Đề bài: Em hãy chia sẻ một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn
This post: Một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn
Em hãy chia sẻ một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn
I. Dàn ý Em hãy chia sẻ một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn
1. Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề cần thuyết minh: Kinh nghiệm học và làm văn.
2. Thân bài
a. Học văn trước hết là dựa vào thái độ học trên lớp cũng như khả năng tự học ở nhà:
– Trên lớp tập trung chú ý nghe cô giảng để nắm được nội dung bài học
– Về nhà cần có khả năng tự học:
+ Sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa nội dung tác phẩm
+ Chuẩn bị bài trước khi đến lớp, đọc tác phẩm, đọc và tìm hiểu câu hỏi gợi ý,
+ Tìm đọc thêm về tác giả, tác phẩm.
b. Để học văn tốt cần bồi dưỡng kỹ năng đọc hiểu:
– Đọc từ cái cơ bản nhất là sách giáo khoa, vừa đọc vừa ghi nhớ, nhưng không phải là học thuộc lòng.
– Mở rộng vùng đọc từ từ, đọc những gì liên quan và gần sát với chương trình học, như các loại sách tham khảo, cách cuốn phê bình văn học uy tín, sau đó bắt đầu tìm đọc những cuốn sách văn học không liên quan đến chương trình đọc để mở rộng vùng tư duy và vốn từ.
c. Nâng cao kỹ năng viết:
– Cải thiện các vấn đề bản thân mắc phải như không nhớ nội dung, hành văn kém mạch lạc bằng cách phương pháp khoa học.
– Khắc phục lỗi quên nội dung: Ôn lại kiến thức bằng phương pháp sơ đồ tư duy, tự lập cho mình một dàn ý chi tiết hoàn chỉnh.
– Khắc phục lối hành văn kém thu hút:
+ Nâng cao kỹ năng đọc, luyện cho mình được sự tư duy nhanh, khả năng liên kết vấn đề và sự xúc tích khi viết văn,
+ Thêm vào một chút cảm nhận cá nhân, như một lời bình, một lời nhận xét của các tác giả khác, hoặc một cảm xúc mà ta thấy phù hợp để mạch văn trở nên mềm mại hơn.
+ Tránh lỗi lặp từ, chú ý trau dồi thêm vốn từ, các liên từ chuyển tiếp giữa các câu các đoạn.
+ Tránh sao chép văn của người khác.
d. Xây dựng thói quen tìm hiểu sâu về tác giả, tác phẩm:
– Tìm hiểu phong cách sáng tác và khuynh hướng nghệ thuật của các nhà văn, nhà thơ.
– Hoàn cảnh xuất thân, cuộc đời và những thứ có ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác, phong cách hành văn, giọng văn, giọng thơ, bối cảnh thời đại, cũng như một số quan niệm của tác giả về văn chương.
=> Có lợi cho việc xây dựng mở bài, cũng như nắm bắt được mạch cảm xúc của tác giả, nâng cao điểm số.
3. Kết bài
– Nêu cảm nghĩ cá nhân.
II. Bài văn mẫu Em hãy chia sẻ một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn
Văn chương là một thế giới rộng lớn và bao la, không ai có thể dùng đôi ba định nghĩa trừu tượng để phác họa nên dáng hình cho nó, chỉ có cách học thật nhiều, độc thật nhiều, viết thật nhiều và nghĩ thật nhiều thì may rằng chúng ta mới có thể phần nào nắm được một góc nhỏ trong cái bóng rộng lớn của nền văn học đồ sộ và phong phú. Dầu rằng văn chương là một lĩnh vực hấp dẫn và thú vị thế nhưng ta vẫn thấy một một điều rằng không có nhiều học sinh có hứng thú với việc học văn, làm văn, các em không thích sáng tạo, không thích tìm tòi và lý luận bởi cho rằng chúng quá khó để lô-gic và phải học thuộc quá nhiều. Sở dĩ nhiều học sinh có suy nghĩ như vậy là bởi các em còn chưa nhận định được đúng vai trò và vị trí của văn chương trong cuộc sống, hai nữa là đa số các em học sinh vẫn còn bị rập khuôn bởi cách học truyền thống thiếu sự sáng tạo và không bài bản. Để khắc phục điều đó tôi muốn giới thiệu đến các bạn một vài kinh nghiệm của bản thân trong quá trình học văn để các bạn và các em có thể cùng tham khảo.
Tôi phải công nhận rằng môn Ngữ văn là cả một thử thách đối với nhiều học sinh, bởi nó không phải là một cái gì rõ ràng giống như các môn học khác, nó vừa yêu cầu sự nắm bắt nội dung một cách chuẩn xác, lại vừa yêu cầu người học phải có sự sáng tạo, tìm tòi. Vậy nên trước hết mỗi chúng ta cần nắm vững được kiến thức nền tảng trong sách giáo khoa, dĩ nhiên rằng để học thuộc hết tất cả các tác phẩm thì khá khó, thế nhưng cũng không phải là điều gì bất khả thi. Chúng ta nên sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống kiến thức về tác giả, tác phẩm, nội dung chính và nghệ thuật, cũng như những nhận định hay về tác phẩm vào trong một mặt giấy duy nhất. Nếu như bạn có khả năng thẩm mỹ, hội họa cao thì tốt hơn hết là nên trang trí hoặc đánh dấu sao đó cho các mục chính trở nên ấn tượng và dễ dàng ghi nhớ, hoặc không thì các bạn cứ sơ đồ hóa đơn giản miễn sao đầy đủ những kiến thức cơ bản là tốt rồi. Đặc biệt giờ học trên lớp vô cùng quan trọng, bởi hầu hết những kiến thức cơ bản về các tác phẩm đều được giáo viên tóm lược và chỉ ra, nếu như các bạn tập trung chú ý thì 90% kiến thức đã nằm trong lòng bàn tay. Ngoài ra, môn văn là môn yêu cầu thời gian và năng lực tự học khá cao, thế nên các bạn nên rèn luyện cho mình khả năng tự học. Việc tự học ở đây không phải là cứ ngồi vào bàn làm bài tập hay là ôm cuốn sách, cuốn vở để mà đọc thuộc, học như vậy không hiệu quả, chúng ta có thể tự học bằng nhiều hình thức như đọc thêm sách tham khảo, đọc thêm các tác phẩm khác cùng thể loại, cùng tác giả với những tác phẩm ta đã được học trong sách giáo khoa để nâng cao tầm hiểu biết, cũng như kiến thức văn học của ta trở nên bao quát hơn. Và đối với môn học nào cũng vậy việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp luôn luôn cần thiết, nó giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về tác phẩm chúng ta sắp học, nắm được sơ qua nội dung bài, cũng như biết được yêu cầu mà tác phẩm đề ra, ngoài ra việc học trước đọc trước sẽ khiến chúng ta có thêm tinh thần, cảm thấy hứng thú trong giờ học trên lớp, vì không bị lạc lõng bởi lượng kiến thức lạ lẫm mà giáo viên truyền đạt.
Ngoài ra muốn học văn được tốt chúng ta cũng phải biết tự nâng cao kỹ năng đọc hiểu, để làm được điều đó trước hết chúng ta phải siêng đọc, nhưng đọc như thế nào cho hiệu quả. Điều đầu tiên các bạn cần làm đó chính là đọc và hiểu một cách rõ ràng các vấn đề trong sách giáo khoa, vừa đọc vừa có sự suy ngẫm, tư duy, sau khi đã cảm thấy ổn thì các bạn nên tìm những cuốn sách khác để đọc. Việc tìm đọc sách để phục vụ cho việc học văn quả thực không hề dễ dàng, trước tiên các bạn nên tìm đọc những gì liên quan và gần sát với chương trình học, như các loại sách tham khảo, cách cuốn phê bình văn học uy tín, thậm chí các bạn có thể tìm đọc cả các bài báo viết về tác giả tác phẩm để nâng cao vốn từ ngữ, cũng như mở rộng tầm tư duy về các tác phẩm đang học. Khi đã thấy ổn với lượng kiến thức mình thu được thì các bạn hãy tìm đọc các cuốn sách khác nằm ngoài chương trình học, để có cái nhìn khái quát hơn về văn chương, đồng thời nếu may mắn nó có thể trở thành tư liệu cho bạn lấy làm dẫn chứng so sánh tham khảo khi làm các bài văn nghị luận văn học, hoặc nghị luận bất kỳ một vấn đề nào khác về văn chương. Đồng thời việc đọc nhiều hiểu nhiều, cũng khiến cho tâm hồn của bạn thay đổi, cái nhìn về văn chương trở nên lạc quan và mềm mại hơn, bởi nó tô đậm thêm trong lòng ta những ấn tượng tốt đẹp, tích cực mà văn học mang lại, khiến ta ngày một chú ý và yêu thích việc học văn.
Đó là kỹ năng đọc, hiểu, một kỹ năng nữa được xem là kỹ năng quyết định đến 90% kết học học văn của chúng ta ấy là kỹ năng viết, tôi cũng thú thực rằng không phải ai cũng có thể viết được một bài văn hay có cảm xúc, bởi chúng ta là những có thể riêng biệt việc “cảm” được tác phẩm – vốn là giá trị tinh thần của một ai đó là điều không hề dễ dàng, dù cho phần nội dung đã được giáo viên hướng dẫn kỹ càng ở trên lớp. Học sinh chúng ta hay mắc phải hai chướng ngại đó là không nhớ kiến thức và không biết cách hành văn sao cho mạch lạc và liên kết. Để giải quyết vấn đề này ngoài phương pháp sơ đồ tư duy tôi đưa ra thì tôi kiến nghị các bạn nên tham khảo cả những dàn ý mẫu trong sách vở hoặc trên mạng, rồi tự lập ra cho mình một dàn ý chi tiết hoàn chỉnh. Việc tự lập dàn ý khiến bạn nhớ nội dung bài cũng như khung xương cơ bản của một bài văn như, như vậy dù cho khi làm bài thi bạn viết có trúc trắc, thế những đủ nội dung thì vẫn có điểm khá. Thứ hai là cách giải quyết vấn đề về lối hành văn, cái này thực tế nó thuộc phạm trù cá nhân của mỗi người, dựa trên tính cách và EQ – chỉ số cảm xúc, tuy nhiên vẫn có thể cải thiện được nhờ vào việc cải thiện kỹ năng đọc như tôi đã nói ở trên. Ngoài ra chúng ta cũng cần luyện cho mình được sự tư duy nhanh, khả năng liên kết vấn đề và sự xúc tích khi viết văn, một vấn đề không nên viết quá lan man, lạc đề, cũng không nên quá ngắn gọn. Tôi khuyến nghị rằng khi viết ngoài việc để ý đến cảm nhận và ngụ ý của tác giả thì ta cũng nên thêm vào đó một chút cảm nhận cá nhân, như một lời bình, một lời nhận xét của các tác giả khác, hoặc một cảm xúc mà ta thấy phù hợp, như vậy mạch văn sẽ trở nên mềm mại hơn. Việc chuyển tiếp giữa các ý trong viết văn cũng rất quan trọng, chúng ta không nên mắc lỗi lặp từ là thứ nhất, thứ hai giữa các đoạn các câu nên có một liên từ phù hợp, cái này thì tự mỗi cá nhân phải trau dồi vốn từ thêm cho mình. Cuối cùng tôi muốn nói rằng chúng ta không nên sao chép bài của người khác, cũng không nên rập khuôn theo một hình thức sáo mòn, bởi như vậy đã làm mất đi cái hay ở văn chương đó là sự sáng tạo của cảm xúc, của tâm hồn, chúng ta chỉ nên tham khảo và chiêm nghiệm là đủ, còn viết riêng cho mình một bài văn mang dấu ấn cá nhân. Chỉ có tập viết nhiều, viết quen thì tư duy của chúng ta mới có thể phát triển được.
Cuối cùng để học văn tốt, chúng ta không chỉ đi vòng ngoài nắm những cái cơ bản mà chúng ta còn cần nắm rõ được cả bề sâu, có như thế thì văn chương trong ta mới trở nên mới mẻ và thú vị. Tôi muốn nói đến việc tìm hiểu phong cách sáng tác và khuynh hướng nghệ thuật của các nhà văn, nhà văn Nguyễn Tuân đã từng có một nhận định rất hay về phong cách làm nghệ thuật cũng như sáng tác văn chương “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy nó đòi hỏi phải có phong cách, tức là phải có nét gì đó rất mới, rất riêng thể hiện trong tác phẩm của mình”. Đúng vậy mỗi một tác giả lại có phong thái sáng tác cho riêng mình, nếu như chúng ta nắm rõ về tác giả thì việc triển khai và hiểu sâu sắc về tác phẩm trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều, điều này đặc biệt có lợi trong lúc chúng ta viết phần mở bài giới thiệu về tác phẩm, vốn là phần khó nhất trong việc học và làm văn, và cũng quyết định xem bài văn của chúng ta có thể gây ấn tượng cho người đọc hay không, theo tôi là vậy. Vậy ta tìm hiểu gì ở tác giả, chúng ta nên tìm hiểu về hoàn cảnh xuất thân, cuộc đời và những thứ có ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác, phong cách hành văn, giọng văn, giọng thơ, bối cảnh thời đại, cũng như một số quan niệm của tác giả về văn chương. Việc tìm hiểu nói ra thì có vẻ phức tạp và rối rắm nhưng thực tế rằng nó đã nằm hết ở trong sách giáo khoa chúng ta chỉ cần bỏ chút thời gian để đọc và chép lại những ý hay, còn nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thì ở trên mạng có rất nhiều để chúng ta có thể thoải mái tham khảo.
Môn Ngữ văn từ xưa tới nay vẫn luôn bị quy chụp cho cái mũ là khó với cần nhiều năng khiếu đó quả là hơi oan, bởi chỉ cần học đúng phương pháp thì môn học nào cũng đều trở nên dễ dàng. Cái đầu tiên vẫn là biết khơi gợi lên hứng thú, không chịu bỏ cuộc dễ dàng rồi thì con đường nào dù gian khó cũng sẽ trở thành bằng phẳng các bạn ạ. Lấy ví dụ cá nhân tôi, lúc đầu cũng không mấy hứng thú với văn học thế nhưng cho đến ngày hôm nay, viết văn hay đọc sách lại đã trở thành niềm yêu thích trong cuộc sống.
—————————-HẾT——————————-
Cùng với bài Em hãy chia sẻ một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn, các em học sinh có thể tham khảo thêm: Viết một bài văn thuyết minh về vai trò của cây cối (hoặc của rừng, của các loài động vật hoang dã, của nhiên liệu sạch, … ) trong việc bảo vệ môi trường, Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản, Viết một bài thuyết minh về tác hại của ma tuý (hoặc của rượu, thuốc lá, …) đối với đời sống của con người để hoàn thành tốt bài tập làm văn số 3 của mình.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục