Đề bài: Phân tích bài Con chó Bấc
This post: Phân tích bài Con chó Bấc
Phân tích bài Con chó Bấc
I. Dàn ý Phân tích bài Con chó Bấc (Chuẩn)
1. Mở bài
– Khái quát về tác phẩm Tiếng gọi nơi hoang dã
– Đoạn trích Con chó Bấc kể lại quãng thời gian chung sống cùng với người chủ Thooc-tơn đã để lại trong tâm hồn Bấc nhiều kỷ niệm, đó là thứ tình cảm thiêng liêng và tốt đẹp, khiến Bấc cảm nhận được tình yêu thương ấm áp nhất trong cuộc đời.
2. Thân bài
* Cuộc sống của Bấc trước khi gặp Thooc-tơn:
– Luôn cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo
– Bấc mang trong mình nhiều nỗi hoang mang, sợ hãi vì bị bỏ rơi, bị mang đi làm thú kéo xe trượt tuyết.
– Với những người chủ cũ Bấc chỉ là thứ để phục vụ làm ăn, để ra oai hộ vệ, khá khẩm hơn thì Bấc chỉ được hưởng thứ tình cảm “trịnh trọng và đường hoàng”…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bài Con chó Bấc tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích bài Con chó Bấc (Chuẩn)
Tiếng gọi nơi hoang dã là một tiểu thuyết rất nổi tiếng của nhà văn người Mỹ Jack London, kể về một chú chó có tên là Bấc (Buck) vốn được thuần hóa và được những người chủ chăm sóc, nuôi nấng cẩn thận. Tuy nhiên sau nhiều biến cố, Bấc thay đổi chủ nhiều lần với những hành trình gian nan khác nhau, sau cùng cuộc sống trong rừng già nguyên thủy đã thức dậy bản năng tiềm tàng của loài chó, Bấc quay về thiên nhiên và chung sống với loài chó sói, được sống đúng với bản thân của mình. Trước khi trở về thiên nhiên Bấc đã có một thời gian dài chung sống cùng những người chủ khác nhau, mỗi một người chủ đều để lại trong tâm hồn Bấc nhiều cảm xúc, trong đó Thooc-tơn trong trích đoạn Con chó Bấc, người chủ nhân từ chính là người đã cho Bấc cảm giác được yêu thương mãnh liệt, được đối xử một cách chân thành nhất.
Bấc là một chú chó có cuộc đời nhiều thăng trầm, phải đổi chủ nhiều lần, điều ấy khiến nó mang trong mình nhiều nỗi hoang mang và sợ hãi, bởi chưa kịp thích ứng với người chủ này thì họ đã rời bỏ đó, điều đó khiến Bấc cảm thấy hụt hẫng và tổn thương. Thế nhưng chỉ khi gặp người chủ cuối – Thooc-tơn, trước khi cuộc đời nó đi vào ngã rẽ khác, Bấc mới cảm nhận được những cảm xúc mới lạ, mà lần đầu đầu tiên trong cuộc đời nó nhận thấy, đó chính là “tình yêu thương, một tình yêu thương thực sự và nồng nàn”. Dẫu rằng đã cùng chung sống với nhiều người chủ, nhưng Bấc không hề cảm thấy đó là gia đình của nó, bởi đơn giản họ chỉ xem nó là “chuyện làm ăn cùng hội cùng phường”, là “trách nhiệm ra oai hộ vệ”, hay khá khẩm hơn thì cũng chỉ là thứ tình cảm “trịnh trọng và đường hoàng”. Cuộc sống của Bấc luôn cô đơn và lạnh lẽo, chỉ đến khi nó gặp được Thooc-tơn một người nhân từ đã cứu sống nó từ cái cảnh đày ải kéo xe trượt tuyết ở Alaska, nó mới cảm thấy ấm áp. Mà theo Bấc cảm nhận thì đó là thứ tình cảm “sôi nổi, nồng cháy, yêu thương đến tôn thờ, thương yêu đến cuồng nhiệt”.
Trong suy nghĩ của Bấc, Thooc- tơn là một người chủ “lý tưởng”, khác với những người chủ cũ chăm sóc Bấc chỉ vì vụ lợi và mục đích kinh doanh, thì Thooc-tơn lại đem đến cho Bấc một cách chăm sóc khác biệt, bởi anh luôn coi Bấc như con cái mà chăm sóc. Đối với anh Bấc không chỉ là một con chó mà là người bạn, người thân, anh luôn có những cử chỉ thân mật, trò chuyện “tầm phào” với Bấc, như kiểu Bấc sẽ nghe hiểu tất cả những gì anh nói. Trong tâm hồn Bấc, những cái túm đầu để đầu nó dựa vào đầu anh là, khẽ rủa lại là những “lời nựng âu yếm”, khiến nó cảm thấy được quan tâm, được yêu thương và nó luôn thấy không còn gì vui sướng hơn những cái ôm ghì và thì thầm đó. Thứ tình cảm trong Bấc chỉ tuôn trào mãnh liệt khi ở bên Thooc-tơn, cái cảm giác như “quả tim mình nhảy tung ra khỏi cơ thể vì quá ngây ngất”. Tất cả những hành động ấy đều chứng tỏ rằng Thooc-tơn là một người chủ tử tế, nhân từ và có tấm lòng yêu thương động vật tha thiết, luôn cố gắng chăm sóc và tôn trọng Bấc như đối với một con người.
Để đáp trả lại những tình cảm yêu thương thắm thiết mà Thooc-tơn dành cho mình, Bấc vẫn luôn cố gắng hết sức để bày tỏ những cảm xúc sung sướng của mình, có lẽ chỉ có một rào cản duy nhất ấy là Bấc không biết nói. Nhưng một chú chó khôn ngoan như Bấc, luôn khiến cho Thooc- tơn thấu hiểu, nó biết cách đứng bằng hai chân, “miệng cười, mắt long lanh, họng rung lên những âm thanh không thốt nên lời”, đến cả Thooc-tơn cũng phải kêu lên một cách trân trọng sự thông minh nhanh nhẹn của nó bằng câu cảm thán “Trời đất, đằng ấy cứ như biết nói ấy!”. Nếu như Thooc-tơn quen ôm ghì đầu và thì thầm với Bấc, thì trái lại Bấc cũng có cách “âu yếm” chủ rất đặc biệt, mà dường như khiến người ta đau, nó thường cắn lấy bàn tay Thooc-tơn rồi ép chặt răng để hằn thành những vết lõm sâu. Có thể lý giải cho hành động ấy của Bấc rằng dường như nó quá yêu thương chủ và sợ vụt mất Thooc-tơn nên nó luôn cố gắng khẳng định tình cảm của bản thân bằng cách “in dấu ấn” trên bàn tay anh. Bấc mong rằng Thooc-tơn sẽ mãi khắc ghi nó trong lòng và mãi yêu thương nó như anh đã từng. Tình cảm của Bấc nồng nhiệt và say đắm đến mức tôn thờ, đôi khi ta còn có thể cảm nhận rằng Bấc sung sướng đến phát rồ khi Thooc-tơn vuốt ve nó, nhưng có lẽ lòng tự trọng hoặc hơn là suy nghĩ ăn phận, điềm tĩnh đã kiềm Bấc lại không cho nó được phép vòi vĩnh, săn đón sự quan tâm của Thooc-tơn. Bấc tôn trọng chủ, tôn thờ chủ vô cùng, nó luôn ngoan ngoãn quan sát chủ, luôn nằm phục dưới chân Thooc-tơn hàng giờ, “mắt háo hức, tỉnh táo, ngước lên mặt anh, chăm chú xem xét, hết sức quan tâm theo dõi từng biểu hiện thoáng qua, mọi cử động hoặc thay đổi trên nét mặt”. Dù là chó nhưng những hành động và biểu hiện của nó chẳng khác gì một con người tinh tế, có suy nghĩ cẩn thận và tỉ mỉ. Sự quan sát dãu ở xa hay gần, cùng với tình cảm nồng nhiệt yêu thương nồng nhiệt từ cả Thooc-tơn và Bấc khiến cả hai như có mối giao cảm lạ kỳ. Tất cả tình cảm ấy đều dồn hết ở đôi mắt của Thooc-tơn và Bấc, rạng ngời, đẹp đẽ một thứ tình cảm khăng khiết, thiêng liêng, không đơn thuần là tình cảm chủ với chú chó mà có lẽ là tình cảm của những những tri âm, tri kỷ thấu hiểu lẫn nhau vô cùng.
Một nguyên nhân nữa khiến Bấc lại yêu thương và muốn gắn bó với Thooc-tơn nữa xuất phát từ việc nó thay đổi chủ quá nhiều lần, thêm việc phải chịu khổ cực ở xứ lạnh đã hình thành trong lòng Bấc một bóng ma lớn. Bấc luôn có những nỗi hoang mang, lo sợ, sợ rằng một người chủ lý tưởng như Thooc-tơn rồi cũng sẽ rời xa nó, điều đó khiến nó càng khó có thể chấp nhận. Nỗi hoang mang ấy đã bám theo Bấc cả trong giấc mơ, khiến Bấc không thể yên giấc, những điều này đã báo hiệu trước một biến cố lớn trong cuộc đời Bấc, đưa cuộc đời nó sang một trang mới – tìm về với bản năng!
Đoạn trích ngắn Con chó Bấc, đã xây dựng một cách đặc sắc hình ảnh người chủ nhân từ và nội tâm của chú chó đáng thương Bấc, một tâm hồn đã chịu quá nhiều thương tổn, nay mới tìm được một nơi ấm áp, một người chủ thực sự yêu thương, cho nó những cảm xúc nồng nhiệt, sung sướng. Qua đó, đoạn trích nhằm nhắc nhở và giáo dục con người trong việc đối xử với vật nuôi, chúng ta cần phải biết yêu thương, chia sẻ thậm chí là tôn trọng chúng. Bởi những loài vật này ngoại trừ việc không có tiếng nói thì chúng cũng có tâm hồn mỏng manh, yếu đuối, đặc biệt chúng gần như sống phụ thuộc vào sự quan tâm của chúng ta. Thay vì dửng dưng, bạc đãi chúng ta hãy khiến chúng trở thành những người bạn thân thiết, đáng yêu.
———————-HẾT———————-
Cùng tìm hiểu chi tiết về truyện Con chó Bấc, bên cạnh bài Phân tích bài Con chó Bấc, các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu đặc sắc khác mà chúng tôi đã giới thiệu tại Thuthuat.Mầm Non Ánh Dương như: Phân tích hình ảnh con chó Bấc trong truyện ngắn Tiếng gọi nơi hoang dã, Tóm tắt Con chó Bấc, Cảm nghĩ của em sau khi đọc Con chó Bấc, Hãy phân tích và nêu cảm nghĩ của em khi đọc Con chó Bấc.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)