Giáo dục

Phân tích bài thơ Chạy giặc để làm sáng tỏ ý kiến: Sáng tác của ông sống dậy và hướng tới chúng ta như những bài ca yêu nước

Đề bài: Phân tích bài thơ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu để làm sáng tỏ ý kiến: Sáng tác của ông sống dậy và hướng tới chúng ta như những bài ca yêu nước 

phan tich bai tho chay giac de lam sang to y kien

This post: Phân tích bài thơ Chạy giặc để làm sáng tỏ ý kiến: Sáng tác của ông sống dậy và hướng tới chúng ta như những bài ca yêu nước

Phân tích bài thơ Chạy giặc để làm sáng tỏ ý kiến

I. Dàn ý Phân tích bài thơ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu để làm sáng tỏ ý kiến (Chuẩn)

1. Mở bài

– Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), thường được gọi là Đồ Chiểu, ông là nhà thơ lớn và lỗi lạc nhất của miền Nam Việt Nam trong những năm nửa cuối thế kỷ XIX.
– Có nhận định cho rằng: “Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu sống dậy và hướng tới chúng ta những bài ca yêu nước”, chúng ta có thể nhận thấy rõ điều ấy thông qua tác phẩm Chạy giặc, một trong những bài thơ yêu nước xuất hiện đầu tiên trong thời kỳ chống Pháp.

2. Thân bài

* Hai câu đề: Gợi lên thời điểm và hoàn cảnh chạy giặc lúc bấy giờ.
– Thời gian: Buổi tan chợ, dân chúng đông đúc, quây quần, tái hiện khung cảnh sinh hoạt thường ngày của nhân dân Gia Định.
– Hình ảnh “tiếng súng Tây” xa lạ gợi sự khủng bố, hủy diệt hàng loạt…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bài thơ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu để làm sáng tỏ ý kiến tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu để làm sáng tỏ ý kiến (Chuẩn)

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), thường được gọi là Đồ Chiểu, ông là nhà thơ lớn và lỗi lạc nhất của miền Nam Việt Nam trong những năm nửa cuối thế kỷ XIX, giai đoạn nước nhà có nhiều biến động, triều đình phong kiến suy yếu, thực dân Pháp tràn vào xâm lược nước ta. Ông là một nhà thơ có tấm lòng yêu nước sâu sắc, là nhà thơ tiêu biểu cho nghị lực sống mạnh mẽ, thơ văn của ông luôn hướng đến khẳng định các tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân, về sau khi Pháp xâm lược nước ta thì ngòi bút xuất sắc của ông lại chuyển sang khuynh hướng chiến đấu, lên án thực dân Pháp xâm lược, phê phán triều đình nhu nhược đồng thời hết lòng ca ngợi, ủng hộ các phong trào kháng chiến cứu quốc của nhân dân. Có nhận định cho rằng: “Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu sống dậy và hướng tới chúng ta những bài ca yêu nước”, chúng ta có thể nhận thấy rõ điều ấy thông qua tác phẩm Chạy giặc, một trong những bài thơ yêu nước xuất hiện đầu tiên trong thời kỳ chống Pháp.

Không rõ là bài thơ Chạy giặc được sáng tác vào khoảng thời gian nào, nhưng với nội dung có thể suy đoán rằng bài thơ ra đời vào lúc thành Gia Định bị thực dân Pháp tấn công và chiếm đóng. Xuyên suốt nội dung tác phẩm đó là cảnh tượng chạy giặc khốn khổ, đầy hoang mang lo sợ của nhân dân ta, vốn vẫn đang quen cảnh thái bình, ngờ đâu tai họa đã ập xuống ngay trước mắt.

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế lúc sa tay”

Hai câu đề đã gợi lên thời điểm và hoàn cảnh chạy giặc lúc bấy giờ, đó là sau một buổi họp chợ như bình thường, là nơi đông đúc, người người nhà nhà quây quần với nếp sinh hoạt trao đổi mua bán, vốn là một cảnh bình yên, sung túc. Thế nhưng tất cả đã bị phá vỡ bởi một “tiếng súng Tây”, âm thanh khủng khiếp, xa lạ ấy đã làm kinh hồn bạt vía những con người lương thiện, vốn xưa nay chẳng biết đến đạn dược là gì. Không chỉ xa lạ trong tiềm thức nhân dân Việt Nam thời bấy giờ, mà âm thanh kinh hoàng gợi sự chết chóc, hủy diệt hàng loạt ấy cũng lần đầu đầu xuất hiện trong văn học Việt Nam, mở ra một thời kỳ văn học kháng chiến, yêu nước đầy sôi nổi. Hình ảnh “Bàn cờ thế lúc sa tay” mở ra một liên tưởng đến tình cảnh của đất nước lúc bấy giờ, cũng rơi vào thế bị động, bất ngờ, không kịp trở tay, nhân dân đang đứng trước khốn cảnh nước mất nhà tan, đất nước dường như bị rung chuyển tận gốc bởi “tiếng súng Tây”, tình thế hết sức nguy cấp.

Hai câu thực là cảnh chạy giặc trong nỗi kinh hoàng bạt vía của nhân dân.

“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay”

Hàng loạt tiếng súng đinh tai nhức óc, khiến con người lâm vào hoảng loạn, khung cảnh chợ vốn đông đúc nhưng trật tự, yên bình giờ đây chẳng khác mấy so với đàn ong vỡ tổ, người người đều chạy, nhưng biết chạy về đâu? Hình ảnh “lũ trẻ” và “bầy chim” là tiêu biểu cho số phận thảm thương của người dân lúc bấy giờ, đều chịu chung một cảnh mất nhà, mất tổ, buộc phải rời xa cái nơi mình gắn bó bấy lâu để hòng thoát thân, thoát khỏi cái âm thanh ma quỷ, giết chóc từ tiếng súng Tây. Các tính từ “lơ xơ”, “dáo dác” đều gợi lên một cảm giác hoang mang, vô định, bỏ chạy trong thất thần, sợ hãi mà không có một ai dẫn dắt, mọi người mọi vật đều tán loạn, tan tác như gà con mất mẹ, như đàn ong vỡ tổ. Hai câu thơ tả thực nhấn mạnh nỗi ám ảnh cảnh chạy giặc điêu tàn, bi thương trong những năm đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, đó là ký ức kinh hoàng không thể nào phai mờ trong tâm trí những con người buổi ấy.

Hai câu luận là viễn cảnh đối lập của đất nước trước và sau khi giặc tới càn quét.

“Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”

Còn đâu một Bến Nghé giàu có, sung túc, nhân dân an yên vui vầy buôn bán, giặc dữ quét qua bao nhiêu “của tiền tan bọt nước”, cơ nghiệp xây dựng bao đời nay cũng tan thành mây khói. Còn đâu một Đồng Nai, nhà mái ngói đỏ tươi, mái tranh vàng ấm áp, nay cũng chỉ còn lại những cột khói ngút trời, tựa như màu mây xám, ảo não, bi thương vô cùng. Tất cả đã bị hủy diệt bởi tiếng súng kinh hoàng của quân xâm lược, nghĩ mà đau xót, thương tâm vô cùng.

Nếu như 6 câu thơ đầu Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng bút pháp tả thực, cùng những hình ảnh tiêu biểu, đặc trưng để vẽ nên bức tranh thành thị Gia Định tan hoang, thê thảm ngày giặc đến, thì hai câu thơ kết bài lại là nỗi lòng của tác giả trước thảm cảnh điêu tàn của dân tộc.

“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này”

Đó là một câu hỏi tu từ đầy đau xót, giọng điệu trầm buồn, day dứt, phẫn uất, phản ánh hiện thực đau lòng về một triều đình phong kiến vô năng, nhu nhược, nhẫn tâm giương mắt để giặc giày xéo lên quê cha đất tổ mà không dám phản kháng, không dám đứng lên lãnh đạo nhân dân cùng đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là lòng trông mong những nhân tài kiệt xuất đứng ra cùng nhân dân chống lại quân xâm lược như bao lớp cha ông ngày trước, như lời Nguyễn Trãi đã từng viết “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Nhưng hào kiệt thời nào cũng có”. Dẫu đất nước có nằm dưới một chính quyền thối nát yếu hèn, tuy nhiên Nguyễn Đình Chiểu vẫn tin tưởng và hy vọng vào những bậc anh hùng có lòng yêu nước sâu sắc, sẵn sàng đứng lên phụng sự khi Tổ quốc cần. Đồng thời hai câu thơ cuối này cũng là tiếng lòng yêu nước thương dân sâu sắc của tác giả, dẫu đôi mắt có không thấy được, nhưng trái tim ông thấu hiểu rõ tình cảnh khốn cùng của dân tộc.

Nguyễn Đình Chiểu đau đớn, xót xa đến tột cùng khi thấy cảnh đất nước điêu tàn, nhân dân phải chịu cảnh ly tán tang thương, điều đó lại càng thôi thúc ngòi bút tài năng sáng tác thêm nhiều tác phẩm thơ ca cổ vũ ca ngợi phong trào đấu tranh bảo vệ tổ quốc, thôi thúc và làm sống dậy tinh thần yêu nước của nhân dân ta cho đến tận ngày hôm nay. Đồng thời đó cũng là những lời phê phán, lên án gay gắt cái chế độ phong kiến bù nhìn, những kẻ bán nước đổi lấy sự sang quý đớn hèn ngu nhục, cùng thực dân Pháp những kẻ cướp nước tàn ác, gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa, đầy ải nhân dân.

—————–HẾT—————

Cùng với việc tìm hiểu bài mẫu phân tích bài thơ Chạy giặc để chứng minh nhận định,…, ở trên, các em có thể tham khảo thêm danh sách các bài văn hay lớp 11 do Mầm Non Ánh Dương biên soạn, tổng hợp như Bình giảng bài thơ Chạy giặc, Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Chạy giặc, …, để ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11.

Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button