Đề bài: Đoạn văn Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí
This post: Đoạn văn Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí
Đoạn văn Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí
I. Dàn ý Đoạn văn Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí (Chuẩn)
1. Mở đoạn
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hình tượng vua Quang Trung.
2. Thân đoạn:
a. Quang Trung là một người có hành động quyết đoán, mạnh mẽ:
– Khi hay tin quân Thanh vào Thăng Long, ông đã “định thân chinh cầm quân đi ngay” để đánh giặc.
– Nghe lời tướng sĩ khuyên, ông quyết định lên ngôi hoàng đế trước “cho đắp đàn trên núi Bân, tế cáo trời đất”.
– Sau đó, ông thân chinh dẫn đại binh tiến quân ra Bắc.
b. Ông là người có trí tuệ sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng
– Tiến quân đến Nghệ An, ông dừng lại chiêu bình:
+ Biết lòng binh mới chưa vững, ông “cưỡi voi” ra tận doanh “yên ủi quân lính” cũng như ra lời phủ dụ.
+ Khi 2 tướng “Sở và Lân” làm thất thủ Thăng Long, ông không trách tội nhưng nghiêm khắc chỉ ra những yếu điểm và trọng dụng họ ở những vị trí khác.
– Trên đường tiến về Thăng Long, chưa hề giáp mặt với quân địch nhưng ông đã có “phương sách tiến đánh” với quân Thanh.
– Ông còn định sắc chính sách ngoại giao sau khi quân Thanh thua trận để tránh nạn binh đao cho dân chúng.
c. Vua Quang Trung là vị vua có tài thao lược, dụng binh hơn người:
– Chỉ trong vòng 5 ngày nhưng ông đã hành quân thần tốc từ Phú Xuân tới Nghệ An.
– Trong vòng 7 ngày, ông đã tiến sát tới Thăng Long, bao vây Hạ Hồi, rồi đánh cho quân Thanh tan tác, “bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”.
d. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
– Vua Quang Trung được xây dựng bằng cảm hứng sử thi và niềm tự hào dân tộc.
3. Kết đoạn:
– Khẳng định vẻ đẹp hình tượng vua Quang Trung.
II. Những Đoạn văn Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí hay nhất
1. Đoạn văn Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí, mẫu 1 (Chuẩn)
Quang Trung là vị vua áo vải vô cùng tài ba của dân tộc Việt Nam. Hình tượng ông đã được nhóm tác giả Ngô gia văn phái tái hiện rõ nét trong tác phẩm “Hoàng lê nhất thống chí”. Đầu tiên ta thấy ở ông là một người có những hành động vô cùng quyết đoán. Khi hay tin “quân Thanh đến Thăng Long và việc vua Lê thụ phong”, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã vô cùng tức giận, ông định sẽ “thân chinh cầm quân đi ngay” để dẹp tan lũ quân Thanh xâm lược. Khi được các tướng sĩ khuyên ngăn rằng phải lên ngôi vua “để yên kẻ phản trắc và giữa lấy lòng người”, ông cho là việc đúng đắn nên đã ngay lập tức “cho đắp đàn trên núi Bân, tế cáo trời đất” và lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung đồng thời dẫn binh ra Bắc tiến đánh quân Thanh. Thứ hai, Quang Trung là một vị hoàng đế sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng. Ngay khi biết tin quân Thanh vào Thăng Long, ông đã định đem quân tiêu diệt chúng ngay. Nhưng biết hành quân từ kinh thành Phú Xuân đến Thăng Long là cả một hành trình dài, vậy nên ông “đốc thúc” quân lính của mình đi ngay ngày 25 tháng Chạp. Sau đó, khi tới Nghệ An, ông lại tổ chức tuyển bình đồng thời “cưỡi voi” ra tận doanh để “yên ủi quân lính” mới và truyền lời phủ dụ của mình. Trong lời phủ dụ ấy, ông chỉ ra những tội ác của quân giặc phương Bắc để kích thích tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của binh lính “Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không ai chịu nổi” và còn nêu ra những tấm gương anh dũng đã đứng lên đánh đuổi quân giặc “Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ”. Khi hai tướng “Sở và Lân ra đón”, mang theo “gươm trên lưng để xin chịu tội” vì đã đánh mất Thăng Long, ông không trị tội mà chỉ nghiêm khắc chỉ ra những điểm mạnh điểm yếu của hai người tướng cũng như điểm yếu trở của Thăng Long. Đồng thời ông tiếp tục giao trách nhiệm khác cho hai người tướng đó. Đây là hành động thu phục lòng người, trọng người tài giỏi của vua Quang Trung. Những điều đó đã minh chứng cho một con người có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén với thời cuộc. Khi tiến quân hỏa tốc ra Thăng Long, Quang Trung đã dự định cho mình những “phương lược tiến đánh”, thậm chí ông còn chuẩn bị sẵn kế sách ngoại giao sau khi quân Thanh thua cuộc “chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù […] đến lúc ấy chỉ có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi việc binh đao”. Điều này cho thấy Quang Trung là một vị vua có tầm nhìn xa trông rộng hơn người. Và hơn thế, ông còn là một người lãnh đạo có tài dụng binh, thao lược. Chỉ trong vòng 5 ngày ngắn ngủi, Quang Trung đã hành quân thần tốc từ Phú Xuân ra tới Nghệ An. Vậy là chỉ trong vòng “mươi ngày”, ông đã chỉ huy quân lính mở những đợt tấn công lớn vào Hạ Hồi rồi vào thẳng Thăng Long, dẹp được hơn 25 vạn quân Thanh. Đánh cho chúng tan tác, phải “giày xéo lên nhau mà chết”, khiến cho thái thú Sầm Nghi Đống phải “tự thắt cổ chết” và vua tôi nhà Lê phải trốn chạy. Các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã dựng lại hình tượng vua Quang Trung bằng cảm hứng sử thi và niềm tự hào dân tộc. Vua Quang Trung là người anh hùng dân tộc, vị vua áo vải tài ba trong lịch sử Việt Nam.
2. Đoạn văn Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí, mẫu 2 (Chuẩn)
Hồi 14 “Hoàng Lê nhất thống chí” viết về vị vua áo vải Quang Trung với niềm tự hào và quan điểm lịch sử đúng đắn. Vua Quang Trung là một con người quyết đoán, mạnh mẽ, vừa hay tin “quân Thanh vào Thăng Long”, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã giận dữ “định thân chinh cầm quân đi ngay” để đánh tan lũ giặc xâm lược. Nghe lời khuyên ngăn của tướng sĩ, ông đã cho “đắp đàn trên núi Bân, tế cáo trời đất” rồi lên ngôi hoàng đế sau đó dẫn theo đại binh tiến ra Thăng Long tiêu diệt quân Thanh. Khi ra tới Nghệ An, ông cho chiêu thêm binh lính. Biết lòng quân chưa yên, ông tự mình “cưỡi voi ra doanh” mà “yên ủi quân lính” cũng như ra lời phủ dụ truyền cho họ tinh thần yêu nước và tinh thần căm thù giặc. Ông chỉ ra những tội ác mà dân phương Bắc đã gây nên cho nước ta mà còn kể tên những vị anh hùng của dân tộc đã dũng cảm đứng lên đánh đuổi quân phương Bắc xâm lược, giữ bình yên cho đất nước. Vua Quang Trung không trị tội “Sở và Lân” vì đánh mất Thăng Long mà chỉ ra cho họ những điểm mạnh yếu, giữ lại họ để tiếp tục nhiệm vụ khác. Hành động này đã thể hiện trí tuệ sáng suốt của vua Quang Trung trong việc dùng người và lãnh đạo đất nước. Ông cũng là một vị vua có tầm nhìn xa trông rộng. Khi vừa mới tiến quân ra Bắc đánh giặc mà ngay trên đường đi, vua Quang trung đã có sẵn “phương lược tiến đánh”, thậm chí là chiến lược ngoại giao sau khi quân Thanh thua trận. Quang Trung còn là một vị vua có tài thao lược, dụng binh hơn người. Chỉ trong vòng năm ngày, ông đã cho hành quân thần tốc từ kinh thành Phú Xuân ra tới tận Nghệ An rồi hẹn tướng sĩ của mình mồng 7 sẽ “mở tiệc” trong Thăng Long. Và quả đúng như vậy, từ ngày 30 tháng Chạp đến ngày mồng 7 Tết, Quang Trung đã chỉ huy quân lính, tiến đánh, bao vây Hạ Hồi, tiến thẳng vào Thăng Long khiến cho “quân Thanh không chống nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, khiến cho Sầm Nghi Đống phải “tự thắt cổ chết” còn vua tôi Lê Chiêu Thống phải chạy trốn. Bằng cảm hứng sử thi và tinh thần tự hào dân tộc, các tác giả Ngô gia văn phái đã dựng lên bức chân dung người anh hùng Nguyễn Huệ vô cùng chân thực và hào hùng.
3. Đoạn văn Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí, mẫu 3 (Chuẩn)
Hoàng Lê nhất thống chí là một trong những tác phẩm miêu tả chính xác, sống động nhất hình ảnh của vị vua áo vải Quang Trung. Trong tác phẩm, vua Quang Trung hiện lên là một con người hành động vô cùng quyết đoán và mạnh mẽ. Chỉ vừa nghe tin quân Thanh tràn vào Thăng Long, ông đã “định thân chinh cầm quân đi ngay”, thế nhưng để “yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người”, ông đã nghe theo lời khuyên can của tướng lĩnh mà “đắp đàn, tế cáo trời đất”, lên ngôi hoàng đế. Sau khi lên ngôi, Quang Trung dẫn đầu “đại binh” của mình tiến ra Bắc với mục tiêu đánh tan 25 vạn quân xâm lược nhà Thanh. Trên đường đi, ông tổ chức chiêu thêm binh, củng cố quân đội. Biết lòng quân mới còn chưa yên, ông đã “cưỡi voi” ra tận doanh lính mà “yên ủi” họ. Không chỉ vậy, vua Quang Trung còn có tài dùng người, trọng người tài. Khi hai tướng Sở và Lân làm thất thủ Thăng Long, đã “mang gươm trên lưng” xin chịu tội với vua Quang Trung nhưng ông không hề trừng phạt họ mà còn chỉ ra cho họ những điểm mạnh yếu và giao cho họ những nhiệm vụ khác. Trên đường tiến quân, vua Quang Trung đã dự liệu cho mình “phương lược tiến đánh” quân Thanh đồng thời cũng dự định cả kế sách ngoại giao sau khi quân Thanh thua trận để tránh cho con dân phải chịu nạn binh đao. Có thể thấy, ông là một vị vua có tầm nhìn xa trông rộng, lo lắng cho an nguy của dân chúng. Cuối cùng ở ông, ta thấy tài dụng binh, thao lược hơn người. Trong vòng năm ngày, ông đã tiến quân thần tốc từ Phú Xuân tới Nghệ An, rồi trong vòng 7 ngày ông đã tiến thẳng vào Thăng Long, đại phá 25 vạn quân Thanh xâm lược khiến chúng phải. Vua Quang Trung – vị vua áo vải là đại diện cho tinh thần, cho con người Việt Nam kiên trung, bất khuất, tài ba, dũng cảm vô cùng.
—————-HẾT——————
Để tìm hiểu thêm về tác phẩm Hoàng Lê nhất thống trí của nhóm tác giả Ngô gia văn phái, cũng như về người anh hùng áo vải của dân tộc ta – vua Quang Trung, mời các bạn tìm đọc các bài viết khác của chúng tôi như: Kể lại đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí, Phân tích Hoàng Lê nhất thống chí, Nghệ thuật xây dựng nhân vật vua chúa trong Hoàng Lê nhất thống chí.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)