Đề bài: Phân tích 5 câu thơ cuối bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
This post: Phân tích 5 câu thơ cuối bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
Phân tích 5 câu thơ cuối bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
I. Dàn ý Phân tích 5 câu thơ cuối bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá (Chuẩn)
1. Mở bài
– Khái quát tác giả, tác phẩm
– Giới thiệu vị trí và nội dung của đoạn thơ
– Chuyển ý
2. Thân bài
a. Giới thiệu tóm lược nội dung và tư tưởng của bài thơ
– Bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” ra đời năm 760, lúc Đỗ Phủ từ quan về sống ở phía tây Thành Đô.
– Bài thơ vừa tự sự, vừa bộc lộ cảm xúc trước tình cảnh trớ trêu của một thân phận tuổi cao, bệnh tật, nghèo khổ bị thiên tai và nhân họa cùng lúc xô tới và cho thấy được tấm lòng và nhân cách cao quý của nhà thơ.
b. Phân tích ba câu thơ đầu: Uớc mơ của nhà thơ:
– Ước có ngôi nhà muôn ngàn gian…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích 5 câu thơ cuối bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích 5 câu thơ cuối bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá (Chuẩn)
Đỗ Phủ sinh năm 712, mất năm 770, tự là Tử Mĩ, hiệu là Thiếu Lăng, là một nhà thơ Trung Quốc vĩ đại. Trong sự phát triển rực rỡ của thi ca thời Đường, Đỗ Phủ cùng với Lí Bạch là hai đỉnh cao vươn ra tầm thế giới. Nếu như Lí Bạch là nhà thơ lãng mạn, là nhà thơ của lực trời thì Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực, là nhà thơ của lực đất. Tiếng thơ của Đỗ Phủ là tiếng nói đau xót trước một hiện thực xã hội phong kiến nhiều biến động, nhiều đau thương đồng thời cũng là tiếng lòng cảm thương đầy nhân ái, vị tha. “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” là tác phẩm thể hiện khá nổi bật đặc trưng thơ Đỗ Phủ. Trong đó đoạn cuối bài thơ có thể xem là sự lắng đọng sâu sắc nhất tư tưởng nhân đạo của nhà thơ vĩ đại này.
Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,
Che khắp thiên hạ, kẻ sĩ nghèo hân hoan.
Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn.
Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt.
Riêng lều ta nát chịu chết rét cũng được.
Bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” ra đời năm 760, lúc Đỗ Phủ từ quan về sống ở phía tây Thành Đô. Cảm thương hoàn cảnh nghèo khó của ông, bạn bè đã chung tay dựng cho ông một ngôi nhà tranh cạnh khe Cán Hoa. Nhà mới ở chưa được bao lâu thì những cơn mưa giông mùa thu kéo tới phá nát. Bài thơ vừa tự sự, vừa bộc lộ cảm xúc trước tình cảnh trớ trêu của một thân phận tuổi cao, bệnh tật, nghèo khổ bị thiên tai và nhân họa cùng lúc xô tới. Tuy thế, ngay giữa hoàn cảnh riêng đầy bi kịch, Đỗ Phủ vẫn cho chúng ta thấy được tấm lòng và nhân cách cao quý của ông:
Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,
Che khắp thiên hạ, kẻ sĩ nghèo hân hoan.
Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn.
Ước mơ của Đỗ Phủ chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được. Giữa lúc lều tranh tan hoang trong gió thu, các mảnh tranh bị bọn trẻ thôn nam cướp ngay trước mắt, nhà thơ mơ ước được một căn nhà là đều tất nhiên. Nhưng tại sao phải là “nhà rộng muôn ngàn gian”? Phải chăng vì quá khốn khó nên nhà thơ phóng đại ước mơ của mình! Thật bất ngờ và cảm động khi câu thơ tiếp theo được đọc lên “Che khắp thiên hạ, kẻ sĩ nghèo hân hoan”. Thì ra ngôi nhà ấy không dành riêng cho gia đình nhà thơ mà nó là để che khắp thiên hạ, che khắp những phận kẻ sĩ nghèo, mang đến niềm hân hoan cho họ. Phải có một tầm tư tưởng và tấm lòng rộng lớn dường nào mới thấu hiểu và đồng cảm với toàn xã hội được như thế. Bằng biện pháp tăng tiến, Đỗ Phủ tô vẽ cho ngôi nhà trong mơ của mình những nét đậm chắc “Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn”. Ngôi nhà phải vững như thế chứ đừng mong manh như lều tranh của ông tan trong gió bão. Có như thế thì hàng vạn kẻ sĩ nghèo trên thế gian mới khỏi lâm cảnh khốn khổ như nhà thơ.
Hai câu thơ cuối như một lời khấn nguyện chân thành:
Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt.
Riêng lều ta nát chịu chết rét cũng được.
Lời cảm thán xuất phát từ tâm can “Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt” Nghe vừa tha thiết, vừa xót xa. Có lẽ nhà thơ cũng biết rằng ước mơ của ông cũng chỉ là mơ ước. Mà mơ ước với thực tại bao giờ cũng vời vời cách xa. Hình ảnh ngôi nhà sừng sững vẫn ngự trị trong tâm trí ông như một khát vọng cháy bỏng để nhà thơ hạ một lời thì thầm kiên định “Riêng lều ta nát chịu chết rét cũng được”. Hai hình ảnh “nhà ấy sừng sững” và “lều ta nát” đối lập nhau như hai đối cực của hạnh phúc và khổ đau. Và nhà thi sĩ đã tự nguyện chấp nhận khổ đau chỉ hi vọng bao kẻ sĩ khác được hạnh phúc. Không biết tự bao giờ các lời khấn cầu đều đi cùng với một lời hứa nguyện và Đỗ Phủ đã tha thiết muốn đánh đổi ước mơ cao đẹp với cái giá mà chỉ riêng ông phải trả. Ước mơ có một gian nhà đủ rộng cho tất cả kẻ sĩ trên thế gian còn riêng ông chịu lều tan, chết rét ông cũng cam lòng. Sự hi sinh đó hoàn toàn vô vụ lợi, nó xuất phát từ sự đồng cảm của một nhà thơ, một kẻ sĩ có tấm lòng nhân hậu mênh mông sẵn sàng quên đi thân phận cá nhân mà hướng đến quảng đại đồng bào.
Trong sự nghiệp thơ ca đồ sộ gồm hơn một ngàn năm trăm bài thơ của Đỗ Phủ, độc giả khắp nơi vẫn tâm đắc và chưa bao giờ thôi cảm động khi đọc “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá”. Bài thơ, đặc biệt là năm câu cuối đã để lại một ấn tượng sâu sắc về một tài năng, một tư tưởng, một tình cảm vĩ đại. Bài thơ vừa khái quát được hiện thực xã hội Trung Quốc thời Đường vừa đề cao chủ nghĩa nhân đạo, một giá trị vĩnh cửu của văn học nghệ thuật, để lại cho người đời sau những hiểu biết sâu sắc và những cảm xúc tốt đẹp về tình người, tình đời.
—————–HẾT—————-
Có thể nói 5 câu thơ cuối thể hiện rõ nhất tấm lòng nhân ái, tinh thần nhân đạo của nhà thơ Đỗ Phủ với những con người cùng khổ, bất hạnh. Để có những cảm nhận chi tiết nhất về bài thơ cũng như vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ, các em có thể tham khảo thêm: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, Phân tích bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, Giá trị hiện thực và nhân đạo trong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, Tấm lòng nhân ái của nhà thơ Đỗ Phủ trong Bài ca nhà tranh bị gió thu phá.
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục