Cùng Mầm Non Ánh Dương tìm hiểu: hoạt động giao tiếp là gì, các nhân tố cấu thành nên hoạt động giao tiếp là gì, tầm quan trọng của hoạt động giao tiếp,…
Hoạt động giao tiếp là gì?
Hoạt động giao tiếp là hoạt động trao đổi tư tưởng, tình cảm, thông tin giữa con người với con người trong xã hội. Giao tiếp được thực hiện bằng nhiều loại phương tiện, trong đó ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất.
This post: Hoạt động giao tiếp là gì? Các nhân tố cấu thành hoạt động giao tiếp? Vì sao giao tiếp bị thất bại
Giao tiếp là một quá trình hoạt động trao đổi thông tin giữa người nói và người nghe nhằm đạt được một mục đích nào đó. Thông thường, giao tiếp trải qua ba trạng thái: (1) Trao đổi thông tin, tiếp xúc tâm lý; (2) Hiểu biết lẫn nhau; (3) Tác động và ảnh hưởng lẫn nhau.
Hình 1.1: Một số hoạt động của giao tiếp
Giao tiếp là một quá trình phức tạp và được cấu thành bởi rất nhiều những yếu tố khác nhau như: người gửi, người nhận, thông điệp, kênh thông tin (có lời, không lời), bối cảnh… Tuy nhiên, có 3 yếu tố cơ bản cần phải được chú trọng trong quá trình rèn luyện kỹ năng giao tiếp đó là:
– Chủ thể và đối tượng tham gia quá trình giao tiếp: (người gửi và người nhận):
Mỗi một cá nhân tham gia giao tiếp là một con người cụ thể, khác biệt về tính khí, tính cách, nhu cầu, sở thích, niềm tin… Chính vì điều này, trong giao tiếp rất dễ xuất hiện hiện tượng hiểu sai nghe nhầm.
– Thông điệp: Nội dung cần chuyển tải. Trong quá trình giao tiếp, thông điệp không phải lúc nào cũng dễ hiểu và dễ nhận thấy mà nó còn có những “nội dung ẩn” phía sau. Thông điệp có thể đơn thuần chỉ mang tính thông tin nhưng có nhiều trường hợp đan xen với cảm xúc, mong đợi, nhu cầu, sở thích… của các đối tượng tham gia giao tiếp.
– Kênh thông tin: Ngôn ngữ có lời hoặc không lời (cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nụ cười,…)
Phân loại các hoạt động giao tiếp
Có nhiều kiểu giao tiếp khác nhau dựa trên những tiêu chí khác nhau.
– Xét trên hoạt động giao tiếp trong xã hội, có thể chia thành ba loại:
Giao tiếp truyền thống: là các mối quan hệ giữa người và người hình thành trong quá trình phát triển xã hội, đó là quan hệ giữa ông bà, cha me, con cái, hàng xóm… và cuối cùng trở thành văn hoá ứng xử riêng trong xã hội.
Giao tiếp chức năng xuất phát từ sự chuyên hoá trong xã hội, ngôn ngữ… đó là những quy ước, những chuẩn mực, thông lệ chung trong xã hội cho phép mọi người không quen biết nhau, rất khác nhau nhưng khi thực hiện những vai trò xã hội đều sử dụng kiểu giao tiếp đó (như quan hệ giữa xếp và nhân viên, người bán và người mua, chánh án và bị cáo…).
Giao tiếp tự do là những quy tắc và mục đích giao tiếp không quy định trước như khuôn mẫu, nó xuất hiện trong quá trình tiếp xúc, tuỳ theo sự phát triển của các mối quan hệ. Loại hình giao tiếp này trong cuộc sống thực tế là vô cùng phong phú, trên cơ sở những thông tin có được và để giải toả xung đột mỗi cá nhân.
– Xét về khoảng cách tiếp xúc có hai loại trực tiếp và gián tiếp.
Giao tiếp trực tiếp là phương thức mặt đối mặt sử dụng ngôn ngữ nói và phương thức phi ngôn ngữ (cử chỉ, hành động…) trong quá trình giao tiếp.
Giao tiếp gián tiếp là phương thức thông qua một phương tiện trung gian khác như: thư từ, fax, email…
– Xét trên số người tham dự gồm các loại như:
Giao tiếp song phương (hai người giao tiếp với nhau)
Giao tiếp nhóm (trong tập thể)
Giao tiếp xã hội (quốc gia, quốc tế…).
– Xét trên tính chất giao tiếp gồm hai loại:
Giao tiếp chính thức là loại hình giao tiếp có sự ấn định của pháp luật, theo một quy trình đã được thể chế hoá.
Giao tiếp phi chính thức không có tính ràng buộc hay mang nặng tính cá nhân, nhưng vẫn phải tuân theo các thông lệ, quy ước thông thường.
– Xét theo nghề nghiệp có các loại như giao tiếp sư phạm, giao tiếp ngoại giao, giao tiếp kinh doanh…
Các nhân tố cấu thành nên hoạt động giao tiếp là gì?
– Các nhân tố chính trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ:
+ Nhân vật giao tiếp: Gồm người nói và người nghe.
+ Nội dung giao tiếp (thông tin trong văn bản nói, viết).
+ Mục đích, hoàn cảnh giao tiếp: Thời gian, không gian, văn hóa, lịch sử, xã hội…
+ Phương tiện và cách thức giao tiếp.
Tầm quan trọng của hoạt động giao tiếp
– Giao tiếp là cách thức để cá nhân liên kết và hòa nhập với nhóm, với xã hội. Thông qua giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, con người trao đổi thông tin với nhau, hiểu được nhau, để hành động và ứng xử phù hợp với hoàn cảnh và những chuẩn mực do xã hội quy định.
– Trong giao tiếp, người ta cần làm thế nào để cảm nhận, hiểu được hành vi, ý nghĩ của người có quan hệ giao tiếp, của người cùng hoạt động với mình, đánh giá được thái độ, quan điểm, mục đích của người giao tiếp để đưa ra các hành động giao tiếp hiệu quả, được xã hội chấp nhận.
Nguyên nhân khiến hoạt động giao tiếp thất bại
Quá trình giao tiếp diễn ra có hiệu quả hay không là do người phát và người nhận thông tin có chung hệ thống mã hóa và giải mã hay không. Những khác biệt về ngôn ngữ, về quan điểm, về định hướng giá trị khiến quá trình giao tiếp bị ách tắc, hiểu lẫm, gây mâu thuẫn giữa các bên.
Nhận thức của các bên tham gia giao tiếp là yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất đến hoạt động giao tiếp.
Trạng thái cảm xúc của người giao tiếp, niềm tin và quan điểm sống của người tham gia giao tiếp sẽ quyết định thông tin nào được chọn lọc tiếp nhận hoặc bị bóp méo.
Ngoài ra, có thể kể thêm một số yếu tố dẫn đến giao tiếp thất bại :
- Thông điệp đưa ra sai.
- Sử dụng phương pháp giao tiếp sai.
- Thông điệp không gửi đúng đối tuợng.
- Không có thông điệp nào đuợc đưa ra.
- Sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên
Ví dụ: phân tích hoạt động giao tiếp trong các tác phẩm văn học
Ví dụ 1: Phân tích các nhân tố giao tiếp trong bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương.
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
– Nội dung giao tiếp: Có thể thấy, bài thơ là một sản phẩm của hoạt động giao tiếp giữa nhà thơ và người đọc. Hồ Xuân Hương đã “giao tiếp’’ với người đọc về vấn đề giá trị và thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, nhằm mục đích ngợi ca, khẳng định phẩm chất đẹp đẽ, sáng trong của họ và lên án sự bất công của xã hội.
– Phương tiện và cách thức giao tiếp: Nội dung và mục đích được thể hiện qua hình ảnh ẩn dụ bánh trôi nước, và hệ thống từ ngữ trong bài: trắng, tròn, thân, bảy nổi ba chìm, mặc dầu, mà em vẫn giữ tấm lòng son.
– Người đọc (nghe) một mặt căn cứ vào chính những từ ngữ và hình ảnh trong bài, mặt khác dựa vào hoàn cảnh giao tiếp (tác giả là một phụ nữ xinh đẹp, tài hoa, nhưng lận đận) để hiểu và cảm nhận bài thơ.
Ví dụ 2:
Đọc đoạn văn bản (SGK) và trả lời câu hỏi:
Vua Trần trịnh trọng hỏi các bô lão:
– Nước Đại Việt ta tuy là một nước nhỏ ở phương Nam nhưng luôn bị nước ngoài nhòm ngó. Tự cổ xưa đến giờ thật chưa có khi nào giặc mạnh và hung hãn như ngày nay. Chúng sẽ kéo sang năm mươi vạn quân, bảo rằng: “ Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được ở chỗ ấy!”. Vậy nên liệu tính sao đây?
Mọi người xôn xao tranh nhau nói:
– Xin bệ hạ cho đánh!
– Thưa chỉ có đánh!
Nhà vua nhìn những khuôn mặt đẹp lồng lộng, hỏi lại một lần nữa:
– Nên hòa hay nên đánh?
Tức thì muôn miệng một lời:
– Đánh! Đánh!
Điện Diên Hồng như rung chuyển. Người người sục sôi.
a). Các nhân vật giao tiếp trong hoạt động giao tiếp trong văn bản gồm: Vua Trần Nhân Tông, các bô lão và những người khác.
b). Trong hoạt động giao tiếp trên, người nói và người nghe luôn đổi vai cho nhau. Lúc đầu vua Trần Nhân Tông là người nói, các bô lão là người nghe, sau đó, các bô lão là người nói “Xin bệ hạ cho đánh”, “Thưa, chỉ có đánh”… “Đánh! Đánh!”.
+ Người nói đầu tiên là vua Trần Nhân Tông thực hiện hành động “Trịnh trọng hỏi”. Khi mọi người đáp (trở thành người nói) thì có hành động “xôn xao, tranh nhau nói”.
+ Lần thứ hai, vua trở thành người nói và động tác kèm theo là “nhìn những khuôn mặt đẹp lồng lộng, hỏi lại lần nữa”; còn những người nghe là các bô lão, cuối cùng trở thành người nói qua hành động “… tức thì, muôn miệng một lời”.
c) Hoàn cảnh giao tiếp
+ Địa điểm tại điện Diên Hồng.
+ Thời gian thời vua Trần Nhân Tông, khi đó nước ta đang bị đế quốc Nguyên – Mông đe dọa xâm lăng.
d) Hoạt động giao tiếp trên hướng vào nội dung thảo luận nhiệm vụ quốc gia khi có giặc ngoại xâm. Vấn đề cụ thể trong hoạt động giao tiếp trên là: Nên hòa (đầu hàng) hay nên đánh?
e) Mục đích cuộc giao tiếp nhằm kêu gọi các bô lão, thông qua các bô lão để động viên, khích lệ toàn dân quyết tâm đánh giặc cứu nước và mục đích giao tiếp đó đã đạt được.
Qua bài viết ở trên, Mầm Non Ánh Dương đã giúp các bạn học sinh hiểu rõ hơn hoạt động giao tiếp là gì, các nhân tố cấu thành nên hoạt động giao tiếp, tầm quan trọng và nguyên nhân khiến hoạt động giao tiếp bị thất bại. Các em học sinh có thể truy cập website Mầm Non Ánh Dương để tìm hiểu những bài viết hữu ích, phục vụ cho quá trình học tập và thi cử.
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục