Đề bài: Dân gian có câu: “Lời nói gói vàng”, đồng thời lại có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Qua hai câu trên, em hãy cho biết dân gian đã hiểu như thế nào về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống?
This post: Em hãy cho biết dân gian đã hiểu như thế nào về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống
I. Dàn ý Em hãy cho biết dân gian đã hiểu như thế nào về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống
1. Mở bài
– Dẫn vào vấn đề cần nghị luận.
2. Thân bài
a. Định nghĩa lời nói:
– Lời nói của con người chính là phương thức biểu đạt phổ biến nhất của ngôn ngữ, thông qua lời nói con người có thể truyền đạt những thông tin mình mong muốn, thể hiện cảm xúc, nguyện vọng, trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm,…
– Tiếng nói của con người dường như là một loại ký hiệu âm thanh kỳ diệu, giúp ta phân biệt với các giống loài khác, đồng thời là một trong những hành trang đầu tiên để con người chính thức bước và xã hội.
b. Giải thích câu tục ngữ:
– Câu tục ngữ “Lời nói gói vàng”:
+ Là sự biểu đạt ý nhị của cha ông về tầm quan trọng của lời nói, nhắc nhở mỗi con người cần phải cẩn trọng, suy xét trước khi nói ra bất kể điều gì.
+ Lời nói quý giá tựa vàng, bạc, mà đã là vật quý giá thì tuyệt đối phải trân trọng, bảo vệ và không thể tùy tiện trao tặng dễ dàng.
– “Lời nói chẳng mất tiền mua”:
+ Tiếng nói, ngôn ngữ là tài sản vốn có của con người, tài sản ấy là dòng chảy bất tận, theo chúng ta đến hết cuộc đời, rất dồi dào, không cần phải qua một sự trao đổi vật chất nào.
+ “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, là lời khuyên chân thành về cách giao tiếp ứng xử sao cho thông minh và khéo léo để đạt được mục đích của bản thân.
c. Bàn luận:
– Hai câu tục ngữ trên mang vẻ ngoài trái ngược nhau nhưng về nội dung lại bổ khuyết hỗ trợ cho nhau tạo thành bài học đúc rút kinh nghiệm rất sâu sắc của cha ông về vấn đề giao tiếp trong cuộc sống.
– Lời nói gói vàng, gói bạc, là tài sản cực kỳ quý giá, dẫu rằng là vốn tự thân thế nhưng con người không nên vì thế mà sử dụng một cách phung phí, vô tội vạ, thậm chí sử dụng sai mục đích. Thay vào đó ta cần phải có một sự lựa chọn, cân nhắc kỹ càng. (Nêu một số ví dụ).
– Việc sử dụng tài sản ngôn ngữ một cách có lựa chọn, hợp lý sẽ khiến chúng ta được mọi người yêu quý, tin tưởng và có mong muốn gần gũi, kết thân.
– Lời nói chính là phương tiện thể hiện chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc, trình độ văn hóa, nhân phẩm, tính cách của một con người.
d. Bài học:
– Mỗi chúng ta phải học hỏi và cải thiện phong cách ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp của mình hằng ngày.
– Bản thân mỗi người phải ý thức được thế nào là văn minh lịch sự trong giao tiếp, trong bất kỳ hoàn cảnh giao tiếp nào ta cũng cần lịch sự, tế nhị, nói năng đúng mực, tránh từ ngữ thô tục, xúc phạm người khác.
3. Kết bài
Nêu cảm nghĩ cá nhân.
II. Bài văn mẫu Em hãy cho biết dân gian đã hiểu như thế nào về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống
Việt Nam là đất nước có nhiều những giá trị văn hóa dân gian vô cùng sâu sắc và tốt đẹp, đặc biệt là trong việc sáng tạo ra các câu ca dao, tục ngữ chứa đựng những giá trị tinh thần, những kinh nghiệm đúc rút từ ngàn đời xưa, để truyền dạy cho con cháu. Chúng không được ghi chép mà chủ yếu thông qua phương thức truyền miệng, từ đời này qua đời khác để lưu giữ, và dù đã qua không biết bao nhiêu năm tháng chúng vẫn còn vẹn nguyên giá trị và ngày sau cũng thế. Theo quan niệm của người xưa con người có nhiều cái học trong đó “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là một trong những cái quan trọng, việc ăn nói từ bao đời nay đã trở thành điều kiện tất yếu để con người tồn tại và phát triển trong xã hội. Chính về thế ông cha ta đã để lại nhiều những câu tục ngữ rất hay để khuyên răn con cháu về việc ăn nói, ứng xử trong cuộc sống, tiêu biểu đó là “Lời nói gói vàng” và “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Thế giới loài người sở dĩ tiến bộ và phát triển vượt bậc so với các giống loài khác là bởi loài người có trí tuệ và ngôn ngữ. Mà lời nói của con người chính là phương thức biểu đạt phổ biến nhất của ngôn ngữ, thông qua lời nói con người có thể truyền đạt những thông tin mình mong muốn, thể hiện cảm xúc, nguyện vọng, trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm,… Có thể nói rằng ngôn ngữ, lời nói chính là tiền đề cho sự nở rộ của nền văn minh nhân trong hàng triệu triệu năm. Tiếng nói của con người dường như là một loại ký hiệu âm thanh kỳ diệu, giúp ta phân biệt với các giống loài khác, đồng thời là một trong những hành trang đầu tiên để con người chính thức bước và xã hội. Thế nên cũng không quá khó hiểu khi lời ăn, tiếng nói lại luôn được cha ông coi trọng, thậm chí trong nền văn hóa cổ đại, việc nói năng còn có những phép tắc vô cùng nghiêm ngặt, phân biệt rõ giai cấp, địa vị của người nói bằng ngữ điệu, cách thức xưng hô, … Ngày nay việc ăn nói của con người đã trở nên khoáng đạt và ít đi những quy tắc cứng nhắc bởi sự tác động của quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không nằm ngoài những chuẩn mực nhất định của xã hội, việc nói gì, nói như thế nào cho đúng vẫn là ưu tiên số một trong cung cách ứng xử giữa người với người.
Câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” là sự biểu đạt ý nhị của cha ông về tầm quan trọng của lời nói, mỗi một câu một từ mà ai đó lựa chọn để biểu đạt đều có những giá trị và ý nghĩa riêng cho dù đó là một câu nói chỉ chứa vài từ đơn giản. Mà những ý nghĩa có giá trị đó buộc người nghe phải lắng nghe một cách nghiêm túc để tìm tòi, khai thác những nội dung ẩn chứa bên trong, để thấu hiểu nhau trong giao tiếp. Thêm vào đó câu tục ngữ cũng nhắc nhở mỗi con người cần phải cẩn trọng, suy xét trước khi nói ra bất kể điều gì, bởi lời nói quý giá tựa vàng, bạc, mà đã là vật quý giá thì tuyệt đối phải trân trong, bảo vệ và không thể tùy tiện trao tặng dễ dàng. Còn ở câu “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nếu mới xem qua thì dường như lại có ý nghĩa ngược lại so với câu trên nhưng thực tế không phải vậy. Nói “Lời nói chẳng mất tiền mua”, là bởi tiếng nói, ngôn ngữ là tài sản vốn có của con người, là thứ được cha mẹ dạy bảo từ thuở ấu thơ, nó đã trở thành một hành trang gắn liền với cuộc sống của mỗi chúng ta. Và thứ tài sản ấy là dòng chảy bất tận, theo chúng ta đến hết cuộc đời, rất dồi dào, không cần phải qua một sự trao đổi vật chất nào. Chính vì thế ông cha ta đã rất sâu sắc khi khuyên rằng “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, bởi lời hay ý đẹp cũng là nói, lời vụng về, trúc trắc cũng là nói, thế nhưng chẳng phải nếu ta khéo léo trong câu chữ thì dĩ nhiên người nghe sẽ cảm thấy thoải mái và có hứng thú hơn so với những câu nói thiếu liền mạch, tế nhị hoặc thô lỗ hay sao. Việc khéo léo, lựa chọn câu chữ, với những lời hay ý đẹp sẽ giúp chúng ta dễ dàng đạt được mục đích trong giao tiếp, tạo được mối quan hệ tốt đẹp, được nhiều người mến mộ tin tưởng, trở nên thuận lợi trong công việc hơn. Chung quy lại, người xưa dạy chẳng bao giờ là sai.
Hai câu tục ngữ trên mang vẻ ngoài trái ngược nhau nhưng về nội dung lại bổ khuyết hỗ trợ cho nhau tạo thành bài học đúc rút kinh nghiệm rất sâu sắc của cha ông về vấn đề giao tiếp trong cuộc sống. Lời nói gói vàng, gói bạc, là tài sản cực kỳ quý giá, dẫu rằng là vốn tự thân thế nhưng con người không nên vì thế mà sử dụng một cách phung phí, vô tội vạ, thậm chí sử dụng sai mục đích. Thay vào đó ta cần phải có một sự lựa chọn, cân nhắc kỹ càng, giống như việc lên kế hoạch tài chính, thu chi vậy, nên dùng khoản nào, dùng vào việc nào cho hiệu quả. Ví như trong mối quan hệ làm ăn kinh doanh, ta nên dùng những từ ngữ thuộc phạm trù kinh doanh, tuy khách sáo nhưng không có nghĩa là nhân nhượng mà phải ứng xử sao cho khéo léo dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, để đạt được thỏa thuận cuối cùng. Như vậy rõ ràng rằng lời nói đã thể hiện được tính quan trọng và quý giá của nó thông qua việc lựa chọn ngôn từ chính xác, vừa lòng đối phương. Tương tự, trong mối quan hệ tình cảm, người ta nên dùng những từ ngữ có tính ân cần, dịu dàng để bộc lộ tình cảm, khiến đối phương cảm thấy ấm áp và hạnh phúc, từ đó mối quan hệ cũng trở nên gắn bó và bền chặt hơn. Rồi trong việc giao tiếp với bề trên, người có vai vế lớn hơn mình thì lại càng phải thận trọng, lựa chọn lời vàng ý ngọc mà thể hiện sự cung kính, lễ phép, trân trọng, để mọi người đều được đẹp lòng, thích ý,… Đồng thời trong lúc giao tiếp không phải lúc nào những lời thẳng thắn cũng là lời quý giá, mà nó chỉ quý giá khi chúng ta biết truyền đạt một cách khéo léo, khiến người nghe có thể thoải mái chấp nhận, còn nếu ngược lại người nghe phản ứng tiêu cực thì coi như chúng ta đã phí phạm tài sản của mình và thất bại trong giao tiếp.
Khi chúng ta thấu hiểu được hai câu tục ngữ trên thì việc giao tiếp của chúng ta sẽ thuận lợi hơn, việc sử dụng tài sản ngôn ngữ một cách có lựa chọn, hợp lý sẽ khiến chúng ta được mọi người yêu quý, tin tưởng và có mong muốn gần gũi, kết thân. Không chỉ vậy khả năng giao tiếp còn thể hiện chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc, trình độ văn hóa, nhân phẩm, tính cách của một con người. Chính vì thế chúng ta phải học hỏi và cải thiện phong cách ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp của mình hằng ngày, lấy hai câu tục ngữ phía trên làm kim chỉ nam để điều chỉnh. Bản thân mỗi người phải ý thức được thế nào là văn minh lịch sự trong giao tiếp, điều đó được thể hiện qua rất nhiều phương diện, từ tư thế, điệu bộ, cử chỉ, nét mặt, giọng điệu,… Điều quan trọng là trong bất kỳ hoàn cảnh giao tiếp nào ta cũng cần lịch sự, tế nhị, nói năng đúng mực, tránh từ ngữ thô tục, xúc phạm người khác. Bởi đơn giản rằng khi một câu nói không hay tuôn ra từ miệng chúng ta thì chính nó cũng phản ánh nhân phẩm và đạo đức của chính bản thân các bạn. Điều đó đã hoàn toàn đi ngược lại với những gì cha ông truyền dạy từ bao đời nay.
Chung quy lại, cả hai câu tục ngữ trên đều là những lời dạy chân thành tha thiết của cha ông dành cho các thế hệ con cháu sau này về một trong số những phương diện quan trọng nhất của đời sống con người. Bản thân là các thế hệ tiếp nối được thừa hưởng những kinh nghiệm quý giá của cha ông, chúng ta phải biết tự rèn luyện lời ăn tiếng nói hằng ngày sau cho đúng đắn, khéo léo và thông minh, trân trọng lời nói như chính tâm hồn chúng ta vậy.
Lời nói có vai trò quan trọng trong giao tiếp và cuộc sống thường ngày của con người, cùng với bài Em hãy cho biết dân gian đã hiểu như thế nào về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số gợi ý khác cho các đề thuộc Bài tập làm văn số 6, Ngữ văn lớp 7 như: “Mùa xuân là tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Bác Hồ muốn khuyên dạy điều gì qua hai dòng thơ này? Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước?, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Người xưa muốn nhắn nhủ điều gì trong câu ca dao ấy?, Hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: “Thất bại là mẹ thành công”, Em hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin: “Học, học nữa, học mãi”.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục