Giáo dục

Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Đề bài: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

ke lai mot cau chuyen co tich ma em biet theo loi mot nhan vat trong cau chuyen do

This post: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

5 bài văn mẫu Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Phần 1: Dàn ý kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Xem chi tiết Dàn ý kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó tại đây

 

Phần 2: Bài văn mẫu Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Bài mẫu số 1: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Truyện Sự tích cây khế theo lời kể của em trai

Gia đình tôi có hai anh em trai, tôi là út. Bố mẹ tôi đã theo về với tổ tiên hơn mười năm nay. Tôi ở với anh được một thời gian thì anh tôi lấy vợ. Không muốn cho tôi ở chung, họ bèn chia gia tài. Lợi dụng quyền thế của mình, hai vợ chồng chiếm hết tài sản quý giá, chỉ đế lại cho tôi một mảnh nhỏ và cây khế ngọt ở cuối vườn. Là phận em, tôi không đòi hỏi gì cả, và cũng chẳng phàn nàn, chỉ lo làm thuê cuốc mướn kiếm sông qua ngày.

Đến mùa khế ra qua, bỗng nhiên có một con chim lạ đến ăn hết trái này đến trái khác. Tôi xót ruột lắm bèn than thở cùng chim:

– Chim ơi! Cơ nghiệp nhà tôi chỉ có mỗi cây khế, chim ăn hết, tôi biết trông cậy vào đâu!

Chim lạ liền nói:

– Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.

Thế rồi hôm sau chim lạ đưa tôi đi ra một hòn đảo ở tít ngoài khơi đầy vàng châu báu. Y theo lời dặn của chim, tôi chỉ lấy vừa đủ một túi ba gang rồi chim trở về nhà. Từ đó, cuộc sống của tôi trở nên khá giá, giàu có.

Biết chuyện, vợ chồng anh tôi ngày nào cũng sang nhà tôi năn nỉ xin đổi bộ gia tài để lấy cây khế. Thương anh, tôi đồng ý đổi. Đến mùa khế, vợ chồng anh tôi thay nhau chờ chực ở gốc cây chờ chim lạ đến. Rồi chim lạ cũng đến ăn. Sự việc giống như trước đây chim lạ đã nói với tôi. Chim lạ đi rồi, hai vợ chồng anh tôi hí hửng về nhà may một cái túi nhưng không phải ba gang như chim lạ bảo mà rộng đến mười hai gang.

Sáng hôm sau chim lạ đến chở anh tôi ra đảo. Vốn là người có tính tham anh tôi chất đầy vàng bạc châu báu ngọc ngà vào túi. Không những thế, anh tôi còn tìm kiếm chỗ nào trên người có thể nhét được, đều nhét vào rồi ì ạch lôi cái túi vàng khổng lồ và thân mình nặng trịch leo lên lưng chim. Nặng quá, chim phải vỗ cánh đến ba lần mới nhấc nổi mình lên được. Lúc bay qua biển, gặp một luồng gió mạnh, chim lảo đảo nghiêng cánh hất anh tôi cùng vàng rơi xuống biển sâu.

Tôi rất buồn vì cái chết của anh tôi nhưng nghĩ cho cùng đó cũng chính là học cho những kẻ tham lam, ích kỉ như lời ông cha đã dạy “tham thì thâm”.

 

Bài mẫu số 2: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Kể lại truyện “Vì sao hươu có sừng” theo lời kể của Hươu

Tôi là Hươu, cũng như Nai, Hoẵng, Thỏ trên đầu chỉ có hai cái tai mềm mại. Nhưng so với các bạn thì tôi là nhút nhát nhất. Cái gì tôi cũng sợ: Sợ bóng tối, sợ cả thú dữ nữa.

Tuy vậy, bạn bè ai cũng quý tôi vì tôi chăm chỉ, tốt bụng. Hôm trước, nghe tin bác gấu ốm nặng, tôi đã xin mẹ cho đến thăm bác. Đến nơi, tôi nghe trong hơi thở yếu ớt:

– Bệnh của bác nặng lắm. Chỉ có là Thảo Huyền mọc ở khe núi sâu mới chữa được.

Tôi nhanh nhảu đáp:

– Cháu chạy nhanh như tên bay, để cháu vào rừng lấy lá thuốc cho bác.

Không đợi bác Gấu nói gì, tôi vội chào bác và lên đường ngay. Nhưng đường rừng hiểm trở, rất nhiều thú dữ, tôi bắt đầu thấy run. Khi bóng tối tràn xuống cả khu rừng, tôi lại càng sợ. Tôi nép vào một gốc cây khác.Thần cây hiện lên hỏi:

– Tại sao cháu khóc? Cháu bị lạc mẹ à?

– Dạ không ạ. Cháu muốn đi vào khe núi để lấy lá Thảo Huyền về cho bác Gấu. Nhưng rừng thì rộng, có bao nhiêu thú dữ nên cháu sợ lắm.

– Sợ thì cháu hãy mau quay về nhà đi!

– Nhưng cháu thương bác Gấu lắm. Không có thuốc bác ấy chết mất.

Thần cây ân cần:

– Cháu là một đứa trẻ có tấm lòng nhân hậu. Đây ta cho cháu những cành cây khoẻ khoắn của ta. Cháu hãy đội lên đầu, cháu sẽ có thêm sức mạnh.

Tôi rối rít cảm ơn Thần cây rồi lên đường. Tôi băng qua suối, qua đèo mà không sợ thú dữ hay bóng đêm nữa. Khi tôi đem lá thuốc về, trời cũng rạng sáng. Tôi thấy muông thú trong rừng đang ngồi vây quanh bác Gấu. Tôi vội đưa lá thuốc cho bác nhai. Thật kỳ diệu, chỉ trong ít phút bác gấu đã khoẻ lại. Tất cả muông thú có mặt đều hỏi:

– Cây thuốc gì mà quý đến thế hở bác?

– Thuốc quý nhưng tấm lòng của Hươu còn quý hơn nhiều. Chính Hươu đã cứu bác đấy – Bác gấu ôn tồn nói.

Khi ấy, tất cả mới để ý đến tôi. Và ai cũng ngạc nhiên khi thấy trên đầu tôi là những cành cây vững chắc. Tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện khi gặp Thần cây cho mọi người nghe. Và kỳ lạ chưa, cái cành cây trên đầu tôi đã dính chặt từ bao giờ. Mẹ tôi vuốt ve món quà Thần cây tặng cho tôi và gọi đó là Sừng Hươu.

Từ đó, loài Hươu chúng tôi luôn mang sừng trên đầu để chống lại thú dữ và tôi chẳng còn nhút nhát như trước nữa.

 

Bài mẫu số 3: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Kể lại truyện “Sự tích Cây khế” theo lời kể của Chim Thần

Tôi là nhân vật Chim Thần trong truyện Cây khế – một câu chuyện hay trong kho tàng truyện cổ nước ta. Sau đây, tôi xin kể lại câu chuyện ấy cho các bạn cùng nghe.

Ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ đều mất sớm. Đến lúc lấy vợ người anh bèn chia gia tài. Cậy thế mình là anh cả, hắn chiếm hết tài sản cha mẹ để lại, chỉ cho người em một mảnh vườn nhỏ và cây khế ngọt ở cuối vườn. Vợ chồng hắn sống sung sướng trên gia tài có sẵn còn người em thì phải đi cày thuê cuốc mướn. Vất vả lắm người em mới kiếm được bát cơm manh áo sống cho qua ngày.

Đến mùa, cây khế ra hoa trĩu quá, người em sống nhờ vào cây khế. Tôi vốn rất thích ăn trái cây. Một hôm, bay qua khu nhà của người em, thấy những quả khế chín mọng, tôi vội sà xuống chén hết trái này đến trái khác. Thấy vậy, người em đi đến buồn rầu nói với tôi:

– Chim ơi! Gia tài tôi chỉ có mỗi cây khế. Chim ăn hết, tôi lấy gì để sống”

Tôi vội nói ngay:

– Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.

Y như lời hứa, sáng hôm sau tôi bay đến chở người em ra đảo lấy vàng. Lấy đủ một túi ba gang, người em nhờ tôi chở về nhà. Từ đó, cuộc sống người em trở nên sung túc, giàu có.

Đến mùa khế ra hoa kết trái, tôi lại đến ăn như lần trước và tôi cũ bảo vợ chồng người anh như đã từng nói với người em. Cả hai vợ chồng hí hửng may một cái túi to đến mười hai gang. Rồi tôi cũng đưa họ đến đảo vàng như đã hứa. Đến nơi, anh ta hoa cả mắt, hì hục nhét vàng bạc châu báu chật cứng cả cái túi mười hai gang. Chưa thoả lòng tham, hắn nhét đầy vào người những chỗ nào có thể nhét được rồi ì à ì ạch leo lên lại tụt xuống mãi sau hắn mới bò lên được lưng tôi. Vì nặng quá, tôi phái vỗ cánh đến mấy lần mới nhấc mình lên được khỏi mặt đất. Khi bay qua biển rộng, một phần vì chở quá nặng, một phần do có một luồng gió bất thần xô đến, tôi cũng không giữ thăng bằng được, bèn nghiêng cánh hất hắn và cả túi và rơi xuống biển sâu.

Thế là hết đời một kẻ tham lam, không tình nghĩa. Câu chuyện Cây khế là vậy đó.

 

Bài mẫu số 4: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Kể lại truyện Ba chiếc rìu theo lời kể của Anh Tiều Phu

Tên tôi là Khang, vốn làm nghề tiều phu. Bố mẹ mất sớm, tôi sống thui thủi một mình trong một căn lều dựng tạm nơi bìa rừng. Cuộc sống của tôi cứ êm đềm trôi qua cho đến một ngày tôi gặp một sự lạ kì.

Hôm ấy, cũng như mọi khi, tôi vác rìu vào rừng đốn củi. Không hiểu tay chân vụng về thế nào, tôi làm rơi rìu xuống con sông gần đó. Nước sâu, sông rộng, khó lòng lấy lại được rìu. Mà đó lại là kế sinh nhai duy nhất. Tôi buồn lắm! Ngày mai, ngày kia … và những ngày sau nữa tôi lấy gì mà kiếm củi nuôi thân đây? Càng nghĩ nước mắt tôi càng tuôn nhiều, chảy dài trên khuôn mặt đen xạm của tôi. Đúng lúc đó, một cụ già râu tóc bạc phơ xuất hiện trước mặt tôi. Trông cụ thật hiền lành và phúc hậu với vầng trán cao, khuôn mặt hồng hào. Ôn tồn cụ hỏi:

– Có chuyện gì mà con khóc thảm thiết vậy?

Tôi bèn thật thà kể đầu đuôi mọi chuyện cho ông lão nghe. Nghe xong, ông lão cười và hứa sẽ tìm lại chiếc rìu cho tôi. Tôi vui lắm!

Nói rồi, ông lão lặn ngay xuống sông. Chỉ một lát sau ông đã ngoi lên, trên tay cầm một lưỡi rìu bằng vàng sáng lấp lánh. Ông giơ rìu lên hỏi tôi:

– Đây có phải rìu của cháu không?

Dù chiếc rìu đó rất đẹp và có giá trị nhưng không phải rìu của mình thì đừng có lấy. Tôi vội trả lời:

– Không! Đó không phải cây rìu của cháu đâu ông ạ!

Nghe tôi nói xong, ông cụ lại lặn xuống sông một lần nữa. Lần này khi ngoi lên ông cụ cầm trên tay cầm một lưỡi rìu bằng bạc trông rất thích mắt. Cụ vẫn hỏi như cũ:

– Đây có phải rìu của cháu không?

Tôi không ngần ngại mà từ chối ngay:

– Thưa ông, cái này cũng không phải rìu của cháu.

Không nản, ông cụ lại tiếp tục lặn xuống sông lần nữa. Một lát sau, ông ngoi lên khỏi mặt nước với chiếc rìu bằng sắt hết sức bình thường, cán rìu nhìn còn hơi cũ. Nhưng đó chính là chiếc rìu của tôi. Sung sướng tôi reo to:

– Đây mới chính là rìu của cháu ông ạ!

Nghe vậy, ông lão đưa lại rìu cho tôi và nói. Cháu quả là một chàng trai thật thà, nghèo nhưng không tham lam. Cháu xứng đáng được thưởng. Ta tặng cho cháu cả ba lưỡi rìu này. Nói xong, ông lão vụt biến mất. Tôi biết mình gặp tiên nên chắp tay cảm tạ rồi về nhà. Nhờ ba chiếc rìu đó, tôi có cuộc sống ấm no và hạnh phúc trọn đời.

 

Bài mẫu số 5: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Kể lại truyện “Sự tích Trầu cau” theo lời kể của Tảng đá vôi

Tôi tuy là một tảng đá vôi nhưng cuộc đời của tôi lại rất dài. Tôi không phải là một tảng đá vôi bình thường như bao tảng đá khác. Bỏi vì xưa kia tôi chính là một con người.

Hồi đó, nhà họ Cao chúng tôi có hai anh em. Tôi và anh của tôi. Chúng tôi giống nhau như đúc, đến nỗi người ngoài không thể phân biệt được ai là anh, ai là em. Hai anh em tôi hơn nhau một tuổi và rất thương yêu, quý trọng nhau. Những tháng năm được sống vui vầy bên cha mẹ, bên người anh ruột thịt là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong đời tôi. Nhưng những ngày tháng êm đềm ấy không cùng tôi suốt cuộc đời. Khi hai anh em tôi mới mười bảy, mười tám tuổi thì cha mẹ chúng tôi đều lần lượt qua đời. Từ đó, chúng tôi lại càng yêu quý nhau hơn trước.

Không được cha mẹ dạy dỗ cho nữa, tôi và anh tôi đến xin học tại ông thầy họ Lưu. Chúng tôi đều cố gắng chăm chỉ học hành nên được thầy Lưu yêu như con. Thầy Lưu có một người con gái, tuổi chừng mười sáu, mười bảy rất xinh đẹp, dịu dàng, con gái trong vùng ít ai sánh kịp. Từ khi hai anh em tôi đến học, cô gái có vẻ quấn quýt với hai anh em chúng tôi lắm. Một hôm, nhà nấu cháo, cô gái múc một bát cháo và một đôi đũa mời chúng tôi ăn. Cầm bát cháo từ tay cô gái, tôi nghĩ: “Anh mình lớn hơn mình, vì vậy mình phải nhường cho anh ăn trước mới phải.”. Nghĩ vậy, tôi bèn mời anh ăn trước. Sau đó, anh tôi đã lấy cô gái làm vợ. Việc mời ãn cháo chính là một cái cớ để cô gái phân biệt được chúng tôi ai là anh, ai là em. Cũng từ khi anh tôi lấy vợ, tôi cảm thấy rằng tình cảm anh em giữa chúng tôi hình như không được thắm thiết như trước nữa thì phải. Tôi buồn lắm nhưng anh tôi vẫn vô tình không để ý đến. Một buổi chiều nọ, anh và chị dâu đã đi vắng, tôi ngồi trước cửa và nhìn ra khu rừng xa xa. Càng nghĩ, tôi càng cảm thấy mình là đồ thừa trong cái gia đình nhỏ bé, hạnh phúc này.

Vừa tủi thân, lại cảm thấy thật cô đơn, tôi vùng đứng dậy ra đi. Tôi cứ đi mãi, đi mãi đến khi rừng già ở trước mắt. Theo con đường mòn, tôi đi thẳng vào rừng. Trời đã tối, trăng đã lên cao. Tôi đi mải miết cho tới khi gặp một con suối rộng, nước sâu và xanh biếc trong rừng. Không thể lội qua được, tôi đành ngồi nghỉ bên bờ. Tôi đã khóc, khóc nhiều lắm. Đêm đã khuya, sương lạnh rơi xuống mỗi lúc một nhiều. Những giọt sương cứ thấm dần, thấm dần vàò da thịt tôi. Cuối cùng tôi đã chết mà vẫn ngồi trơ trơ, biến thành tảng đá vôi như bây giờ. Tôi có ngờ đâu, anh tôi về nhà, không thây tôi đâu bèn vội vàng đi tìm nhưng không nói cho ai biết cả. Cũng theo con đường tôi đã đi. Anh cũng tới được con suối rộng, nước xanh biếc đang chảy cuồn cuộn dưới ánh trăng vàng. Không lội qua được nữa, anh tôi bèn ngồi xuống, tựa lưng vào tảng đá bên bờ suối. Anh có ngờ đâu tảng đá ấy chính là đứa em ruột thịt của mình. Anh cứ ngồi đấy gọi tên tôi, những giọt sương từ cành lá rơi lã chã xuỏng vai áo anh, thấm vào da thịt anh. Anh tôi đã ngất đi và chết cứng, biến thành một cái cây không cành mọc thẳng lên bên tảng đá. Cái cây cứ rì rào, rì rào, tán lá trên cao như nói lời xin lỗi muộn màng. Anh ơi, em sẵn sàng tha thứ cho anh bởi vì chúng ta là ruột thịt của nhau, chính em phải nói lời xin lỗi với anh. Tôi chỉ muốn hét thật to lên như vậy. Nhưng đâu còn thời gian nữa, giờ đây, tôi đã biến thành tảng đá. Đá thì làm sao nói được.

Dân trong vùng gọi tôi là đá vôi, anh tôi là cây cau còn người chị dâu là cây trầu.

Ở nhà, chị dâu tôi chẳng thấy chồng đâu, cũng chẳng thấy em đâu bèn tất tả đi tìm. Bước thấp, bước cao. Cuối cùng chị cũng tới được con suối trong rừng. Cũng như anh em tôi, không lội qua được, chị đành ngồi lại bên bờ tựa lưng vào cái cây. Chị ơi, cái cây chị đang tựa vào chính là chồng của chị đấy. Tôi rất muốn nói cho chị biết điều đó. Chị dâu tôi cứ ngồi đấy, than khóc, vật vã. Chưa đầy nửa đêm, chị đã mình gầy xác ve, thân dài lêu nghêu biến thành cây leo cuốn chặt lấy cây không cành, về sau, chuyện chúng tôi đến tai mọi người, ai nấy đểu thương xót. Dân trong vùng gọi tôi là đá vôi, anh tôi là cây cau còn người chị dâu là cây trầu. Tôi cũng rất mong rằng bây giờ cũng sẽ có những tình cảm anh em vợ chồng gắn bó như chúng tôi đây.

 

Bài mẫu số 6: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Kể lại truyện “Thạch Sanh” theo lời của Thạch Sanh

 Tôi là Thạch Sanh, vốn là con của Ngọc Hoàng được vua cha sai xuống để tìm hiểu đời sống trần gian, tôi được đầu thai làm con của một gia đình người đốn củi nghèo nhưng lương thiện. Vừa ra đời chưa được bao lâu thì bố mẹ mất, tôi trở thành đứa bé mồ côi không nơi nương tựa. Cả gia tài bố để lại cho tôi là một cây rìu, tôi đốn củi bán kiếm sống qua ngày. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng từng ngày, luyện tập võ nghệ và trở thành một chàng trai khoẻ mạnh và tài năng. Một ngày, đang nghỉ ngơi dưới túp lều tranh thì tôi gặp một người tự xưng là Lí Thông. Hắn bỗng ngỏ ý kết nghĩa làm anh em với tôi, vốn đã tứ cố vô thân từ lâu, được người xưng nhận anh em khiến tôi cảm động vô cùng và đồng ý theo hắn về nhà ngay mà không mảy may biết rằng đằng sau đó là âm mưu lợi dụng sức khỏe của tôi để vụ lợi cho hắn.

 

Năm đó, trong làng có một con chằn tinh chuyên ăn thịt người, cứ vài ba tháng là dân làng phải dâng cho hắn một trai làng khoẻ mạnh không thì nó sẽ tác oai tác quái hại dân. Lần này, đến lượt mẹ con nhà của Lí Thông, mẹ con hắn tính toán lấy tôi làm vật thế chân, bảo là canh miếu thờ giúp hắn một đêm. Lúc này tôi vẫn tin tưởng và thật thà nhận lời, đồng ý vác rìu lên đường đến cảnh miếu. Về khuya, lúc tôi đang ngủ thì còn chằn tình ở đâu xuất hiện, bất ngờ quấn lấy người tôi. Không sợ hãi, tôi dõi theo tình hình rồi thừa cơ vung rìu chặt đầu nó, mang về khoe với mẹ con Lí Thông. Thấy tôi về, mẹ con hắn vô cùng hoảng sợ và lấy làm ngạc nhiên, khi nghe tôi kể lại đầu đuôi thì bảo với tôi nên trốn vì đó là vật vua nuôi, nếu không sẽ bị xử chết. Còn mẹ con hắn mang đầu chằn tinh đi nhận thưởng. 

 

   Tôi không hề biết điều đó, nghe lời, quay lại túp lều xưa của mình sống. Một buổi sáng, tôi đang đốn củi, vô tình ngẩng lên trời thì thấy một con đại bàng lớn cắp theo một cô gái, tiếng kêu cứu thất thanh. Lần theo dấu vết đại bàng, tôi tìm tới tận cửa hang của nó, xông vào cứu người thì con đại bàng tấn công. Tôi ra tay quyết liệt và giết được nó, cứu công chúa, lần này Lí Thông thừa cơ lấp cửa hàng và đưa công chúa trở về nhận công lao. Chính bây giờ, tôi mới thực sự rõ tâm địa ác độc của người anh em mình. Đi lần khắp nơi trong hang tìm cửa ra thì tôi phát hiện thêm một người nữa bị đại bàng bắt là con vua Thủy Tề, xuống thủy cung chơi và được vua cha ban tặng cây đàn thần. Trở về chưa được bao lâu, một đêm hồn chằn tinh và đại bàng tìm cách cách báo thù đã đẩy tôi vào ngục vì án oan. Trong ngục, quá buồn chán tôi mang đàn ra gảy thì được sai nha dẫn đến trước mặt gặp nhà vua. Công chúa nhận ra tôi và kể lại đầu đuôi sự việc, tôi được minh oan rửa tội, nàng sau khi khỏi bệnh đã chọn tôi làm phò mã. Mẹ con Lí Thông lúc này mới chịu nhận tội, tôi được vua giao quyền trừng phạt. Dù rất tức giận nhưng tôi đã cho họ một con đường sống để trở lại làm người lương thiện. 

 

   Khi giặc ngoại xâm tới xâm chiếm lãnh thổ, tôi giúp vua cha thu phục 80 nước chư hầu bằng cây đàn thần vua Thủy Tề tặng, với những tiếng đàn làm rệu rã tinh thần quân lính. Bên cạnh đó, tôi còn thách đố chúng ăn hết niêu cơm nhỏ xíu nhưng chẳng ai có thể ăn hết, bởi đó là niêu cơm thần, cứ hết lại có, vơi lại đầy. Từ đó, đất nước sống trong thanh bình, hai vợ chồng tôi sống trong hạnh phúc với sự bình an của muôn dân. Tôi vẫn luôn tin rằng, người tốt sẽ gặp được điều may mắn trong cuộc sống, kẻ độc ác ắt sẽ bị trừng trị đích đáng.

 

Bài mẫu số 7: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Kể lại truyện “Cô bé quàng khăn đỏ” theo lời của cô bé quàng khăn đỏ

Tôi là một cô bé năm nay lên 7 tuổi, tôi rất yêu quý bà ngoại của mình và ngoại tôi cũng vậy, rất yêu thương và lo lắng cho tôi. Ngoại hay tặng tôi quà, đặc biệt có chiếc khăn đỏ rất đẹp tôi vô cùng thích. Tôi thường đội nó trên đầu như một thói quen nên mọi người hãy gọi tôi là “cô bé trùm khăn đỏ”. Một hôm, bà tôi bị ốm, mẹ làm bánh và dặn tôi mang qua biếu bà, trước khi đi mẹ có nhắc nhở và bảo với tôi rằng: “Con đi đường thẳng, đến nhà bà luôn nhé, đừng la cà. Đường vòng qua rừng có rất nhiều chó sói đấy.”

 

Tôi vâng lời mẹ rồi nhanh chân đưa giỏ bánh qua nhà bà. Nhưng trên đường đi, nhiều bông hoa đẹp rực rỡ sắc màu, những chú bướm tung tăng bay lượn giữa khu rừng tuyệt đẹp đã thu hút tôi, khiến tôi quên mất lời mẹ dặn trước khi đi, cứ theo đường rừng mà vào chẳng mảy may suy nghĩ. Vừa tung tăng một đoạn thì tôi gặp một bạn sóc nhỏ xinh xinh, chúng tôi nói chuyện một lúc rồi sóc bảo với tôi rằng: “Cô bé quàng khăn đỏ ơi, cô quên lời mẹ dặn à. Mẹ cô dặn phải đi đường thẳng, không được đi đường vòng qua rừng kẻo chó Sói ăn thịt cơ mà. Cô nghe lời mẹ dặn đi.” Nhưng tôi vẫn một mực đi, cố tình không để ý, đi đoạn đường vòng qua rừng để ngắm hoa thơm.

 

Đến giữa khu rừng, tôi hoảng hốt khi bắt gặp một con sói to, nhảy ra từ bụi rậm bên đường và hỏi tôi rằng: “Này, nhóc con, đang tung tăng đi đâu thế?”.  Điệu bộ hống hách của sói khiến tôi sợ hãi vô cùng nhưng vẫn cố trấn an mình và trả lời sói: “Cháu đang đi đến nhà bà ngoại ạ.”. Tôi không nghĩ nó âm mưu muốn ăn thịt hai bà cháu tôi nên khi chó sói hỏi nhà bà ngoại đâu, tôi vẫn thật thà trả lời: “Nhà bà ngoại cháu ở bên kia khu rừng này. Ngôi nhà mà có cái ống khói cao tít ấy, chỉ cần đẩy cửa là vào nhà được luôn”. Không ngờ khi vừa dứt lời, chó sói bỏ tôi một mình ở đó rồi chạy thẳng một mạch. Tôi mừng rỡ vì thoát được tên sói hung hăng, tranh thủ hái thêm vài bông hoa rồi đến nhà bà. Vừa đến nhà bà thì thật lạ, cửa nhà bà mở toang, không có ai. Tôi gọi bà mãi, không thấy trả lời, bèn tiến vào bên giường, hỏi thăm và thưa với bà mẹ bảo mang bánh sang. Càng nhìn bà, tôi càng thấy lạ, bèn cất tiếng hỏi;

 

– Bà ơi! Sao hôm nay tai bà to thế?

 

– Tai bà to để bà nghe cháu nói được rõ hơn. 

 

– Thế còn mắt bà, sao hôm nay mắt bà to thế?

 

– Mắt bà to để bà nhìn cháu được rõ hơn. Thấy chiếc miệng của bà rất khác so với ngày thường, tôi hốt hoảng hỏi bà trong hoảng sợ:

 

– Thế còn mồm bà, sao……sao….sao.. hôm nay mồm bà to thế?

 

Vừa nói xong, sói ôm ngoàm lấy tôi và nuốt chửng. Tôi vô cùng hãi hùng và hoảng sợ. May sao có bác thợ săn đi quá, đoán rằng sói đã ăn thịt bà bèn mổ bụng hắn và cứu hai bà cháu tôi ra. Tôi và bà ôm nhau vui mừng, cảm ơn bác.

Trên đường về nhà, tôi thấy ân hận vô cùng, hứa từ nay sẽ nghe lời mẹ và không ham chơi nữa. 

 

Bài mẫu số 8: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Kể lại truyện “Ba chiếc rìu” theo lời của chàng tiều phu

Tôi vốn mất bà mẹ từ khi còn nhỏ, lớn lên với tài sản bố mẹ để lại là chiếc rìu quý giá. Để kiếm sống, mỗi ngày tôi lên rừng kiếm củi đem bán lấy tiền cho dân làng trong xóm. Bên bìa rừng có một con sông lớn, nước chảy mạnh, ít khi đến gần vì lỡ rơi xuống là rất khó để cứu được. Một ngày, như bao ngày khác tôi vác chiếc rìu lên rừng đốn củi, đang cần mẫn chặt từng nhánh củi và vui mừng vì vớ được nhành củi to thì chiếc rìu bỗng gãy. Mất cán, lưỡi rìu rơi xuống dòng sông. Dù biết bơi nhưng nước chảy mạnh, quá xiết tôi không thể xuống sông tìm nó. Buồn vì chiếc rìu là tài sản duy nhất tôi có, là công cụ để kiếm sống, vậy mà mất đi. Tôi tủi thân ngồi khóc một mình.

 Bất ngờ một cụ già mặt hiền từ, râu tóc bạc phơ xuất hiện, ông nhìn tôi rồi từ tốn hỏi:

 

 – Này con, gặp phải chuyện gì mà còn buồn quá vậy?

 

 Tôi bèn kể lại sự tình cho cụ nghe để giãi bày tâm sự cũng là để vơi đi nỗi buồn. Vì không biết mất đi cây rìu rồi tôi lấy gì để kiếm ăn nuôi thân đây nữa. Nghe câu chuyện của tôi xong, cụ mỉm cười rồi đáp:

 

– Ta tưởng chuyện gì, thôi đừng khóc nữa cháu ạ, để ta giúp con lấy chiếc rìu ấy lên. Tôi mừng rỡ cảm ơn rối rít ngồi chờ đợi cụ.

 

Cụ lao xuống sông nhanh chóng, một lúc sau thấy cụ ngồi lên mặt nước cầm theo chiếc rìu bằng bạc sáng loáng rồi hỏi tôi:

 

– Đây có phải lưỡi rìu của con không?

 

– Dạ không phải ạ. Tôi trả lời cụ trong thất vọng nặng nề.

 

Thế là cụ lại lao xuống sống lần thứ hai, lần này cụ cầm trên tay một lưỡi rìu bằng vàng sáng chói, tôi lại lắc đầu thất vọng và nói với cụ:

 

– Chiếc rìu của con bằng sắt cơ ạ.

 

 Lần thứ ba cụ lao mình xuống sông để giúp tôi, tôi thầm nghĩ chắc cũng không có mà lại khiến cụ thêm vất vả. Ngồi đợi hồi lâu thì thấy cụ lên bờ và cầm theo chiếc rìu bằng sắt của tôi.

Tôi thấy thế bèn reo lên sung sướng, thế là cuối cùng cũng tìm được chiếc rìu của mình rồi, tôi hạnh phúc vô bờ.

Sau đó, cụ đưa cho tôi chiếc rìu của mình và nói:

 

 – Con quả là người trung thực, không tham lam tiền bạc. Nay ta tặng thêm cho con hai lưỡi rìu bằng bạc và vàng này. Con cứ xem đó là phần thưởng cho sự thật thà của mình.

 

 Tôi bất ngờ vô cùng, từ chối không được, sau cũng vui vẻ nhận lấy và cảm ơn cụ. Vừa lúc đó cụ biến mất trong chớp mắt, giờ tôi mới nhận ra là mình vừa được bụt giúp đỡ.

Từ đó, cuộc sống của tôi ngày một thuận lợi và khá giả hơn, tôi đem những phần thưởng của mình giúp đỡ những người dân nghèo khổ quanh mình. 

 

Bài mẫu số 9: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Kể lại truyện cổ tích “Cây khế” theo lời của người em Út

Bố mẹ tôi mất sớm, từ nhỏ tôi sống với anh hai. Gia đình tôi chỉ có hai anh em nên sống nương tựa vào nhau. Một thời gian sau, anh đi lấy vợ, anh không muốn cùng chung sống với tôi nên đòi chia gia tài, lợi dụng là anh cả cùng cô chị dâu tính toán, đã giành hết phần tài sản quý giá mà cha mẹ tôi để lại, anh chia cho tôi một mảnh đất nhỏ có cây khế ngọt trong vườn. Tôi biết phận mình là em út, cũng không đòi hỏi nhiều, nhận phần chia rồi về lo lắng làm ăn, cày thuê cuốc mướn sống qua ngày. Mùa khế đến, quả trĩu cành, quả nào cũng to, ngon ngọt, cây khế là tài sản vô cùng quý giá với tôi lúc này. Một hôm, có một con chim lạ bay đến, đậu trên cây khế ăn quả này đến quả khác, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon. Tôi xót ruột quá, nhưng không nỡ bắn chim, bèn than với nó rằng:

 

– Chim ơi, tôi chỉ có cây khế này nữa thôi, chim ăn hết quả rồi, tôi biết lấy gì nuôi thân. 

 

 Vừa dứt lời, chim bàn trả lời:

 

– Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.

 

Tôi vốn không tin lắm, nhưng vẫn nghe lời chim, may chiếc túi vừa vặn, rồi chim đến chở tôi ra một hòn đảo nhỏ, nơi đây nhiều vàng bạc khôn xiết. Nghe lời chim, tôi lấy đầy túi rồi chim mang tôi trở về nhà. Từ đó, cuộc sống của tôi trở nên khá giả hơn, đỡ cực khổ và vất vả hơn nhiều. Mọi người ai nấy cũng mừng cho tôi, người anh trai tôi biết chuyện thì năn nỉ đòi tôi đổi gia tài. Được tôi đồng ý, hai vợ chồng anh chuyển về sống nơi căn nhà cũ, khi khế kết quả, họ chực chờ chim bay đến ăn từng ngày. Như thường lệ, năm nay chim cũng bay đến ăn. Anh tôi cũng than thở với chim như trước, được chim lạ dặn dò như lời chim dặn với tôi. Thế là vợ chồng anh nhanh chóng may túi, do tính tham lam nên anh may cái túi to đùng phải tới mười gang tay để mang đi. Sáng hôm ấy, chim lạ chở anh tôi ra hòn đảo cũ. Anh nhanh tay chất đầy vàng bạc vào túi khổng lồ của mình, rồi cố nhét thêm vào túi trên người cho đầy. Chim lạ chở anh tôi về, nhưng đồ nặng quá, khi qua biển gặp phải trận gió mạnh khiến cánh chim bị nghiêng, anh tôi cùng bao châu báu rơi chìm xuống biển sâu. 

 

Anh chết, chị dâu phải sống cảnh cô độc, một mình nuôi hai đứa con. Tôi thương anh chị vô cùng và tự nhủ mình phải thật thà lương thiện, không được tham lam, ích kỷ, hẹp hòi để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Như vậy chúng tôi đã gợi ý Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó bài tiếp theo, các em chuẩn bị cho phần Hãy kể lại một câu chuyện mà em thích nhất trong những truyện đã được học và cùng với phần Hãy kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn để có thể hiểu rõ hơn về nội dung này.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button