Giáo dục

Nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực

Đề bài: Nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực

nghi luan xa hoi 200 chu ve tinh trung thuc

This post: Nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực

Nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực

I. Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực (Chuẩn)

1. Mở đoạn

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tính trung thực

2. Thân đoạn

a. Giải thích: “Trung thực” là thành thực với mọi người, với công việc và với chính mình; chân thật trong cả lời nói lẫn hành động.

b. Biểu hiện của tính trung thực:

– Ngay thẳng, thật thà, không gian xảo, dối trá, không lừa mình dối người.
– Tuân thủ mọi quy định của pháp luật, mọi chuẩn mực đạo đức văn hóa.
– Nói đi đôi với làm, nói được làm được.
– Có trách nhiệm với lời nói và hành động của mình.

c. Ý nghĩa của lòng trung thực:

– Luôn nhận được sự tin tưởng, yêu thương của mọi người.
– Là cơ sở làm nên tính tự trọng, thẳng thắn của mỗi người, giữ vững nhân cách cá nhân.
– Góp phần tạo nên uy tín, sức mạnh của của bản thân.

d. Phản đề:

– Hiện nay vẫn còn nhiều cá nhân sống không trung thực, dối trá lừa lọc, vì lợi ích cá nhân mà làm ra những hành động đi ngược lại với đạo đức, pháp luật.
– Hậu quả: dẫn đến sự tha hóa đạo đức, vô nhân cách, mất niềm tin, không được mọi người tín nhiệm giao công việc.

e. Bài học nhận thức và hành động:

– Nhận thức rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng của tính trung thực.
– Rèn luyện tính trung thực, nhắc nhở bạn bè và mọi người về tính trung thực.

3. Kết đoạn

Khẳng định lại vai trò, ý nghĩa của tính trung thực.

II. Những Nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực hay nhất

1. Nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực, mẫu 1 (Chuẩn)

Một trong những phẩm chất quan trọng trong việc tạo nên định hướng nhân cách chân chính của một con người chính là tính trung thực. “Trung thực” ở đây là sự thành thực không chỉ với mọi người, với công việc mà cả với chính bản thân mỗi người. Biểu hiện rõ nhất của tính trung thực đó là ngay thẳng, thật thà, không gian dối. Đối với học sinh, thứ nhất trung thực là không gian lận trong thi cử như: sử dụng tài liệu, sử dụng các thiết bị ghi âm ghi hình, trao đổi bài, chép bài của nhau. Thứ hai, trung thực là phải ngay thẳng, không nói dối thầy cô, mắc lỗi phải nhận lỗi và sửa lỗi. Nếu có thể làm một học sinh trung thực chắc chắn sẽ được thầy cô giáo yêu quý, các bạn tôn trọng và gần gũi, trở thành người đáng tin cậy. Tuy nhiên vẫn có những người thiếu trung thực, gian dối để được lợi cho mình, ví dụ như mượn bài của bạn chép để được điểm cao, nói dối cha mẹ đi học thêm ngoài giờ để đi chơi. Thiếu trung thực sẽ khiến nhân cách con người dần trở nên tha hóa, trở thành người gian dối, không còn ai tin tưởng và tôn trọng, bị mọi người xa lánh, cô lập. Vì vậy, mỗi người phải luôn trung thực, thật thà, phải mạnh tay lên án ngay những hành động, việc làm thiếu trung thực, không bao che, dung túng cho kẻ gian, đồng thời tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tính trung thực vào đời sống của mọi đối tượng, lứa tuổi.

2. Nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực, mẫu 2 (Chuẩn)

Từ xưa đến nay, trong mọi xã hội, mọi tầng lớp giai cấp, đức tính trung thực luôn được đề cao và coi trọng – là một đức tính không thể thiếu của mỗi con người. “Trung thực” được hiểu đơn giản đó là trung thành với sự thực, thực tế, ngay thẳng, thật thà không gian dối. Người có đức tính trung thực là người luôn tôn trọng sự thật, nói thật và làm thật. Trung thực trong lời nói và việc làm. Mỗi hoàn cảnh mỗi nghề nghiệp đều gắn với tính trung thực ở nhiều khía cạnh khác nhau. Ví dụ như việc sản xuất hàng hóa hay buôn bán, trung thực là sản xuất mặt hàng đạt chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không vì lợi nhuận mà cho thêm hóa chất, ăn bớt quy trình gây ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng người mua hàng. Trong học tập, trung thực là việc không quay cóp, gian lận trong thi cử. Việc làm trung thực luôn gắn liền với hợp pháp và đúng luật vì thế người trung thực luôn có được sự tin tưởng, ủng hộ của mọi người. Ngược lại những người thiếu trung thực sẽ luôn tìm cách che giấu sự thật, lừa lọc người khác vì lợi ích của mình. Điển hình như những công ty sản xuất khẩu trang y tế đã qua sử dụng, thu gom khẩu trang ở thùng rác về rồi qua đủ loại hóa chất tẩy trắng làm sạch lại đóng hộp thành khẩu trang mới kháng khuẩn bán cho người tiêu dùng. Đó là việc làm vừa thiếu tính trung thực lại vô nhân đạo, cần phải bị trừng phạt thích đáng. Mỗi người hãy luôn luyện tập và thực hành tính trung thực cho riêng mình, đừng để những lợi ích nhỏ nhen khiến ta trở thành người thiếu trung thực, mất đi nhân cách.

3. Nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực, mẫu 3 (Chuẩn)

Trung thực – một đức tính cao đẹp, một thước đo quan trọng đánh giá nhân cách của con người, là nhân tố cốt lõi trong việc hình thành, phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam. “Tính trung thực” được hiểu là sự thành thực, thật thà, ngay thẳng trong cả lời nói và hành động. Biểu hiện của tính trung thực đó là không nói dối, không lừa gạt người khác, luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng quy định và luật pháp. Một số việc làm của tính trung thực đó là nhặt được của rơi trả lại người đánh mất, khai báo y tế chính xác, nói đi đôi với làm, nói được làm được, có trách nhiệm với lời nói và hành động của mình. Tính trung thực mang lại rất nhiều ý nghĩa, không chỉ cho một người mà cho cả nhiều người. Người có tính trung thực luôn nhận được sự tin cậy của mọi người, là cơ sở làm nên tính tự trọng, thẳng thắn của mỗi người, giữ vững nhân cách cá nhân. Từ đó góp phần tạo nên uy tín, sức mạnh của gia đình, tổ chức, tập thể. Ấy vậy mà hiện nay vẫn còn nhiều cá nhân sống không trung thực, dối trá lừa lọc, vì lợi ích cá nhân mà nói sai, làm sai, hậu quả dẫn đến sự tha hóa đạo đức, vô nhân cách, mất niềm tin, không được mọi người tín nhiệm giao công việc. Điển hình như vụ việc Công ty Việt Á câu kết cùng các cán bộ của các tỉnh nâng khống giá bộ sinh phẩm kit xét nghiệm. Nhìn vào đó chúng ta phải biết cùng nhau gìn giữ đức tính trung thực để mỗi người đều là người trung thực, mỗi lời nói, việc làm đều là trung thực, không có lừa lọc dối giá, không có tham ô, tham nhũng, tiêu cực.

————-HẾT————-

Bên cạnh đức tính trung thực, còn có nhiều đức tính tốt đẹp khác như tự lập, tôn trọng kỉ luật,… Các em có thể tìm đọc về các đức tính này trong các bài sau: Nghị luận xã hội 200 chữ về tính tự lập, Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính tôn trọng kỉ luật, Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về sự tự tin, Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về sự sẻ chia trong cuộc sống.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button