Đề bài: Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa
This post: Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa
Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa
I. Dàn ý Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về bản thân (nhân vật cháu trong bài thơ)
2. Thân bài
* Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn hồi tưởng cảm xúc về bà
– Hình ảnh bếp lửa gần gũi, quen thuộc trong mỗi gian bếp người Việt xưa
– Hình ảnh bếp gợi lên hình ảnh bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của người bà nhóm lửa.
* Hồi tưởng lại kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà, bếp lửa gắn liền với bà
– Tuổi thơ đầy thiếu thốn, gian khổ, nhọc nhằn
– Bóng đen ghê rợn của nạn đói năm 1945, mẹ và cha bận công tác không về
– Cháu sống cùng bà, được bà cưu mang, dạy dỗ, phải tự lập và sớm phải lo toan
* Suy ngẫm về bà và cuộc sống của bà
– Thương bà khó nhọc, tần tảo sớm hôm
– Đức hy sinh, sự chăm lo cho mọi người của bà
– Ngọn lửa bà nhóm lên là ngọn lửa yêu thương, niềm vui
* Cảm nghĩ sau khi đã trưởng thành và nỗi nhớ về bà
– Cháu bây giờ đã lớn khôn, được chắp cánh bay xa, niềm vui mở rộng ở phía trước
– Không nguôi quên ngọn lửa của bà, tấm lòng và tình yêu của bà, bà là người truyền lửa – Ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho thế hệ sau
3. Kết bài
Nêu cảm nghĩ của bản thân về bà, về ngọn lửa bà nhóm lên
II. Bài văn mẫu Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa (Chuẩn)
1. Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa, mẫu 1 (Chuẩn)
Ở một nơi xa xôi, ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, hình ảnh bếp lửa ấm áp quen thuộc của tuổi thơ bỗng ùa về trong tâm trí của tôi. Hình ảnh bếp lửa thân thuộc của góc bếp Việt Nam, hình ảnh bếp lửa còn khiến tôi nhớ về bà.
Mỗi sáng sớm bà đều dậy nhóm lửa, ánh lửa cháy lên bắt đầu một ngày mới, bếp lửa ấy còn là nỗi vất vả sớm hôm không quản nắng mưa của bà. Nhớ lại hồi đó tôi mới bốn tuổi, mùi khói của bếp lửa cho đến giờ vẫn chẳng thể quên, những năm tháng ấy là nạn đói của cả dân tộc, cả bố và mẹ đều phải đi công tác và nhiệm vụ nên chỉ có tôi ở nhà với bà. Ngày xưa mắt tôi nhèm vì làn khói bếp thì bây giờ sống mũi lại cay khi nhớ về nó. Trong suốt tám năm tôi sống cùng bà, tôi là người cùng bà nhóm lửa, cứ mỗi mùa tu hú kêu bà tôi lại kể chuyện những ngày ở Huế. Tiếng tu hú tha thiết như chính tình cảm thương yêu của bà, bà chăm lo cho tôi từng cái ăn, cái mặc, dạy tôi học, dạy tôi làm, tôi thương bà khó nhọc nên bà bảo gì tôi đều nghe. Nhớ năm giặc vào làng tôi đốt cháy cả nhà nhưng bà vẫn dặn tôi có viết thư không được kể linh tinh mà phải bảo nhà vẫn bình yên cho bố mẹ yên tâm công tác. Ngọn lửa bà tôi nhóm lên không đơn thuần là ngọn lửa cháy mà còn là ngọn lửa niềm tin, hy vọng. Cả cuộc đời bà suốt mấy chục năm ngày nào bà cũng dậy sớm nhóm lửa, tôi nhờ có ngọn lửa mà có niềm yêu thương, có khoai sắn ngọt bùi và cả những tâm tình tuổi thơ. Giờ đây khi đã đi xa đến miền đất xa lạ, có những niềm vui mới có nhiều tương lai thế nhưng tôi lại chẳng có bếp lửa và bà, trong lòng vẫn luôn khắc khoải câu hỏi “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”.
Cả cuộc đời này tôi sẽ chẳng bao giờ quên được hình ảnh bếp lửa, cũng không thể nào quên được tình yêu thương vĩ đại, vô bờ bến mà bà đã dành trọn cả cuộc đời cho tôi.
2. Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa, mẫu 2 (Chuẩn)
Hôm nay, tôi bắt gặp hình ảnh bếp lửa, thật khó để diễn tả những cảm xúc, trạng thái và ý thức của tôi lúc bấy giờ. Tôi chỉ nhớ rằng mình đã đứng ngây người trước bếp lửa đó và hình ảnh người bà thân thương nhóm bếp lửa cho tôi lại sống lại trong tâm hồn.
Bếp lửa có từ bao giờ, tôi cũng chẳng thể biết rõ, chỉ biết rằng từ khi tôi sinh ra đã quen thuộc với việc nhóm bếp lửa của bà. Ngày nắng to cũng như ngày mưa bão, chẳng ngày nào là bà không nhóm bếp, năm tôi bốn tuổi mùi khói đã trở nên quen thuộc, ám vào quần áo và cả tâm hồn. Giữa những năm 1945 sao mà cái đói lại đáng sợ đến thế, bố mẹ vất vả mưu sinh chỉ còn lại hai bà cháu nương tựa nhau mà sống. Khói bếp khi ấy làm nhèm mắt tôi nhưng bây giờ tôi lại bật khóc vì không được ngửi làn khói ấy.
Tám năm ròng, tôi cùng bà nhóm lửa, ngồi cạnh bà bên bếp lửa bà hay kể tôi nghe chuyện ngày còn ở Huế. Đã lâu rồi tôi không nghe thấy tiếng tu hú, nhớ về kỉ niệm sống với bà là quãng đời tuyệt đẹp, bà dạy tôi làm, bà bảo tôi học, bà chăm tôi ăn từng miếng ăn, giấc ngủ, thương bà khó nhọc tần tảo sớm hôm tôi chỉ biết chăm ngoan nghe lời. Ngày xưa khổ lắm ai ơi, giặc tràn về đốt hết mái nhà tranh, khó khăn lắm mới dựng lại được, để cho bố mẹ yên tâm công tác bà vẫn dặn tôi không được nói về chuyện đó. Ngày tháng cứ thế trôi qua, sáng nào bà cũng nhóm bếp, bà nhóm lên ngọn lửa yêu thương, niềm tin và hy vọng về tương lai tươi sáng, ấm no, sum vầy. Nhờ có bếp lửa của bà tôi thấu hiểu được nỗi lận đận nắng mưa, dù thời thế có thay đổi trong suốt mấy chục năm bà vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm bếp lửa. Từ bếp lửa ấy có xôi có gạo, có khoai sắn ngọt bùi và có cả tâm tình tuổi nhỏ. Bếp lửa của bà kì lạ và thiêng liêng lắm, để bây giờ khi rời xa quê hương, tôi ở nơi miền đất mới nhiều điều tươi sáng nhưng vẫn không thể quên bếp lửa và bà.
Trưởng thành rồi ta lại muốn trở nên bé lại, được trở về với những đơn sơ, ngây dại. Sẽ chẳng có gì có thể nói hết được tình yêu của tôi với bà và với quê hương Việt Nam.
3. Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa, mẫu 3 (Chuẩn)
Mỗi năm mùa đông đến, phải ngồi bên lò sưởi, ngồi nhìn ngọn lửa cháy tôi lại nhớ đến bếp lửa thân thuộc nơi quê nhà. Ở Việt Nam có bếp lửa, có bà hàng ngày nhóm lửa, ngọn lửa nơi đất khách quê người này dù có to và sáng đến đâu cũng chẳng thể ấm áp và giàu tình thương như ngọn lửa của bà.
Xa quê hương rồi tôi mới thấm thía nỗi nhớ quê, nhớ gia đình và người bà kính yêu. Ai cũng có quê hương và có những kỉ niệm với nơi sinh ra và lớn lên ấy, đối với tôi cái tôi nhớ nhất bây giờ là bếp lửa chờn vờn sương sớm, bếp lửa ấp iu nồng đượm của bà. Bà tôi – một người có đức hy sinh cao cả, cả một đời lo cho con cho cháu, tôi nhớ bếp lửa của bà, cái bếp khiến tôi quen mùi khói khi bốn tuổi. Cái nghèo đói năm 1945 ấy cả đời tôi sẽ chẳng quên được, bố đi đánh xe khô rạc cả người, cái đói mòn mỏi quanh quẩn bên bếp lửa của bà, làn khói hun nhèm mắt mà bây giờ nghĩ lại khiến tôi cay sống mũi.
Tám năm ròng tôi cùng bà nhóm bếp lửa, thường ngồi bên bếp nghe văng vẳng tiếng tu hú kêu, chẳng biết bà còn nhớ không, những câu chuyện bà bà kể cho tôi ngày còn ở Huế. Vì cha mẹ bận công tác không về, cuộc sống tôi quanh quẩn bên bà, bà cho tôi được ăn ngủ, học hành, dạy bảo tôi từng thứ nhỏ nhặt và cả những điều sâu xa, cao cả. Giống như năm mà giặc đến đốt nhà tôi, cơ sự nghiêm trọng ấy nhưng cũng chỉ mình bà gánh vác, bà không muốn con cái phải lo lắng nên dặn tôi có viết thư cho bố phải bảo ở nhà vẫn bình yên. Tu hú ơi, tu hú còn kêu nữa hay không, hãy thay tôi đến ở cùng bà, san sẻ những lận đận vất vả của bà, cùng bà sớm chiều nhen lên bếp lửa. Trong lòng bà luôn có một ngọn lửa đã ủ sẵn, đó là ngọn lửa niềm tin, yêu thương, cho nồi xôi gạo thơm ngon, cho củ khoai sắn ngọt bùi, chỉ cần bếp lửa bà nhóm lên là bao tâm tình tuổi nhỏ trong tôi lại trỗi dậy. Tiếc thay tôi không còn được bên cạnh bếp lửa kì lạ và thiêng liêng ấy, lựa chọn đi xa quê hương, rời xa bà tôi thầm tiếc nuối quãng thời gian được bà ủ ấp, vỗ về yêu thương, được cùng bà nhóm lên bếp lửa.
Ở chốn phồn hoa nhưng xa lạ tôi luôn khắc khoải một niềm nhớ thương về bà, về tình yêu và sự hy sinh của cuộc đời bà. Vẫn là câu hỏi tôi rất muốn được hỏi bà “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”.
—————–HẾT——————–
Bài thơ Bếp lửa nằm trong chương trình Tự học có hướng dẫn, để có thể học và khai thác tốt các kiến thức văn học có trong tác phẩm này các em có thể tham khảo thêm các đề văn liên quan như: Cảm nhận về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa, Phân tích khổ 2 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, Bình giảng bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục