Thật hào hứng khi được kể cho mọi người về quê hương của mình với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Thế nhưng giới thiệu sao cho hay, hấp dẫn thì không phải là điều đơn giản. Dưới đây là những gợi ý chi tiết cho các bước làm một bài văn giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em cùng một số bài văn mẫu hay giúp các em tham khảo và có thêm nhiều ý tưởng mới cho bài làm của mình.
Hướng dẫn làm bài văn giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em
Đề bài: Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em.
This post: Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em
1. Phân tích đề
– Yêu cầu: giới thiệu về một danh lam thắng cảnh ở quê em.
– Dạng đề: thuyết minh về danh lam thắng cảnh.
– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : vị trí địa lí, cảnh quan, nguồn gốc lịch sử của một danh lam thắng cảnh ở quê hương em mà em muốn giới thiệu.
– Thao tác lập luận : giải thích, thuyết minh, bình luận.
2. Hệ thống luận điểm
– Luận điểm 1: Giới thiệu về vị trí địa lí
– Luận điểm 2: Giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử hình thành
– Luận điểm 3: Các cảnh quan chi tiết làm nên vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh.
– Luận điểm 4: Ý nghĩa của danh lam thắng cảnh.
3. Lập dàn ý chi tiết
Dàn ý cơ bản bài văn giới thiệu về một danh lam thắng cảnh
a) Mở bài
– Giới thiệu về danh lam thắng cảnh ở quê hương mà em muốn thuyết minh (vịnh Hạ Long, chùa Hương,…)
– Nêu cảm nhận chung về danh lam thắng cảnh ấy (yêu quý, trân trọng, giữ gìn,…)
b) Thân bài
* Luận điểm 1: Giới thiệu về vị trí địa lí
– Địa chỉ cụ thể hoặc nơi tọa lạc
– Diện tích bao nhiêu, rộng lớn hay nhỏ?
– Cảnh vật xung quanh ra sao?
– Có thể đến đó bằng phương tiện gì?
+ Phương tiện du lịch: xe du lịch,…
+ Phương tiện công cộng: xe máy, xe buýt,…
* Luận điểm 2: Giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử hình thành
– Cảnh đẹp ấy có từ khi nào?
– Hình thành nên từ đâu hay do ai khởi công (làm ra)?
– Sơ lược về quá trình xây dựng
* Luận điểm 3: Các cảnh quan chi tiết làm nên vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh.
– Cảnh quan bao quát:
+ Chi tiết nổi bật nhất khi quan sát từ xa
+ Cảnh quan xung quanh
– Cảnh sắc chi tiết bên trong:
+ Cách trang trí
+ Cấu trúc
* Luận điểm 4: Ý nghĩa của danh lam thắng cảnh
– Giá trị văn hóa, lịch sử:
+ Lưu giữ lịch sử, quá khứ của ông cha ta.
+ Tô điểm cho quê hương, thu hút khách du lịch
+ Niềm tự hào của những người con nước Việt về di sản thiên nhiên quý giá.
– Giá trị sử dụng:
+ Tạo nguồn lợi nhuận lớn cho ngành du lịch phát triển.
c) Kết bài
– Nêu cảm nghĩ về danh lam thắng cảnh.
Nếu các em muốn tìm thêm cho mình những bài văn hay thì hãy tìm hiểu tại thuyết minh về một danh lam thắng cảnh.
Dàn ý chi tiết giới thiệu về vịnh Hạ Long
a) Mở bài
– Giới thiệu sơ lược về vịnh Hạ Long.
Mở bài mẫu 1:
Không rõ từ bao giờ cả một vùng non nước kì thú phần phía Bắc Việt Nam này lại mang tên Vịnh Hạ Long chỉ biết rằng cái tên gắn liền với chủ quyền đất và thấm đẫm chất sử thi. Nói đến vịnh Hạ Long thì không một con dân nào trên đất nước Việt Nam này là không biết đến. Đây chính là một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam đối với bạn bè thế giới bởi cảnh vật nơi đây độc đáo đến lạ thường.
Mở bài mẫu 2:
Nhắc đến danh lam thắng cảnh, những chốn có non nước hữu tình trên đất nước Việt Nam ta khó lòng không nhắc đến vịnh Hạ Long. Cái tên ấy ai là người Việt Nam cũng biết đến. Nó không chỉ đẹp trong hiện tại hay tương lai mà nó còn đẹp từ thời xưa trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Con gà, con cóc quê hương cũng biến Hạ Long thành thắng cảnh”. Vịnh Hạ Long còn được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, được tổ chức New7Wonders tuyên bố là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Vậy không biết rằng Hạ Long có những gì mà lại được tôn vinh đến như vậy?
b) Thân bài
* Giới thiệu về vị trí địa lí của vịnh Hạ Long
– Vịnh Hạ Long nằm trong một phần vịnh Bắc Bộ thuộc thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh với diện tích vùng lõi 434 km²
– Phía Đông Bắc giáp vịnh Bái Tử Long, phía Tây Nam giáp quần đảo Cát Bà, phía Tây và Tây Bắc giáp đất liền bằng đường bờ biển khoảng 120 km
– Vịnh Hạ Long bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa được đặt tên
– Cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ.
– Khí hậu phân hóa rõ rệt với mùa hạ và mùa đông.
– Phương tiện di chuyển: Du khách có thể đến vịnh Hạ Long bằng đường bộ với xe du lịch, xe máy.
* Nguồn gốc, lịch sử hình thành
– Vịnh Hạ Long hình thành là do quá trình kiến tạo địa chất hàng triệu năm.
+ Là một phần của lãnh địa liên hợp Việt – Trung
+ Trải qua các quá trình tiến hóa tách trôi, va chạm và biến cải trong Tiền Cambri – Phanerozoi
– Lịch sử địa chất địa mạo của vịnh Hạ Long trải qua ít nhất 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lí rất khác nhau, với nhiều lần tạo sơn – biển thoái và sụt chìm – biển tiến.
– Gắn liền với cội nguồn con Rồng cháu Tiên, nơi rồng hạ giới xuống trần gian giúp người dân đánh giặc.
* Các cảnh quan làm nên vẻ đẹp của vịnh Hạ Long
– Có gần 2000 hòn đảo lớn nhỏ, chủ yếu đảo đá vôi và đảo phiếm thạch.
– Hệ thống hang động nổi tiếng: hang Sửng Sốt, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ,…
– Nhiều hang động còn mang vẻ hoang sơ, kì vĩ của thiên nhiên như hang Trống, hang Trinh Nữ,…
– Có nhiều bãi tắm đẹp như Bãi Cháy, bãi Tử Long, Cô Tô.
– Du khách có thể dùng thuyền đi thưởng ngoạn, khám phá thiên nhiên, hang động, núi non.
– Đa dạng sinh thái với rừng ngập mặn, rặng san hô, rừng cây nhiệt đới và rất nhiều động thực vật quý hiếm khác.
– Hải sản tươi ngon, hấp dẫn du khách.
* Ý nghĩa của vịnh Hạ Long
– Gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm như sông Bạch Đằng, núi Bài Thơ, bến Vân Đồn.
– Niềm tự hào của những người con nước Việt về di sản thiên nhiên quý giá.
c) Kết bài
– Vịnh Hạ Long ngày nay là địa điểm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.
– Chúng ta cần giữ gìn danh lam thắng cảnh này đến thế hệ mai sau.
>>> Tham khảo lại nội dung hướng dẫn soạn bài thuyết minh về một danh lam thắng cảnh để nhớ lại các bước làm bài cụ thể.
4. Sơ đồ tư duy giới thiệu về một danh lam thắng cảnh
Một số bài văn mẫu giới thiệu về một danh lam thắng cảnh quê em
Giới thiệu về Hồ Gươm
“Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa mát hương hoa thơm Thủ đô…”. Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến hình ảnh Hồ Gươm trong xanh và bóng Tháp Rùa nghiêng nghiêng soi dáng. Hồ Gươm cùng quần thể kiến trúc của nó đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ và thiêng liêng về Hà Nội – trái tim hồng của cả nước.
Hồ Gươm đã tồn tại từ rất lâu. Cách đây khoảng 6 thế kỷ, theo những địa danh hiện nay, hồ gồm hai phần chạy dài từ phố Hàng Đào, qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt tới phố Hàng Chuối, thông với sông Hồng. Nước hồ quanh năm xanh biếc nên hồ Gươm cũng được gọi là hồ Lục Thuỷ.
Vào thế kỷ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm. Sự kiện ấy gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần cho Rùa Vàng của vị vua khai triều nhà Hậu Lê – người anh hùng của khởi nghĩa Lam Sơn chống lại giặc Minh (1417 – 1427), Lê Lợi. Truyền thuyết kể rằng khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, có người dân mò được một lưỡi gươm, sau đó chính ông nhặt được một cái chuôi ở trong rừng. Khi lưỡi gắn vào chuôi gươm thì thân gươm ánh lên hai chữ “Thuận Thiên” – “Thuận theo ý trời”. Gươm báu này đã theo Lê Lợi trong suốt thời gian kháng chiến chống giặc Minh. Khi lên ngôi về đóng đô ở Thăng Long, trong một lần nhà vua đi chơi thuyền trên hồ Lục Thuỷ, bỗng một con rùa xuất hiện. Rùa vươn đầu cất tiếng nói: “Xin bệ hạ hãy hoàn lại gươm cho Long Quân”. Lê Thái Tổ hiểu ra sự việc bèn rút gươm khỏi vỏ, giơ gươm ra thì gươm bay về phía con rùa. Rùa ngậm gươm lặn xuống đáy hồ, và từ đó hồ Lục Thuỷ có tên gọi mới là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) hay hồ Gươm. Chính truyền thuyết đặc sắc này đã khẳng định tấm lòng yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh của người dân Thăng Long – Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Câu chuyện này đã được nhấn mạnh trong ngày lễ Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hoà bình”.
