Đề bài: Mở bài và Kết bài Hai đứa trẻ
This post: Mở bài và Kết bài Hai đứa trẻ
Mở bài và Kết bài Hai đứa trẻ
I. Những mẫu Mở bài Hai đứa trẻ của Thạch Lam hay nhất (Chuẩn)
1. Mẫu số 1:
Thạch Lam đã từng nói: “Xét cho cùng, ở đời ai cũng khổ. Người khổ cách này, người khổ cách khác. Bí quyết là biết tìm cái vui trong cái khổ. Vì chỉ sống thôi cũng đã quý lắm rồi. Người ta không bao giờ phí phạm cái sống, coi thường sự sống”. Bởi vậy mà viết Hai đứa trẻ, viết về những kiếp người nghèo khổ cùng cuộc sống quẩn quanh, tẻ nhạt nơi phố huyện, điều cuối cùng Thạch Lam để lại trong trái tim người đọc không phải cảm giác ngột ngạt, bế tắc mà là niềm hi vọng nhỏ nhoi về một điều gì đó tươi sáng, mới mẻ hơn trong tương lai cho con người nơi đây. Có lẽ giây phút háo hức đợi tàu đến của hai chị em Liên trong truyện cũng là hi vọng nhỏ nhoi của những con người cùng khổ nơi phố huyện về một sự thay đổi phía trước.
2. Mẫu số 2:
Xuất hiện trên văn đàn cùng thời với rất nhiều nhà văn tài năng khác nhưng Thạch Lam vẫn tạo được dấu ấn riêng nhờ tài năng và phong cách sáng tác đặc biệt. Văn của Thạch Lam nhẹ nhàng mà tinh tế, khơi gợi được những cảm xúc sâu lắng trong tâm hồn người đọc. Văn của ông không trào phúng sâu cay như Vũ Trọng Phụng, không triết lí như Nam Cao mà “nhẹ nhõm, thơm tho, mát dịu” (Nguyễn Tuân). “Hai đứa trẻ” được coi là truyện ngắn tiêu biểu nhất cho ngòi bút và cá tính sáng tạo của Thạch Lam. Truyện viết về những con người nghèo khổ nơi phố huyện, thể hiện nhẹ nhàng mà vô cùng thấm thía tình yêu thương, sự đồng cảm của nhà văn với cuộc sống cơ cực, tù túng với những con người trong phố huyện nghèo đồng thời bộc lộ sự trân trọng với ước mơ và hi vọng đổi đời của họ.
3. Mẫu số 3:
Hai đứa trẻ là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam, truyện viết về những con người nghèo khổ, đáng thương cùng cuộc sống tẻ nhạt, lay lắt nơi phố huyện nghèo. Thông qua điểm nhìn của nhân vật Liên, truyện đã mở ra trước mắt người đọc những cảnh ngộ éo le và một bầu không khí tù đọng, ngột ngạt cùng nhịp sống lặp đi lặp lại đầy vô nghĩa nơi phố huyện nghèo.
II. Những mẫu Kết bài Hai đứa trẻ ấn tượng nhất (Chuẩn)
1. Mẫu số 1:
Bằng tất cả tình yêu và sự trân trọng dành cho con người, Thạch Lam đã dùng trái tim để cảm nhận từng “ngõ ngách” trong tâm hồn con người và sau đó dùng ngòi bút để phác họa lên bức tranh sống động về cuộc sống, con người. Hai đứa trẻ của Thạch Lam đã rất thành công khi dựng lên bức tranh về cuộc sống ở phố huyện nghèo, nơi có những kiếp người nghèo khổ, lay lắt đang phải “vật lộn” với cuộc sống cùng cực, quẩn quanh. Qua truyện ngắn, nhà văn cũng thể hiện sự trân trọng với hi vọng thay đổi cuộc sống của những con người nơi đây.
2. Mẫu số 2:
“Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là một truyện ngắn nhẹ nhàng mà sâu lắng, bằng giọng kể tự nhiên, cuộc sống lay lắt của những kiếp người nghèo khổ nơi phố huyện mở ra trước mắt người đọc tự nhiên, chân thực như đang diễn ra trước mắt. Tuy không có cốt truyện rõ ràng, cũng không có tình huống truyện đặc biệt nhưng Hai đứa trẻ của Thạch Lam vẫn khơi dậy một điều gì đó thật sâu sắc về cuộc đời và những kiếp người nghèo khổ. Đóng lại trang sách của Thạch Lam, đọng lại trong lòng mỗi độc giả là một nỗi buồn man mác và niềm hi vọng le lói về một tương lai tốt đẹp hơn sẽ đến với những con người nơi phố huyện.
—————-HẾT——————
Sau khi tham khảo xong những mẫu Mở bài và Kết bài truyện Hai đứa trẻ, các em có thể tìm hiểu chi tiết những đặc sắc nội dung, nghệ thuật của tác phẩm qua: Phân tích nhân vật An trong Hai đứa trẻ, Phân tích ý nghĩa chi tiết giấc ngủ của Liên ở cuối câu chuyện Hai đứa trẻ, Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ, Phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)