Giáo dục

Nghị luận Không thầy đố mày làm nên

Đề bài: Nghị luận Không thầy đố mày làm nên

nghi luan khong thay do may lam nen

This post: Nghị luận Không thầy đố mày làm nên

Nghị luận Không thầy đố mày làm nên
 

I. Dàn ý Nghị luận Không thầy đố mày làm nên (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu vấn đề nghị luận.
– Trích câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”

2. Thân bài

– Giải thích câu tục ngữ:
+ Câu tục ngữ có từ ngàn đời trước, ý nhằm khẳng định vai trò quan trọng của người thầy trong sự nghiệp giáo dục.
+ “Không thầy đố mày làm nên…” – như một lời thách đố rằng nếu không có người thầy liệu rằng có thể có thêm kiến thức? “Làm nên” – ở đây muốn chỉ đến công danh, sự nghiệp hay còn gọi là thành danh của người học trò.
+ Sự thành đạt của người học trò chính là nhờ công dạy dỗ của thầy.

– Tại sao lại nói “không thầy đố mày làm nên?”
+ Trong xã hội xưa: Người thầy được xem là nơi bắt nguồn của mọi kiến thức, học trò muốn hay chữ bắt buộc phải đến trường để học chữ từ sách vở do thầy truyền dạy.
+ Người thầy là người theo chúng ta gần như suốt cuộc đời: Lúc còn thơ bé, chúng ta được đến trường mẫu giáo, được các cô dạy múa, dạy hát; Lớn hơn bước vào trường tiểu học, được học viết, học toán; …
+ Thầy không chỉ dạy cho ta kiến thức mà còn hướng ta lựa chọn những con đường đi đúng đắn…

– Bàn luận, mở rộng vấn đề:
+ Ngày nay, người thầy không còn đóng vai trò chủ đạo như trước nhưng ngược lại thầy sẽ là người định hướng kiến thức, hướng dẫn trò tìm tòi, khám phá; Tự bản thân người học trò sẽ chủ động lựa chọn sự phù hợp dựa trên nền tảng người thầy tạo ra.
+ So sánh: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”: Có những người thầy chỉ thoáng qua trong đời chúng ta một lần nhưng bài học để lại vô cùng ý nghĩa. Chữ “Thầy” tự bao giờ đã trở nên vô cùng trang trọng và kính phục.
+ Xã hội đang ngày càng thay đổi theo hướng phát triển, vai trò của người thầy dần như mất đi khi mà kiến thức trên mạng xã hội quá nhiều. Trò có thể tự tìm hiểu mà quên mất vị trí của người thầy.
– Lật ngược vấn đề: So sánh với câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn”
– Liên hệ bản thân.

3. Kết bài

Nhận định, đánh giá, khẳng định câu tục ngữ.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận Không thầy đố mày làm nên (Chuẩn)

Hôm nay tôi vừa nhận được tin người cô dạy cấp hai của tôi đã ra đi, cô bị ung thư máu giai đoạn cuối. Tôi và cả lớp bật khóc nức nở, cô dù đã đi xa nhưng hình bóng cô vẫn mãi ở sâu trong tâm trí lũ học trò chúng tôi. Lời giảng văn câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” thoáng chốc ùa về, giọng cô êm dịu vang bên tai. Có lẽ đó là bài học cuối cùng cô đã dành trọn cho lớp tôi. “Không thầy đố mày làm nên” – một bài học, một lời nhắn gửi vô cùng đáng quý từ ngàn xưa…

Trước khi suy nghĩ về câu tục ngữ trên ta sẽ cùng giải nghĩa, để hiểu thế nào là “không thầy đố mày làm nên”. Câu tục ngữ có từ ngàn đời trước, ý nhằm khẳng định vai trò quan trọng của người thầy trong sự nghiệp giáo dục. “Không thầy đố mày làm nên…” – như một lời thách đố rằng nếu không có người thầy liệu rằng có thể có thêm kiến thức? “Không thầy” – ý chỉ không có công dạy dỗ, truyền đạt kiến thức của người thầy. “Làm nên” – ở đây muốn nói đến công danh, sự nghiệp hay còn gọi là thành danh của người học trò. Ý cả câu sự thành đạt của người học trò một phần chính là nhờ công lao dạy dỗ của thầy.

Vậy tại sao lại nói rằng “không thầy đố mày làm nên”? Chúng ta đều biết trong xã hội ngày xưa, người học trò chưa có nguồn kiến thức đa dạng để tìm kiếm. Nơi duy nhất có thể giúp học học tập và tích lũy thêm kiến thức là ở người thầy. Có thể nói người thầy lúc bấy giờ được tôn trọng và kính nể vô cùng. Người thầy được xem là nơi bắt nguồn của mọi kiến thức, học trò muốn hay chữ bắt buộc phải đến trường để học chữ từ sách vở do thầy truyền dạy. Còn ngày nay? Chúng ta từ khi biết nói, ê a tập đánh vần đã được người thầy, người cô uốn từng nét chữ, tập đọc, tập hát. Khi lớn lên, biết đọc biết viết, họ lại giúp ta khám phá thế giới từ những con chữ. Họ dạy ta cách tính toán khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng, Mặt trời; họ chỉ cho ta cách nhìn cuộc đời qua lăng kính văn học; họ giúp ta biết phân biệt đâu là thực vật có hạt, đâu là động vật lưỡng cư,…Thầy, cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn uốn nắn chúng ta theo con đường đúng đắn, hướng ta đến với những điều tốt đẹp. Không hiển nhiên khi mà bạn gặp gỡ một cô, cậu học sinh mẫu giáo, tiểu học bạn sẽ thấy chúng ca ngợi cô giáo của mình như thần tượng. Lời ba mẹ có thể không nghe nhưng lời cô dạy nhất định chúng sẽ luôn luôn ghi nhớ. Cả cuộc đời con người từ khi biết nhận thức cho đến khi về già vẫn luôn có bóng dáng của người thầy đứng ở đằng sau dõi theo. Chẳng thế mà vị trí của người thầy cực kì quan trọng trên hành trình trưởng thành của mỗi người.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” – một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy – một ngày làm thầy, cả đời sẽ làm thầy. Chữ “thầy” từ bao đời nay đã trở nên vô cùng thiêng liêng và cao quý. Ngày nay, ta thấy xã hội ngày càng phát triển, vai trò của người thầy không còn quan trọng như trước. Thậm chí, không còn được trân quý như trước. Nhưng dù thế, người thầy vẫn đóng vai trò chủ đạo. Họ trở thành người hướng dẫn, định hướng, tạo tiền đề, cơ sở cho học sinh tự tìm tòi kiến thức. Người thầy chủ động, linh hoạt tạo điều kiện cho học sinh tự mình khám phá mọi thứ, không ngừng nỗ lực rèn luyện để học sinh hứng thú với học tập. Tôi còn nhớ câu chuyện về một cô giáo dạy văn, mỗi ngày cô đều tạo ra những điều thú vị để học sinh tích cực học tập môn văn hơn. Đối với mỗi tác phẩm cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung (sinh năm 1994, giáo viên trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM) đã viết lời dựa trên nền nhạc có sẵn. Cô đưa âm nhạc kết hợp với văn học để học sinh dễ tiếp thu và nhớ bài học hơn. Nếu không có những người cô, những người thầy tâm huyết như vậy liệu rằng học sinh có hứng thú với việc học? Lâu dần theo đà phát triển, khi mà công nghệ thông tin phát triển rầm rộ, người ta dần quên mất vai trò của người thầy. Nhưng ta cũng không thể phủ nhận một điều dù ở bất cứ thời đại nào, vị trí của người thầy có thay đổi nhưng vai trò, ý nghĩa của nghề giáo, của giáo viên vẫn không thay đổi. Người thầy vẫn luôn được tin yêu và kính trọng. Có bao nhiêu người thành công mà chưa một lần được đến trường, được nhận sự chỉ dạy từ thầy cô? Chúng ta đều biết những người nổi tiếng như Bill Gate hay Steve Jobs dù có từ bỏ con đường học đại học, theo đuổi đam mê nhưng họ cũng từng nhận sự truyền dạy kiến thức của thầy, cô thuở thiếu thời. Thầy, cô như người lái đò, chèo chống để đưa con đò tri thức của ta cập bến tương lai an toàn. Nếu cha mẹ cho ta một hình hài thì thầy cô là người cho ta ngàn kiến thức quý giá.

Có ai đó từng thắc mắc với tôi rằng, đã nói “không thầy đố mày làm nên” vậy chứ sao còn có câu “học thầy không tày học bạn”? Thật ra hai câu tục ngữ ấy ta nên đặt ở hai vị thế khác nhau. Có những điều nên được học ở trường, học ở thầy. Nhưng cũng có những điều học từ bạn bè sẽ tốt hơn. Ví dụ như mỗi khi thầy ra bài tập về nhà, thầy sẽ giảng trước một lần, có thể ta không hiểu nhưng ngại hỏi lại. Khi đó tất yếu sẽ cần đến bạn bè. Ở những con người cùng trang lứa việc giảng giải cách hiểu, cách làm đôi khi sẽ dễ tiếp thu hơn. Đó là chuyện thường tình. Không ai trên đời này hoàn hảo cả. Và thầy chúng ta cũng vậy, sẽ có những khoảnh khắc ta vô tình nhận ra đôi khi học từ bạn bè sẽ đơn giản hơn. Nhưng dù là như thế việc được nhận kiến thức từ thầy cô, từ môi trường giáo dục rõ ràng sẽ chắc chắn và đúng hơn. Người thầy vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đời người học trò.

Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng có một người thầy, người cô khắc sâu. Tôi cũng như vậy, tôi muốn gửi đến cô giáo dạy văn của tôi lời cảm ơn chân thành nhất, cảm ơn cô đã giúp tôi nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng. Với tôi, người thầy, người cô luôn là người tôi trân trọng, kính nể và yêu quý nhất!

Dân gian ta từng có câu:

“Muốn sang thì bắt cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”

Vâng đúng là như vậy, dù trong thời kì nào, giai đoạn nào, xã hội phát triển ra sao thì vị thế của người thầy vẫn như vậy, vẫn luôn kính yêu trong lòng bao thế hệ học sinh. Khép dòng kí ức về sự ra đi của cô, gấp vội trang sách, tôi lai nhẩm đọc “không thầy đố mày làm nên”… “không thầy đố mày…làm nên”…

———————-HẾT————————-

Câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên đã khẳng định vai trò của người thầy đồng thời thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam ta. Để hiểu hơn về truyền thống đáng quý này, các em có thể tìm đọc thêm: Nghị luận về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, Chứng minh câu tục ngữ Học thầy không tày học bạn, Nghị luận về câu tục ngữ Tiên học lễ, Hậu học văn tại Thuthuat.Taimienphi.vn.

 

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button