Đề bài: Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết
This post: Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết
Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết
Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết là nội dung bài tập mà các em học sinh cần hoàn thành trong bài Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia được học trong tuần 21, chương trình Tiếng Việt lớp 4, trang 25. Các em hãy cùng tham khảo những bài văn mẫu được giới thiệu dưới đây để có thêm gợi ý hay cho bài viết.
I. Dàn ý Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết
1. Mở bài
– Giới thiệu về người có khả năng hoặc sức khỏe đặc biệt
- Người đó là ai
- Người ấy có gì đặc biệt (Khả năng hay sức khỏe đặc biệt)
2. Thân bài
– Hoàn cảnh em được chứng kiến, gặp người đặc biệt
– Hình dáng/ Ngoại hình của người ấy như thế nào?
– Tả hành động, chi tiết chứng tỏ khả năng đặc biệt của người ấy
– Em có cảm nhận gì khi được chứng kiến những hành động ấy?
3. Kết bài
Khái quát về người đó.
II. Bài văn mẫu Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết
1. Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết, mẫu số 1 (Chuẩn):
Trong một lần đi học về, ngồi sau xe bố em đã tình cờ bắt gặp hình ảnh một người ca sĩ đặc biệt đang biểu diễn trên sân khấu đơn sơ, nhỏ bé, đó là một người nghệ sĩ khuyết tật của đoàn văn nghệ nhân đạo.
Cũng giống bao lần tan học khác, em được bố chở trên chiếc xe máy cũ. Đến ngã tư đường Lê Đức Thọ- Hàm Nghi, khi bố dừng xe chờ đèn đỏ, em đã nhìn thấy một người ca sĩ đang cất lên tiếng hát ngọt ngào, tha thiết. Người ca sĩ này thật đặc biệt bởi cô không khoác lên mình những bộ trang phục lộng lẫy, không biểu diễn trên sân khấu lớn với ánh đèn rực sáng, trên mắt cô là cặp kính đen bởi đôi mắt cô không thể nhìn thấy ánh sáng. Cô là người ca sĩ khiếm thị của đoàn văn nghệ nhân đạo.
Ngay giữa phố thị đông đúc, ồn ào người qua, người lại, cô ca sĩ khiếm thị vẫn lặng lẽ cất lên những tiếng hát thật đẹp, thật trong. Nhìn thấy hình ảnh của cô, em thất rất thương cảm và xúc động. Vào giờ tan tầm, khi mọi người đều vội vàng về nhà thì có mấy ai có thể thưởng thức trọn vẹn từng tiếng hát của cô. Thế nhưng người ca sĩ ấy vẫn hát bằng tất cả tình cảm của mình, tiếng hát của cô như xua bớt đi những mệt mỏi, căng thẳng của một ngày dài: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”.
Em rất cảm phục tài năng và cả nghị lực của cô ca sĩ khiếm thị trong lần tình cờ gặp gỡ ấy. Tuy không thể nhìn thấy, phải chịu nhiều bất hạnh nhưng cô ca sĩ ấy vẫn nỗ lực vươn lên để sống có ích, sống hết mình cho đam mê. Nhiệt huyết ấy, nghị lực ấy không phải ai cũng có.
Em đã xin bố dừng xe bên đường ít phút để dùng số tiền tiêu vặt mình có quyên góp vào thùng tiền từ thiện để ven đường. Bố em cũng rất vui trước hành động của em.
Sau lần gặp gỡ cô ca sĩ khiếm thị, em tự hứa sẽ cố gắng học tập tốt để mai sau có thể trở thành một người có ích cho xã hội.
2. Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết, mẫu số 2 (Chuẩn):
Chủ nhật tuần vừa qua, khi xem ti vi cùng bà nội, em đã xem được đoạn phim tài liệu nói về thầy Nguyễn Ngọc Kí. Thầy là một nhà giáo ưu tú cũng là một tấm gương sáng về nghị lực.
Thầy Nguyễn Ngọc Kí sinh ra đã bị liệt cả hai tay, không thể cầm bút nên thầy không thể đến trường học tập như các bạn cùng trang lứa. Hoàn cảnh trớ trêu là vậy, thế nhưng bằng tinh thần hiếu học và tinh thần không chịu khuất phục trước khó khăn, thầy đã luyện tập viết chữ bằng chân.
Quá trình luyện chữ của thầy cũng gặp rất nhiều khó khăn, cũng thất bại không ít lần nhưng thầy không từ bỏ. Sau những nỗ lực bỏ ra, thầy Nguyễn Ngọc Kí đã viết được những nét chữ ngay ngắn, đẹp đẽ. Nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh, thầy đã được đến trường, được đi học.
Ngày nay thầy Nguyễn Ngọc Kí đã trở thành người giáo viên vô cùng ưu tú, thầy là tấm gương sáng cho em và rất nhiều bạn học sinh khác noi theo.
3. Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết, mẫu số 3 (Chuẩn):
Nhật Minh là người bạn cùng lớp em rất yêu quý và ngưỡng mộ. Nhật Minh không chỉ là thành viên có thành tích học tập tốt nhất lớp mà còn là người thường xuyên giúp đỡ bạn bè, em còn ngưỡng mộ Nhật Minh bởi bạn có một sức khỏe phi thường.
Vì nhà cách trường 1 ki lô mét nên em và những bạn học sinh cùng khu thường đến trường bằng xe đạp. Trong một lần từ trường về nhà, do không để ý đường nên em đã đâm phải một cục gạch lớn trên đường mà ngã. Chân trái của em do cọ mạnh xuống đường mà bị trầy một mảng, có chỗ rớm máu. Vừa đau, vừa sợ nên em òa khóc giữa đường. Khi ấy đường rất vắng người qua lại vì đã gần 12h trưa, trên đường chỉ có một số bạn học sinh đạp xe về giống em, mọi người đều vội về và cũng do không quen biết nên cũng chỉ nhìn rồi đi qua.
Đúng lúc ấy, Nhật Minh đã đi đến và dựng xe hỏi thăm em. Vì chân em rất đau, lại không thể đi lại được, Nhật Minh đã bảo em đứng chờ để Minh mang xe gửi chỗ bác bảo vệ trường, sau đó Nhật Minh quay lại và dùng xe của mình chở em đến trạm xá xử lí vết thương.
Giữa trưa hè nắng gắt, Nhật Minh chở em trên chiếc xe đạp, trên trán bạn lấm tấm những giọt mồ hôi. Em rất cảm động trước sự giúp đỡ nhiệt tình của Minh và cũng rất cảm phục trước sức khỏe của bạn. Có thể nói với một cô gái bé nhỏ chỉ dong chiếc xe đạp cũng thấy nặng như em thì việc chở em trên chiếc xe đạp cũ của Minh tựa như một siêu nhân ngoài đời thực. Nhờ có Minh mà vết thương trên chân của em được xử lí kịp thời. Sau khi bố em biết tin đã đến trạm xá đón em và Minh về nhà.
Nhật Minh không chỉ học giỏi mà còn tốt bụng, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè. Em thấy biết ơn và may mắn khi quen biết và trở thành bạn của Minh.
——————HẾT——————–
Để củng cố kĩ năng kể chuyện, bên cạnh bài Kể chuyện về một người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em biết, các em có thể tham khảo thêm: Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thần kiên trì vượt khó, Kể về một chuyến ra thành phố, Kể về một cuộc thăm hỏi gia đình liệt sĩ neo đơn, Kể lại một trận thi đấu bóng đá.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục