Cùng Mầm Non Ánh Dương tìm hiểu hàng hóa là gì? Các thuộc tính cơ bản của hàng hóa.
Hàng hóa là gì?
Hàng hoá là một phạm trù lịch sử, nó chỉ xuất hiện khi có nền sản xuất hàng hoá, đồng thời sản phẩm lao động mang hình thái hàng hoá khi nó là đối tượng mua bán trên thị trường. Hàng hóa là sản phẩm của lao động, thỏa mãn mong muốn, nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi hay mua bán.
This post: Hàng hóa là gì? Các thuộc tính cơ bản của hàng hóa là gì?
Karl Marx định nghĩa hàng hoá trước hết là đồ vật mang hình dạng có khả năng thoả mãn nhu cầu con người nhờ vào các tính chất của nó. Để đồ vật trở thành hàng hoá cần phải có:
- Tính hữu dụng đối với người dùng
- Giá trị (kinh tế), nghĩa là được chi phí bởi lao động.
- Sự hạn chế để đạt được nó, nghĩa là độ khan hiếm.
Tuy nhiên, các giao dịch về chứng khoán, cổ phiếu, bất động sản thuộc quyền sở hữu nói chung, quyền sở hữu trí tuệ nói riêng là sức lao động của con người có được đều là hàng hóa, trong khi chúng không nhất thiết đáp ứng đầy đủ 3 tính chất trên.
Phân loại hàng hóa
Có rất nhiều tiêu thức để phân chia các loại hàng hoá như: hàng hoá thông thường, hàng hoá đặc biệt, hàng hoá hữu hình, hàng hoá vô hình, hàng hoá tư nhân, hàng hoá công cộng…
Dạng hữu hình như: sắt, thép, lương thực, thực phẩm….
Dạng vô hình như những dịch vụ thương mại, vận tải hay dịch vụ của giáo viên, bác sĩ, nghệ sĩ…
Các thuộc tính cơ bản của hàng hóa là gì?
Hàng hoá có hai thuộc tính cơ bản là giá trị sử dụng và giá trị. Giữa hai thuộc tính này có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau, nếu thiếu một trong hai thuộc tính thì không phải là hàng hoá.
Giá trị sử dụng của hàng hoá
Giá trị sử dụng của hàng hóa là gì? Giá trị sử dụng là công dụng của vật phẩm có thể thoả mãn nhu cầu nào đó của con người.
- Nhu cầu trực tiếp như: ăn, mặc, ở, phương tiện đi lại…
- Nhu cầu gián tiếp như: các tư liệu sản xuất…
Bất cứ hàng hoá nào cũng có một hay một số công dụng nhất định. Chính công dụng (tính có ích) đó làm cho nó có giá trị sử dụng
Ví dụ: Gạo để ăn, áo để mặc, nhà để ở, máy móc để sản xuất, phương tiện để đi lại…
Giá trị sử dụng của mỗi hàng hoá là do những thuộc tính tự nhiên (vật lý, hoá học…) của vật thể hàng hoá đó quyết định nên giá trị sử dụng là phạm trù vĩnh viễn vì nó tồn tại trong mọi phương thức hay kiểu tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, việc phát hiện ra và vận dụng từng thuộc tính tự nhiên có ích đó lại phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội.
C.Mác viết: “giá trị sử dụng cấu thành cái nội dung vật chất của của cải, chẳng kể hình thái xã hội của của cải đó như thế nào”
Giá trị sử dụng nói ở đây với tư cách là thuộc tính của hàng hoá, nó không phải là giá trị sử dụng cho bản thân người sản xuất hàng hoá, mà là giá trị sử dụng cho người khác, cho xã hội thông qua trao đổi – mua bán.
Trong kinh tế hàng hoá, giá trị sử dụng là vật mang giá trị trao đổi, giá trị sử dụng chỉ được thực hiện trong việc sử dụng hay tiêu dùng nó, khi chưa tiêu dùng thì giá trị sử dụng chỉ ở trạng thái khả năng. Để giá trị sử dụng có khả năng biến thành giá trị sử dụng hiện thực thì nó phải được tiêu dùng.
Điều này nói lên ý nghĩa quan trọng của tiêu dùng đối với sản xuất. Đòi hỏi người sản xuất hàng hóa luôn luôn quan tâm đến nhu cầu của xã hội, làm cho sản phẩm đáp ứng được nhu cầu xã hội. Sự phát triển của nền kinh tế thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp trong nước ngày càng cạnh tranh quyết liệt.
Giá trị của hàng hoá
Trong nền sản xuất hàng hoá, giá trị sử dụng đồng thời cũng là vật mang giá trị trao đổi.
Muốn hiểu giá trị của hàng hoá phải đi từ giá trị trao đổi. Giá trị trao đổi là quan hệ về lượng, là tỷ lệ trao đổi giữa các giá trị sử dụng khác nhau.
Ví dụ: 1m vải có giá trị trao đổi bằng 10 kg thóc.
Sở dĩ vải và thóc là hai hàng hóa mặc dù có giá trị sử dụng khác nhau nhưng lại có thể trao đổi với nhau được theo một tỉ lệ nhất định nào đó là vì giữa chúng có một cơ sở chung là cả vải và thóc đều là sản phẩm của lao động (thời gian lao động và công sức lao động) do lao động được chứa đựng trong hàng hoá, đó chính là cơ sở giá trị của hàng hoá.
Đây là khái niệm được khẳng định trong các giáo trình kinh tế chính trị. Nếu xét nó trên quan điểm của trường phái hiệu dụng biên thì vẫn đạt được lý lẽ hoàn chỉnh.
Theo đó, đối tượng chung của nhu cầu có trong các cá nhân khác nhau vẫn đảm bảo cơ sở cho trao đổi.
Mối quan hệ giữa hai thuộc tính của hàng hoá
Hai thuộc tính của hàng hoá có quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau.
Mối quan hệ thống nhất
Hai thuộc tính này cùng đồng thời tồn tại trong một hàng hoá. Nếu một vật có giá trị sử dụng (tức có thể thoả mãn nhu cầu nào đó của con người, xã hội), nhưng không có giá trị (tức không do lao động tạo ra, không có kết tinh lao động) như không khí tự nhiên thì sẽ không phải là hàng hoá. Ngược lại, một vật có giá trị (tức có lao động kết tinh), nhưng không có giá trị sử dụng (tức không thể thoả mãn nhu cầu nào của con người, xã hội) cũng không trở thành hàng hoá.
Mối quan hệ đối lập
Thứ nhất, với tư cách là giá trị sử dụng thì các hàng hoá khác nhau về chất (vải mặc, sắt thép, lúa gạo…). Nhưng ngược lại, với tư cách là giá trị thì các hàng hoá lại đồng nhất về chất, đều là “những cục kết tinh đồng nhất của lao động mà thôi”, tức đều là sự kết tinh của lao động, hay là lao động đã được vật hoá ( vải mặc, sắt thép, lúa gạo… đều do lao động tạo ra, kết tinh lao động trong đó).
Thứ hai, quá trình thực hiện giá trị và giá trị sử dụng có sự tách rời nhau cả về mặt không gian và thời gian.
- Giá trị được thực hiện trong lĩnh vực lưu thông và thực hiện trước.
- Giá trị sử dụng được thực hiện sau, trong lĩnh vực tiêu dùng.
Người sản xuất quan tâm tới giá trị, nhưng để đạt được mục đích giá trị bắt buộc họ cũng phải chú ý đến giá trị sử dụng, ngược lại người tiêu dùng quan tâm tới giá trị sử dụng để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng của mình.
Nhưng muốn có giá trị sử dụng họ phải trả giá trị cho người sản xuất ra nó. Nếu không thực hiện giá trị sẽ không có giá trị sử dụng. Mâu thuẫn giữa giá trị sử dụng và giá trị hàng hoá cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng sản xuất thừa.
Đặc điểm của mua bán hàng hóa
Mua bán hàng hoá là gì?
Mua bán hàng hoá là việc bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và được nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và có quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.
(Khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005).
Hình thức của mua bán hàng hoá thể hiện qua Hợp đồng (HĐ) mua bán hàng hoá.
Phân biệt giữa hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng mua bán tài sản
Điểm khác biệt lớn nhất giữa HĐ mua bán hàng hoá và HĐ mua bán tài sản nằm ở mục đích:
- HĐ mua bán hàng hoá nhằm mục đích sinh lời.
- HĐ mua bán tài sản có thể nhằm sinh lời, hoặc tặng cho, hoặc tiêu dùng, sở thích ….
VD1. Anh A mua 10 chiếc xe máy của Công ty B để bán lại cho C nhằm mục đích sinh lời. Đây là HĐ mua bán hàng hoá.
VD2. A mua 1 chiếc xe máy cũ của anh B nhằm mục đích tặng cho chị C, không nhằm mục đích sinh lời. (B bán cho A với mục đích là sở thích) nên Đây là HĐ mua bán tài sản.
- Chú ý: Nếu một trong hai bên chủ thể nhằm mục đích sinh lời thì được coi là HĐ mua bán hàng hoá.
Như vậy có thể thấy, HĐ mua bán hàng hoá là một dạng cụ thể của HĐ mua bán tài sản.
Đặc điểm của mua bán hàng hóa trong thương mại
Hoạt động mua bán hàng hoá được thể hiện qua hình thức hợp đồng mua bán hàng hoá. Do đó đặc điểm của mua bán hàng hoá chính là đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hoá.
Chủ thể: Chủ yếu là thương nhân hoặc các cá nhân, tổ chức hoạt động liên quan đến thương mại. Trong đó
- Thương nhân bao gồm các tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp hoặc cá nhân hoạt động thương mai một cách độc lập, mang tính chất thường xuyên và phải có đăng ký kinh doanh. Tức là cá tổ chức, cá nhân hoạt động nhằm mục đích sinh lời.
- Ngoài ra chủ thể của HĐ mua bán hàng hoá cũng có thể không phải là thương nhân.
VD: HĐ mua bán 1 chiếc xe máy giữa anh A và Công ty B với mục đích như sau. Đối với Công ty B đây nhằm mục đích sinh lời, đối với anh A nhằm mục đích tiêu dùng.
Theo quy định Luật Thương mại 2005 cứ HĐ nào có mục đích sinh lời của cả hai bên hoặc một trong hai bên thì sẽ coi là HĐ mua bán hàng hoá.
Như vậy có thể thấy chủ thể của hợp đồng này một bên là thương nhân (công ty B vì nhằm mục đích sinh lời) một bên là anh A không phải là thương nhân (vì không nhằm mục đích sinh lời).
Ngoài ra theo khoản 3 Điều 1 Luật Thương mại 2005 quy định nếu khi xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá giữa một bên là thương nhân, một bên không là thương nhân thì pháp luật sẽ ưu tiên cho bên không phải là thương nhân lựa chọn luật áp dụng. (có thể là BLDS hoặc Luật Thương mại tuỳ thuộc vào bên nào có lợi cho thương nhân).
Đối tượng: Hàng hoá
Hàng hoá gồm:
- Tất cả các loại động sản (bao gồm cả động sản hình thành trong tương lai).
- Những vật gắn liền với đất.
(Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005).
Trong đó:
- Động sản là những tài sản không phải là BĐS.
- BĐS gồm: Đất đai – nhà hoặc công trình xây dựng được gắn liền với đất – Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng – tài sản khác
- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. BĐS và động sản có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
(Theo Bộ luật Dân sự 2015)
Vật là bất kỳ vật chất nào ở trạng thái (rắn, lỏng, khí), tuy nhiên về mặt pháp lý vật ở đây được hiểu là một bộ phận của thế giới vật chất có thể đáp ứng được nhu cầu nào đó của con người. Do đó, có những bộ phận của thế giới vật chất ở dạng này thì được coi là vật nhưng ở dạng khác thì lại không được coi là vật.
- Ví dụ: Nước suối, nước sông, không khí trong tự nhiên… không được coi là vật. Nhưng nếu đóng vào bình nước, bình khí thì lại được coi là vật.
Như vậy, ngoài yếu tố đáp ứng được nhu cầu của con người, thì vật phải có đặc tính là tài sản nằm trong sự chiếm hữu của con người, có giá trị và là đối tượng của giao dịch dân sự.
Lưu ý: Phân biệt Hàng hoá với tài sản:
Điểm khác biệt thể hiện bản chất của hàng hoá với tài sản nằm ở chỗ: Hàng hoá được dùng để lưu thông nhằm mục đích sinh lời, tài sản thì có thể nhằm mục đích sinh lời không nhằm mục đích sinh lời.
Do đó, Hàng hoá là một dạng của tài sản, có phạm vi hẹp hơn tài sản.
Hình thức: Thể hiện thông qua hợp đồng
Hợp đồng thể hiện bằng: Lời nói – Văn bản – Hành vi cụ thể.
(Đối với từng loại hợp đồng của mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải lập thành văn bản thì phải tuân theo quy định đó)
(Điều 24 Luật Thương mại 2005)
Ví dụ: HĐ mua bán hàng hóa quốc tế phải được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như điện báo, fax, thông điệp dữ liệu.
Qua bài viết ở trên, Mầm Non Ánh Dương đã giúp các bạn hiểu rõ Hàng hóa là gì? Các thuộc tính của hàng hóa và mối quan hệ giữa các thuộc tính này; Đặc điểm của mua bán hàng hóa trong thương mại,… Các bạn có thể truy cập website Mầm Non Ánh Dương để tìm hiểu những bài viết hay, hữu ích phục vụ cho quá trình thi cử của mình.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Tổng Hợp