Đề bài: Kể lại sự việc làm em nhớ mãi
This post: Kể lại sự việc làm em nhớ mãi
Kể lại sự việc làm em nhớ mãi
I. Dàn ý Kể lại sự việc làm em nhớ mãi (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về sự việc khiến em nhớ mãi
2. Thân bài
– Giới thiệu thời gian, không gian xảy ra sự việc ấy:
+ Chuyện xảy ra khi nào?
+ Ở đâu?
– Kể lại các sự việc trong câu chuyện:
+ Những ai có liên quan đến sự việc?
+ Điều gì đã xảy ra?
+ Vì sao câu chuyện lại xảy ra như vậy?
+ Em có cảm xúc gì khi sự việc diễn ra? Phản ứng của mọi người xung quanh khi ấy như thế nào?
3. Kết bài:
Kết thúc của câu chuyện và suy nghĩ, cảm xúc của em.
II. Bài văn mẫu Kể lại sự việc làm em nhớ mãi
1. Kể lại sự việc làm em nhớ mãi, mẫu 1 (Chuẩn)
Có một chuyện xảy ra đã lâu, từ hồi thơ ấu em còn nhỏ xíu, nhưng cho đến tận bây giờ em vẫn không thể nào quên được. Đó là chuyện em làm mất chiếc xe đạp trong lúc đi chơi.
Vốn là cậu con trai duy nhất trong nhà nên em được bố mẹ yêu thương chiều chuộng lắm. Bố mua cho em một chiếc xe thể thao rất đẹp và nhẹ để em tập đạp đi học. Sau vài lần tập em đã biết đi và đi thành thạo hơn. Em bắt đầu thích đạp xe đi chơi cùng đám bạn, lang thang khắp nơi trong xóm. Em còn nhớ như in cái buổi chiều hôm ấy, đó là buổi chiều năm em học lớp 3. Mấy cậu bạn rủ em đi xem người ta câu cá ở một con kênh nhỏ. Em hào hứng lấy xe đạp ra đi ngay mà quên mang theo khoá xe. Đi tới nơi, em chẳng để ý mà để xe một chỗ rồi chạy theo các bạn đi xem câu cá. Em say mê theo chân những thợ câu để rồi đến lúc chiều muộn mới về. Khi về đến chỗ để xe em tìm mãi cũng không thấy chiếc xe đạp của mình đâu. Em hoang mang và lo sợ vô cùng, chiếc xe đắt tiền và là quà bố mẹ mua cho mà em lại không cẩn thận khoá vào để bị mất xe. Em chỉ đành đi bộ về nhà, đến khi bố mẹ đi làm về, vì sợ bố sẽ giận quá mà đánh em nên em đã chủ động xin lỗi trước. Em kể sự thật là mải chơi làm mất xe, ban đầu bố mẹ tỏ ra rất thất vọng nhưng cũng không đánh mắng gì. Mãi cho đến khi ăn tối xong bố mới nói với em “Bố không tiếc chiếc xe nhưng bố muốn con phải biết cẩn thận hơn, dù là bất cứ thứ gì cũng không nên lơ đãng, ham chơi mà làm mất, hy vọng sự việc này sẽ là bài học cho con”. Em lắng nghe lời bố dạy và ghi nhớ điều đó.
Đến bây giờ, em vẫn hay kể câu chuyện của em cho các bạn nghe, hy vọng các bạn hãy rèn tính cẩn thận ngay từ nhỏ để tránh những sai lầm, hối hận về sau.
2. Kể lại sự việc làm em nhớ mãi, mẫu 2 (Chuẩn)
Em đã từng trải qua nhiều chuyện đáng nhớ, có những kỉ niệm vui nhưng cũng có cả những câu chuyện buồn nhưng làm em nhớ mãi. Câu chuyện về bà là một trong những kỉ niệm khó quên như vậy.
Hồi đó là năm em học lớp 5, sau những tháng ngày ôn thi chuyển cấp dù biết tin bà ốm nhưng em chưa thể sang chơi với bà. Đến khi thi xong, biết kết quả trúng vào trường đúng như nguyện vọng em liền mang kết quả khoe với bà nội. Bà Nội em khi ấy đã cao tuổi, ngoài 70, lại thêm di chứng của dịch Covid-19 khiến cho sức khoẻ của bà ngày càng yếu đi. Hôm đó em sang thăm bà, bà chỉ nằm trên giường và cố nhìn ra ngoài. Mọi người nói, hôm nào có ai đến thăm bà cũng quay đầu ra ngó xem có phải em đến hay không. Biết bà chờ đợi em như vậy em cảm thấy rất có lỗi. Em ngồi cạnh bên bà, nắm thật chặt đôi bàn tay yếu ớt nhưng nồng ấm của bà. Bà mỉm cười nhìn em, ánh mắt bà phúc hậu và đong đầy tình yêu thương. Bà nói bà đau lắm nhưng có thể nhìn thấy em là bà chẳng còn đau nữa. Bà dặn dò em phải thật ngoan ngoãn, học chăm chỉ và ăn uống đảm bảo. Em vâng dạ nghe lời bà như thường lệ nhưng đâu biết rằng đó lại là những lời trăn trối cuối cùng bà nói với em. Đêm hôm ấy bà đã không qua khỏi, nửa đêm em thức giấc nghe tin bà mất em chỉ biết ngồi khóc như mưa. Dường như tất cả những điều bà nói, bà làm, bà dặn dò em là một điềm báo cho sự chia ly vĩnh biệt.
Cho đến nay đã hơn 2 năm bà mất, từng lời bà nói vẫn luôn ở bên tai, em luôn nhớ về dáng vẻ của bà khi ấy. Có lẽ đó sẽ là hình ảnh em ghi nhớ đến suốt cuộc đời này.
3. Kể lại sự việc làm em nhớ mãi, mẫu 3 (Chuẩn)
Năm nay em học lớp 7, hồi lớp 5 em có một người bạn rất thân, nhưng có một chuyện đã xảy ra mà em luôn nhớ mãi. Đó là ngày bạn đến báo tin chuyển nhà cho em biết và chào tạm biệt.
Người bạn của em tên Lan, em quen Lan khi bạn ấy chuyển về nhà ông bà ngoại từ năm học lớp 2. Bạn ấy rất vui tính, hoà đồng và lém lỉnh, chơi cùng Lan em cảm thấy rất vui. Chúng em tuy không học cùng lớp nhưng hàng ngày vẫn cùng nhau đạp xe đi học. Trải qua suốt ba năm, em cứ đinh ninh sang cấp 2 vẫn được đi học chung với Lan. Thế nhưng như một cơn mưa trút xuống đầu em. Hôm đó Lan mang một vẻ mặt tươi cười sang khoe với em rằng bố mẹ bạn về, em cũng rất vui vì lâu rồi bạn ấy mới được gặp bố mẹ. Thế nhưng ngay chiều hôm ấy Lan lại hớt hải chạy sang gọi em rối rít. Em vừa chạy ra thì Lan nói “Không xong rồi! Lần này tớ phải đi xa rồi, không còn được ở đây nữa”. Em ngơ ngác trong giây lát vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Ngồi nghe Lan kể em mới biết bố mẹ Lan đã mua nhà ở thành phố, lần này về sẽ đón Lan về thành phố ở cùng bố mẹ và theo học trên đó. Em nhìn Lan, vừa mừng lại vừa không nỡ. Có thứ gì đó cứ mắc nghẹn ở cổ khiến em không nuốt để nói nổi. Lan cứ ngồi đó như chờ đợi lời chào của em nhưng em không nói được. Lan chào em chỉ để lại một câu “Sáng mai 5 giờ sáng nhà tớ đi ra bến xe rồi!”. Em không đi chào Lan, em không đủ can đảm, em sợ cảm giác lưu luyến bứt rứt khó chịu ấy. Có lẽ Lan giận em từ ngày ấy nên em vẫn luôn nhớ về ngày ấy, luôn cảm thấy có lỗi với cô bạn thân của mình.
Em vẫn luôn chờ đợi và hy vọng có một ngày nào đó Lan trở về thăm ông bà ngoại và em có thể nói lời xin lỗi chân thành nhất.
—————–HẾT—————–
Câu chuyện về những kỉ niệm sẽ là chủ đề khá quen thuộc trong các bài văn kể. Các em có thể đọc nhiều các bài văn để tham khảo cách viết, cách dẫn dắt chuyện trong các bài dưới đây: Kể về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong ngày khai trường, Kể một kỉ niệm với người bạn tuổi thơ khiến em xúc động và nhớ mãi, Kể về một kỉ niệm đáng nhớ, Hãy kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục