Giáo dục

Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục

Đề bài: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục

noi khong voi tieu cuc trong thi cu va benh thanh tich trong giao duc

This post: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục

Bài làm:

Trên đà phát triển của xã hội, sự thay đổi của kinh tế, khoa học kĩ thuật đã kéo theo những thay đổi trong suy nghĩ, giá trị và chuẩn mực đạo đức của con người. Bên cạnh những mặt thay đổi tích cực, đáng mừng thì cũng có không ít những sự thay đổi theo hướng tha hóa biến chất, đặc biệt là những tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục. Nổi lên trong thời gian gần đây chính là những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, hiện tượng này ngày càng có quy mô lan rộng và phức tạp, trước tình hình đó Bộ Giáo Dục đã phát động cuộc vận động: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu về khái niệm “Tiêu cực”, tiêu cực có thể hiểu là những biểu hiện, hành vi không lành mạnh, trong hoạt động thi cử, biểu hiện của tiêu cực chính là gian lận. Trong thời buổi công nghệ hiện đại như hiện nay, những thiết bị phục vụ cho gian lận thi cử không chỉ đơn giản là tài liệu thu nhỏ nữa mà còn vô số các thiết bị ghi âm, chụp ảnh, nghe lén được thiết kế siêu tinh vi, phục vụ cho những người có nhu cầu sử dụng trong mỗi kì thi.

Việc gian lận cũng bắt nguồn từ phía phụ huynh, vì muốn con đạt thành tích cao, nhiều người đã lạm dụng tiền và quyền cũng như mối quan hệ để xin điểm, mua điềm trong những kì thi. Đáng tiếc thay, phụ huynh muốn mua lại có giáo viên muốn bán, giáo viên là người chủ chốt trong quá trình thi cử vậy mà chính họ lại tiếp tay cho tiêu cực và gian lận thi cử. Bằng mọi thủ đoạn và bất chấp nội quy, kỉ luật nhiều giáo viên vẫn bán đề thi, gợi ý đề, bán điểm, chấm bài thiếu trung thực, cho điểm khống. Còn một thành phần quan trọng nữa trong mỗi kì thi là cán bộ quản lí và coi thi, nếu cán bộ quản lí và giám sát tốt thì khả năng xảy ra tiêu cực sẽ được hạn chế rất đáng kể, và khó để xảy ra gian lận trong thi cử. Thế nhưng khi cán bộ lại làm không hết trách nhiệm, quản lí lỏng lẻo và thiếu trung thực thì tất cả những gian lận và tiêu cực trong thi cử đều có thể xảy ra. Phải có hậu quả thì những gian lận trong tiêu cực mới bị gọi là tiêu cực, và không chỉ là hậu quả đơn thuần, những gian lận trong thi cử gây ra hiệu quả vô cùng nghiêm trọng, thí sinh làm bài không dựa trên năng lực và khả năng thực sự của bản thân, kết quả bài thi không phải là kết quả của thí sinh dẫn đến điểm bài thi của thí sinh không chính xác, rồi chất lượng của kì thi thiếu minh bạch và không công bằng, những người có năng lực, thi cử bằng chính thực lực của mình thì không được công nhận, còn những người gian lận lại được tung hô, trở thành người chiến thắng.

Những hành vi tiêu cực trong thi cử làm cho ngành giáo dục ngày càng rối ren, đạo đức nghề xuống cấp, kéo theo sự đi xuống của xã hội. Một xã hội muốn phát triển phải có nhân tài, mà nhân tài phải là những người có năng lực thực sự, thi cử trong giáo dục chính là nơi lựa chọn nhân tài, thi cử tốt sẽ cho nguồn nhân tài chất lượng, ngược lại, còn tồn tại tiêu cực trong thi cử thì đất nước ngày càng tụt dốc. Nhìn nhận rõ những tác hại và ảnh hưởng của tiêu cực trong thi cử đối với tương lai chính bản thân chúng ta nói riêng và đối với sự phát triển của xã hội nói chung, chúng ta hãy nói không với tiêu cực trong thi cử, trả lại giá trị và vai trò đích thực của những kì thì.

Cũng là một biểu hiện tiêu cực của giáo dục, “bệnh thành tích” trong giáo dục đang là vấn đề nóng mà cả xã hội lên án. “Thành tích” là kết quả của sự nỗ lực, đó không chỉ là lợi ích về vật chất hay tinh thần mà còn tạo nên động lực để con người ta phấn đấu và nỗ lực hơn nữa. Tuy nhiên “bệnh thành tích” lại là kết quả không có thực, không hề tồn tại sự nỗ lực thực sự, yếu tố ngăn cách giữa thành tích và bệnh thành tích chính là sự trung thực.

Trong phạm vi nhà trường, mỗi năm mỗi trường đều có chỉ tiêu được bàn giao và yêu cầu phải hoàn thành được chỉ tiêu đó. Có khi những số liệu thống kê về chỉ tiêu được đem đi báo cáo chỉ là những số liệu khống mà nhà trường đã tự nâng lên để đạt được thành tích hoàn thành chỉ tiêu, có trường chỉ làm đến mức hoàn thành chỉ tiêu, không bị khiển trách nhưng có nhiều trường còn làm quá lên để được khen thưởng. Có những em chưa đủ kiến thức và năng lực để được lên lớp nhưng vẫn được lên, có em chưa đủ tiêu chuẩn học sinh giỏi, nhà trường lại cố tình nâng lên cho đủ số lượng, vì thế mà có chuyện năm 2006, tại trường Trung học cơ sở Trần Phú thuộc huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên, 26 em học sinh lớp 6 còn chưa đọc viết thông thạo vẫn được lên lớp. Đáng lo ngại là bệnh thành tích còn tồn tại trong các bậc phụ huynh, nhiều gia đình quá coi trọng thành tích học tập của con mà thúc giục, bắt ép và bằng mọi cách để con có thành tích xuất sắc. Một nền giáo dục tốt và trung thực sẽ cho ra thành tích tốt và trung thực, từ đó sẽ tạo nên những nhân tài đóng góp mạnh mẽ cho dân tộc đưa đất nước đi lên. Vì vậy chúng ta hãy nói không với bệnh thành tích trong giáo dục vì tương lai và sự phát triển bền vững của đất nước.

Nếu cứ để tình trạng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục tồn tại sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, công sức của học sinh, lãng phí tiền bạc, công lao của phụ huynh và lãng phí của cải xã hội, suy thoái đạo đức trong xã hội. Toàn thể nhân dân và xã hội cần phải quyết liệt tham gia chống lại tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, bắt đầu từ chính những sai phạm của ngành giáo dục, đặc biệt là người học sinh, chúng ta phải tuyệt đối nói không với tiêu cực trong thi cử, phấn đấu học tập bằng chính năng lực của bản thân.

Bệnh thành tích trong giáo dục là một trong những vấn đề nghị luận quen thuộc trong các đề kiểm tra, đề tập làm văn. Để nâng cao hiểu biết và rèn luyện kĩ năng viết bài nghị luận, bên cạnh bài Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, các em có thể tham khảo thêm: Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, Nghị luận xã hội về vấn đề giáo dục giới tính với tuổi vị thành niên hiện nay, Nghị luận về hiện tượng học đối phó của học sinh hiện nay, Nghị luận xã hội: Thực trạng nhiều học sinh không thích học môn Lịch sử.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button