Đề bài: Chứng minh câu nói: Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống trong Vợ nhặt
This post: Chứng minh câu nói: Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống trong Vợ nhặt
Chứng minh câu nói: Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống trong Vợ nhặt
I. Dàn ý Chứng minh câu nói: Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống trong Vợ nhặt (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về truyện ngắn Vợ nhặt và nhận định: “Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống trong Vợ nhặt”,
2. Thân bài
a. Hiện thực tăm tối của nạn đói:
– Truyện ngắn mở ra bằng khung cảnh u ám, nặng nề của nạn đói “người chết như ngả rạ”, “không khí vẩn lên mùi hôi của rác rưởi và mùi ngây của xác người”.
– Con người bị nạn đói đẩy đến ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, những người còn sống thì lặng lẽ, vật vờ như “những bóng ma”.
– Trong nạn đói khủng khiếp ấy, có được miếng ăn, duy trì được sự sống lại là một điều vô cùng khó xa xỉ.
b. Sức sống mãnh liệt và khát khao hạnh phúc của con người trong nạn đói:
* Anh cu Tràng:
– Là một người đàn ông xấu xí, ngờ nghệch lại nghèo khổ và có gánh nặng gia đình.
→ Anh khó có thể lấy vợ trong hoàn cảnh thường, khi nạn đói xảy ra thì điều đó càng trở nên xa xỉ.
– Quyết định “đèo bòng” một người đàn bà xa lạ trong lúc nạn đói đang hoành hành dữ dội nhất.
→ Quyết định nông nổi, liều lĩnh.
– Ẩn sau quyết định chóng vánh, dứt khoát ấy lại là lòng tốt và khát khao hạnh phúc của Tràng:
+ Tốt bụng, giàu tình nghĩa
+ Khát khao yêu thương, mong muốn có một gia đình trọn vẹn.
– Từ khi có vợ anh cũng thay đổi hẳn tâm tính, từ một người đàn ông ngờ nghệch, vô tâm anh trở thành một người đàn ông trưởng thành, trách nhiệm.
* Người vợ nhặt:
– Là nạn nhân đáng thương của nạn đói.
– Vì cái đói, cái nghèo vây khốn mà thị chấp nhận theo một người đàn ông xa lạ về làm vợ à Khát khao sống mãnh liệt.
– Từ khi theo Tràng về làm vợ, từ một người đanh đá, chua ngoa thị trở thành một người đàn bà ý nhị rất đúng mực.
→ Có thể thấy rằng không chỉ anh Tràng, người vợ nhặt cũng là một người khát khao hạnh phúc.
– Thị chủ động vun vén cho hạnh phúc gia đình bằng lời nói và hành động đúng mực.
– Trong bữa cơm ngày đói, để xua đi không khí u ám, nặng nề, thị đã kể về câu chuyện ở mạn ngược, người dân phá kho thóc Nhật.
→ Có thể nói sự xuất hiện của nhân vật Thị không chỉ thổi một luồng gió mới vào cuộc sống của người dân xóm Ngụ Cư mà còn mang đến không khí hạnh phúc, đầm ấm cho gia đình Tràng.
* Bà cụ Tứ:
– Dù bất ngờ trước sự xuất hiện của một cô con dâu xa lạ nhưng bà vẫn thật lòng chúc phúc cho hai con “Thôi, chúng mày phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”.
– Chuẩn bị một món quà cưới đặc biệt cho hai con.
– Trong bữa ăn bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng, tốt đẹp sau này.
→ Có lẽ rằng người mẹ ấy muốn gieo vào lòng các con niềm hi vọng sống để các con có thể cùng nhau vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn này.
3. Kết bài
Rút ra kết luận chung
II. Bài văn mẫu Chứng minh câu nói: Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống trong Vợ nhặt
Viết về nạn đói năm 1945, đã có rất nhiều nhà văn dùng ngòi bút của mình để phơi bày cuộc sống thê thảm của người dân vô tội và hiện thực tăm tối của thời đại, từ đó lên án sự tàn ác của thực dân Pháp và đế quốc Nhật. Cũng viết về chủ đề nạn đói, thế nhưng “Vợ nhặt” của Kim Lân không viết về cái khốn cùng, bi thảm của con người như những nhà văn cùng thời mà lại tập trung khắc họa vẻ đẹp đáng quý bên trong tâm hồn họ. Điều này được thể hiện ngay trong chia sẻ của nhà văn Kim Lân về truyện ngắn Vợ nhặt ” Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.
Truyện ngắn mở ra bằng khung cảnh u ám, nặng nề của nạn đói, khi “Người chết như ngả rạ, những con quạ ăn xác thối kêu lên những tiếng thê lương”. Trong không gian u ám ấy, trên đất ngổn ngang những kẻ sống, người chết, “không khí vẩn lên mùi hôi của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Con người bị nạn đói đẩy đến ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, những người may mắn còn chút “hơi tàn” cũng bị vắt kiệt sự sống mà vật vờ, lặng lẽ như “những bóng ma”. Trong nạn đói khủng khiếp ấy, có được miếng ăn, duy trì được sự sống lại là một điều vô cùng xa xỉ. Có lẽ bởi vậy nên khi chứng kiến việc anh cu Tràng “đèo bòng” thêm một người “vợ nhặt”, những người dân xóm Ngụ Cư lại thở dài và lo lắng cho tương lai của anh Tràng. Ngay cả bà cụ Tứ, dù hết mực yêu thương con, bà cụ mừng cho hạnh phúc mới của anh con trai nhưng cũng không tránh được nỗi lo lắng “Biết chúng nó có nuôi nổi nhau qua được cơn đói khát này không”.
Anh Tràng, bà cụ Tứ hay người vợ nhặt đều là những nạn nhân đáng thương của nạn đói. Họ bị cái đói, cái khát vây khốn và bị đẩy đến ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Anh cu Tràng sống cùng mẹ trong ngôi nhà tồi tàn, cũ nát ở xóm Ngụ cư, hàng ngày anh làm nghề kéo xe thuê để mưu sinh. Người vợ nhặt sống lang bạt, để trốn tránh cái đói mà chấp nhận theo không một người đàn ông xa lạ về làm vợ. Thế nhưng, trong hiện thực thê thảm, tối tăm của nạn đói, người đọc chợt nhận ra những vẻ đẹp đáng quý bên trong những con người này, đó là sức sống mãnh liệt, là khát khao sống, khát khao hạnh phúc.
Anh cu Tràng là một người đàn ông xấu xí, ngờ nghệch lại nghèo khổ và có gánh nặng gia đình. Có thể nói anh khó có thể lấy vợ trong hoàn cảnh thường, khi nạn đói xảy ra thì điều đó càng trở nên xa xỉ. Ấy thế mà sau 2 lần gặp gỡ tình cờ cùng vài câu bông đùa vu vơ, anh đã có vợ, một người “vợ nhặt”. Trong cái đói, anh Tràng vẫn đèo bòng một người đàn bà xa lạ mà chính bản thân anh cũng không biết cuộc đời phía trước của mình sẽ ra sao. Có thể nói đây là một hành động liều lĩnh, nông nổi. Thế nhưng ẩn sau quyết định chóng vánh, dứt khoát ấy lại là lòng tốt và khát khao hạnh phúc của Tràng. Anh khát khao được sống, khát khao được yêu thương chân thành, khi chấp nhận cưu mang một người đàn bà xa lạ, có lẽ rằng Tràng cũng ấp ủ ước mơ về một gia đình nhỏ, về một hạnh phúc lứa đôi.
Hạnh phúc đến bất ngờ khiến cho Tràng “quên đi tất cả, quên cả đói rét đang đeo đuổi, quên đi cả những ngày tháng đã qua”. Từ khi có vợ anh cũng thay đổi hẳn tâm tính, anh trở nên trưởng thành và trách nhiệm hơn. Từ một người đàn ông ngờ nghệch, vô tâm anh trở thành một người đàn ông sống tình nghĩa, giàu trách nhiệm, “Hắn thấy hắn yêu thương căn nhà của hắn đến lạ lùng”, “Hắn thấy mình có trách nhiệm hơn với vợ con sau này”.
Người vợ nhặt là một người đàn bà chao chát, chỏng lỏn. Vì miếng ăn mà thị không ngần ngại mắng chửi và đòi ăn Tràng “đãi” thị một bữa ăn. Cũng vì cái đói, cái nghèo vây khốn mà thị chấp nhận theo một người đàn ông xa lạ về làm vợ. Ấn tượng đầu tiên người vợ nhặt “gieo” vào lòng người đọc là sự trơ trẽn, chỏng lỏn. Thế nhưng, nếu nhìn vào điệu bộ thảm hại và cách ăn của thị, ta có thể thấy rằng người đàn bà này đã đói quá lâu. Những hành động vô duyên của thị có lẽ cũng không phải do bản chất của thị mà chỉ là cách thị phản kháng lại với cuộc số phận, cuộc đời. Điều này càng sáng tỏ hơn khi thị theo Tràng về nhà. Từ một người đanh đá, chua ngoa thị trở thành một người đàn bà ý nhị rất đúng mực.
Chứng kiến gia cảnh nghèo khó của anh tràng, dù thất vọng nhưng thị vẫn cố giấu trong “ánh mắt tối lại và tiếng thở dài cố nén”. Thị chủ động chào hỏi bà cụ Tứ, dậy sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp sân vườn và chuẩn bị bữa cơm ngày đói. Có thể thấy rằng không chỉ anh Tràng, người vợ nhặt cũng là một người khát khao hạnh phúc. Thị chủ động vun vén cho hạnh phúc gia đình bằng lời nói và hành động đúng mực. Ngay trong bữa ăn, khi nuốt miếng cháo đắng chát và nghẹn bứ trong cổ, thị vẫn cố giấu sự thất vọng vì không muốn mẹ chồng buồn. Để xua đi không khí nặng nề của bữa cơm, thị đã kể về câu chuyện ở mạn ngược, người dân phá kho thóc Nhật. Có thể nói sự xuất hiện của nhân vật Thị không chỉ thổi một luồng gió mới vào cuộc sống của người dân xóm Ngụ Cư mà còn mang đến không khí hạnh phúc, đầm ấm cho gia đình Tràng.
Bà cụ Tứ là một bà mẹ thương con, dù bất ngờ trước sự xuất hiện của một cô con dâu xa lạ nhưng bà vẫn thật lòng chúc phúc cho hai con “Thôi, chúng mày phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Cái đói, cái chết có thể mang đến những ám ảnh kinh hoàng, thế nhưng trong cái đói bà cụ vẫn sáng lên tấm lòng yêu thương con chân thành. Trong bữa cơm ngày đói, bà cụ đã kì công chuẩn bị một món quà cưới đặc biệt cho hai con. Ngay cả khi không khí bữa ăn chùng xuống vì miếng cháo đắng chát thì bà vẫn cố động viên các con, bà nói rất nhiều câu chuyện sung sướng, tốt đẹp sau này. Có lẽ rằng người mẹ ấy muốn gieo vào lòng các con niềm hi vọng sống để các con có thể cùng nhau vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn này.
Viết về nạn đói nhưng điều đọng lại cuối cùng trong trái tim người đọc không phải ám ảnh đói khát, chết chóc mà chính là ánh sáng của tình người, là niềm tin vào cuộc sống. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống.
—————–HẾT—————–
Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Kim Lân viết về những con người trong nạn đói. Khám phá giá trị và những đặc sắc của tác phẩm, bên cạnh bài Chứng minh câu nói: Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống trong Vợ nhặt, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Cảm nhận về bữa cơm ngày đói trong tác phẩm Vợ nhặt, Suy nghĩ về kết thúc truyện Vợ nhặt, Cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt, Cảm nhận về vẻ đẹp tình mẫu tử của bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt.
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục