Giáo dục

Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

Đề bài: Em hãy phân tích hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

hinh tuong nguoi chien si cach mang trong bai tho dap da o con lon

This post: Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Đập đá ở Côn Lôn
 

Bài văn mẫu  Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

Phan Châu Trinh – một nhà cách mạng, nhà hoạt động cứu nước tiêu biểu những năm đầu thế kỉ XX. Đồng thời, ông còn là nhà văn, nhà thơ xuất sắc của dân tộc với nhiều tác phẩm có giá trị, thuộc nhiều thể loại khác nhau. Song, dù viết về thể loại nào đi nữa, những trang viết của ông vẫn luôn ngời sáng lên tấm lòng yêu nước sâu sắc và có thể nói bài thơ Đập đá ở Côn Lôn là một trong số những sáng tác như thế. Ra đời trong những ngày làm tù nhân lao động khổ sai ở Côn Đảo, bài thơ đã vẽ nên cho chúng ta hình ảnh người chiến sĩ cách mạng với những vẻ đẹp thật đáng quý.

Trước hết, bốn câu thơ mở đầu bài thơ đã khắc họa thành công hình ảnh người chiến sĩ cách mạng với tư thế thật hiên ngang, sừng sững giữa không gian sông núi, vũ trụ bao la, rộng lớn và thái độ lạc quan, tự chủ, coi thường mọi khó khăn, thử thách:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi sông
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn

Câu thơ mở đầu bài thơ “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn” đã miêu tả chân thực bối cảnh sống, làm việc của người tù cách mạng tại Côn Đảo – nơi những người chiến sĩ cách mạng bị giam cầm và phải chịu cảnh lao động khổ sai khắc nghiệt, và tác giả cũng không ngoại lệ. Đồng thời, câu thơ còn cho chúng ta thấy được tư thế của chính người cách mạng- người tù nhân. Họ “đứng giữa” núi, giữa đất Côn Lôn nghĩa là họ đang đứng với một tư thế đáng hoàng, hiên ngang sừng sững và làm chủ đất trời, làm chủ vũ trụ bao la rộng lớn. Và để rồi, trên chính cái phông nền ấy, trong ba câu thơ tiếp theo, tác giả đã đi sâu miêu tả công việc đập đá của người cách mạng và qua đó làm bật nổi lên vẻ đẹp ý chí, tinh thần của họ. Giữa nắng gió biển khơi nơi mảnh đất Côn Đảo, ngày ngày, những người tù vẫn phải làm công việc đập đá – một công việc gian nan, nặng nhọc và vất vả. Tác giả đã khắc họa tư thế của những người cách mạng bằng hàng loạt các động từ mạnh “lừng lẫy”, “xách búa”, “đánh tan”, “đập bể” kết hợp với bút pháp cường điệu và giọng thơ hào hùng. Và để rồi, hình ảnh những người cách mạng hiện lên với tư thế thật đẹp và sức mạnh phi thường với hành động thật quả quyết. Dường như, họ đang biến công việc khổ sai thành một cuộc chinh phục thiên nhiên dũng mãnh và hành động đập đá của họ như một hành động để đập tan, để dẹp bỏ những bất công, những đen tối của xã hội. Như vậy, bốn câu thơ đầu bài thơ đã vẽ nên trước mắt chúng ta hình ảnh người chiến sĩ cách mạng với tư thế hiên ngang, sừng sững và khí phách, hành động mạnh mẽ, cao đẹp.

Nếu như trong bốn câu thơ mở đầu bài thơ, ta bắt gặp hình ảnh người cách mạng với tư thế hiên ngang, sừng sững thì trong bốn câu thơ còn lại, hình ảnh người cách mạng hiện lên với sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, ý chí kiên cường, chiến đấu sắt son và coi thường chốn ngục tù.

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng càng bền dạ sắt son

Hai câu thơ sử dụng thành công biện pháp đối lập thường thấy trong thơ ca truyền thống “tháng ngày” – “mưa nắng”, “thân sành sỏi” – “dạ sắt son” với giọng thơ tự nhiên như lời tự bạch tác giả cho thấy sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ và ý chí chiến đấu sắt son, kiên cường của những người cách mạng.

Dường như, những khó khăn, gian nan trên con đường hoạt động cách mạng không những không thể làm cho người cách mạng chùn bước, bỏ cuộc mà ngược lại nó như là một liều thuốc để họ có thêm ý chí, thêm nghị lực và để họ rèn luyện chính bản thân mình.

Hai câu thơ khép lại bài thơ như một lời tự ý thức sâu sắc về trách nhiệm của những người cách mạng đối với sự nghiệp của bản thân mình. Hơn ai hết, họ hiểu được đấy là công việc khó khăn, gian truân và vất vả nhưng rất đỗi vĩ đại và cao quý, thiêng liêng. Đồng thời, hai câu thơ cũng cho chúng ta thấy thái độ coi thường tù ngục và những khó khăn, vất vả trên con đường hoạt động cách mạng của họ.

Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể việc con con

Tóm lại, bài thơ Đập đá ở Côn Lôn với việc sử dụng thể thơ truyền thống, bút pháp lãng mạn và giọng thơ hào hùng đã xây dựng thành công hình tượng người chiến sĩ cách mạng với tư thế hiên ngang, ngang tàn, coi thường những gian truân, vất vả và dù rơi vào hoàn cảnh gian nan vẫn không bỏ cuộc, không nản chí, sờn lòng.

——————–HẾT——————–

Đập đá ở Côn Lôn là bài thơ thể hiện được cốt cách, bản lĩnh hơn người của người chiến sĩ cách mạng Phan Châu Trinh, tìm hiểu thêm về bài thơ, bên cạnh bài Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, các em có thể tìm đọc thêm: Cảm nhận về bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, Hình ảnh người anh hùng cứu nước qua bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, Em hãy nhận xét về giọng điệu bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của nhà thơ Phan Châu Trinh.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button