Giáo dục

Nghị luận về sự lười biếng

Đề bài: Nghị luận về sự lười biếng

nghi luan ve su luoi bieng

This post: Nghị luận về sự lười biếng

Bài văn Nghị luận về sự lười biếng

I. Dàn ý Nghị luận về sự lười biếng

1. Mở bài

– Giới thiệu về vấn đề

2. Thân bài

– Giải thích: “Lười biếng”: là trạng thái chán nản, không muốn tập trung vào công việc hay bất cứ việc gì dù ở trong khả năng của mình, chần chừ, ngại khó, ngại khổ.
+ Lười biếng là thói quen và đôi khi trở thành một “căn bệnh” khó chữa, gây nên những tác hại vô cùng to lớn cho bản thân, gia đình và cả xã hội.

– Nguyên nhân:
+ Bị chi phối bởi những thú tiêu khiển: Trò chơi điện tử, các trang mạng xã hội, video thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người→ con người có xu hướng khép kín hơn, thích những trò chơi đó mà ngại ra ngoài, lười vận động, khiến chúng ta mất tập trung, lâu dần trở thành lười biếng.
+ Do sự bảo bọc của cha mẹ, người lớn: Trẻ em sinh ra còn yếu ớt, cần được chăm sóc, bảo vệ nhưng một số cha mẹ lại bảo bọc con cái quá mức khiến chúng dần ỷ lại, không chịu hành động, suy nghĩ, ngại khó, ngại khổ.
+ Do sự chần chừ: Lười biếng đôi khi xuất phát từ những việc rất nhỏ, sau đó tạo thành thói quen, ví dụ khi ta chần chừ nghe điện thoại, chần chừ làm bài khóa, bài luận, lâu dần ta sẽ quy định cho bản thân mình có thể ỷ lại, có thể chần chừ, biến ta thành kẻ lười biếng.
+ Ngoài ra, lười biếng cũng di truyền: Một số người bị mắc chứng thiếu hoocmon dopamine thể di truyền, họ không cảm nhận được niềm hạnh phúc khi đạt được thành công nên lâu dần, họ trở nên lười biếng.

– Biểu hiện:
+ Trong học tập: Không chịu ôn luyện, không chịu học tập mà luôn tìm cách gian lận trong cái kì thi, kiểm tra
+ Trong công việc: Không chịu tìm tòi, ỷ lại vào đồng nghiệp
+ Trong công việc nhà: Không chịu lau dọn nhà cửa, nơi ở sạch sẽ

– Hậu quả của việc lười biếng:
+ Công việc và học hành bị trì trệ, không thể tiến bộ.
+ Mắc các tệ nạn xã hội, như trộm cắp, cướp giật do không đủ tiền tiêu xài.
+ Thất bại trong công việc, không thể vươn lên, đánh mất cơ hội
+ Gây nên những hậu quả xấu cho bản thân, gia đình, trở thành gánh nặng cho đất nước.

– Liên hệ: Hiện nay, đại bộ phận thanh thiếu niên có cho mình một suy nghĩ tích cực, luôn chịu khó khám phá, tìm tòi. Nhưng còn số ít các bạn trẻ có lối sống lười biếng.
– Bài học và cách khắc phục sự lười biếng:
+ Hãy lập một bản kế hoạch chi tiết, và thực hiện nó nghiêm túc
+ Tìm cho mình người bạn đồng hành để cùng thực hiện
+ Chăm chỉ sẽ giúp chúng ta vươn tới ước mơ của mình.

3. Kết bài

Khái quát chung

II. Bài văn mẫu Nghị luận về sự lười biếng

Người ta thường nói “trên bước đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng. Đúng vậy, chẳng thành công nào, đích đến nào lại dễ dàng mà không trải qua chông gai. Và để làm được điều đó, phải trả giá bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi. Lười biếng sẽ đánh mất của ta nhiều cơ hội, và đôi khi biến đổi cuộc đời của ta theo một hướng đi tiêu cực.

Trong cuộc sống, chúng ta bắt gặp rất nhiều trường hợp luôn tự ỷ lại, không chịu vận động, không chịu suy nghĩ tìm tòi, đó là lười biếng. Lười biếng trở thành một căn bệnh mà rất nhiều người đang mắc phải. Vậy định nghĩa của lười biếng ở đây là gì? Lười biếng – đó là trạng thái chán nản, không muốn tập trung vào làm bất cứ việc gì, dù việc đó ở trong khả năng của mình, ngại khó, ngại khổ, chần chừ trong mọi việc. Lười biếng đôi khi trở thành một thói quen khó bỏ của rất nhiều người, và đôi khi nó trở thành một căn bệnh nan y ăn sâu vào tâm trí con người ta khiến con người ta trở nên thụt lùi với thời đại, biến ta trở thành những kẻ vô ích cho xã hội này. Nó còn khiến cho chúng ta trở thành những gánh nặng mà xã hội và những người khác phải mang vác và đối với thanh thiếu niên, nó trở thành một lỗ hổng lớn trong nhân cách làm người của các em.

Vậy do đâu mà căn bệnh lười biếng này lại có thể diễn ra và ăn sâu vào con người ta như vậy? Nguyên nhân trực tiếp của việc lười biếng này là gì đây? Có thể nói rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự lười biếng của một cá nhân nào đó, nhưng tổng hợp lại, chúng ta thấy rõ ràng có những nguyên nhân cụ thể dẫn tới sự lười biếng trong xã hội. Đó là sự mất tập trung trong bất cứ công việc nào. Đây được coi là nguyên nhân hàng đầu tạo nên những con người lười biếng trong một tập thể hay xã hội. Sự mất tập trung này gây nên bởi những thứ hấp dẫn khác đối với cá nhân khi đang thực hiện một hành động nào đó. Chúng ta có thể thấy, lớp thanh thiếu niên ngày nay bị hấp dẫn bới rất nhiều thú vui như các trò chơi điện tử hay những video trên các mạng xã hội, chính điều này đã hướng các em vào một sự chú ý khác khiến các em xa rời, mất tập trung trong công việc hay trong học tập. Ngoài ra, nó còn lôi kéo sự chú ý của các em khiến các em dần lười vận động, lười ra ngoài, và dần biến thành một kẻ lười biếng. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở lớp thanh thiếu niên mà nó là tình trạng diễn ra ở hầu hết các lứa tuổi, biến mọi người trở thành những con người ỷ lại, thụ động, lười biếng, mất tập trung.

Nguyên nhân thứ hai mà chúng ta có thể kể đến đó là sự bao bọc quá mức của các bậc phụ huynh, người lớn đối với trẻ nhỏ, dần hình thành trong chúng sự ỷ lại, không chịu hành động, tìm tòi và khi lớn lên, chúng mang theo những điều đó, biến thành những kẻ lười biếng của xã hội. Chúng ta đều biết rằng trẻ nhỏ còn yếu ớt, cần được chăm sóc, cần được quan tâm, thế nhưng, có những bậc cha mẹ lại kéo dài sự quan tâm đó đến tận khi đứa trẻ trưởng thành vẫn không hề muốn buông bỏ. Điều này vô tình hình thành lên tâm lý ỷ lại vào bố mẹ, vào người khác của đứa trẻ ấy và khi lớn lên, chúng vẫn giữ thái độ đó để bước vào đời, biến chúng thành những kẻ lười biếng, luôn ngại khó, ngại khổ, không hề muốn làm gì, cũng không muốn đối mặt với bất kì vấn đề nào của cuộc sống.

Lười biếng không chỉ là do tự bản thân con người hình thành lên, nó còn phụ thuộc vào cả môi trường xung quanh, vào các bậc phụ huynh nữa. Không chỉ thế, lười biếng còn bị tạo nên bởi sự thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức, thiếu những kĩ năng giao tiếp, tìm tòi.

Như chúng ta biết, trong bất cứ công việc nào cũng cần có sự đầu tư kĩ lưỡng, về mặt tinh thần, tâm lý cũng như về thể chất. Việc tìm tòi, sáng tạo các nguồn kiến thức sẽ mang lại cho chúng ta sự hiểu biết về mọi mặt, giúp ích cho ta trong các công việc của mình. Thế nhưng lại có những người không những thiếu kiến thức trong công việc mà lại còn không chịu tìm tòi, ngại suy nghĩ, ngại tháo gỡ vấn đề, dần dần, họ cho rằng như vậy là được, như vậy là đủ, khiến cho công việc của mình ngày càng thụt lùi so với người khác. Đó là lười biếng! Sự lười biếng này đến từ sự thiếu kiến thức, thiếu những kĩ năng quan trọng để tạo nên một thói quen tốt. Nếu như cả xã hội đều ỷ lại như vậy, liệu rằng xã hội chúng ta có thể phát triển được hay không?

Nguyên nhân của sự lười biếng còn do thói quen chần chừ khi bắt tay vào bất kì công việc nào. Sự chần chừ bắt nguồn từ sự vô tư, vô tâm, thế nhưng, dần dà, nó lại đi sâu, ăn sâu vào tâm trí của người ta, biến con người ta trở thành những con người lười biếng. Chỉ đơn giản, bạn chần chừ nghe một cuộc gọi, chần chừ chậm một bài tập được giao mà không bị phạt, và cứ như vậy, bạn nghĩ rằng, lúc nào mình cũng sẽ được ưu tiên, được phép lười biếng như thế. Và cuối cùng, kết quả là bạn đã biến thành một kẻ lười biếng từ bao giờ mà chính bạn cũng chẳng nhận ra. Có thể nói rằng. lười biếng xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân từ bản thân mình mới chính là điều mà ta cần bàn tới.

Ngoài ra, lười biếng đôi khi còn xuất phát từ nguyên nhân di truyền. Nghe có vẻ khá vô lý, thế nhưng, theo nghiên cứu khoa học, một số người bị hiện tượng thiếu hormone dopamine thể di truyền khiến họ không cảm thấy hạnh phúc, vui mừng khi đạt được điều gì đó. Điều này đã vô tình dẫn họ trở thành những kẻ lười biếng trong xã hội này.

Nguyên nhân về sự lười biếng thì không hề ít, nó quá nhiều, và mỗi con người luôn có cách biện hộ cho sự lười biếng của chính mình. Thế nhưng, phải đến khi nhìn thấy tác hại, nhìn thấy những hậu quả mà lười biếng để lại cho mình, người ta mới chợt nhận ra và hối hận. Có một câu danh ngôn thế này “trên bước đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng”, phải, lười biếng thì sao mà có thể thực hiện được ước mơ của mình, dù rằng ước mơ đó có to lớn hay nhỏ bé ra sao!

Sự lười biếng của mỗi con người thể hiện ở mỗi lớp khía cạnh, mỗi các biểu hiện khác nhau. Đối với lớp trẻ thanh thiếu niên còn đang đi học, sự lười biếng biểu hiện ở sự lười nhác trong học tập, trong việc hoàn thành các bài tập về nhà, trong việc phụ giúp cha mẹ. Thay vì tìm tòi, chăm chỉ học tập, hoàn thành bài vở, các em lại tìm cách gian lận, tìm cách được điểm cao trong các kì thi mà không phải bỏ ra công sức học hành, bằng những chiếc “phao” cứu sinh, … Hãy thử nhìn lại kì thi tuyển sinh đại học cách đây hai năm, hãy nhìn lại xem có phải chúng ta đang bắt gặp những kẻ lười biếng, chỉ muốn có được thành tích mà không phải bỏ ra điều gì? Hơn bốn mươi bốn học sinh tại một vài nơi trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đã được “mua bán” điểm số để có thể trở thành những tân sinh viên với những điểm số cao ngất ngưởng. Điển hình như bạn N.D.A, điểm thi thực tế khi được phúc khảo của bạn, tổng ba môn chỉ là 15,8 điểm, thế nhưng, bằng sự “mua bán”, giao dịch của những bậc phụ huynh, số điểm của bạn đã được nâng lên con số là 27,8 điểm. Đây là một số điểm mà một học sinh phải gắng sức, miệt mài cả mười hai năm có khi còn chưa đạt tới. Với số điểm này, N.D.A đã đăng ký nguyện vọng vào đại học Y Hà Nội – một ngôi trường thuộc top những trường học khó nhất cả nước. Sự lười biếng đã biến một thí sinh trở thành tâm điểm của cả nước khi sự việc bị phanh phui, nếu chăm chỉ hơn, thì số điểm 27.8 không phải là một số điểm vượt ngoài sức tưởng tượng hay khó có thể đạt được. Thế nhưng, nếu không bị phanh phui, liệu một thí sinh như N.D.A, khi bước vào ngôi trường được dạy để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho con người, với sự lười biếng, ăn sẵn, chờ sắp xếp của cha mẹ, có trở thành một người bác sĩ có tâm, có tài và có đức hay không?

Không chỉ trong khía cạnh học tập mà tính lười biếng, bệnh lười biếng còn thể hiện trong cách bạn sắp xếp không gian ở, thu dọn gian nhà, phòng ở của chính mình. Các cụ từ xưa đã dạy chúng ta rằng “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, nơi ở sạch sẽ thì con người mới thơm tho, mới mát mẻ được, ấy thế nhưng, khi lười biếng xuất hiện, liệu có thể có những căn nhà sạch sẽ đến vậy được hay không? Hay là vịn vào cái cớ lười biếng, học tập, làm việc mệt mỏi mà biến nơi ở của mình thành một bãi rác? Hẳn các bạn chưa quên, gần đây, trên mạng xã hội Facebook, một chủ tài khoản được cho là chủ một phòng trọ đã lên tiếng bức xúc về việc căn phòng của mình cho thuê đã biến thành một bãi rác, khiến chủ nhà phải mất cả ngày để dọn dẹp với hai xe tải chở rác đi? Theo thông tin từ người chủ cùng những bức ảnh trên mạng xã hội chụp lại căn phòng, chủ nhà đã cho môt cô gái xinh đẹp, thậm chí lọt top mười nữ sinh thanh lịch của trường đại học thuê, và sau một tháng bùng tiền phòng, cô gái đã biến mất và để lại cho anh cả một căn phòng ngập tràn rác rưởi. Đó chẳng phải là sự lười biếng đó sao? Và sự lười biếng ấy đã đem đến cho cô gái kia cái danh xưng chẳng hề dễ chịu và khi mọi người nhìn vào cô gái ấy, liệu có ai còn thiện cảm với cô gái xinh đẹp ấy nữa chăng?

Ngoài ra, trong công việc, cũng có những người không chịu tìm tòi, không chịu sáng tạo, luôn đi theo lối mòn hoặc ỷ lại vào đồng nghiệp. Đây là một trong những biểu hiện của sự lười biếng, như vậy liệu có thể tiếp cận tới ước mơ của mình hay chăng?

Lười biếng mang lại những hậu quả vô cùng tai hại trong đời sống. Lười biếng ăn sâu vào tâm hồn chúng ta, mài mòn tâm hồn đó, biến chúng trở thành những tâm hồn khô kiệt, trì trệ, không thể tiến bộ được. Lười biếng còn khiến con người mắc vào những tệ nạn xã hội như trộm cướp, ăn cắp, ăn trộm, bởi con người cần phải sống, nếu không muốn lao động, chỉ còn con đường sa vào các tệ nạn xã hội. Và điều đó sẽ biến chúng ta trở thành những con người bị cả xã hội khinh thường. Nếu kể ra những tác hại của lười biếng thì hẳn còn vô số, như sự thất bại trong công việc, không thể đạt được thành công, bị gia đình xã hội xa lánh, gây nên những hậu quả xấu cho sự phát triển của đất nước. Ở Nhật Bản có một phần nhỏ người được gọi là những Hikikomori, họ là những người không hề ra ngoài, cũng không chịu làm việc, không giao tiếp với ai trừ gia đình, phần lớn thời gian họ đều dành ở trong phòng. Đây có chăng là tác hại của lười biếng, biến con người trở thành những kẻ cô độc, không muốn vận động, những con người khép kín? Thử hỏi cả một xã hội toàn những con người như vậy thì có thể phát triển được hay không?

Thế nhưng, xã hội chúng ta chỉ có một lớp nhỏ phần những con người lười biếng ấy mà thôi. Số còn lại luôn luôn chăm chỉ, nỗ lực để phát triển bản thân, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Đừng biến mình trở thành kẻ lười biếng, ngay hôm nay, hãy tạo cho mình những bản kế hoạch chi tiết và nghiêm túc thực hiện, hãy tìm cho mình một người bạn đồng hành để thúc giục nhau hành động. Bạn đang mơ ước điều gì vậy? Hãy bắt tay và hành động ngay, biết đâu chỉ một thời gian nữa, bạn sẽ là chủ của ước mơ ấy thì sao? Như Bill Gates, ông đã làm chủ được ước mơ của mình – tạo ra những phần mềm hữu ích cho con người, và ông đã thực hiện được điều đó rồi đấy!

Con người chúng ta phải luôn luôn nỗ lực từng ngày, phấn đấu và chăm chỉ. Bởi lẽ, không thành công nào mà được tạo dựng nên từ sự lười biếng cả. Chăm chỉ, siêng năng, không sợ thất bại mới có thể trở thành người mà bạn mong muốn!

———————-HẾT————————

Nếu bạn có mơ ước thì hãy hành động ngay ngày hôm nay! Đừng chần chừ thêm một giây phút nào nữa! Bởi thành công là sự góp nhặt từng chút ít kinh nghiệm để dựng xây từng viên gạch của ước mơ. Vậy nên hãy tìm hiểu các bài viết khác như Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế, Nghị luận xã hội về sự sẻ chia trong cuộc sống, Nghị luận xã hội về sự ích kỷ, Nghị luận xã hội Bàn về sự nhường nhịn để hiểu thêm và cùng nhau phấn đấu hoàn thiện bản thân mình nhé!

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button