Giáo dục

Cảm nhận về tình cha con trong bài thơ Nói với con

Đề bài: Cảm nhận về tình cha con trong bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương.

cam nhan ve tinh cha con trong bai tho noi voi con

This post: Cảm nhận về tình cha con trong bài thơ Nói với con

Cảm nhận về tình cha con trong bài thơ Nói với con

I. Dàn ý Cảm nhận về tình cha con trong bài thơ Nói với con (Chuẩn)

1. Mở bài

 Giới thiệu từ đề tài tình cảm cha con.

2. Thân bài

* Khái quát chung:
– Hoàn cảnh ra đời bài thơ: ra đời khi đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân miền núi nói riêng vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
– Xuyên suốt bài thơ là tình cảm cha con

* Phân tích, chứng minh
– Tình cảm cha con thể hiện ở những lời cha kể cho con nghe về những kỷ niệm khi con còn nhỏ: (4 câu thơ đầu)
+ Điệp ngữ “một bước hai bước” → sự chuyển động cũng là sự lớn lên từng ngày của đứa trẻ trong vòng tay yêu thương của cha mẹ mình…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nhận về tình cha con trong bài thơ Nói với con tại đây.

 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về tình cha con trong bài thơ Nói với con 

1. Cảm nhận về tình cha con trong bài thơ Nói với con, mẫu số 1 (Chuẩn):

Mỗi khi nhắc đến tình cha con, nhắc đến những tấm lòng yêu thương cao cả vô bờ bến của những người cha dành cho con,… tôi lại nghe đâu đó những câu hát:

 “ Cha không mong những lẽ phi thường
Và cha mong cho con biết sống chân thành
Nơi kia chân trời sáng
Dõi bước con đi và cha mong con lớn khôn”

(Cha và Con – Bức Tường)

Thật vậy, dù có như nào đi chăng nữa chúng ta cũng không thể phủ nhận tình cha dành cho con. Bên cạnh tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp thì tình phụ tử cũng vô cùng cao quý và được giới văn nghệ sĩ quan tâm đến. Như nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua tác phẩm: “Chiếc lược ngà”, nhà thơ Y Phương với tác phẩm: “Nói với con”… Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng hơn cả bởi bài thơ “Nói với con”. Bài thơ là sự thể hiện một cách sâu sắc, tình cảm và mang một làn điệu mới về tình cảm cha con từ xưa tới nay.

Có thể nói, tình cha, nghĩa mẹ luôn là đề tài mà thi ca tìm hiểu, khai thác bởi nó mang sự nghĩa tình thiêng liêng, cao quý. Mỗi chúng ta khi sinh ra ai cũng có một gia đình riêng, một tổ ấm mà khi đi xa sẽ nhớ về, khi trở về sẽ không muốn rời xa. Nơi ấy khiến chúng ta cảm thấy an toàn, ấm áp và được chở che. Cũng như vậy, nghệ sĩ là những người khai thác đề tài từ cuộc sống, mang những gì đẹp đẽ của cuộc sống vào thi ca. Y Phương là một người nghệ sĩ như thế. Và đến với “ Nói với con” chúng ta càng được thấm thía hơn. Bài thơ ra đời khi đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân miền núi nói riêng vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Bởi vậy, người cha với niềm hy vọng và niềm mong mỏi lớn lao: mong cho con khôn lớn nên người, luôn yêu quê hương, tự hào về dân tộc mình… Từ đó bài thơ trở thành bài ca thấm thía, quý giá về tình cha con xuyên suốt.

 

 

cam nhan ve bai tho noi voi con cua y phuong

Những bài Cảm nhận về tình cha con trong bài thơ Nói với con hay nhất

Đến với “Nói với con” của Y Phương trước hết tình cha con được thể hiện ở những lời cha kể cho con nghe về những kỷ niệm hạnh phúc khi con còn nhỏ:                                                                                                            

“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước chạm tiếng cười”

Ở đây, nhà thơ muốn nói với con chính là cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người – tình yêu thương vô bờ bến mà cha mẹ dành cho con – tình cảm gia đình. Tác giả đã giúp ta hình dung sâu sắc hình ảnh một đứa trẻ đang chập chững bước đi . Điều quan trọng là xung quanh em luôn có sự giúp đỡ, dìu dắt của cha mẹ. Nhịp điệu, lời thơ khoan thai, chậm rãi, đều đều. Điệp ngữ “một bước hai bước” tả sự chuyển động cũng là sự lớn lên từng ngày của đứa trẻ trong vòng tay yêu thương của cha mẹ mình. Cả ngôi nhà như rung lên trong: “tiếng nói, tiếng cười” của cha mẹ: mỗi bước con đi, mỗi tiếng con cười đều được cha mẹ đón nhận và chăm chút. Bằng những hình ảnh cụ thể, giàu chất thơ kết hợp với nét độc đáo trong tư duy, diễn đạt của người miền núi, bốn câu thơ mở ra khung cảnh một gia đình ấm cúng, đầy ắp niềm vui, đầy ắp tiếng nói cười. Có thể nói, tình cha mẹ dành cho con cái thiêng liêng, sâu kín, mối dây ràng buộc, gắn kết gia đình bền chặt được hình thành từ những giây phút hạnh phúc bình dị, đáng nhớ ấy. Lời thơ ngay từ đầu đã chạm đến sợi dây tình cảm gia đình của mỗi con người nên đã tạo được sự đồng cảm, rung động sâu sắc đến độc giả. Điều này còn giúp độc giả hình dung ra phần nào tình cha con tươi đẹp bao la vô ngần.

Bên cạnh đó, tình cha con trong bài thơ còn được thể hiện ở điều cha mong muốn con được lớn lên, trưởng thành với tinh thần dân tộc quật cường và cách sống yêu thương đồng bào, ý chí kiên cường:

“Người đồng mình yêu lắm, con ơi!
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát”

Chúng ta đặc biệt ấn tượng bơi hô ngữ “con ơi” khiến lời thơ trở nên thật tha thiết, trìu mến, càng thể hiện tình cha dành cho con. Người cha muốn nói với con mình những người đồng mình đều là những con người đáng quý, sống lao động cần cù và luôn tươi vui. Các động từ “cài, ken” vừa miêu tả chính xác động tác khéo léo trong lao động vừa tạo sự gắn bó, quấn quýt của những con người quê hương trong lao động. Thử hỏi cái “yêu lắm” của “người đồng mình” là gì nếu không phải là cốt cách tài hoa, là tinh thần vui sống? Phải chăng ẩn chứa bên trong cái dáng vẻ thô mộc là một tâm hồn phong phú, lãng mạn biết bao?

Song song cùng với hình ảnh con người là hình ảnh thiên nhiên hiện lên:

“Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”

Ở đây, Y Phương chỉ chọn duy một hình ảnh “hoa” để gợi về cảnh quan rừng. Nhưng hoa vốn là một hình ảnh đẹp, một hình ảnh luôn làm xao động lòng người. Hoa trong bài thơ có lẽ là hoa thực bởi như một đặc điểm của rừng núi và khi đặt nó trong mạch cảm xúc của bài thơ hình ảnh này là một tín hiệu thẩm mỹ góp phần diễn đạt điều tác giả muốn khái quát: chính những gì đẹp đẽ của quê hương  đã hun đúc nên tâm hồn cao đẹp của con người . Thiên nhiên đã che chở, nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống. Bằng cách nhân hóa “ rừng, con đường” qua điệp từ “cho” người đọc có thể nhận ra lối sống tình nghĩa của “người đồng mình”. Không chỉ vậy, người cha còn nói với với con về kỷ niệm có tính chất khởi đầu cho hạnh phúc gia đình:

“Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”

Qua đây chúng ta vừa thấy được một lời tâm tình ấm áp vừa thấy được lời dặn dò đầy tin cậy của người cha dành đến con. Phải sâu sắc lắm người cha mới đong đầy tình thương cho con mình như vậy!

Không chỉ tự hào về những con người quê mình cần cù chịu khó, tác giả – người cha còn vô cùng tự hào về sự già ý chí nghị lực của” người đồng mình”, hay lo toan và giàu mơ ước:

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”

Người cha biểu lộ tình cảm yêu thương  chân thành về gian truân, thử thách cùng ý chí mà người đồng mình đã trải qua “thương lắm con ơi”. Bằng cách tư duy độc đáo của người miền núi, nhà thơ đã lấy cái cao vời vợi của trời để đo nỗi buồn , lấy cái xa của đất để đo ý chí con người… Đặc biệt các tính từ “cao, xa” được sắp xếp trong sự tăng tiến Y Phương cho thấy khó khăn thử thách càng lớn thì ý chí con người càng mạnh mẽ. 

Đặc biệt dù sống trong nghèo khổ gian nan vẫn thủy chung gắn bó với quê hương cội nguồn:

“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”

Các hình ảnh ẩn dụ, thành ngữ dân gian đã gợi về cuộc sống lam lũ nghèo đói của người dân quê mình. Những câu thơ dài ngắn cùng những thanh trắc tạo ấn tượng về cuộc sống trắc trở, gian nan đói nghèo của quê hương.Từ “ không chê” cho thấy dù có nghèo nàn thiếu thốn về vật chất nhưng họ không bao giờ thiếu ý chí thiếu sự quyết tâm, vẫn thủy chung và gắn bó với quê hương. Phải chăng chính cuộc sống nhọc nhằn ấy đã tôi luyện cho chí lớn để rồi tình yêu quê hương sẽ giúp họ vượt qua tất cả. Bên cạnh đó, “người đồng mình” còn có tình cảm thật trong trẻo, dạt dào như dòng suối, sống trước niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người.

Hơn tất thảy người cha tự hào với con về ý thức tự lập, tự cường và tinh thần tự tôn dân tộc:

“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”

Bằng cách nói và diễn đạt của nhà thơ chúng ta thấy được “người đồng mình” họ có thể mộc mạc, giản dị” thô sơ da thịt” nhưng không bao giờ nhỏ bé về tâm hồn về ý chí về mong ước xây dựng quê hương:

“ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”

Như vậy, người đồng mình bằng chính bàn tay và khối óc, bằng sức lao động đã xây dựng và làm giàu đẹp cho quê hương, xây dựng để nâng tầm quê hương. Còn quê hương chính là điểm tựa tinh thần với phong tục tập quán nâng đỡ những con người có chí khí và niềm tin. Câu thơ đã khái quát về tinh thần tự tôn, về ý thức bảo vệ cội nguồn, bảo tồn những truyền thống quê hương tốt đẹp của” người đồng mình. Có thể nói, nếu không phải là một người giàu tình yêu thương con, yêu gia đình, quê hương tác giả không thể viết nên những lời tâm tình thấm thía đến vậy!!!

  Cuối cùng, tình cha con trong bài thơ được thể hiện qua lời dặn dò, nhắn nhủ của người cha với bao niềm tin, hy vọng:

“ Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”

Hai tiếng “lên đường” cho thấy người con đã lớn khôn và tạm biệt gia đình – quê hương để bước vào trang đời mới. Trong hành trang của con khi lên đường có một thứ quý giá hơn mọi thứ trên đời đó là ý chí nghị lực, truyền thống quê hương. Lời dặn của cha thật mộc mạc, dễ hiểu, thấm thía, ẩn chứa niềm hi vọng lớn lao, hi vọng đứa con sẽ tiếp tục vững bước trên đường đời, tiếp nối truyền thống và làm vẻ vang quê hương. Hai tiếng “nghe con” lắng đọng bao cảm xúc, ẩn chứa tình yêu thương vô bờ bến cha dành cho con. Câu thơ còn hiện ra một cảnh tượng vô cùng xúc động: cha hiền từ âu yếm nhìn con, xoa đầu con và người con cúi đầu ngoan ngoãn nghe lời. Thật thử hỏi còn gì cao quý hơn tình cha con!!!

Như vậy, bằng giọng thơ tha thiết, trìu mến nhưng lại trang nghiêm, các hình ảnh thơ cụ thể, có tính khái quát, mộc mạc mà giàu chất thơ đã làm rõ được tình cha con trong bài thơ. “ Nói với con” tựa như một khúc ca nhẹ nhàng mà âm vang. Lời thơ tâm tình của người cha sẽ là hành trang đi theo con suốt cuộc đời và có lẽ sẽ mãi mãi là bài học bổ ích cho các bạn trẻ – bài học về niềm tin, ý chí, nghị lực vươn lên…