Sau đó, cũng vào thời Lê, hồ còn được dùng làm nơi tập luyện của thuỷ quân nên có lúc được gọi là hồ Thuỷ Quân.
Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em – Hồ Gươm
Hồ Hoàn Kiếm là một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Quanh hồ trồng nhiều loại hoa và cây cảnh. Đó là những hàng liễu rủ thướt tha, những nhành lộc vừng nghiêng nghiêng đổ hoa soi bóng dưới lòng hồ. Giữa hồ có tháp Rùa, cạnh hồ có đền Ngọc Sơn có “Đài Nghiên Tháp Bút chưa sờn”… Hình ảnh hồ Gươm lung linh giống như một tấm gương xinh đẹp giữa lòng thành phố đã đi vào lòng nhiều người dân Hà Nội. Người dân Hà Nội sống ở khu vực quanh hồ có thói quen ra đây tập thể dục vào sáng sớm, đặc biệt là vào mùa hè. Họ gọi các khu phố nằm quanh hồ là Bờ Hồ.
Không phải là hồ nước lớn nhất trong Thủ đô, song với nguồn gốc đặc biệt, hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người. Hồ nằm ở trung tâm một quận với những khu phố cổ chật hẹp, đã mở ra một khoảng không đủ rộng cho những sinh hoạt văn hóa bản địa. Hồ có nhiều cảnh đẹp. Và hơn thế, hồ gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình (trả gươm cầm bút), đức văn tài võ trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh). Do vậy, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy hình ảnh Hồ Gươm làm nền tảng cho các tác phẩm của mình. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết:
“Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao”
Và như thế, Hồ Gươm sẽ mãi sống trong tiềm thức mỗi người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung như một biểu tượng thiêng liêng về lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc.
Xem thêm: Thuyết minh cái phích nước
Giới thiệu về bãi biển Sầm Sơn
Bãi biển Sầm Sơn thuộc thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 16km. Bờ biển dài, bằng phẳng, phong cảnh hùng vĩ, đã được người Pháp khai thác từ năm 1906.
Bãi biển Sầm Sơn là nơi tắm biển rất tốt mà người Pháp đã biết khai thác từ năm 1906 và Sầm Sơn nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng của Ðông Dương. Từ những thập kỷ trước, đã có nhiều biệt thự nghỉ mát mọc lên ở đây. Vua Bảo Ðại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng xây biệt thự riêng ở Sầm Sơn. Sầm Sơn có nhiều cảnh đẹp: hòn Trống Mái, đền Ðộc Cước, núi Cô Tiên…
Bờ biển Sầm Sơn dài 10km bằng phẳng và nhiều hải sản quý như tôm he, cá thu, mực… Sầm Sơn có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, vùng biển bao la với những thắng tích và huyền thoại mang đậm chất nhân văn và lòng mến khách. Bãi biển Sầm Sơn là một trong những bãi biển rộng và đẹp ở phía bắc.
Bãi biển Sầm Sơn chạy dài gần 6 km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ. Bãi cát thoai thoải, sóng êm, nước trong xanh và nồng độ muối vừa phải rất phù hợp với sức khoẻ con người.
Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn phú cho Sầm Sơn nhiều danh lam – thắng cảnh nổi tiếng và lung linh sắc màu huyền thoại. Đó là dãy núi Trường Lệ chạy dài theo mép nước bốn mùa thông reo, là hòn Trống Mái lãng mạn tình tứ, là đền Độc Cước, Cô Tiên uy nghi cổ kính; là Vọng Hải đài – nơi du khách có thể ngắm cả một vùng trời nước mênh mông. Các truyền thuyết còn kể lại rằng: Núi Trường Lệ là một thiếu nữ hóa thân để che chắn phong ba bão táp cho dân làng, hòn Trống Mái được sinh ra từ một mối tình thuỷ chung của đôi vợ chồng trẻ còn Đền Độc Cước là nơi thờ vị thần một chân, một anh hùng thần thoại đã tự xẻ thân làm hai nửa, một trên bờ bảo vệ dân làng, một xuống nước diệt trừ Thuỷ quái.
Đền Độc Cước và đền Cô Tiên đều là những kiến trúc được xây dựng từ cuối đời Nhà Lê (thế kỷ 17) theo lối kiến trúc cổ. Đền Cô Tiên là nơi thờ vọng thần Độc Cước và Mẫu Liễu Hạnh. Đó là những nơi mà du khách thường tới viếng thăm mỗi khi đến Sầm Sơn.
Phía Nam dãy núi Trường Lệ còn có một bãi tắm rất đẹp, cảnh quan môi trường còn rất nguyên sơ, nơi đây hứa hẹn một khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại trong tương lai.
Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em – bãi biển Sầm Sơn
Biển Sầm Sơn vào mỗi thời khắc trong ngày lại có những vẻ đẹp khác nhau. Du khách tha hồ khám phá và tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời ấy. Sáng sớm bình minh lên, bầu trời ửng hồng phía chân trời, từng đoàn thuyền đánh cá của ngư dân làng Núi trở về sau một đêm đánh bắt ngoài khơi xa, những nụ cười rạng rỡ, tràn đầy hạnh phúc báo hiệu một đêm ra khơi thành công. Và chợ hải sản được họp ngay bên bờ biển, với nguồn hải sản vô cùng phong phú của biển Sầm Sơn, du khách có thể chọn lựa và thưởng thức tôm, cua, ghẹ, mực, cá thu… là những đặc sản vừa được cất lên từ biển. Buổi chiều, trời mát dịu, bãi biển tập trung rất đông người xuống tắm. Những tiếng hò reo với những cơn sóng xô, những tiếng vui đùa đuổi nhau trên cát… Khi mặt trời dần lên cao, biển Sầm Sơn lóng lánh dát vàng, từng cơn sóng vỗ bờ trắng xóa ôm lấy dải cát mịn màng ánh lên trong nắng, những cánh diều rực rỡ giữa màu xanh của bầu trời, núi non và biển cả… Du khách cũng có thể nằm phơi mình trên bãi biển, nghe những thanh âm của biển và đón những cơn gió mang theo vị mặn rất đặc trưng để tâm hồn thư thái hơn, êm dịu hơn hoặc cùng nhau xây lâu đài cát rồi lại trả nó về với biển khi những đợt sóng lên cao… Đêm Sầm Sơn, biển mờ ảo dưới ánh trăng, sao, vẫn những đợt sóng vỗ bờ nhưng dường như êm đềm hơn, vẫn là những âm thanh ấy nhưng không phải là tiếng vui đùa của du khách nhảy theo từng con sóng bạc đầu mà là những tiếng thì thầm cùng với biển và sóng…
Đêm Sầm Sơn dường như có hai thế giới trái ngược nhau được ngăn cách bởi bức tường thiên nhiên là những rặng dừa và phi lao duyên dáng. Tạm biệt biển lấp lánh ánh trăng sao, tạm biệt bản nhạc du dương của gió, của sóng…, bước qua khỏi cái hàng rào thiên nhiên ấy, du khách sẽ thấy choáng ngợp trước đường Hồ Xuân Hương dọc theo bờ biển rực rỡ ánh đèn, cửa hàng, cửa hiệu tấp nập người qua lại. Trên vỉa hè ven biển là những sạp hàng bán đồ lưu niệm được làm từ các sản phẩm biển muôn màu sắc. Du khách đến với biển Sầm Sơn hẳn không quên mang về tặng người thân, bè bạn những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa. Nếu không muốn bách bộ, du khách có thể đi dạo trên con đường ven biển với những chiếc xích lô xinh xắn mà chủ nhân của nó ai nấy đều giàu lòng mến khách, thân thiện và cởi mở. Họ sẵn lòng giới thiệu tới du khách về những thắng cảnh đẹp trên quê hương Sầm Sơn yêu dấu. Du khách cũng có thể thuê những chiếc xe đạp đôi để cùng bạn bè, người thân tự mình khám phá cuộc sống sôi động về đêm của thị xã biển Sầm Sơn.
Không chỉ có biển thơ mộng cùng bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn ban tặng cho Sầm Sơn nhiều danh lam – thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng trên núi Trường Lệ với những truyền thuyết lung linh sắc màu huyền thoại mang đậm chất nhân văn. Hòn Cổ Giải là nơi Trường Lệ tiếp xúc với biển trông như con giải khổng lồ đang vươn ra biển khơi. Đền Độc Cước (còn gọi là đền Gầm) ngự trên đỉnh hòn Cổ Giải, điểm cực bắc của dãy Trường Lệ, ngay cạnh bãi tắm Sầm Sơn. Đền mang tên Độc Cước nghĩa là một chân, gắn liền với truyền thuyết chàng khổng lồ xẻ đôi mình, một nửa ra khơi tiêu diệt thủy quái bảo vệ dân chài, còn một nửa đứng canh trên đỉnh hòn Cổ Giải. Tưởng nhớ công ơn của chàng, người dân Sầm Sơn đã lập miếu thờ chàng ngay bên tảng đá có vết lõm dấu chân khổng lồ tương truyền là bàn chân của chàng và sau này là đền Độc Cước. Trong đền có tượng thần Độc Cước bằng nửa thân người và bước chân khổng lồ trên đá của chàng trai dũng cảm đó.
Theo sườn núi quanh co giữa những vạt thông reo là hòn Trống Mái lãng mạn tình tứ, một thắng tích độc đáo và kỳ thú. Đứng sát cạnh du khách chỉ thấy hai khối đá lớn nằm chênh vênh trên một tảng đá bằng phẳng gọi là hòn Đá Bạn. Nhưng càng lùi xa, trông chúng càng giống một đôi chim đá khổng lồ đang nằm châu mỏ vào nhau. Truyền thuyết kể rằng có đôi vợ chồng yêu nhau, chết biến thành chim vẫn quấn quýt không rời. Các tiên nữ xuống bãi Tiên tắm, cảm cái tình ấy mới biến họ thành đôi chim đá để họ vĩnh viễn bên nhau.
Sầm Sơn với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ quả là vùng sơn thủy hữu tình, biển cả bao la đầy chất thơ cùng những thắng tích và huyền thoại mang đậm chất nhân văn và lòng mến khách của người dân nơi đây. Biển Sầm Sơn hứa hẹn một kỳ nghỉ hè đầy hấp dẫn và lý thú.
Bài văn giới thiệu về vịnh Hạ Long
Nhắc đến danh lam thắng cảnh, những chốn có non nước hữu tình trên đất nước Việt nam ta khó lòng không nhắc đến vịnh Hạ Long. Cái tên ấy ai là người Việt Nam cũng biết đến. Nó không chỉ đẹp trong hiện tại hay tương lai mà nó còn đẹp từ thời xưa trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Con gà, con cóc quê hương cũng biến Hạ Long thành thắng cảnh”. Mới đây vịnh Hạ Long còn được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới. Vậy không biết rằng Hạ Long có những gì mà lại được tôn vinh đến như vậy?
Vịnh Hạ Long còn có truyền thuyết đó là Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc dựng thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang.
Sau khi giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến để muôn đời bảo vệ con dân Đại Việt. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay, với bãi cát dài trên 15 km).
Lại có truyền thuyết khác nói rằng vào thời kỳ nọ khi đất nước có giặc ngoại xâm, một con rồng đã bay theo dọc sông xuôi về phía biển và hạ cánh xuống ở vùng ven biển Đông Bắc làm thành bức tường thành chắn bước tiến của thủy quân giặc. Chỗ rồng đáp xuống che chở cho đất nước được gọi là Hạ Long.
Trước hết về vị trí của vịnh Hạ Long thì nó nằm ở vùng Ðông Bắc Việt Nam, vịnh Hạ Long là một phần vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Ðồn. Phía tây nam Vịnh giáp đảo Cát Bà, phía đông là biển, phần còn lại giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, được giới hạn từ 106058′ – 107022′ kinh độ Ðông và 20045′ – 20050′ vĩ độ Bắc với tổng diện tích 1553 km².
Tiếp nữa là về đảo ở đây thì có 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Đảo nơi đây gồm có hai dạng đó là đảo đá vôi và đảo phiếm thạch tập trung ở Bái Tử Long và vịnh Hạ Long. Ở đây thì chúng ta thấy được hàng loạt những hang động đẹp và nổi tiếng. Vùng Di sản thiên nhiên được thế giới công nhận có diện tích 434 km² bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với 3 đỉnh là đảo Ðầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam), đảo Cống Tây (phía đông), vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng năm 1962.
Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em – vịnh Hạ Long
Đến với Hạ Long thì người ta không thể nào rời mắt khỏi những cảnh vật nơi đây. Nào là núi, nào là nước với những hang động thật sự hấp dẫn người ta muốn đi tới tận cùng để tìm thấy cái hữu hạn trong cái vô hạn của trời nước, núi non ấy. Chúng ta cứ ngỡ rằng ngọn núi kia giống như những người khổng lồ vậy, ngồi trong thuyền mà ngước lên để đo tầm cao của những ngọn núi ấy thật sự là mỏi mắt. Đến đây ta mới biết hết thế nào là sự hùng vĩ, thế nào là sự hữu tình giữa nước và non. Làn nước biển mặn mà vị xa xăm của muối. Hang động với những nhũ đá như sắp rơi xuống nhưng thật chất lại là không rơi. Nó cứ tua tủa như muôn ngàn giọt ngọc dạng lỏng lấp lánh dính vào nhau nhưng không rơi xuống.
Con người nơi đây cũng thật sự là rất đáng yêu đáng quý. Họ không những mến khách mà còn như một người hướng dẫn viên du lịch vừa nói giới thiệu tả cảnh vừa vững tay chèo đẩy lái đến nơi khách muốn qua. Những con người ở đây nồng nhiệt mỗi khi có khách đến và khi khách đi thì để lại những ấn tượng khó phai về những con người miền non nước hữu tình với những tình cảm mặn mà như là muối biển vậy.
Qua đây ta thấy vịnh Hạ Long rất xứng đáng là một trong bảy kì quan của thế giới. Nếu những ai đã được đặt chân đến đây thì chắc hẳn rất ấn tượng bởi cảnh đẹp và con người nơi đây. Còn những ai chưa đến thì hãy nhanh chóng đến mà tận hưởng những gì là tạo hóa ban tặng, những gì là mẹ thiên nhiên.
Giới thiệu về động Phong Nha
Cứ mỗi khi nhắc tới những địa điểm du lịch ở nước ta, người ta lại nghĩ đến Vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, Phan Thiết,… nhưng một trong những địa danh nổi tiếng ấy không thể thiếu động Phong Nha – di sản văn hóa thế giới. Sự kì ảo của động Phong Nha đã đem lại cho du khách cảm giác thích thú như được lạc vào thế giới thần tiên. Động Phong Nha là một quà tặng của thiên nhiên dành cho đất nước ta.
Động Phong Nha nằm trong vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, một vườn quốc gia tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía Nam. Phong Nha – Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000 ha. Vườn quốc gia bao gồm 300 hang động lớn nhỏ khác nhau. Điểm đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động và các sông ngầm, hệ thống động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ Thế giới. Các hang động ở đây với tổng chiều dài là khoảng hơn 80km nhưng các nhà thám hiểm Anh và Việt Nam mới chỉ tìm hiểu được 20km. Vào tháng 4 năm 2009, một đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hoàng gia Anh đã phát hiện ra một hang động khác lớn hơn rất nhiều động Phong Nha nhưng động Phong Nha vẫn là hang động giữ nhiều kỉ lục về cái “nhất”: hang nước dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, đá rộng và đẹp nhất; hồ ngầm đẹp nhất; thạch nhũ tráng lệ và kì ảo nhất; dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam; hang khô rộng và đẹp nhất thế giới.
Trước đó, khi Phong Nha – Kẻ Bàng chưa phải là vườn quốc gia, khu vực này là khu vực bảo tồn thiên nhiên, từ ngày 9 tháng 8 năm 1986 được mở rộng thêm diện tích là 41132 ha. Mãi đến ngày 12 tháng 12 năm 2001, thủ trướng chính phủ đã ra nghị quyết chuyển khu bảo tồn thiên nhiên này thành vườn đa quốc gia và có tên gọi như hiện nay.
Quá trình hình thành hang động là một quá trình khá lâu dài. Từ những kiến tạo địa chất xảy ra trong lòng dãy núi đá vôi Kẻ Bàng vào thời kì Đại cổ sinh đã làm thay đổi hoàn toàn về địa chất nơi đây. Sự tác động của nội lực bên trong lòng trái đất và ngoại lực đã tạo ra vẻ đẹp kì bí rất riêng của động Phong Nha. Hệ thống đứt gãy chằng chịt trên mặt đá vôi đã tạo điều kiện cho nước dễ thấm vào các khối đá vôi. Sự xâm thực đã gặm mòn, hòa tan, rửa trôi đá vôi trong hàng triệu năm. Qua đó nó đã tạo nên một hang động ăn sâu trong núi đá vôi.
Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em – động Phong Nha
Động Phong Nha bao gồm động khô và động nước, nổi bật nhất trong các động khô là động Tiên Sơn. Động Tiên Sơn có chiều dài 980m. Từ cửa động đi vào khoảng 400m có một vực sâu khoảng 10m và sau đó là động đá ngầm dài gần 500m khá nguy hiểm. Du khách đến tham quan, để đảm bảo an toàn chỉ được đi sâu vào 400m tính từ cửa động. Động Thiên Sơn là nơi có cảnh thạch nhũ và những phiến đá kì vĩ huyền ảo. Các âm thanh phát ra từ các phiến đá, khi được gõ vào vọng như tiếng cồng chiêng. Theo các nhà khoa học thuộc Hội hang động Hoàng gia Anh, động này được kiến tạo cách đây hàng chục triệu năm, khi một dòng nước chảy qua quả núi đã đục rỗng, bào mòn núi đá vôi Kẻ Bàng. Sau đó, do địa chất thay đổi, khối đá vôi đổ sụp, chặn dòng chảy và làm nên động khô Tiên Sơn. Còn hệ thống động nước nổi bật nhất là động Phong Nha. Tạo hóa đã dựng nên những khối thạch nhũ đủ màu sắc với những hình dạng khác nhau. Vẻ kì ảo ấy khiến ai đến tham qua cũng trầm trồ khen ngợi. Động Phong Nha dài 7729m. Hang có chiều dài dài nhất của động là 145m. Động Phong Nha còn được mệnh danh là Thủy Tề Tiên vì nơi đây những cột đá, thạch nhũ như mang một phong thái rất khác nhau. Tiếng nước vỗ vào đá vang vọng thật xa. Động Phong Nha đẹp như một bức tranh thủy mạc mà nhiều hang động khác phải ngưỡng mộ.
Động Phong Nha ngoài có giá trị về du lịch nó còn là một di chỉ khảo cổ. Những nhà thám hiểm và người dân nơi đây đã phát hiện ra nhiều chữ khắc trên đá của người xưa, gạch, tượng đá, tượng phật, mảnh gốm và nhiều bài vị tại đây. Ở động Phong Nha người ta đã phát hiện nhiều mảnh than và miệng bình gốm có tráng men của Chàm và các đồ gốm thô sơ khác. Động Phong Nha còn là nơi vua Hàm Nghi trú ngụ trong thời kì thực hiện chiếu Cần Vương kháng chiến chống Pháp.
Động Phong Nha – hang động tạo nên niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam. Nó là bằng chứng cho sự ưu đãi của thiên nhiên nước ta. Động Phong Nha đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ai đã từng đến động đều nhớ mãi sự kì diệu mà động mang lại từ vẻ đẹp thuần túy thiên nhiên.
Tham khảo: Thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam
Giới thiệu về vườn quốc gia Cúc Phương
Xã hội ngày càng phát triển thì nhịp sống ở nơi thành thị ngày càng xô bồ nhộn nhịp. Được trở về thiên nhiên, trở về với những cánh rừng nguyên sinh khiến tâm hồn mỗi người trẻ lại, được thanh lọc trong sạch hơn. Việt Nam ta là vùng đất của: “Rừng vàng biển bạc”. Mà một trong số đó phải kể đến khu bảo tồn thiên nhiên: Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Vườn Quốc gia Cúc Phương là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn ở Việt Nam. Với diện tích rộng lớn khoảng hơn 20.000 ha, rừng Cúc Phương trở thành biên giới đặc biệt giữa 3 tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Bắc và Châu thổ Sông Hồng thuộc 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa. Cúc Phương còn nổi tiếng là một địa hình có đóng góp lớn cho công cuộc khảo cổ học. Chính tại nơi đây người ta tìm thấy dấu tích của người tiền sử có niên đại 12.000 năm qua những dụng cụ lao động thô sơ như rìu đá, mũi tên đá, dao bằng vỏ sò, dụng cụ xay nghiền…, qua mồ mả, hay những hang động mà họ từng sinh sống. Chính những dấu tích ấy khai sinh cho quần thể bảo tồn thiên nhiên Cúc Phương năm 1960. Về địa hình, rừng Cúc Phương án ngữ ở phía Đông Nam của dãy núi Tam Điệp, ở phía tây vườn có sông Bưởi, một nhánh của sông Mã chảy qua. Bởi vậy, không chỉ bảo vệ sự sống còn của những sinh vật trong hệ sinh thái, rừng Cúc Phương còn bảo vệ cho sự sống của con người những vùng lân cận khi tham gia trực tiếp vào vai trò bảo vệ hồ chứa nước Yên Quang.
Là một khu bảo tồn sinh học nên vào thăm rừng Cúc Phương, người ta có thể thấy sự đa dạng phong phú của các loài từ động vật đến thực vật, có cả những sinh vật quý hiếm. Rừng Cúc Phương như người mẹ thiên nhiên bảo vệ được đến 76% số họ, 48,6% số chi và 30% số loài của miền Bắc và chiếm 68,9% số họ, 43,6% số chi và 24,6% số loài hiện có ở Việt Nam. Đặc biệt khi đến đây, ai cũng tò mò muốn được xem cây chò chỉ nghìn năm hơn 1000 năm tuổi, với chiều cao 50 – 60m, cây đăng, cây sấu cổ thụ cao 45m. Chúng thường là một trong những đích đến khi khám phá khu rừng đầy bí ẩn này. Cúc Phương cũng là ngôi nhà của nhiều loại động vật quý hiếm như: gấu, ngựa, lợn lòi, hổ, báo, chồn, sóc, hươu sao, nai, khỉ vàng, voọc quần đùi,… nhiều loại đã được đưa vào Sách đỏ. Ngoài ra đến Cúc Phương, người ta còn khám phá những hang động như những chứng tích văn hóa lịch sử lâu đời như : Trăng Khuyết, động Chúa, động Thuỷ Tiên, động Người Xưa, hang Con Moong, động San Hô… Cúc Phương còn hùng vĩ hơn cả với đỉnh Mây Bạc cao 648m, thơ mộng hơn cả với hồ Yên Quang trầm mặc và cổ kính với một hòn đảo nhỏ và ngôi đền cổ. Đây quả là một nơi mang cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, thu hút ấn tượng của nhiều người khi đặt chân đến đây.
Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em – vườn quốc gia Cúc Phương
Rừng Cúc Phương của Việt Nam đóng vai trò là một trong những khu bảo tồn lớn nhất, là nơi bảo vệ được những loài có giá trị. Rừng đã được nhận nhiều dự án của nước ngoài để hợp tác bảo tồn và phát triển thảm thực vật và nguồn động vật quý hiếm ở nơi đây. Bên cạnh đó, nó còn có giá trị du lịch. Hàng năm có biết bao lượt khách lui tới tham quan rừng, là một nơi thuận lợi để phục vụ tìm hiểu, nghiên cứu sinh học.
Rừng Cúc Phương là một trong những niềm tự hào của đất nước ta khi đã bảo vệ được những giống loài quý hiếm, tiêu biểu cho cảnh quan Việt Nam. Nhưng đồng thời, nó cũng nhắc nhở mỗi chúng ta về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, để đất nước ta mãi là đất nước của “rừng vàng biển bạc”.
Bài văn giới thiệu về biển Nha Trang
Một điều tuyệt vời không thể thiếu đối với chúng ta khi đến những ngày hè là được vui đùa trên biển xanh cát trắng. Nào là biển Sầm Sơn ào ào những con sóng lớn, là bãi biển Cát Bà với đụn cát trắng phau, là biển Cửa Lò còn nét hoang sơ và những rặng phi lao bạt ngàn… Nhưng bãi biển đẹp nhất nước ta phải kể đến biển Nha Trang, nơi được mệnh danh là hòn ngọc của biển Đông vì vẻ đẹp tự nhiên và giá trị thiên nhiên của nó.
Biển Nha Trang nằm bên bờ vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nói đến biển Nha Trang ta không thể không nhắc đến vịnh Nha Trang với diện tích 507 km2 bao gồm 19 đảo lớn nhỏ. Trong đó đảo Hòn Tre có diện tích lớn nhất là 3520 ha và đảo Hòn Nọc có diện tích nhỏ nhất chỉ khoảng 4 ha.
Khí hậu Nha Trang dễ chịu, trong lành, mát mẻ phù hợp cho những chuyến du lịch nghỉ dưỡng. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho thành phố biển Nha Trang tất cả những gì mà một vùng duyên hải Nam Trung bộ có thể có. Từ bãi tắm với dải cát trắng mịn trải dài đến những hòn đảo ngoài khơi đẹp đến ngỡ ngàng, từ những rặng san hô kì ảo dưới lòng đại dương tới những ngôi đền Chăm rêu phong cổ kính trên núi… Biển Nha Trang vào buổi sáng hay chiều tà đều mang đến một sự bình yên dễ chịu. Biển sạch sẽ và trong vắt đến mức có thể nhìn thấy đáy. Về đêm khi thành phố lên đèn thì biển Nha Trang lại trở nên sôi động và rực rỡ khác hẳn với không khí yên bình lúc trời còn rõ ràng ánh sáng. Nha Trang bao gồm hầu hết các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái biển đảo, hệ sinh thái bãi cát ven bờ… Tất cả đã làm phong phú thêm vẻ đẹp của biển Nha Trang.
Đến với Nha Trang là đến với những cảnh quan tươi đẹp hiếm có. Hàng ngàn những đảo đá ở đây cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn. Ta không thể dời mắt trước sắc đẹp của những rặng san hô ở Hòn Mun. Nơi đây tập trung khoảng 350 loài san hô đá trong tổng thể 800 loài trên thế giới. Một điều rất thú vị về tên của đảo được giải thích là ở đây có rất nhiều tảng đá nhô cao màu đen tuyền như gỗ mun nên người dân đã đặt tên là Hòn Mun. Ngoài ra còn có hòn Chồng – hòn Vợ gồm hai cụm đá lớn nằm bên bờ biển dưới chân đồi La-san, có thể được tạo nên do sự xâm thực của thủy triều lên ngọn đồi này. Cụm thứ nhất gọi là hòn Chồng vì nó gồm một tảng đá, phía mặt đá quay ra biển có vết lõm hình bàn tay rất lớn tượng trưng cho sức mạnh của người đàn ông. Còn cụm đá thứ hai có tên là hòn Vợ vì nó có dáng mình của người phụ nữ ngồi trông ra phía biển.
Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em – biển Nha Trang
Không chỉ được đắm mình trong không khí của biển, Nha Trang còn chào đón du khách với những di tích lịch sử và những khu vui chơi giải trí nổi tiếng. Bạn có thể đi tham quan chợ Đầm, chợ trung tâm của thành phố biển Nha Trang để ngắm nhìn thiết kế đẹp độc đáo của chợ và chọn mua những đồ lưu niệm hay hải sản về làm quà. Ngoài ra còn có những điểm đến thú vị khác như chùa Long Sơn, nhà thờ Núi hay tháp bà Ponagar… Đặc biệt nổi tiếng nhất có lẽ là Vinpearl Land, nơi nhiều du khách chọn đến để giải trí. Đây có thể coi như thiên đường với hệ thống cáp treo giúp bạn quan sát được toàn cảnh biển Nha Trang, với những trò chơi thú vị và mạo hiểm như lặn biển, cano, lướt ván… Vinpearl còn là nơi tổ chức nhiều lễ hội và sự kiện mang tầm cỡ thế giới.
Đến với Nha Trang bạn sẽ được thưởng thức nhiều đồ hải sản hết sức tươi ngon bởi nơi đây tập trung hơn 190 loại cá lớn nhỏ và cực kì nhiều loại ốc, sò, cua ghẹ… Bạn có thể cảm nhận vị của biển cả qua những đặc sản địa phương như bún cá sứa, bánh canh chả cá – cá dầm, cua rang me, cháo cá mú, ghẹ hấp, các món ốc luộc…
Ngày nay, Nha Trang đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy mà vẻ đẹp của biển Nha Trang cần được bảo tồn và gìn giữ để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân Việt và có được hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Trên đây là những gợi ý chi tiết cách làm và một số bài văn mẫu giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em mà Mầm Non Ánh Dương tổng hợp và biên soạn làm tư liệu học tập cho các em. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 8 khác được cập nhật thường xuyên tại Mầm Non Ánh Dương. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao nhé!
Tài liệu hướng dẫn làm bài văn giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em do Mầm Non Ánh Dương tổng hợp và biên soạn giúp em nắm được các bước phân tích đề, tìm ý, hình thành dàn ý cụ thể và triển khai bài giới thiệu một cách tốt nhất.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục