Giáo dục

Phân tích 4 câu thơ đầu bài Thương Vợ

Đề bài: Phân tích 4 câu thơ đầu bài Thương Vợ

phan tich 4 cau tho dau bai thuong vo

This post: Phân tích 4 câu thơ đầu bài Thương Vợ

Phân tích 4 câu thơ đầu bài Thương Vợ

I. Dàn ý Phân tích 4 câu thơ đầu bài Thương Vợ (Chuẩn)

1. Mở bài:

Giới thiệu về tác giả Tế Xương và bài thơ Thương vợ:
+ Tú Xương, một trong những nhà thơ trung đại có phong cách nghệ thuật độc đáo.
+ Bài thơ Thương vợ là một tác phẩm tiêu biểu cho mảng thơ này của ông.
+ 4 câu thơ đầu thể hiện sự trân trọng, đồng cảm của Tú Xương với sự tần tảo, cơ cực của người vợ.

2. Thân bài:

a. Hai câu đề:

– Công việc vất vả, ẩn chứa nhiều hiểm nguy:
– Trạng ngữ “quanh năm”: nỗi vất vả triền miên, mưu sinh quanh năm suốt tháng => Chăm chỉ, tảo tần của bà Tú.
– Danh từ “mom sông”: địa điểm làm việc chênh vênh, không vững vàng, đầy bất trắc trong công việc của bà Tú.

– Gánh nặng gia đình “Nuôi đủ năm con với một chồng”:
+ Sự đảm đang, tháo vát của bà Tú.
+ Gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai
+ Nỗi chua xót của ông Tú về sự vô dụng của mình.
+ Nhà thơ tự chế giễu mình, đặt mình ngang hàng với “năm đứa con thơ”, sống no đủ trên sự hi sinh, vất vả của bà Tú.

b. Hai câu thực:
– “Lặn lội thân cò”, “eo sèo mặt nước”: nghệ thuật đảo ngữ, ẩn dụ tô đậm nỗi nhọc nhằn, bươn chải của người vợ.
=> Một người phụ nữ kiên cường, đảm đang, giàu đức hi sinh, sẵn sàng đánh đổi cả bản thân mình vì hạnh phúc, ấm êm của gia đình.

3. Kết bài:

Cảm nhận chung: Qua 4 câu thơ đầu nhà thơ đã thể hiện cảm xúc chân thành, tình cảm yêu thương và trân quý của ông dành cho người vợ tào khang của mình.

II. Bài văn mẫu Phân tích 4 câu thơ đầu bài Thương Vợ (Chuẩn)

Tú Xương là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của nền văn học Trung đại Việt Nam giai đoạn cuối TK XIX, đầu thế kỉ XX. Bên cạnh mảng thơ trào phúng, Tú Xương còn có “gặt hái” được những thành tựu đáng kể ở mảng thơ trữ tình, một trong những bài thơ tiêu biểu nhất có thể kể đến “Thương vợ”. Bằng tình yêu thương và tấm lòng trân trọng vợ, tác giả đã viết nên những vần thơ chứa chán sự yêu thương, cảm thông dành cho người vợ của mình. Bốn câu thơ đầu của bài thơ đã thể hiện được nỗi đồng cảm, sự biết ơn sâu sắc của nhà thơ với sự tần tảo, vất vả của vợ.

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vẵng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Hai câu đầu đoạn thơ gợi mở về công việc mưu sinh hàng ngày của bà Tú. Trạng ngữ “quanh năm” đặt đầu gợi ra nỗi vất vả triền miên, mưu sinh quanh năm suốt tháng của bài Tú. Câu thơ cho thấy được sự tảo tần, chăm chỉ mưu sinh của người đàn bà làm nghề bán buôn. Danh từ “mom sông” được sử dụng thật khéo khi vừa chỉ địa điểm làm việc, vừa, gợi sự chênh vênh, không vững vàng, đầy bất trắc trong công việc của bà Tú. Ở cái mỏm đất bên sông, hình ảnh bà Tú lam lũ càng nhỏ bé và cô đơn hơn bao giờ hết. Hình ảnh bà Tú bươn trải với cuộc sống vất vả, xô bồ, ngược xuôi với công việc buôn thúng bán bưng nặng nhọc để mưu sinh, nuôi sống gia đình thật đẹp cũng thật đáng trân trọng.

Cuộc sống dẫu có nhiều vất vả, lo toan nhưng vì chồng con, vì gia đình, bà Tú vẫn mạnh mẽ đối mặt mà không một lời oán thán:

“Nuôi đủ năm con với một chồng”

Lẽ thường, người đàn ông là trụ cột gia đình, chăm lo cho vợ con nhưng ở đây, bà Tú lại là người nặng gánh. Câu thơ sử dụng số từ “năm”, “một” kết hợp với các danh từ “con”, chồng”, tưởng chỉ là những con số khô khan mà đọc lên nghe nhói lòng thương cảm. Bà Tú vất vả quanh năm, chịu thương chịu khó để chăm lo “nuôi đủ” chồng, con. Hai tiếng “nuôi đủ” được đặt ở đầu câu như một tiếng vang đầy tự hào cũng thật trào phúng của người chồng dành cho vợ của mình, một người phụ nữ đảm đang, tháo vát. Bên cạnh đó, trong câu thơ còn chứa chan cả nỗi chua xót của ông Tú về chính mình, một kẻ bất tài, vô dụng, không giúp đỡ được gì lại trở thành gánh nặng cho vợ mình. Nhà thơ tự chế giễu mình, đặt mình ngang hàng với “năm đứa con thơ”, sống no đủ trên sự hi sinh, vất vả của bà Tú.

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Trong hai câu thực tiếp theo, nhà thơ đã thể hiện được những vất vả, cực nhọc và hiểm nguy trong công việc mưu sinh đầy vất vả của bà Tú. Nghệ thuật đảo ngữ kết hợp cùng ảnh ảnh ẩn dụ đặc sắc “lặn lội thân cò” càng tô đậm nỗi nhọc nhằn, bươn chải của người vợ. Hình ảnh người phụ nữ chân chất, lam lũ trong không gian hoang vắng, heo hút, một mình lam lũ chẳng nề hà khiến ta vừa cảm phục, vừa xúc động. Tình từ tượng thanh “eo sèo” gợi lên không gian chợ búa với những thanh âm hỗn độn của kẻ bán, người mua, của những tiếng kì kèo mặc cả, cãi cọ hơn thua càng tô đậm hình tượng bà Tú cần mẫn, tất bật giữa chốn chợ búa xô bồ.

Ca dao xưa có câu:

“Con ơi nhớ lấy câu này,
Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua.”

Dẫu biết là vậy, nhưng vì miếng cơm, manh áo, vì chồng, vì con bà Tú nào có thể dừng bước. Đôi chân gầy guộc ấy vẫn quyết xông pha nơi quãng vắng, đò đông, kiếm đôi ba đồng lo toan cho cuộc sống. Thật quả là một người phụ nữ tần tảo, giàu đức hi sinh, sẵn sàng đánh nhận về mình tất cả những vất vả, mệt nhọc vì hạnh phúc, ấm êm của gia đình. Vẻ đẹp về phẩm chất của bà thật đáng trân trọng và cảm phục biết bao.

Bằng lời thơ giản dị, những hình ảnh gần gũi mà giàu giá trị biểu đạt, Tú Xương đã thể hiện cảm xúc chân thành, tình cảm yêu thương và trân quý của ông dành cho vợ. Bốn câu thơ như một khúc nhạc ngọt ngào, xúc động nhưng đầy chua xót viết về vẻ đẹp của bà Tú nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

——————-HẾT—————–

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm các bài viết cùng chủ đề Cảm nhận về bài thơ Thương Vợ của Tú Xương, Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương, Hình ảnh bà Tú qua bài thơ Thương vợ của Tú Xương để làm nổi bật tâm sự mang nỗi niềm thế sự của tác giả để tích lũy cho mình những kinh nghiệm làm văn hay nhé!

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button