Một số cách mở bài đoạn trích Chị em Thúy Kiều (trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du
This post: Mở bài đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Mở bài đoạn trích Chị em Thúy Kiều
1. Mở bài 1
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”
(Trích “Kính gửi cụ Nguyễn Du” – Tố Hữu)
Những vần thơ trên đã thể hiện tấc lòng tri âm tri kỷ cùng tiếng nói đồng vọng của Tố Hữu đối với Nguyễn Du – đại thi hào của dân tộc. Câu thơ còn gợi nhắc đến sự thành công của tác phẩm “Truyện Kiều” – kiệt tác trong nền văn học trung đại nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung. Sự thành công của tác phẩm được tạo nên bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả, xây dựng chân dung nhân vật. Trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” thuộc phần “Gặp gỡ và đính ước” đã thể hiện khả năng bậc thầy của đại thi hào Nguyễn Du trong việc khắc họa vẻ đẹp “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” hết sức sinh động của hai cô con gái đầu lòng nhà viên ngoại họ Vương.
2. Mở bài 2
“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du là một trong những tác phẩm xứng tầm kiệt tác trong nền văn học Việt Nam. Bên cạnh bút pháp tả cảnh thì nghệ thuật tả người cũng là yếu tố tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm. Điều này đã được thể hiện rõ qua trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” thuộc phần “Gặp gỡ và đính ước”. Thông qua những câu thơ giàu chất tạo hình và ngòi bút thiên về sự ngợi ca tài năng, vẻ đẹp của con người xuất phát từ cảm hứng nhân đạo, nhân văn vô cùng cao đẹp, tác giả Nguyễn Du đã phác họa thành công bức chân dung của chị em Thúy Kiều, đồng thời gửi gắm những dự cảm sâu sắc về cuộc đời của nhân vật.
3. Mở bài 3
Một trong những đặc trưng nổi bật của thi pháp văn học trung đại là lấy thiên nhiên làm thước đo chuẩn mực để miêu tả, khắc họa và đánh giá vẻ đẹp của con người. Quan điểm này đã chi phối và có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều sáng tác tiêu biểu của các tác giả thuộc nền văn học trung đại, trong đó trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” thuộc kiệt tác “Truyện Kiều” là minh chứng tiêu biểu thể hiện rõ điều này. Qua đoạn trích, chúng ta có thể thấy được tài năng của tác giả Nguyễn Du trong việc miêu tả, khắc họa chân dung nhân vật thông qua vẻ đẹp về ngoại hình, tài năng, trí tuệ, cốt cách cùng dự cảm về cuộc đời, số phận của chị em Thúy Kiều.
4. Mở bài 4
Xantưkốp Sêđrin – nhà văn vĩ đại người Nga từng đưa ra nhận định vô cùng sâu sắc: “Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Kiệt tác “Truyện Kiều” của tác giả Nguyễn Du- đại thi hào của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới quả thật là tác phẩm minh chứng cho sức sống vĩnh hằng, bất diệt của văn học. Bằng đôi mắt đồng cảm, xót thương xuất phát từ cảm hứng nhân đạo, nhân văn cao đẹp, nhà thơ đã tái hiện thành công cuộc đời trắc trở trong muôn vàn bi kịch của nhân vật Thúy Kiều. Tác phẩm đạt tới sự thành công về giá trị nội dung và nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả nhân vật. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” đã thể hiện rõ điều này. Bằng việc sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng, tác giả Nguyễn Du đã phác họa, tái hiện sinh động bức chân dung mĩ lệ, đẹp đẽ về ngoại hình, cốt cách, tài năng và trí tuệ “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” của Thúy Kiều và Thúy Vân.
————————-HẾT—————————
Các bạn có thể đón đọc thêm một số mẫu mở bài khác ngoài Mở bài đoạn trích Chị em Thúy Kiều đã được giới thiệu trên đây như: Mở bài truyện ngắn Chiếc lược ngà; Mở bài bài thơ Đoàn thuyền đánh cá; Mở bài truyện ngắn Làng của Kim Lân; Mở bài đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều;… và một số bài văn hay lớp 9 khác đã được chúng tôi chọn lọc.
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục