Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết và viết bài hoàn chỉnh cho đề văn: Chứng minh “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”.
This post: Chứng minh “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng” (tiếp)
A. Lập dàn ý
1. Mở bài
– Dẫn dắt và nêu vấn đề cần chứng minh: “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”.
2. Thân bài
a) Giải thích
– Mực:
+ Nghĩa đen: Là một loại chất lỏng, ngày xưa thứ mực thường được dùng là mực Tàu màu đen để viết chữ, vẽ tranh; nếu không khéo léo trong quá trình sử dụng sẽ bị dây mực rất bẩn.
+ Nghĩa bóng: Mực tượng trưng cho những điều xấu xa, thế lực đen tối.
– Đèn:
+ Nghĩa đen: Là vật phát sáng để soi tỏ mọi thứ xung quanh, đến gần đèn ta sẽ được soi sáng.
+ Nghĩa bóng: Đèn tượng trưng cho những điều tốt đẹp, sáng sủa.
=> Hai hình ảnh “mực” và “đèn” là hai hình ảnh tương phản, đối lập nhau
– Giải thích cả câu: “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”
b) Chứng minh
* Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”
– Ý nghĩa: Hoàn cảnh sống có tác động đến việc hình thành và phát triển nhân cách của con người.
– Nêu biểu hiện:
+ Trong gia đình: Những thói hư tật xấu, những lời nói, hành động thiếu văn hóa của người lớn sẽ có tác động đến nhận thức cả trẻ nhỏ => Khi lớn lên, chúng sẽ dễ dàng nhiễm những thói hư tật xấu đó.
– Trong xã hội: Môi trường học tập, làm việc thiếu lành mạnh, thiếu nhân văn dễ khiến chúng ta trở nên sa ngã, thậm chí kìm hãm sự phát triển của bản thân…
– Nguyên nhân:
+ Con người là sự tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, bởi vậy quá trình hình thành, phát triển nhân cách của mỗi người luôn phải chịu tác động, chi phối của hoàn cảnh là lẽ tất yếu.
+ Khi con người thiếu ý chí, nghị lực và bản lĩnh sẽ dễ dàng chịu khuất phục trước hoàn cảnh xô đẩy, trở nên sa ngã.
* Chứng minh ý kiến “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”
– Ý nghĩa: Con người khi sống trong môi trường đầy rẫy cám dỗ, khó khăn vây quanh, thế nhưng biết vượt lên hoàn cảnh, có ý chí nghị lực và bản lĩnh vững vàng, chắc hẳn họ sẽ vượt qua những khó khăn đó để vươn lên… Ngược lại, có những con người sống trong môi trường lành mạnh, tốt đẹp, thậm chí điều kiện sống vô cùng đầy đủ, vậy nhưng nhân cách không tốt,…
– Biểu hiện “gần mực chưa chắc đã đen”:
+ Trong văn học: Có những câu ca dao ca ngợi con người
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”
+ Trong cuộc sống:
Những người khuyết tật biết vượt lên số phận và truyền cảm hứng sống cho người khác: Nick Vuijic, vận động viên Lê Văn Công (HCV Paralympics bộ môn cử tạ),…
Những đứa trẻ bị bỏ rơi, có hoàn cảnh sống khó khăn nhưng luôn nỗ lực, cố gắng hết mình trở thành những bậc tài danh, trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội.
– Nguyên nhân:
+ Do họ có bản lĩnh vững vàng, có ý chí, nghị lực vươn lên, khắc phục mọi khó khăn để tự mình gặt hái thành công.
3. Phê phán
– Những người không có bản lĩnh, dễ dàng bị sa ngã trước những cám dỗ.
– Những kẻ hèn nhát, nhụt chí không biết vượt lên hoàn cảnh.
– Những người chỉ thích hưởng thụ, lười biếng…
4. Mở rộng, phản đề
– Cần có ý chí, bản lĩnh vững vàng trước mọi biến cố, thử thách của cuộc sống nhưng không vì vậy mà phủ nhận quá khứ, quay lưng lại với người thân hay những ngày tháng khổ cực mà ta đã từng trải qua.
– Với những người sống trong những gia đình có điều kiện thuận lợi, môi trường sống tốt, lành mạnh càng cần khẳng định giá trị của bản thân và giữ vững phẩm chất tốt đẹp, không ỷ lại và có tâm lí phụ thuộc.
– Dù trong điều kiện và môi trường sống nào, con người cũng cần vượt lên chính mình, không khuất phục trước khó khăn, thử thách.
– Cần chọn bạn mà chơi, chọn nơi tốt để ở, có như vậy con người ta mới tiến bộ được, mới học hỏi được nhiều điều hay lẽ phải.
5. Bài học:
– Về nhận thức: Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” đã không còn được áp dụng với tất cả trường hợp trong đời sống hiện nay bởi có những trường hợp “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”. Bởi vậy mỗi người cần có nhận thức sâu sắc về hoàn cảnh sống và thường xuyên tu dưỡng bản thân mình.
– Về hành động: Con người luôn phải rèn luyện ý chí bản lĩnh và đạo đức của mình bằng những việc làm cụ thể.
III. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề cần chứng minh
– Nêu cảm nghĩ của bản thân.
B. Bài viết
Câu chuyện Mẹ Mạnh Tử dạy con hẳn là câu chuyện sâu sắc về tầm quan trọng của môi trường sống có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành cũng như phát triển nhân cách của thế hệ trẻ. Truyện kể này nhắc nhớ ta đến câu tục ngữ quen thuộc của ông cha ta “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, tuy nhiên trong thực tế có một số trường hợp “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”. Vậy bạn nghĩ sao về ý kiến này?
Trước hết, chúng ta cần hiểu thế nào là “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”? Với câu tục ngữ này, ông cha ta đã mượn hai hình ảnh mang ý nghĩa tương phản nhau, nếu như mực thường là chất lỏng màu đen, người xưa thường sử dụng mực Tàu đen để viết chữ hay vẽ tranh, nếu sử dụng không khéo léo sẽ bị mực dây vào tay hay quần áo thường rất bẩn. Hình ảnh mực còn là hình ảnh ẩn dụ, mang ý nghĩa tượng trưng cho những điều xấu xa, đen tối, những cám dỗ bên ngoài mà con người rất dễ mắc phải. “Gần mực thì đen” có nghĩa khi ở trong môi trường xấu, tiếp xúc với những con người không tốt, chúng ta rất dễ bị lây nhiễm những thói quen xấu và dễ dàng bị sa ngã, đi theo con đường tội lỗi. Còn khi nhắc đến “đèn” – một vật dụng chiếu sáng vào ban đêm, giúp nhìn rõ mọi vật khi không có ánh sáng tự nhiên của mặt trời, người ta thường nghĩ ngay đến ánh sáng, những gì đẹp đẽ nhất. “Gần đèn thì rạng” nghĩa là khi sống trong môi trường tốt đẹp, lành mạnh, được tiếp xúc với những con người tốt, chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn, học hỏi được những điều hay lẽ phải.
Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống đã chứng minh rằng trong một số trường hợp, “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã sáng”. Câu tục ngữ này đã khẳng định tùy thuộc vào từng tình huống, con người dù có gần đèn – sống trong môi trường lành mạnh, tốt đẹp, thậm chí sống trong điều kiện vô cùng đầy đủ nhưng không có bản lĩnh vững vàng, sẽ rất dễ bị cám dỗ, sa vào những thói xấu; có những kẻ chỉ thích hưởng thụ, hèn nhát, nhụt chí không biết vượt lên hoàn cảnh. Ngược lại, có những người sống trong hoàn cảnh khó khăn “gần mực” nhưng với bản lĩnh vững vàng đã tự mình vượt lên mọi thử thách để sống một cuộc đời có ý nghĩa. Đó là Nick Vuijic, cả thế giới đều cảm phục bởi tài năng và ý chí, nghị lực phi thường của anh. Là một người khi sinh ra không may mắn gặp phải chứng bệnh rối loạn bẩm sinh khiến anh không có tay và chân, điều này khiến anh suy sụp tinh thần và đã có ý định tự tử nhiều lần, những tưởng rằng cuộc đời của anh sẽ chìm vào trong bóng tối. Nhưng nhờ tình yêu thương của cha mẹ và những nỗ lực không ngừng nghỉ, bản lĩnh phi thường của bản thân, anh đã thoát khỏi những mặc cảm đè nén đó để vươn lên trở thành một người sống có ý nghĩa và diễn giả truyền cảm hứng sống cho biết bao con người trên khắp thế giới. Đó chẳng phải là “gần mực chưa chắc đã đen” hay sao? Hay như vận động viên người khuyết tật Lê Văn Công của Việt Nam, người đã từng phá nhiều kỉ lục thế giới trong bộ môn cử tạ để mang lại vinh quang cho đất nước. Anh sinh ra đã mắc bệnh teo chân, đã phải trải qua rất nhiều công việc vất vả để mưu sinh trước khi đến với con đường vận động viên chuyên nghiệp; bỏ qua những mặc cảm về bản thân và bằng ý chí, nghị lực phi thường cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh xứng đáng là tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo. Đó còn là những đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực cố gắng hết sức mình trở thành những bậc tài danh, trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội. Quả đúng là khi con người bị đẩy đến bi kịch, những đen tối của cuộc đời, chỉ có bản lĩnh và ý chí con người mới giúp con người thoát khỏi vũng bùn lầy đó để vươn lên tỏa sáng.
Để làm được những điều kì diệu, phi thường như Nick Vuijic, như vận động viên Lê Văn Công… và hàng trăm, hàng ngàn những tấm gương vượt khó khác không gì khác chính là do họ có bản lĩnh vững vàng, ý chí và nghị lực vươn lên khắc phục mọi khó khăn để tự mình gặt hái thành công. Như vậy, ý kiến “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng” có phần phù hợp trong một số trường hợp thực tế của cuộc sống hiện nay, qua đây cũng giúp chúng ta có những nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của môi trường đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người, tuy nhiên bản lĩnh của mỗi người là yếu tố quan trọng hơn cả để có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống dù là trong điều kiện và môi trường sống nào. Với những người sống trong những gia đình có điều kiện vật chất đầy đủ, thuận lợi lại càng cần khẳng định giá trị của bản thân và giữ vững phẩm chất tốt đẹp của bản thân, không ỷ lại vào người khác.
Như vậy, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” đã không còn được áp dụng rộng rãi trong mọi trường hợp trong đời sống hiện nay bởi có những trường hợp “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng” . Vậy nên mỗi người cần có nhận thức sâu sắc về hoàn cảnh sống và thường xuyên tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân mình bằng những hành động tốt đẹp để xây dựng cuộc sống ngày một văn minh, hiện đại hơn.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục