Đề bài: Những cảm nhận sâu sắc anh (chị) qua tìm hiểu cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.
This post: Những cảm nhận sâu sắc anh (chị) qua tìm hiểu cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.
Bài làm:
Phạm Văn Đồng từng đặt tựa cho tác phẩm của mình: “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” để ca ngợi bút lực của nhà thơ “lớn nhất miền Nam Việt Nam” nửa cuối thế kỉ 19. Trên cương vị là một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo lý, luôn giữ gìn phẩm chất con người thanh cao, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là nhà giáo ưu tú mà còn là cây bút sáng tác thơ văn yêu nước đặc sắc đương thời. Cho đến nay, cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu vẫn là tấm gương chói lòa để thế hệ sau noi theo và phát triển.
Xuất thân trong một gia đình nhà nho, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ nuôi dạy, sau đó đi theo một ông thầy đồ trong làng. Cuộc đời ông sớm long đong, phải xa cha, sống trong cảnh loạn lạc vì chiến tranh chia cắt. Không dừng lại ở đó, khi Nguyễn Đình Chiểu tham gia khoa thi năm Kỷ Dậu (1848), được tin mẹ mất, ông bỏ thi về nhà, trên đường về do khóc quá nhiều và thời tiết thất thường khiến ông đổ bệnh nặng. Tuy được cứu chữa hết lòng nhưng cả đời phải sống trong cảnh mù lòa, hôn sự bị bội ước, mẹ mất, cha bị cắt hết chức quan. Sau khoảng thời gian chịu tang mẹ, ông mở trường dạy học, làm thuốc và cưới vợ là người Cần Giuộc, Gia Định. Tại đây, ông đã sáng tác những bài thơ yêu nước thể hiện sự thất vọng trước sự đớn hèn, bất lực của triều đình khi Pháp nổ súng xâm lược. Về Ba Tri, tiếp tục hành nghề thầy thuốc và dạy học, ông mượn văn chương làm vũ khí chiến đấu, cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân, lên án xã hội phong kiến đốn mạt, hèn hạ và thể hiện sự cảm kích đối với những mất mát hi sinh của đồng bào. Cả cuộc đời ông sáng tác vì sự nghiệp giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc, qua đời tại Ba Tri, khi được hỏi về ước muốn riêng của mình, ông khảng khái đáp: “Muốn tế vong hồn nghĩa sĩ Lục tỉnh”.
Thơ ca của Nguyễn Đình Chiểu mang đậm âm hưởng Nam Bộ, dễ nghe, dễ đọc và dễ hiểu. Ông thay mặt nhân dân nói lên những uất ức của họ, thẳng thắn phê bình, lên án triều đình, khẳng định một cái tôi kiên định, minh bạch, giống với phong thái của một nhà Nho đoan chính. Cuộc đời sóng gió và khoảng thời gian sống tạm ở quê vợ đã khiến ông thấu hiểu cảm giác nước mất nhà tan, tạo nên phong thái viết văn vững vàng, kiên định, bày tỏ lòng hiếu trung với đất nước. Là một nhà giáo có nhân cách cao cả, hết mình vì học trò, một thầy thuốc nổi tiếng và là nhà thơ của toàn dân tộc, Nguyễn Đình Chiểu được mệnh danh là ngôi sao sáng trong làng văn học Việt Nam. Thơ văn của ông tuy không khai thác những khía cạnh mới mẻ, nhưng đặt trong hoàn cảnh đất nước loạn lạc lúc bấy giờ thì sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu vô cùng to lớn, là kim chỉ nam, là chân lý để nhân dân noi theo và hành động vì độc lập tự do.
Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là tấm lòng yêu nước thương nòi, là tiếng gọi toàn dân đứng lên chiến đấu cho chính tấc đất quê hương mình. Trong sự nghiệp sáng tác của ông, nổi bật hơn cả là tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” đối với thể loại thơ văn chiến đấu. Ra đời năm 1861 với mục đích bày tỏ nỗi xót thương, đọc trong buổi truy điệu hơn mười lăm nghĩa sĩ nhân dân đã bỏ mình trong trận đánh tập kích đồn Pháp tại Cần Giuộc, tác phẩm mang đậm âm hưởng bi tráng, là bản anh hùng ca hào sảng, thê lương. Những người nông dân xưa nay chỉ biết “cui cút làm ăn”, “toan lo nghèo đói” nay lại trở thành người lính ra trận. Giờ đây khi đất nước lâm nguy, tâm trạng của những người dân vốn hiền lành, thật thà bỗng trở thành “muốn tới ăn gan”, “muốn ra cắn cổ” bạn cướp nước, bán nước. Vũ khi của họ là “hỏa mai đánh bằng rơm con cúi”, “gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay”, tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch, nhưng những gì họ có là nghĩa khí, là ý chí, là lòng quyết tâm ngùn ngụt có thể xô đổ bất kì bè phái phản động nào. “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” không chỉ là một bài văn tế nhằm tri ân những chiến sĩ đã hi sinh mà còn là lời kêu gọi toàn thể nhân dân đứng lên đấu tranh vì quyền tự do của chính mình.
Một trong những tác phẩm để đời của Nguyễn Đình Chiểu, được đặt ngang hàng với “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du là “Truyện Lục Vân Tiên”. Phù hợp với văn hóa truyền thống và sở thích của người miền Nam, “Truyện Lục Vân Tiên” trở thành cuốn sách gối đầu giường của hầu hết người dân đương thời. Viết truyện bằng thể loại thơ, tác phẩm được đánh giá là một “bản trường ca ca ngợi chính nghĩa”, nói lên ước ao, khát vọng của người dân về một xã hội công bằng, có những vị anh hùng ra tay dẹp loạn, cứu độ dân chúng, một cuộc sống ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện chính là người anh hùng nhân dân, người anh hùng xuất thân từ dân chúng nhưng có tinh thần thượng võ, yêu chính nghĩa, “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”. Chính vì phù hợp với tư tưởng nhân đạo và mong ước của nhân dân nên đến nay, “Truyện Lục Vân Tiên” vẫn giữ vững được giá trị nhân đạo và giá trị nghệ thuật cho đến ngày nay. Đúng theo phong cách viết truyện của Nguyễn Đình Chiểu, “Truyện Lục Vân Tiên” chứa đựng những bài học về đạo lý làm người, phân biệt phải trái, tốt xấu và khuyên con người cách sống đúng đắn, tốt đẹp, thật thà.
Cũng giống như những người chiến sĩ quả cảm mà ông đã xây dựng trên trang viết, Nguyễn Đình Chiểu chính là người chiến sĩ của cuộc đời mình khi đã vượt qua gian khổ, khó khăn, sống với đôi mắt mù lòa và những biến cố, mất mát trong cuộc đời. Cuối cùng, ông đã lấy những trở ngại đó làm nguồn động lực để phấn đấu và trở thành một nhà giáo, nhà văn, người thầy thuốc với nhân cách cao cả. Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiếu là minh chứng vĩ đại cho vị trí của ông trong làng văn học nghệ thuật nước nhà.
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục