Đề bài: Hãy bàn luận câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi
This post: Hãy bàn luận câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước…
Bàn luận câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi
I. Dàn ý Hãy bàn luận câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi (Chuẩn)
1. Mở bài
– Dẫn dắt vào vấn đề nghị luận
– Giới thiệu khái quát về vấn đề nghị luận.
2. Thân bài
a. Giải thích vấn đề nghị luận
– Giải thích các khái niệm: “học”, “bơi thuyền ngược nước”, “tiến”, “lùi”.
– Giải thích nội dung ý nghĩa câu ngạn ngữ…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Hãy bàn luận câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi tại đây
II. Bài văn mẫu Hãy bàn luận câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi (Chuẩn)
Bàn về con đường học tập đầy rẫy những chông gai, thử thách, Lê-nin từng nói “Học, học nữa, học mãi” để khẳng định sự vận động và tiếp diễn không ngừng nghỉ của quá trình chiếm lĩnh tri thức. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: “Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi”. Câu ngạn ngữ trên đã ngầm khẳng định vai trò ý nghĩa cùng bản chất của việc học và tích lũy kiến thức.
Như chúng ta đã biết, học là quá trình tư duy để tiếp thu tri thức, trang bị những kiến thức, kĩ năng để phát triển và hoàn thiện nhân cách; còn “bơi thuyền ngược nước” là cách nói ẩn dụ để chỉ những khó khăn, chông gai trên con đường học vấn. Câu ngạn ngữ còn sử dụng hai động từ đối lập nhau để chỉ hai kết quả trái ngược mà con người thu được trên con đường chiếm lĩnh tri thức: “tiến” là động từ diễn tả sự chiến thắng và vượt lên những cản trở; còn “lùi” diễn tả sự tụt hậu và không tiến bộ. Như vậy, bằng cách nói đầy hình tượng thông qua phép so sánh việc học và “bơi thuyền ngược nước”, câu ngạn ngữ đã ẩn chứa một bài học triết lí về bản chất của việc học: quá trình học tập cần đi đôi với sự kiên trì, bền bỉ và diễn ra xuyên suốt trong cuộc đời của mỗi một con người. Nếu không thực hiện được điều này, không làm mới kiến thức của bản thân, chúng ta sẽ trở thành những con người tụt hậu và không thể bắt nhịp với sự vận động không ngừng nghỉ của dòng thời gian cũng như tốc độ phát triển của khoa học – kĩ thuật.
Con đường học tập của con người cần diễn ra kiên trì, bền bỉ bởi việc học không thể diễn ra trong giây lát mà cần trải qua quá trình tiếp thu, tích lũy. Hành trình gian nan, trắc trở đó diễn ra xuyên suốt không ngừng nghỉ bởi kho tàng kiến thức của nhân loại vô cùng bao la, rộng lớn, bao gồm tri thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Mặt khác, tri thức luôn là dòng chảy vận động không ngừng và phát triển song song với nhịp độ đổi thay của xã hội. Kho tàng kinh nghiệm, kiến thức của nhân loại bởi vậy ngày càng mở rộng, phát triển và trở nên phong phú, đa dạng, sinh động hơn. Con người chỉ có thể chiếm lĩnh và làm chủ tri thức khi học tập không ngừng và luôn giữ vững quyết tâm cùng tinh thần kiên trì, bền bỉ. Khi làm được điều này, chúng ta sẽ chiến thắng những cam go, thử thách trên con đường học vấn giống như người lái đò vượt qua những thác ghềnh của dòng nước lũ khi giữ vững tay chèo, bởi “Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào” (Ngạn ngữ Hi Lạp). Nếu người học “ngừng tay chèo” – ngừng học hỏi, ngừng tư duy thì kiến thức của bản thân sẽ trở nên hạn hẹp và tụt hậu giống như “bơi thuyền ngược nước”. Thực tế cuộc sống đã chứng minh, có rất nhiều tấm gương luôn miệt mài, hăng say trên con đường chiếm lĩnh tri thức, học tập không ngừng nghỉ để làm đầy kho tàng kiến thức của bản thân, đồng thời đem lại những đóng góp tích cực cho cuộc sống nhân sinh, xã hội. Đó là nhà bác học lừng danh Đác-uyn với vốn hiểu biết uyên thâm và phát minh ra nhiều công trình có ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống nhân loại nhưng vẫn kiên trì học hỏi, nghiên cứu với tâm niệm “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Đó là câu chuyện về quá trình học vẽ trứng gà của họa sĩ Lê-ô-na đơ Van-xi, nhờ tinh thần kiên trì bền bỉ đó mà sau này, ông đã trở thành danh họa nổi tiếng của thời đại Phục hưng. Chân trời kiến thức là hữu hạn và vô tận, bởi vậy quá trình học tập cần được diễn ra liên tục và tiếp diễn không ngừng: “Hiểu biết là ngọn nguồn chảy mãi, cơn khát không hút cạn được nó và nó cũng không bao giờ giải xong cơn khát” (F. Ruc-ke). Tuy nhiên, trong cuộc sống, vẫn có không ít người tự mãn về những gì mình đã biết, ngủ quên trên bục vinh quang và không có ý thức trau dồi, làm mới kiến thức của bản thân.
Qua ý nghĩa của câu ngạn ngữ trên, chúng ta có thể thấy được bản chất của việc học tập luôn gắn liền với quá trình vận động không ngừng nghỉ. Bởi vậy, con người cần xác lập cho bản thân một thái độ học tập đúng đắn, tích cực để giữ vững sự kiên trì, bền bỉ trên con đường chinh phục tri thức. Đồng thời, cần lựa chọn cho bản thân phương pháp học tập phù hợp để đưa con thuyền học tập cập bến tri thức.
Như vậy, câu ngạn ngữ trên đã ẩn chứa một bài học có ý nghĩa sâu sắc và giáo dục, khuyên răn con người cần không ngừng học hỏi với thái độ tích cực, kiên trì, bền bỉ. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần rèn luyện cho bản thân ý chí quyết tâm trong học tập, đồng thời lên án, phê phán những hiện tượng học tủ, học vẹt và lười tư duy đang diễn ra phổ biến trong tầng lớp thế hệ trẻ hiện nay.
———————HẾT————————-
Để trau dồi vốn kiến thức, rèn luyện kĩ năng viết bài nghị luận xã hội, bên cạnh bài Hãy bàn luận câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn đặc sắc khác như: Bàn luận về ý kiến của Ban-dắc: Lịch sự và khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hoá, Bàn luận về câu nói: Một điều nhịn chín điều lành, Bàn luận về câu nói: Tuổi trẻ cần có thói quen đẹp, đó là đọc sách…, Bàn luận về lí tưởng sống của thanh niên hiện nay.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)