Đề bài: Kể lại một trải nghiệm giúp tâm hồn em trở nên phong phú hơn
This post: Kể lại một trải nghiệm giúp tâm hồn em trở nên phong phú hơn
Kể lại một trải nghiệm giúp tâm hồn em trở nên phong phú hơn
I. Dàn ý Kể lại một trải nghiệm giúp tâm hồn em trở nên phong phú hơn (Chuẩn)
1. Mở bài:
Giới thiệu về trải nghiệm của em.
2. Thân bài
– Giới thiệu thời gian, không gian diễn ra câu chuyện và nhân vật có liên quan.
+ Trải nghiệm diễn ra ở đâu? Khi nào?
+ Có những ai xuất hiện trong câu chuyện trải nghiệm của em?
– Kể lại diễn biến trải nghiệm:
+ Câu chuyện diễn ra như thế nào?
+ Suy nghĩ, cảm xúc của em khi diễn ra câu chuyện.
3. Kết bài:
Kết thúc và cảm nghĩ của em về trải nghiệm đó.
II. Bài viết Kể lại một trải nghiệm giúp tâm hồn em trở nên phong phú hơn
1. Kể lại một trải nghiệm giúp tâm hồn em trở nên phong phú hơn, mẫu 1 (Chuẩn)
Em thường nghe các bạn của mình kể về những trải nghiệm rất đặc biệt như đi leo núi, đi thám hiểm đại dương,… Còn em, những trải nghiệm của em tuy rất bình dị nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc, khiến tâm hồn em trở nên phong phú hơn. Một trong số đó là trải nghiệm đi chợ Tết cùng với mẹ của em.
Những ngày cuối năm gần đến Tết, nhà nhà đều nô nức sắm sửa. Hôm đó là lần đầu tiên em đi chợ Tết cùng với mẹ. Năm nay, gia đình em về quê để đón Tết cùng ông bà ngoại nên em mới có dịp được đi những phiên chợ truyền thống ở quê hương. Từ tối hôm trước, em đã rất háo hức vì không biết chợ quê trông như thế nào. Đi đến nơi, mẹ em gửi xe và dắt tay em vào chợ. Chợ quê tuy không to lớn, rộng rãi và khang trang nhưng lại vô cùng đông đúc, nhộn nhịp, kẻ bán, người mua, ai nấy đều vui vẻ. Có nhiều bạn cùng trang lứa với em đi chợ cùng bố, mẹ nhưng các bạn dường như rất quen với việc đó còn em lại bẽn lẽn đi theo chân mẹ.
Lần đầu đi chợ em mới biết đi chợ không hề đơn giản như em vẫn thường nghĩ. Có rất nhiều vấn đề cần cân nhắc trong quá trình đi chợ như: tìm được nơi bán hàng mình cần mua, mua được đúng giá và lựa chọn được loại thức ăn ngon nhất,… Em đã học được những điều đó qua việc quan sát mẹ lựa chọn rau củ, thịt cá và cách mẹ thương lượng trả giá với người bán. Em cực kì ấn tượng với khả năng tính toán siêu nhanh và chính xác mà chẳng cần đến máy tính của những người bán hàng. Với một học sinh như em dù có lấy máy tính ra bấm đi nữa có khi chẳng thể nhanh bằng các cô. Em đã hiểu vì sao có câu nói “trăm hay không bằng tay quen”. Người nào việc đó, việc buôn bán đã rèn luyện cho họ cách tính toán nhanh lại chính xác. Chà, đúng là đi chợ dịp Tết! Kết thúc chuyến đi chợ cũng là lúc tay mẹ em đã lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ. Em đỡ lấy và giúp mẹ xách đồ ra xe. Trên đường đi về, hai mẹ con trò chuyện vui vẻ.
Em rất vui vì được đi chợ Tết cùng mẹ. Em được ngắm quang cảnh của phiên chợ Tết đông vui, lại được tự mình chọn những bộ quần áo Tết. Em cảm ơn mẹ vì đã cho em cơ hội được tự trải nghiệm cuộc sống.
2. Kể lại một trải nghiệm giúp tâm hồn em trở nên phong phú hơn, mẫu 2 (Chuẩn)
Là một người con quê hương Thái Bình nhưng đến tận lúc 10 tuổi em mới có dịp được trải nghiệm cùng các bác nông dân đi gặt lúa. Nhờ có trải nghiệm đó mà tâm hồn em đã được mở rộng như chính những cánh đồng mênh mông.
Kì nghỉ hè năm lớp 5 của em chính là những ngày về quê với ông bà nội. Ông bà của em là những người nông dân thật thà, chất phác. Cuộc sống và công việc hàng ngày đều gắn liền với đồng ruộng. Khi em về đây, ông bà đã cho em trải nghiệm rất nhiều điều lí thú. Những ngày hè chính là mùa gặt ở quê. Mặc dù được nhắc nhở về những khó khăn nếu đi theo như nắng, mệt và lúa dặm nhưng em vẫn muốn cùng ông bà đi gặt. Em mặc quần áo của ông bà như một cậu bé nông dân thực thụ. Đội chiếc mũ tai bèo trên đầu, em đi ra đồng.
Cánh đồng lúa mênh mông, óng vàng dưới ánh mặt trời. Những bông lúa đã nặng trĩu, hạt thóc căng mọng, lá và thân cây lúa đều đã ngả sang màu vàng. Em nâng niu từng bông lúa, trân quý từng hạt vì đó chính là hạt ngọc trời, tinh hoa của trời đất và công sức lao động của ông bà. Bà và thím của em phụ trách cầm liềm gặt lúa, ông và chú phụ trách cầm đòn gánh, gánh những bó lúa đã được gặt lên bờ. Công việc của em đó là trông coi lúa thóc trên bờ và mang nước uống cho mọi người. Em đã hiểu vì sao nghề nông lại gọi là nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Giữa cánh đồng mênh mông không một bóng cây, các bác nông dân ai cũng phơi mình dưới cái nắng rát. Mồ hôi chảy như mưa, quần áo đã ướt đẫm từ trong ra ngoài, khuôn mặt đỏ ửng lên phừng phừng như người say rượu. Sau khi gặt xong, mọi người còn tiếp tục đẩy lúa về nhà, tuốt lúa rồi phơi thóc. Em cảm nhận được sự vất vả mưu sinh của ông bà và chú thím trên từng bó lúa. Bao nhiêu công lao chăm sóc, cày cấy làm cỏ bón phân rồi ngày nắng cũng như ngày mưa phải lao động không nghỉ.
Trải nghiệm đi gặt cùng ông bà đã giúp em hiểu hơn về nỗi vất vả của những người nông dân. Nghề nào cũng đáng được trân trọng và tôn vinh, có người nông dân mới có thóc gạo cho chúng ta ăn hàng ngày.
3. Kể lại một trải nghiệm giúp tâm hồn em trở nên phong phú hơn, mẫu 3 (Chuẩn)
Lần đầu tiên đi xe buýt trên thành phố lớn là trải nghiệm đặc biệt nhất của em từ trước đến giờ. Em còn nhớ như in lần đi xe buýt đáng nhớ ấy.
Đó là lần đầu tiên trường em tổ chức tham quan ra thành phố Hà Nội để chia tay các bạn học sinh lớp 5 chuẩn bị bước sang ngôi trường cấp hai. Sau khi đặt chân đến mảnh đất thủ đô, em bị choáng ngợp bởi sự đông đúc, nhà cửa chen chúc nhau và những tòa nhà cao tầng chọc trời. Em tò mò với mọi thứ xung quanh và muốn tìm hiểu về tất cả mọi thứ. Sau khi xuống xe khách, chúng em được hướng dẫn cách đi xe buýt đến công viên Thủ Lệ.
Đứng chờ xe tại điểm buýt khiến em rất háo hức. Hết xe này đến xe khác lần lượt qua, cuối cùng chiếc xe buýt có lộ trình đến Thủ Lệ đã đến. Khi đi được một lúc, thấy một bác đã cao tuổi phải đứng, em liền nhường ghế cho bác. Bác gật đầu và khen em: “Cháu còn nhỏ nhưng đã biết nhường người lớn tuổi. Ngoan lắm!”. Em cảm thấy rất vui khi đã làm được một việc tốt. Em nghĩ đứng trên xe buýt cũng giúp em quan sát thành phố được nhiều hơn. Xe dừng lại rất nhiều điểm, mọi người lên, xuống rất đông đúc. Và giờ thì em đã hiểu vì sao đi xe buýt lại là hành động thân thiện với môi trường, bởi thay vì mỗi người đi một chiếc ô tô hay xe máy thì cùng nhau đi trên một chiếc xe buýt đã giảm thiểu được rất nhiều lượng khí thải mà xe cộ thải ra môi trường.
Đi trên xe buýt cũng an toàn, tránh mưa, tránh nắng, có thể làm quen với nhiều người, có thể ngồi ngắm cảnh trên đường đi mà không phải lo lắng điều gì. Giá thành cho một vé xe buýt cũng rất rẻ, chỉ từ 7000 đồng đến 9000 đồng. Nếu cho em được ở thành phố em sẽ thích được đi xe buýt đến bất cứ nơi đâu. Tuy có thể mất nhiều thời gian hơn so với đi phương tiện cá nhân nhưng em nghĩ có nhiều cách để chúng ta cân đối thời gian để đi lại bằng xe buýt. Khoảng 30 phút sau, chúng em đã đến điểm dừng. Bác tài đi chậm lại và xe mở cửa tự động, em cùng các bạn xuống xe để đến công viên Thủ Lệ.
Trải nghiệm đi xe buýt đã giúp thế giới tâm hồn em trở nên phong phú hơn. Em đã kể về chuyến đi cho mọi người trong nhà nghe và ai cũng mong sẽ được đi xe buýt ở Hà Nội một lần.
—————–HẾT———————
Một kĩ năng quan trọng trong khi viết các bài văn kể chuyện mà các em còn thiếu sót đó là cách dẫn dắt câu chuyện các em định kể. Để dẫn dắt một cách tự nhiên, cuốn hút và làm nổi bật được chuyện các em muốn kể hãy tham khảo ở các bài sau: Kể về một việc làm hằng ngày của thầy cô, Kể lại một hoạt động từ thiện của lớp em, Kể lại một câu chuyện về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, Kể lại một buổi biểu diễn nghệ thuật.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)