơ Tự tình, được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời của bà. Mỗi bài thơ đều mang những nỗi niềm cảm xúc riêng nhưng tựu chung lại là nỗi buồn, nỗi cô đơn của một người phụ nữ khao khát yêu đương nhưng lại gặp phải những bất hạnh, đau đớn. Tự tình 2 được sinh ra trong niềm cảm hứng chung ấy.

Hồ Xuân Hương được sinh ra vào giai đoạn cuối thế kỉ XVIII, khi mà xã hội đang chuyển mình đầy sóng gió. Cả xã hội khi ấy đều sục sôi cái tư tưởng đòi quyền sống, tự do và hạnh phúc. Và cái không khí ấy đã tác động mạnh mẽ tới tâm trí và hồn thơ của bà. Ngẫm lại số phận mình, hai lần lấy chồng, hai lần làm lẽ, hai lần chồng chết, cuộc đời bà là một chuỗi dài những tháng năm đau khổ, là những giọt nước mắt cho phận “hồng nhan”.

 Có lẽ chính thế mà khi viết Tự tình 2, bà đã gợi mở ra không gian vắng lặng giữa đêm khuya thanh vắng, chỉ còn xao xác tiếng trống canh khuya:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non”

Một không gian bao la mở ra trước mắt chúng ta, thế nhưng không gian ấy lại vắng lặng, đìu hiu, cô quạnh đến vô cùng, chỉ còn tiếng trống canh lặng lẽ gióng lên từng hồi lạnh lẽo. Người ta cũng phải ngạc nhiên tự hỏi tại sao nhân vật trữ tình lại mở lời giữa lúc đêm khuya vắng thế này? Liệu còn điều gì khiến bà suy tư mà giật mình thức giấc hay vì cả đêm qua, bà chưa hề chợp mắt một phút nào chăng? Tiếng trống canh “dồn” dập, gấp gáp báo hiệu sự trôi chảy của thời gian, mỗi khắc trôi qua là tuổi xuân của bà lại trôi qua một chút. Đêm khuya là lúc người ta nghỉ ngơi, vậy tại sao bà còn ngồi đây với đầy nỗi niềm tâm sự?

Có lẽ là bởi vì sự cô đơn, sự buồn tủi, thao thức cho số kiếp của mình đang xâm chiếm lấy tâm hồn nhạy cảm của bà. Ở đây, Hồ Xuân Hương đã sử dụng từ láy “văng vẳng” – một từ láy tượng thanh miêu tả cái âm thanh vang vọng của tiếng trống canh trong đêm, và nó cũng là từ láy diễn tả cái không khí vắng lặng đến vô cùng của một con người đang thao thức giữa canh khuya.

Đến câu thơ thứ hai, người ta nhận thấy đằng sau nỗi thao thức ấy là một bầu tâm sự đang cần trút bỏ:

“Trơ cái hồng nhan với nước non”

“Hồng nhan” là một từ ngữ vốn dùng để chỉ những người phụ nữ xinh đẹp, ấy thế mà người phụ nữ ấy giữa canh khuya lại phải chịu cảnh “trơ” trọi một mình. Ấn tượng nhất trong câu thơ là từ “trơ”. Có lẽ chưa từng có một nhà thơ nào lại bạo gan trong cách sử dụng từ ngữ như thế! “Trơ” ở đây có lẽ Hồ Xuân Hương muốn nhắc tới sự cô đơn, lẻ loi, trơ trọi – một nỗi buồn bao trùm lấy cả không gian. Hồ Xuân Hương đã đặt ở câu thơ một từ ngữ định lượng “cái” để chỉ “hồng nhan”. Đây là một sự cụ thể hóa cho cái nỗi buồn cho kiếp má hồng, giọng thơ chùng xuống thể hiện một sự não nề trong khung cảnh. Đặt chữ “trơ” lên đầu câu, bà muốn nhấn mạnh sự trơ trọi, đơn độc, cái buồn tủi của mình trong đêm vắng. Và cái buồn ấy càng cụ thể hơn khi nó được đặt bên cạnh một cái to lớn như “nước non”. Đến đây, ta chợt cảm khái rằng có phải chăng đây Hồ Xuân Hương đang muốn gợi đến hình ảnh của một người vợ lẽ đang mòn mỏi chờ chồng mình trong canh khuya của kiếp chung chồng cay đắng, tủi phận chăng?

Cái buồn rất dễ thấm vào tâm can con người, như Nguyễn Du đã nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nó cũng thấm sang cả cảnh vật trong đêm vắng lặng này. Vậy nên ta mới cảm thấy cái bóng đêm kia quá lạnh lẽo, quá cô quạnh. Và khi cái buồn đang đè nặng, chi phối tâm trạng con người thì có lẽ chén rượu là phương tiện để giải sầu hiệu quả nhất. Thế nên, Hồ Xuân Hương cũng học theo người xưa “nâng chén để tiêu sầu”, nhưng có lẽ điều đó chỉ làm cho nỗi buồn càng thêm nặng nề, nỗi bi kịch vẫn là bi kịch không lối thoát:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

Như một quy luật của tạo hóa, trăng tròn rồi lại khuyết, lặp lại theo một chu kì nhất định. Vầng trăng – vốn là tượng trưng cho cuộc đời, cho tuổi xuân của người con gái, vầng trăng “tròn” tức là đã đến tuổi gả chồng, cái tuổi đẹp nhất của người con gái. Thế nhưng, trăng trong thơ Hồ Xuân Hương lại chỉ khuyết chẳng tròn, và đã “xế” bóng, gợi lên tuổi xuân đang dần trôi đi của người con gái – nhân vật trữ tình trong bài thơ. Trăng đã xế, tuổi xuân đã qua, ấy vậy mà vẫn chưa có được hạnh phúc trọn vẹn. Phải chăng hình ảnh trăng chưa tròn là vì hạnh phúc của bà còn chưa viên mãn hay cũng là cuộc đời của bà, đã có tuổi mà hạnh phúc vẫn chẳng tròn đầy?

Những câu thơ nối tiếp vẫn nói lên nỗi đơn côi, lẻ bóng của nhân vật trữ tình thế nhưng lại với một sự chuyển biến khác:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn’

Nếu như bốn câu thơ đầu gợi lên khung cảnh vắng lặng, đìu hiu của canh khuya cô quạnh, lời thơ dìu dặt, đượm buồn diễn tả cái tâm trạng chờ đợi mòn mỏi thì hai câu thơ này lại đột ngột chuyển mình mạnh mẽ. Hồ Xuân Hương đã dùng ở đây nghệ thuật đảo ngữ với tiết tấu nhanh, mạnh mẽ tạo nên một khung cảnh sinh động, chân thực và đầy sức sống. Những đám rêu trên mặt đất được bóng trăng xiên ngang mà soi tỏ, những hòn đá vô tri còn được ánh trăng đâm xuyên qua những đám mây mà chiếu tới. Cảnh thực nhưng lại gợi cảm nhiều hơn gợi tả. Đến những thứ vô tri vô năng mà còn được ánh trăng soi tỏ, có đôi có cặp, cớ sao một kiếp hồng nhan lại phải chịu cảnh cô đơn một mình?

Hai câu thơ thôi mà toàn là những động từ mạnh “đâm toạc, xiên ngang” phải chăng nó đang bày tỏ cái nỗi lòng chất chứa sắp bùng nổ của nhà thơ? Lời thơ như là một sự phản ứng dữ dội cho kiếp sống cô độc của người phụ nữ ấy, nhân vật trữ tình không còn dịu dàng được nữa, bà muốn được giải thoát khỏi tâm trạng bức bối đang bủa vây lấy thân mình. Nghệ thuật đảo ngữ đã làm cho lời thơ thêm phần mạnh mẽ dứt khoát, táo bạo giống hệt tính cách của “bà chúa thơ Nôm”.

Thế nhưng, cái bộc phát tức giận đó chỉ dường như bùng lên trong giây lát để rồi bà lại trở về với cái nỗi buồn mênh mang trong lòng. Một sự chấp nhận, một sự bất lực, cam chịu mà bà phải thốt lên trong sự đau đớn:

“Ngán nỗi xuân qua xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”.

Một câu thơ nhưng lại khiến người đọc cảm thấy một khoảng thời gian dài đằng đằng khi mà tuổi xuân của bà cứ trôi đi trong lặng lẽ, trong sự ngao ngán về cuộc đời. Mùa xuân đến trong mừng vui rộn rã thì tuổi xuân của bà cũng dần chảy trôi đi, ấy vậy mà hạnh phúc, tình yêu vẫn chỉ được hưởng một chút “con con”. “Mảnh tình” – chỉ là mảnh tình chứ chẳng được trọn vẹn, ấy vậy mà còn phải “san sẻ” thì còn đáng bao nhiêu nữa đây? Có lẽ đây là lời thở than đầy cay đắng của Hồ Xuân Hương cho cái kiếp vợ lẽ của mình, sự san sẻ yêu thương là một điều không ai muốn, vậy mà bà phải chịu:

“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”

Hai câu thơ cuối khép lại như một lời than thầm kín của người phụ nữ trong phận làm lẽ của xã hội xưa. Bởi một kiếp làm lẽ sẽ chẳng bao giờ được hưởng trọn tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của mình.

Bài thơ được Hồ Xuân Hương viết lên để thể hiện tâm trạng và thái độ của mình trước duyên phận hẩm hiu, bà vừa uất ức, vừa đau xót muốn gắng gượng vươn lên nhưng bi kịch cứ nối dài bi kịch. Nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ là thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với những từ ngữ sinh động gây ấn tượng mạnh mẽ. Mặc dù sử dụng thể thơ Đường nhưng những ngôn từ của bà đều hết sức thuần việt. Ngôn từ khi dịu dàng, đằm thắm, gợi tả nỗi buồn, khi phá cách với nhịp điệu mãnh liệt, tất cả đều được sử dụng để miêu tả những cảm nhận của bà về nỗi buồn sự đời. Nghệ thuật đặc tả được bà sử dụng hết sức tinh tế cùng với nghệ thuật đảo ngữ tạo nên một Tự tình cực kỳ thành công về mặt cảm xúc và xây dựng hình tượng.

Tự tình 2 là bài thơ thể hiện tâm tư, tình cảm của Hồ Xuân Hương trước duyên phận của mình; vừa uất ức, tức giận, buồn tủi, lẻ loi, muốn vượt lên nhưng lại rơi vào bi kịch. Bài thơ là minh chứng cho khát vọng hạnh phúc mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương đồng thời khẳng định tài năng của bà, xứng đáng với danh xưng “bà chúa thơ Nôm”.
 

2. Phân tích bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương, mẫu số 2 (Chuẩn)

Hồ Xuân Hương (1772-1822) là một nữ sĩ nổi tiếng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Bà sinh ra trong một gia đình có nề nếp gia giáo và được hưởng cuộc sống êm đềm sung sướng tuổi thơ ấu. Sau khi mãn tang cha, mẹ bà tái giá với người khác, thế nên bà thường ít tuân theo những ràng buộc lễ nghĩa, gia giáo như phụ nữ đương thời, nhưng với bản tính thông minh sẵn có bà rất nhiệt tình với học hành, thi phú và trở thành một hiện tượng trong nền văn học trung đại lúc bấy giờ. Cả đường đời và đường thơ của Hồ Xuân Hương luôn ẩn chứa sự phong lưu, phóng khoáng, tuy nhiên trong đó người ta cũng nhìn ra được rằng, dẫu bản thân bà cố gắng thoát khỏi sự kìm kẹp với phụ nữ của chế độ phong kiến thế nhưng có vẻ mọi nỗ lực ấy đều không nhận được kết quả xứng đáng. Bản thân bà mặc dù xinh đẹp, tài năng thế nhưng trong đường tình vẫn phải 2 lần đò, không chỉ vậy còn là làm lẽ, điều đó khiến bà phải chịu nhiều đau khổ và bất mãn. Nỗi đau của Hồ Xuân Hương lúc bấy giờ chính là nỗi đau chung của phụ nữ Việt Nam thời xưa, họ khát khao hạnh phúc thế nhưng luôn luôn phải chấp nhận sự đối xử bất công của chế độ phong kiến hà khắc, trọng nam khinh nữ, chịu cuộc đời nhiều nước mắt cay đắng. Tự tình II nằm trong chùm thơ Tự tình gồm ba bài của Hồ Xuân Hương là một trong những bài thơ hay nhất, bộc lộ những tâm trạng, những nỗi đau của Hồ Xuân Hương về một kiếp hồng nhan phận bạc. 

 Hồ Xuân Hương hai lần lấy chồng, đều lấy được người yêu thương và có cùng niềm đam mê thi phú với bà, thế nên cuộc sống hôn nhân có thể được xem là khá tốt so với nhiều phụ nữ cùng thời. Tuy nhiên, trong cả hai lần đi tìm kiếm hạnh phúc Hồ Xuân Hương vẫn không tránh khỏi việc làm thiếp thất cho người ta, việc phải chung chồng và chịu sự chèn ép từ vợ cả cũng như sự ghen tức của những người vợ khác khiến Hồ Xuân Hương khá mệt mỏi. Đặc biệt là những đêm phòng không gối chiếc, nghĩ về phận đời của mình bà lại càng thêm chán chường buồn khổ. Trong Tự tình II Sự cô đơn buồn khổ của bà đã được tái hiện thông qua bối cảnh không gian và thời gian trong hai câu thơ khai đề.

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non”

Bối cảnh thời gian là “đêm khuya” thanh vắng, vốn dĩ tất cả đều đã chìm vào giấc ngủ say nồng để nghỉ ngơi sau một ngày dài, đó là khoảng thời gian vắng lặng và yên tĩnh vô cùng, đặc biệt sự xuất hiện của một âm thanh dài từ tiếng trống cầm canh, cứ như réo rắt thúc giục con người mau yên giấc, đêm đã khuya lắm rồi. Thế nhưng riêng bản thân nhân vật trữ tình khi nghe thấy tiếng trống ấy, lại càng thêm thao thức nhiều hơn, giữa đêm khuya mịt mùng tiếng trống cầm canh tựa như rót thẳng vào hồn thi nhân. Nó mang lại những nhận thức thực rõ ràng về sự lạnh lẽo, cô độc của Hồ Xuân Hương, đêm vốn đã dài lại càng dài thêm. Thêm vào đó tiếng trống thúc “văng vẳng” từ xa xăm vọng lại, càng gợi ra cái khoảng không bao la tĩnh vắng, còn con người nhỏ bé thì rối bời với hàng loạt nỗi trăn trở lo âu, buồn tủi vì cảnh ngộ lẻ loi đơn chiếc. 

Sự cô đơn, lẻ loi ấy được nữ sĩ thể hiện thật rõ trong câu thơ tiếp “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Ở đây Hồ Xuân Hương không hổ là bà chúa thơ Nôm khi sử dụng từ ngữ rất sắc bén, “trơ” vừa là trơ trọi, cô độc một mình, “trơ” lại cũng thể hiện thái độ thách thức, kháng cự, đầy đanh đá, chua ngoa “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đặc biệt trong cụm “cái hồng nhan” người ta lập tức nhận thấy nữ sĩ đã diễn tả được một cách trọn vẹn giá trị của người phụ nữ xưa. Một bên dùng từ “cái” thể hiện sự tầm thường rẻ rúng bởi rõ đây là một lượng từ thường sử dụng để đếm, để chỉ các sự vật thông thường, nhỏ nhặt chợ búa. Một bên “hồng nhan” tức để chỉ người con gái trẻ trung có nhan sắc, có tài năng được người người mến mộ, yêu thích, đề cao giá trị của người phụ nữ. Thế nhưng từ cụm “cái hồng nhan” người ta mới thấy thân phận phụ nữ xưa, dẫu có tài, có sắc thì sao, vẫn bị coi nhẹ, vẫn bị xem thường và không thực sự có chỗ đứng trong xã hội. Hồ Xuân Hương bên cạnh việc phơi bày hiện thực số phận cũng thể hiện thái độ chống đối, kháng cự của mình với xã hội đầy bất công. Bà viết “Trơ cái hồng nhan với nước non” không chỉ để diễn tả cảnh cô đơn buồn tủi của người thiếu phụ giữa cuộc đời, giữa xã hội, và việc lấy “hồng nhan” cho sánh cùng “nước non” còn là sự đề cao giá trị của người phụ nữ, sự thách thức, vượt lên trên số phận để đối đầu cùng với “nước non” cũng chính là xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Câu thơ đã phần nào thể hiện được cá tính cũng như bản lĩnh của Hồ Xuân Hương, phận nữ lưu nhưng chẳng chấp nhận cảnh an phận thủ thường gò bó. 

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

Chắc hẳn nữ sĩ đã đau khổ chán chường lắm, bởi vì đàn bà cuối cùng vẫn là đàn bà, rượu không bao giờ là thú vui tao nhã như đàn ông. Phụ nữ thường chỉ tìm đến rượu khi đã chán chường bế tắc quá đỗi, Hồ Xuân Hương chính là như vậy, trong lúc đêm khuya thanh vắng, trống cầm canh thì một mình mà lại ngả nghiêng bên chén rượu nồng. Bởi ngủ không đặng, mà lòng lại cô đơn, trống trải chỉ các cách uống cho say, để cho cái cay nồng, lâng lâng của rượu xóa tan đi hết những muộn phiền, ước sao cho những khốn khổ trong lòng cũng chóng bay hơi như rượu thì tốt quá. Thế nhưng người say không thể say mãi (không thể đến cái độ như Chí Phèo say suốt 20 năm được!), bởi nỗi đau của bà là tâm bệnh, say rồi có thể quên được một khắc nào đó, nhưng khi tỉnh lại thì nỗi đau ấy lại càng thêm rõ ràng, càng khắc sâu vào lòng thi nhân, khiến người ta không thôi khổ sở bởi sự ý thức rõ ràng về thân phận hồng nhan bạc mệnh. Trong cái lúc thanh tỉnh ấy, đêm đã khuya từ lâu, trăng lên sáng tỏ rồi cũng dần xế để nhường chỗ cho mặt trời, tuy nhiên nhìn cảnh trăng và lại nhìn đến bản thân mình, nữ sĩ cũng là nhìn đến hoàn cảnh của bản thân. Trăng kia có thể xế rồi lại mọc, khuyết rồi lại tròn, nhưng cuộc đời người phụ nữ được bao nhiêu lần như thế, “vầng trăng bóng xế” tức là ý chỉ một cuộc đời hồng nhan sắp tàn, bao nhiêu tuổi xuân cũng đã cạn, thế nhưng thi nhân vẫn còn trăn trở một nỗi “khuyết chưa tròn” ấy là chỉ đường tình duyên không trọn vẹn. Hồ Xuân Hương qua hai lần đò, nhưng chưa một lần cảm thấy viên mãn, bởi bà chịu phận làm thiếp thất phải chia sẻ chồng cho cả kẻ khác, tình yêu chiều của chồng dành cho bà dẫu có nhiều hơn một chút, thế nhưng nó vĩnh viễn không phải là tất cả tấm lòng của người ấy, Tổng Cóc cũng vậy, ông Phủ Vĩnh Trường cũng thế. Đấng nam nhi của bà trước còn mải công danh, sau lưng là cả một dàn giai nhân đợi sủng, đến phiên bà đúng thật chỉ “khuyết chưa tròn” mà thôi.

“Xuyên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Đến với những câu thơ luận, người ta nghe mang máng sự vùng vẫy, sự kháng cự của Hồ Xuân Hương lại trở dậy một cách mạnh mẽ. Biện pháp đảo ngữ đưa các động từ mạnh “xuyên ngang”, “đâm toạc” lên đầu câu đã mang đến cho độc giả những ấn tượng sâu sắc về sự uất ức, chán ghét với cái số phận nữ nhi, với cái xã hội lắm những trái ngang và bất công với người phụ nữ. Những hình ảnh thiên nhiên như “rêu” vốn nhỏ bé yếu ớt, lại mịt mờ trong cuộc đời, chẳng mấy ai để tâm, hay hình ảnh hòn đá tầm thường, trơ trọi, muôn đời tĩnh tại chịu đựng sự tàn phá của thiên nhiên, thế vào trong thơ của Hồ Xuân Hương cũng trở nên mạnh mẽ, quyết liệt phản kháng. Những thứ ấy chính là đại diện cho hình ảnh người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, nhỏ bé, tĩnh tại, chai lì, chịu đựng tuy nhiên khi gặp cảnh áp bức khủng khiếp thì dù yếu đuối họ vẫn sẵn sàng vùng lên đấu tranh, sẵn sàng bộc lộ sự phẫn nộ, sự căm tức trước phận đời éo le trước trời đất, trước vũ trụ to lớn. Rêu nhỏ bé nhưng cũng “xuyên ngang mặt đất” khô cứng, đá dẫu mấy hòn nhưng cũng đủ “đâm toạc chân mây” thường cao vút, kiêu hãnh. Đó chính là thái độ thách thức, kiêu ngạo, chua ngoa của Hồ Xuân Hương với cuộc đời và vũ trụ, rõ ràng bà chẳng chịu làm cái kiếp đàn bà luồn cúi, an phận. Bà muốn khẳng định mình, muốn để đời biết đàn bà cũng biết giận, biết buồn, và họ cần được xoa dịu chứ không phải là kìm kẹp đè nén. 

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”

Nhưng có lẽ sự giận dữ, thách thức của Hồ Xuân Hương chỉ là một tiếng nói rất nhỏ bé, như muối bỏ ngoài biển khơi, chẳng được mấy người để tâm, thành thử bà lại quay về với thực tại, trở về với nỗi đau thân phận hồng nhan, với số kiếp lẽ mọn. Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, xuân đến ai cũng mừng vui, riêng chỉ có phận hồng nhan nhìn xuân đến, rồi đi mà lòng càng thêm đau xót. Bởi vấn đề tuổi tác với người phụ nữ là vô cùng nhạy cảm, rõ ràng Hồ Xuân Hương ý thức được quy luật bước đi của thời gian cũng như Xuân Diệu vậy, “Xuân đương tới nghĩa là xuân đang qua/Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già/Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”. Lặng lẽ nhìn mùa xuân đến rồi lại tiến mùa xuân đi mang theo cả những năm tháng thanh xuân của mình, thử hỏi có người phụ nữ nào lại không “ngán”, không chán chường đau thương. Đời xuân sắc của người phụ nữ chẳng đáng bao nhiêu năm, thế mà lại vẫn thường bị phí hoài bởi những cuộc tình không trọn vẹn, bởi những ngày tháng chờ phu quân ghé thăm trong mòn mỏi. Rồi khi xuân hết, họ lại phải gánh chịu cuộc đời cô đơn, bị ruồng bỏ, với nhan sắc già nua xấu xí, hoa tàn ít bướm. Nỗi đau ấy đối với người phụ nữ vốn phóng khoáng, có khao khát hạnh phúc mạnh mẽ và ước ao về một mối tình trọn vẹn như Hồ Xuân Hương lại càng trở nên sâu sắc. “Mảnh tình san sẻ tí con con” chính là nỗi đau lớn nhất đời bà, hai lần đò nhưng chẳng lần nào thoát khỏi số phận làm lẽ, phải sẻ chia chồng với người phụ nữ khác. Mà đấng nam nhi thời bấy giờ cũng có dành được bao nhiêu tình cảm cho đám phụ nữ ngày ngày chờ mong ở nhà, với họ phụ nữ chỉ là người cùng họ nối dõi tông đường, là người hầu hạ, phục vụ, nâng khăn sửa túi cho họ. Đúng là chẳng thể mong được ở những người đàn ông trong xã hội cũ một tấm lòng thủy chung, một tấm chân tình nguyên vẹn. Một mảnh tình mỏng manh mà còn phải chia sẻ cho nhau, nhưng chút tình “tí con con” ấy đối với Hồ Xuân Hương là biết bao mỉa mai, đau đớn cùng chua xót. Bản lĩnh như bà mà cũng chẳng thoát khỏi cảnh chồng chung thì trông mong gì thêm được nữa cho những kiếp đàn bà khác. 

Tự tình II là một bài thơ hay bộc lộ được những nỗi niềm chất chứa của nữ sĩ Xuân Hương về cuộc đời của một hồng nhan, cũng là số phận chung của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến hà khắc. Họ phải gánh chịu nhiều nỗi đau thân phận, bị coi thường, rẻ rúng, chịu kiếp chồng chung, chịu cảnh lẻ loi, cô độc, thiếu thốn tình yêu thương trong suốt cuộc đời, phải đớn đau nhìn tuổi xuân chảy trôi vùn vụt mà không một ai cùng thấu hiểu. Bên cạnh đó bài thơ cũng thể hiện bản lĩnh của Hồ Xuân Hương trước cuộc đời, trước số phận, bà không cam chịu lẽ sống đầy bất công, bà chua ngoa phản kháng một cách mạnh mẽ để thỏa nỗi bực tức, uất ức bấy lâu trong lòng. Dẫu rằng cuộc đời của bà cũng không mấy hạnh phúc, thế nhưng Hồ Xuân Hương chính là tấm gương tiêu biểu cho sự vùng lên của phụ nữ dưới chế độ phong kiến, cần được trân trọng và yêu quý bởi sự kiên cường dũng cảm hiếm có này.
 

3. Phân tích bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương, mẫu số 3:

“Bà Chúa Thơ Nôm” – Hồ Xuân Hương là một nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, thơ của bà chính là tiếng nói thương cảm đối với số phận người phụ nữ, tiếng thơ của bà còn thấm đượm tinh thần nhân đạo khi trân trọng, đề cao vẻ đẹp và những khát vọng chính đáng của người phụ nữ. Bài thơ “Tự tình” (bài II) nằm trong chùm thơ “Tự tình” của bà là một trong những sáng tác mà ở đó ta cảm nhận được tâm trạng buồn tủi, phẫn uất trước duyên phận éo le và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc ở Hồ Xuân Hương.

Mở đầu bài thơ nữ thi sĩ gợi ra một khung cảnh cũng như tâm cảnh mang nặng sự cô đơn, vắng vẻ quạnh hiu:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non.”

Thời gian được nhắc đến đã là đêm khuya, là khoảng thời gian khá nhạy cảm, nhạy cảm bởi đó là lúc con người ta đối diện với chính bản thân mình, những suy nghĩ, trăn trở bắt đầu bủa vây xung quanh. Thêm vào đó, giữa không gian tĩnh mịch, vắng vẻ của đêm khuya lại có thêm tiếng trống canh dồn, âm thanh “văng vẳng” càng làm tăng sự vắng lặng và quạnh hiu của không gian, tiếng trống dồn dập giống như đang thúc giục dồn dập bước đi thời gian. Tiếng trống hay cũng là tiếng lòng của nữ thi sĩ, sự rối bời quẩn quanh khi nhận ra sự trôi chảy của thời gian của đời người, mà ta – phận hồng nhan vẫn còn trơ trơ, chỉ có mình ta với nước non, đó là sự cô đơn, lẻ bóng, trơ trọi. Có thể đó là sự tủi hổ trong nhận thức về hoàn cảnh của nhà thơ nhưng cũng có thể đó chính là sự kiên cường, bền bỉ trong con người nhà thơ.

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”

“Say lại tỉnh” giống như một vòng luẩn quẩn, bế tắc của cuộc đời cũng như của tình duyên, muốn say cho quên sầu muộn và nỗi xót xa số phận nhưng càng say lại càng tỉnh, càng thấu hơn nỗi khổ của thân phận. Hình ảnh vầng trăng “bóng xế” nghĩa là trăng sắp tàn, trời sắp sáng lại thêm “khuyết chưa tròn” ấy là sự tương quan với số phận của người nữ sĩ, trăng sắp tàn giống như tuổi xuân đã sắp trôi qua thế nhưng trăng vẫn khuyết chưa tròn ấy là tình duyên vẫn chưa được trọn vẹn như ý. Ta cảm nhận được nỗi lòng cay đắng, xót xa cho duyên phận lỡ làng của nhà thơ.

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”

Trong hai câu thơ trên, nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật đảo ngữ làm tăng sức hấp dẫn của câu thơ, đặc biệt việc đặt các động từ mạnh ở đầu mỗi câu thơ như “xiên ngang, đâm toạc” đã làm tăng sự sinh động của câu thơ. Bức tranh thiên nhiên có mặt đất, chân mây, rêu từng đám mọc xiên ngang mặt đất, những hòn đá dựng đứng như đâm vào toạc cả chân mây. Việc sử dụng hình ảnh và từ ngữ đã gợi nên một thiên nhiên tràn đầy sức sống và ẩn chứa trong đó là tâm trạng, thái độ của nữ nhà thơ. “Xiên ngang, đâm toạc” là sự phẫn uất và phản kháng của nhà thơ đối với cuộc đời, số phận của mình. Từng lời thơ nghe có vẻ đầy căm phẫn nhưng sâu xa ta lại thấy sự chua chát, cam chịu và chấp nhận của nhà thơ.

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Nhắc đến mùa xuân là nhớ về tuổi xuân của mình, nữ thi sĩ ngán ngẩm bởi mùa xuân qua đi rồi mùa xuân lại đến nhưng tuổi xuân mà qua thì là hết hẳn, chẳng còn lấy lại được nữa. Mà cứ mỗi mùa xuân trở lại lại là sự ra đi của tuổi xuân, nhìn bao mùa xuân qua là bấy nhiêu năm tuổi xuân dần vơi đi, tuổi xuân đã ít cứ theo đà trôi chảy của thời gian vẫn éo le, hẩm hiu và dở dang lỡ làng. Giống như “mảnh tình” của nàng thi sĩ, đã nhỏ bé chỉ gọi là “mảnh” nhưng lại còn “san sẻ” thành ra chỉ còn một “tí con con” dường như không còn đáng là bao nữa. Những lời thơ như lời tâm sự của nhà thơ về chính tình duyên và số phận của mình, nỗi lòng của nhà thơ thể hiện sự khát khao có được hạnh phúc, nhưng hy vọng bao nhiêu lại phải thất vọng bấy nhiêu, chỉ trách sao số phận của nữ thi sĩ lận đận, phũ phàng.

Ta có thể cảm nhận được sự nỗ lực, sự gắng gượng vươn lên số phận của Hồ Xuân Hương, nhưng dù có cố gắng, dù có kiên cường nhà thơ vẫn phải đối mặt với những trớ trêu, thực tại phũ phàng của số phận. Những ước mơ và khát khao sống, hạnh phúc của nhà thơ là một thái độ sống rất tích cực mà chúng ta phải học tập, dù hoàn cảnh và số phận có phũ phàng với ta nhưng ta vẫn phải sống một cuộc đời thật ý nghĩa.

——————-HẾT———————–

Tự tình II là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương viết về tình duyên trắc trở và khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội xưa. Để cảm nhận trọn vẹn giá trị cũng như những nét đặc sắc của bài thơ, bên cạnh bài Phân tích bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương, các bạn có thể tham khảo thêm các bài: Suy nghĩ về ước mơ và hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam qua bài Tự tình 2, Nỗi lòng tác giả qua bài Tự tình 2,  Bình giảng bài thơ Tự tình 2, soạn bài Tự tình.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button