Câu hỏi
Nghệ thuật lập luận trong về luân lí xã hội ở nước ta – Phan Châu Trinh
Đề bài Nghệ thuật lập luận trong Về luân lí xã hội ở nước ta – Phan Châu Trinh được Mầm Non Ánh Dương tổng hợp trong chuyên mục Văn mẫu 11, đầy đủ nội dung câu trả lời giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về nghệ thuật trong tác phẩm và từ đó vận dụng vào các bài làm của mình trong thể loại văn nghị luận xã hội.
This post: Nghệ thuật lập luận trong về luân lí xã hội ở nước ta – Phan Châu Trinh
Để có thể hiểu được toàn bộ tác phẩm từ đó có cái nhìn bao quát từ nghệ thuật lập luận trong cả nội dung và các biện pháp nghị luận, các em học sinh có thể tham khảo thêm phần Soạn bài Về luân lí xã hội ở nước ta – Phan Châu Trinh. Từ đó xây dựng nên đáp án cho câu hỏi về nghệ thuật lập luận trong tác phẩm.
Phan Châu Trinh là một trong những chí sĩ hàng đầu của dân tộc thời kì trước 1945
Trả lời
1. Kết cấu bài nghị luận chính trị – xã hội
Bài nghị luận Về luân lí xã hội ở nước ta có ba phần theo số thứ tự đã ghi trong đoạn trích.
– Phần 1 (từ đầu đến “Cái chủ ý bình thiên hạ mất đi đã từ lâu rồi”):
Tác giả Phan Châu Trinh cho thấy: thứ nhất, ở nước ta “Xã hội luân lí thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến”, lại càng không thể lấy tình cảm “bạn bè” để thay vào vị trí của “xã hội luân lí được”. Ở mức độ thấp hơn là “quốc gia luân lí”, thì “người mình còn dốt nát hơn nhiều”. Những kẻ học ra làm quan cũng võ vẽ nhắc đến hai chữ “thiên hạ” nhưng lại không hiểu gì về hai chữ đó. Bởi bản chất của hai chữ “thiên hạ đó tức là xã hội”.
Như vậy ở phần này, tác giả Phan Châu Trinh chỉ ra rằng ngưòi Việt Nam chứa biết tới luân lí xã hội, sự phát triển về ý thức luân lí xã hội chưa có. Đây là sự yếu kém về mặt lịch sử, do đó cần gấp rút bổ sung, hoàn thiện mà không thể khoanh tay ngồi nhìn được nữa.
– Phần 2 (tiếp theo đến “Xã hội chủ nghĩa trong nước Việt Nam ta không có là cũng vì thế”)
Đây là phần trọng tâm mà tác giả tập trung phân tích nhiều khía cạnh khác nhau dẫn tới việc người dân không có ý thức về “luân lí xã hội”. Cách đặt vấn đề của Phan Châu Trinh là tạo ra sự so sánh hơn thua để qua đó mọi người thấm thìa hơn về sự thua kém lịch sử đó. Ông nói : “Cái xã hội chủ nghĩa bên Âu châu rất thịnh hành”, rất phát triển, còn ở Việt Nam thì mọi, người cứ “điềm nhiên như kẻ ngủ không biết gì là gì”. Hoặc : “Bên Pháp, mỗi khi người có quyền thế, hoặc chính phủ, lấy sức mạnh mà đè nén quyền lợi riêng” thì “người ta hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận dụng kì cho đến được công bình mới nghe”. Ông chỉ ra sự khác biệt giữa “Âu châu”, giữa “bên Pháp” với Việt Nam là “người ta có đoàn thể, có công đức biết giữ lợi chung”, còn người Việt thì “phải ai tai nấy, ai chết mặc ai”.
Sự khác biệt mà ông chỉ ra ở đây là khác biệt về ý thức tập thể, ý thức dân tộc, ý thức về trách nhiệm phải “hiệp nhau lại phòng ngừa trước”. Tại sao lại phải liên kết với nhau ? Phan Châu Trinh chỉ ra một chân lí mà ngay từ thời cổ sơ cha ông chúng ta đã biết đến, đó là : “Đã biết sống thì phải bênh vực nhau, ông cha mình ngày xưa cũng đã hiểu đến”, “dân tộc Việt Nam này hồi cổ sơ cũng biết đoàn thể, biết công ích, cũng góp gió làm bão, giụm cây làm rừng, không đến nỗi trơ trọi, lơ láo, sợ sệt, ù lì như ngày nay”.
Tại sao lại có tình trạng đánh mất ý thức dân tộc, đánh mất ý thức tập thể như thế ? Tác giả đã chỉ ra nguyên nhân của việc đánh mất ý thức đoàn kết dân tộc, đánh mất ý thức về trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội. Tác giả chỉ rõ, trước hết đó là lỗi của những kẻ có học, của giới trí thức các thời đại trong khoảng “ba bốn trăm năm trở về đây”. Những người có học mà tác giả gọi một cách mỉa mai là “bọn học trò” ấy đã “mắc ham quyền tước, ham bả vinh hoa của các triều vua mà sinh ra giả dối, nịnh hót, chỉ biết “có vua mà chẳng biết có dân”. Đối với những kẻ ấy “dân càng nô lệ” thì “ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý”. Một lối sống mới cũng được xác lập nhưng là lối sống ích kỉ, chỉ biết bản thân, gia đình mà quên dân tộc, quên đất nước. Đó là tư tưởng “một người làm quan một nhà có phước”, “Người ngoài thì khen đắc thời, người nhà thì dựa hơi quan, khiến những kẻ ham mồi phú quý không đua chen vào đám quan trường sao được”. Lối sống đó trở thành cách thức hành động của nhiều người, trở thành hình thức tiến thân, hình thức đua chen trong xã hội chỉ cho bản thân, cho cá nhân, cho từng gia đình mà quên mất dân tộc, quên mất đất nước : “Những kẻ ở vườn thấy quan sang, quan quyền cũng bén mùi làm quan. Nào lo cho quan, nào lót cho lại, nào chạy ngược nào chạy xuôi, dầu cố ruộng dầu bán trâu cũng vui lòng, chỉ cần được lấy một chức xã trưởng hoặc cai tổng, đặng ngồi trên, đặng ăn trước, đặng hống hách thì mới thôi”.
Như vậy, nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc mất nước, việc dân ta bị rơi vào vòng nô lệ chính là việc không có ý thức đoàn kết xã hội, hay nói như Phan Châu Trinh thì không có “luân lí xã hội”, mà không có “luân lí xã hội” là bởi những kẻ có học bỏ rơi đạo học, chạy theo những bả phù hoa, tiến thân bằng con đường xu nịnh, quỳ gối khom lưng. Tuy nhiên, tác giả chưa thấy được nhiều nguyên nhân sâu xa khác như trách nhiệm của vua chúa đứng đầu đất nước, chưa kể là bọn thực dân cũng không chấp nhận việc dân ta có hiệp hội, có đoàn thể.
– Phần 3 (phần còn lại)
Tác giả chỉ ra con đường tất yếu để đưa đất nuớc tiến lên, để “nước Việt Nam được tự do độc lập” thì phải xây dựng các đoàn thổ trên cơ sở “truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam”.
Với bố cục chặt chẽ này, nghệ thuật lập luận trong Về luân lí xã hội ở nước ta giúp các em học sinh cần tư duy liên hệ với những đề bài nghị luận xã hội của các em cũng cần có một bố cục chặt chẽ, rõ ràng như vậy. Bài văn có bố cục tốt vừa giúp người đọc dễ theo dõi, dễ hiểu những biện chứng của mình vừa giúp bản thân em có thể bám sát để bảo vệ quan điểm cá nhân của mình.
2. Ngôn ngữ nghệ thuật
Đây là một bài diễn thuyết, do vậy trước hết cần phải đặt vấn đề mà mọi người cùng quan tâm. Vấn đề mà Phan Châu Trinh đưa ra ở đây là vấn đề “xã hội luân lí” mà về mặt hình thức, mọi người tưởng rằng mình đều biết đều hiểu, song về bản chất những hiểu biết đó của mọi người chỉ giới hạn trong khuôn khổ coi “xã hội luân lí” là tình cảm bạn bè. Cách hiểu như thế dẫn tới sự sai lệch trong nhận thức, dẫn tới chấp nhận hiện trạng xã hội như nó đáng tồn tại, nghĩa là chấp nhận tình trạng nô lệ, chấp nhận ách áp bức của ngoại bang.
Tác giả sử dụng hình thức lập luận so sánh hơn – thua, so sánh giữa Việt Nam và châu Âu, so sánh Việt Nam vói Pháp. Sự so sánh đó tạo ra sức hấp dẫn lôi cuốn người nghe. Song so sánh chỉ là khởi đầu, chỉ là cách thức dẫn dắt người nghe, điều quan trọng hơn là tạo ra các chứng cứ để thuyết phục người nghe bằng chính thực tế của đất nước. Các dẫn chứng rút ra từ thực tế lịch sử này lại không phải của riêng một vùng nào, nghĩa là các sự thực ấy không phải là cá biệt mà là phổ biến, rộng khắp, nơi nào cũng có, xứ nào cũng có. Đó là lịch sử được dồn tụ từ “ba bốn trăm năm” trở lại đây mà nguyên nhân là do bọn quan lại “muốn giữ túi tham mình được đầy mãi, địa vị của mình được vững mãi, bèn kiếm cách thiết pháp luật, phá tan tành đoàn thể của quốc dân”, “miễn là có kẻ mang đai đội mũ ngất ngưởng ngồi trên, có kẻ áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy dưới”, nghĩa là chấp nhận thân phận nô lệ, không cần đoàn thể nhân dân, cũng chẳng màng tới đất nước dân tộc.
Bài diễn thuyết này về cơ bản được trình bày cho những người có tâm huyết đối với đất nước, với dân tộc, cho nên trong cách xưng hô, tác giả Phan Châu Trinh thường sử dụng cụm từ “người mình” khi nói đến nhân dân, dùng “nước ta”, “người bên ta”, “người nước ta”,… khi nói về đất nước, dùng “ông cha mình” khi nói về truyền thống. Cách dùng từ như vậy cho thấy tấm lòng thiết tha vói đất nước, sự quý trọng nhân dân và truyền thống dân tộc.
Cách lập luận chặt chẽ, tạo ra lôgíc bên trong, khiến bài diễn thuyết càng trở nên dễ hiểu, lại được kết hợp với các hình thức biểu cảm như “Thương hại thay !”, “Thương ôi !”, “Ôi , cũng như lối nói, cách thức nói theo lối biền ngẫu : “Dân khôn mà chi ! Dân ngu mà chi ! Dân lợi mà chi ! Dân hại mà chi !” khiến cho sức thuyết phục càng tăng lên, thể hiện sâu sắc tình cảm, thái độ yêu nước thương dân, xót xa cho cảnh nước mất nhà tan của tác giả khi diễn thuyết về vấn đề này.
Vấn đề mà Phan Châu Trinh đề cập năm 1925 đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị thời sự của nó, cho dù cách hiểu về chủ nghĩa xã hội của ông có khác cách hiểu hiện nay, song về bản chất cũng có nét chung coi chủ nghĩa xã hội là vì dân tộc, vì con ngưòi, vì tiến bộ xã hội. Trong bài diễn thuyết của mình, Phan Châu Trinh đặc biệt lo lắng trước sự yếu kém về trình độ dân trí của Việt Nam. Ngày nay vấn đề này vẫn còn là vấn đề thời sự nóng hổi, bởi lẽ có dân trí cao không phải chỉ là biết đọc biết viết, biết sử dụng các phương tiện kĩ thuật hiện đại mà dân trí cao nghĩa là phải ý thức được việc giữ gìn và bảo vệ bản sắc dân tộc, biết tôn vinh dân tộc, là cống hiến nhiều hơn nữa để đưa dân tộc tiến lên, sánh ngang hàng với các dân tộc khác trên thế giới và có đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung vì tiến bộ xã hội của nhân loại. Tác giả nhấn mạnh vai trò của đoàn kết dân tộc thông qua việc tạo dựng tinh thần đoàn thể vì sự tiến bộ. Đây là một đóng góp quan trọng của tác giả qua bài diễn thuyết này, bởi đó cũng chính là chân lí mà dân tộc Việt Nam đã đúc rút được trong suốt trường kì lịch sử của mình.
—–
Với câu trả lời về Nghệ thuật lập luận trong Về luân lí xã hội ở nước ta – Phan Châu Trinh trên, hi vọng các em sẽ có những cảm nhận sâu sắc cho bản thân về tác phẩm từ đó liên hệ với những bài văn nghị luận xã hội mà các em đã và sẽ làm để đạt được hiệu quả nghị luận tốt nhất.
Nghệ thuật lập luận trong về luân lí xã hội ở nước ta – Phan Châu Trinh được Mầm Non Ánh Dương tổng hợp và biên soạn để cho các em học sinh biết rõ về nghệ thuật lập luận đỉnh cao của tác giả
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục