Một số cách kết bài bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Kết bài bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, 5 mẫu viết kết bài của bài thơ Sóng hay nhất
This post: Kết bài bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
1. Kết bài 1
Như vậy, bài thơ “Sóng” là một sáng tác đặc sắc, độc đáo viết về đề tài tình yêu, đồng thời là thi phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Thông qua việc sử dụng thể thơ năm chữ cùng cách ngắt nhịp linh hoạt tạo nên nhịp điệu độc đáo cùng việc sử dụng hình tượng “sóng”, nhà thơ đã bộc lộ chân thành khát vọng tình yêu mãnh liệt, sôi nổi của trái tim người phụ nữ. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định “Xuân Quỳnh là nhà thơ của khát vọng hạnh phúc đời thường” với một tình yêu nồng nhiệt, vừa táo bạo say đắm vừa thiết tha dịu dàng, đồng thời thấy được khát vọng vươn tới một tình yêu đích thực và vượt qua mọi sự hữu hạn của kiếp người luôn thường trực trong trái tim người phụ nữ.
2. Kết bài 2
Bằng việc sử dụng hình tượng sóng, các trạng thái, cung bậc của tình yêu đã được khám phá ở nhiều cung bậc. Âm điệu của những con sóng ngoài biển khơi lúc dịu êm, khoan thai lúc vội vã, hối hả đã tạo nên âm điệu đặc sắc của bài thơ “Sóng”. Cái “tôi” trữ tình của Xuân Quỳnh đã được khắc họa thông qua kết cấu song hành “‘sóng” và “em” soi chiếu, sóng đôi, song hành lúc phân tách, lúc quyện hòa. Tất cả đã góp phần thể hiện khát vọng tình yêu sôi nổi, chân thành, mãnh liệt, thủy chung của người phụ nữ. Qua đó, chúng ta có thể thấy được tâm hồn, trái tim nhạy cảm của nữ sĩ về tình yêu trước những bão giông, thử thách của cuộc đời, giống như nhà thơ từng khẳng định trong bài thơ “Tự hát”:
“Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn”.
3. Kết bài 3
Qua bài thơ “Sóng”, tác giả Xuân Quỳnh đã tái hiện trái tim khao khát yêu đương và hạnh phúc đời thường của người phụ nữ qua nhiều cung bậc khác nhau và đa sắc thái giống như âm điệu của những con sóng trên biển cả. Âm điệu đó được tạo nên từ hai hình tượng “sóng” và “em” song hành, đồng hiện xuyên suốt bài thơ, vừa sóng đôi, quyện hòa vừa tách biệt. Ngoài ra, thể thơ năm chữ cùng sự linh hoạt trong cách phối âm, ngắt nhịp cũng góp phần diễn tả tình yêu lúc nồng nàn, tha thiết, lúc trầm lắng, suy tư. Qua đó, chúng ta có thể thấy được “Nỗi khát vọng tình yêu – Bồi hồi trong ngực trẻ” luôn thường trực trong trái tim và tâm hồn ngập tràn tình yêu thương đằm thắm, thiết tha của nữ sĩ Xuân Quỳnh.
4. Kết bài 4
Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy được khát vọng tình yêu mãnh liệt và khao khát vươn tới sự vĩnh hằng, bất biến nhưng vẫn chứa đựng dự cảm của sự lo âu qua nhãn quan của một người phụ nữ đa sầu, đa cảm. Tất cả đã được tái hiện thành công thông qua việc sử dụng thể thơ năm chữ, nhịp điệu linh hoạt. Tình yêu đã được khám phá, nhìn nhận thông qua hình tượng “sóng” trong sự quyện hòa, sóng đôi với hình tượng nhân vật trữ tình “em”. Qua đó, chúng ta có thể thấy được cái “tôi” tràn đầy cảm xúc khao khát hướng đến một tình yêu tuyệt đối, thể hiện một trái tim đang yêu đằm thắm, chân thành giống như những vần thơ trong bài thơ “Tự hát”:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi…”z
5. Kết bài 5
Như vậy, qua cấu trúc song hành giữa hai hình tượng “sóng” và “em”, bài thơ đã khắc họa thành công tâm trạng của người phụ nữ đang đắm chìm trong một tình yêu đằm thắm, tha thiết cùng khát vọng về sự thủy chung. Đồng thời, sắc điệu trữ tình của bài thơ đã góp phần thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Đặc biệt, ra đời trong bối cảnh tàn khốc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thi phẩm đã tô đậm hơn nữa khát vọng tình yêu mãnh liệt của nhà thơ. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định: “Sóng không chỉ là “Hoa dọc chiến hào” mà còn là bài thơ đi cùng năm tháng”.
————HẾT————
Chắc chắn với mẫu Kết bài bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh trên đây đã hỗ trợ các em phần nào dễ dàng hơn trong việc hoàn thiện yêu cầu cơ bản của một bài văn. Các em cũng có thể đón đọc thêm một số cách kết bài khác đã được tổng hợp trong Những bài văn hay lớp 12 như: Kết bài bài thơ Đàn ghita của Lorca; Kết bài bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng; Kết bài tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông; Kết bài tùy bút Người lái đò sông Đà;…
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)