Đề bài: Phân tích bài ca dao sau: “Muối ba năm muối đang còn mặn… Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”
Phần 1: Dàn ý phân tích bài ca dao sau: Muối ba năm muối đang còn mặn
Xem chi tiết Dàn ý phân tích bài ca dao sau: Muối ba năm muối đang còn mặn tại đây
Phần 2: Bài văn mẫu Phân tích bài ca dao sau: Muối ba năm muối đang còn mặn
Bài làm:
Tình yêu là chủ đề đẹp và rực rỡ nhất, đi vào đời sống văn học và vận động với muôn màu muôn vẻ. Nếu trong thơ, ta bắt gặp những tiếng thơ đầy thổn thức, ngập tràn mãnh liệt trong “Tôi yêu em” của Pu-skin, hay mối tình chung thủy bền chặt của Thúy Kiều Kim Trọng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Trong truyện ngắn, ta cũng không khỏi nghẹn ngào trước mối tình thức tỉnh lương tri, thấm đẫm dư vị yêu thương của Chí Phèo – Thị Nở trong Chí Phèo của Nam Cao hay mối tình giản dị, trong ngần, tuyệt đẹp của Nguyệt – Lãm trong Mảnh trăng cuối rừng. Bước vào ca dao dân ca, chủ đề tình yêu lại được dịp toả hương ngào ngạt bởi những nỗi niềm, những cảm xúc dạt dào tha thiết được nhân vật trữ tình gửi gắm một cách đầy ý nhị, duyên dáng và tinh tế nhưng không kém phần mãnh liệt, khát khao:
“Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau nữa, cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.”
Trong tình yêu, không cần phải quá cầu kỳ, cao xa, đơn giản chỉ là những điều bình dị mà gắn kết bền chặt. “Gừng” và “muối” là những sự vật quen thuộc, dân dã trong đời sống của người nông dân. Nó không chỉ là thứ gia vị cần thiết cho bữa ăn hằng ngày mà còn là những vị thuốc dân gian giúp ích cho sức khỏe con người. Muối để càng lâu, thậm chí là ba năm, vị mặn mòi trong muối vẫn không đổi, gừng dẫu chín tháng chất cay nồng “hãy còn” giữ được bên trong. Thách thức của thời gian không làm mất đi những đặc trưng của nó. Song, gừng và muối ở đây không đơn thuần mang tầng nghĩa ấy, mà nó còn mang nghĩa biểu tượng, tượng trưng những gì vị trong đời sống tình yêu, đời sống vợ chồng. Đó là tình nghĩa thủy chung, bền chặt của con người, dẫu qua bao thách thức của thời gian thì tình yêu vẫn nồng đượm, thiết tha, ấm nồng, nồng nàn như muối, như gừng vậy, chẳng thể phai nhoà được.
“Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”
Tình yêu “đôi ta” cũng như vậy, tình dày, nghĩa nặng chất chồng, chẳng thể đong đếm được như thơ xưa từng nói “Nghĩa vợ tình chồng ta tát biển đông”. Tình nghĩa hai ta cao hơn núi, rộng hơn sông, mênh mông hơn sóng biển, bởi vậy mà dẫu thời gian có trôi, dẫu có khó khăn cách trở cũng không làm lung lay mối tình trọn vẹn thủy chung này. Cũng như muối và gừng vậy, vẫn son sắt, gần nhau, yêu thương nhau trọn đời trọn kiếp. “Ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”, đó là cả một đời người, là trăm năm bên nhau, sướng khổ cùng nhau, dẫu có xa cũng là lúc chúng ta già đi, răng long đầu bạc rồi, cuộc đời đôi ta chỉ phải xa nhau, chia lìa khi đã chết mà thôi. Nghĩa tình ấy mãi vững bền theo thời gian, son sắt theo năm tháng. Dẫu có khó khăn, thử thách, dẫu vui buồn sướng khổ, dẫu cuộc đời có trăm đắng ngàn cay thì nghĩa tình ấy vẫn mãi vẹn tròn, thủy chung. “Đôi ta” sẽ cùng dìu nhau vượt qua tất cả, để tình yêu ấy thật đẹp, thật bền lâu, không gì cách trở, đổi dời. Hai ta chính là nguồn sống, là dư vị yêu thương trọn vẹn nhất, nghĩa tình nhất.
Ca dao xưa thật bình dị mà thân thương quá đỗi, mỗi tiếng thơ, lời ca chất chứa những tình cảm tốt đẹp, những khát khao bình dị trong đời sống tinh thần của người dân. Ca dao xưa dễ nhớ, dễ thuộc, mang hồn cốt của con người thôn quê, nhẹ nhàng, chân chất mà đi vào lòng người một cách rất tự nhiên. Ca dao xưa như một nốt nhạc ngọt ngào, tuyệt diệu, sọi rọi tâm hồn mỗi chúng ta bằng trái tim hồn hậu và thiết tha nhất, bởi vậy mà trong em luôn dành một tình cảm vô cùng lớn lao cho những bài ca dao, dân ca của dân tộc.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)