Giáo dục

Phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc để chứng minh nhận định…

Đề bài: Phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc để chứng minh nhận định: Với giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc thì dù viết về vấn đề gì, thơ Tố Hữu vẫn luôn dễ đi vào lòng người

phan tich 8 cau tho dau trong bai viet bac de chung minh nhan dinh

This post: Phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc để chứng minh nhận định…

Phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc

I. Dàn ý Phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu và tác phẩm Việt Bắc.
– Giới thiệu nhận định cần chứng minh

2. Thân bài

a. Giải thích ý kiến đánh giá
– Giọng thơ tâm tình ngọt ngào.
– Nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc.
– Dù viết về đề tài chính trị gắn với sự kiện lịch sử tháng 10 năm 1954 nhưng bài thơ Việt Bắc nói chung và tám câu thơ đầu tiên vẫn hiện lên chất chứa cảm xúc của sự ngọt ngào, tha thiết.

b. Phân tích, bình luận về giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc trong 8 câu thơ đầu
– Bốn câu thơ đầu: là lời của những người ở lại – nhân dân Việt Bắc.
+ Điệp cấu trúc câu: “Mình về mình có nhớ ta?”, “Mình về mình có nhớ không?”…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc tại đây.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc để chứng minh nhận định (Chuẩn)

Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, Tố Hữu được biết đến với những tác phẩm mang đậm tính trữ tình – chính trị. Bàn về phong cách thơ độc đáo của ông, có ý kiến cho rằng: “Với giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc thì dù viết về vấn đề gì, thơ Tố Hữu vẫn luôn dễ đi vào lòng người”. Đặc trưng này đã được thể hiện rõ qua bài thơ Việt Bắc nói chung và tám câu thơ đầu tiên của thi phẩm này nói riêng.

Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, ngôn ngữ giản dị mà tha thiết trong thơ Tố Hữu là giọng điệu của sự ngọt ngào, mang tính tâm tình, thủ thỉ sâu lắng, đằm thắm. Trong bài thơ Việt Bắc, để thể hiện nội dung về tình cảm cách mạng, tác giả Tố Hữu đã sử dụng giọng thơ tâm tình để bộc lộ những xúc cảm nặng nghĩa tình. Giọng điệu đó quyện hòa cùng nghệ thuật giàu tính dân tộc qua thể thơ lục bát, kết cấu đối đáp “mình – ta” thân thuộc trong các câu ca dao và khúc hát dân ca, hệ thống ngôn ngữ bình dị cùng những hình ảnh thơ quen thuộc nhưng vẫn giàu sức gợi. Dù viết về đề tài chính trị gắn với sự kiện lịch sử tháng 10 năm 1954 , sau khi hiệp định Giơnevơ được kí kết, các cơ quan trung ương của Đảng rời chiến khu Việt Bắc để trở về hoạt động tại thủ đô Hà Nội nhưng bài thơ Việt Bắc nói chung và tám câu thơ đầu tiên vẫn hiện lên chất chứa cảm xúc của sự ngọt ngào, tha thiết.

Trong tám câu thơ đầu tiên, tác giả đã tái hiện không khí bâng khuâng, lưu luyến trong những phút giây đầu tiên của buổi chia ly giữa kẻ ở – người đi. Khúc dạo đầu được khơi gợi từ lời của những người ở lại:

“- Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không?
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”

Trong lời ca của người dân Việt Bắc hướng tới những người chiến sĩ, cán bộ cách mạng, chúng ta có thể thấy được cảm xúc trữ tình sâu lắng qua điệp cấu trúc câu: “Mình về mình có nhớ ta?”, “Mình về mình có nhớ không?”. Sự láy đi láy lại của câu hỏi tu từ đã xoáy sâu vào nỗi nhớ và sự day dứt khôn nguôi. Quãng đường đồng hành đầy nghĩa tình và “thiết tha mặn nồng” giữa nhân dân Việt Bắc và người chiến sĩ cách mạng đã được diễn tả qua khoảng thời gian “Mười lăm năm ấy”. Đó là những tháng ngày đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, gợi lên sự bao bọc của nhân dân: “Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”. Cuộc kháng chiến của dân tộc ta vì thế luôn ngời sáng sức mạnh của tinh thần đoàn kết và mang tính toàn dân. Biết bao ân tình, gắn bó một lần nữa được gợi nhắc qua những hình ảnh “cây”, “núi”, “sông”, “nguồn” – không gian quen thuộc nơi núi rừng ẩn dụ cho lối sống ân nghĩa thủy chung. Như vậy, qua bốn câu thơ đầu, chúng ta có thể thấy được giọng điệu tâm tình, thủ thỉ tràn đầy cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến của đồng bào dân tộc.

Cuộc đối thoại trữ tình tiếp tục được tiếp nối qua lời đáp của người ra đi – những cán bộ chiến sĩ cách mạng:

“- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Bốn câu thơ đã thể hiện rõ sự lưu luyến bịn rịn, dù chưa chia xa những viễn cảnh nhớ nhung đã hiện lên trước mắt. Đại từ “ai” ngân vang cùng sự “tha thiết” đã nhấn mạnh vào tình cảm, cảm xúc đặc biệt của người ra đi và sự thấu hiểu đối với cảm xúc của người ở lại. Điều này khiến cho câu thơ giống như một câu trả lời gián tiếp khẳng định người ra đi sẽ mãi mãi không quên được “Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng” và luôn một lòng hướng về và nhớ đến “cây”, “núi”, “sông”, “nguồn”. Trạng thái này được xoáy sâu hơn nữa qua những tính từ miêu tả cảm xúc như “bâng khuâng”, “bồn chồn”. Hình ảnh người ở lại đã được khắc họa trong tâm tưởng của những chiến sĩ cách mạng qua hình ảnh hoán dụ “Áo chàm” – màu áo đặc trưng của đồng bào Việt Bắc. Cuộc chia ly cứ thế diễn ra trong sự bâng khuâng xúc động, và tất cả mọi cảm xúc dường như nén lại: “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.

Chỉ với tám câu thơ đầu tiên, chúng ta có thể thấy được tài năng của nhà thơ Tố Hữu trong việc sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo và linh hoạt thể thơ lục bát – thể thơ dân tộc với những đặc trưng riêng trong cách gieo vần và nhịp điệu. Đồng thời, kết cấu bài thơ được kiến tạo theo lối đối đáp giao duyên qua cặp đại từ “mình – ta” khiến lời thơ chất chứa yêu thương như những lời tâm tình của đôi lứa yêu nhau. Câu chuyện cách mạng, kháng chiến vốn thuộc lĩnh vực chính trị khô khan được tái hiện đầy tâm tình và sâu lắng như một câu chuyện tình yêu ngọt ngào, làm nổi bật tình cảm ân tình thủy chung, cao đẹp của nghĩa tình cách mạng.

Như vậy, qua tám câu thơ đầu tiên, chúng ta có thể khẳng định: “Với giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc thì dù viết về vấn đề gì, thơ Tố Hữu vẫn luôn dễ đi vào lòng người”. Câu chuyện cách mạng, kháng chiến mang tính chính trị, gắn với sự kiện lịch sử cụ thể vì thế khi đi vào trang thơ “Việt Bắc” vẫn chất chứa cảm xúc và da diết, bồi hồi. Điều này đã thể hiện rõ đặc trưng chính trị – trữ tình trong phong cách thơ Tố Hữu. Đồng thời tạo nên nét đặc sắc và sức hấp dẫn của bài thơ.

—————–HẾT——————–

Việt Bắc là bài thơ trữ tình chính trị nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, người được mệnh danh là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng. Tìm hiểu chi tiết về nội dung cũng như đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ Việt Bắc, bên cạnh bài Phân tích 8 câu thơ đầu trong bài thơ Việt Bắc trên đây, các em không nên bỏ qua những bài văn hay lớp 12 cùng chủ đề khác như: Tính dân tộc qua bài Việt Bắc, Cảm nhận về đoạn trích trong bài thơ Việt Bắc, Bình giảng bức tranh tứ bình trong bài Việt Bắc, Phân tích nỗi nhớ của người cán bộ Cách mạng về xuôi đối với Việt Bắc trong bài Việt Bắc, Tố Hữu.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button