Có thể nói, nếu trước kia người đọc từng rung độc với “Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng ở tình cha con trong bom rơi đạn nổ qua cái khốc liệt của kháng chiến mà ánh ngời leeb” hạt ngọc ẩn náu trong tâm hồn” người cha. Thì Y Phương lại để thứ tình cảm ấy nhẹ nhàng mà không kém phần nồng nàn, ấm nóng, là tình cảm tự nó có, không phải chờ bất cứ tác nhân nào. Nhờ vậy, tác tẩm như một bài ca quý báu, sống mãi trong lòng độc giả, không bao giờ phai mờ…

 

2. Cảm nhận về tình cha con trong bài thơ Nói với con, mẫu số 2 (Chuẩn):

Không mềm mại và dịu dàng như tình mẫu tử, tình cảm của người cha dành cho con cái luôn có sự vững chãi, bền bỉ và trường tồn. Với nhà thơ Y Phương, tình phụ tử thiêng liêng ấy nhiều hơn một lời “cha yêu con”, cao hơn cả núi Thái Sơn ngàn năm lừng lững, đó là ước mơ mong con lớn lên mạnh mẽ, vững bước trên đường đời gian nan. Qua bài thơ Nói với con, tác giả đã gửi gắm những xúc cảm vừa nguyên sơ, bình dị lại vừa chan chứa, sâu nặng của người cha với đứa con thơ bé, đồng thời thể hiện sự mong mỏi và kì vọng của đấng sinh thành đối với mầm non tương lai của đất nước.

Bài thơ được viết theo thể thơ tự do giống như lời thủ thỉ, tâm tình. Xuất thân là người dân tộc Tày, câu thơ của Y Phương không chau chuốt, hoa mĩ mà vô cùng chân chất, mộc mạc nhưng không kém phần sâu lắng, cảm động. Từ tình cảm cha con thuần túy, tác giả mở rộng tới tình cảm gia đình và tình yêu dân tộc, yêu tổ quốc. Bởi lẽ, có yêu gia đình, yêu cha mẹ thì mới có nền tảng cho những tình cảm mang tính thời đại, và vì yêu tổ quốc, yêu đồng bào nên người con hãy nhớ lấy công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, đồng thời bộc lộ sự tự hào với dòng máu dân tộc quật cường, bất khuất trung kiên.

Mở đầu bài thơ bằng những vần điệu ngây ngô:

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”

Người con may mắn được sinh ra trong một gia đình đầy đủ, có cha, có mẹ, có tiếng nói, tiếng cười hạnh phúc của tuổi thơ. Từng bước đi chập chững đầu đời của con đều được dìu dắt bởi cha mẹ “chân phải bước tới cha”, “chân trái bước tới mẹ”, cha mẹ là người nâng bước con đi trên đường đời, ở cạnh con những ngày con thơ bé, mang đến cho con niềm vui tuổi thơ trọn vẹn, tình máu mủ ruột thịt vĩ đại và đặc biệt là công ơn sinh thành của cha mẹ dành cho con. Với nền tảng vững chắc và hạnh phúc như vậy, người cha thủ thỉ với con về cuộc sống thường nhật, về con người quê hương xứ sở:

“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa, vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ nhớ mãi về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trong đời”.

trinh bay cam nhan ve tinh cha con trong bai tho noi voi con

Bài cảm nhận về tình cha con trong bài thơ Nói với con có dàn ý chi tiết

Ở đây, người đọc tưởng tượng giọng thơ giống như lời kể chuyện cổ tích của người cha cho con trước giờ đi ngủ, trầm ấm và say mê. Những hình ảnh đặc trưng của người dân tộc Tày sinh sống tại miền núi như “lờ”, “nan hoa”, “vách nhà” được Y Phương lồng ghép duyên dáng và khéo léo. Một bức tranh đa sắc màu kể về cuộc sống lao động tươi đẹp của những người dân thật thà, chất phác.

Người đồng mình hăng say lao động, lờ – một dụng cụ để bắt cá được đan tết chắc chắn, tinh xảo “cài nan hoa”, nhà tranh vách đất đơn sơ, mộc mạc được lấp đầy bằng những câu hát phóng khoáng của người dân miền núi. Đồng bào dân tộc yêu lao động, làm việc nhưng không quên điểm xuyết cho cuộc sống những sắc màu nghệ thuật tài hoa. Tác giả thể hiện sự yêu quý đối với đồng bào bằng câu nói tình cảm “người đồng mình thương lắm con ơi”, “con đường cho những tấm lòng”,tiếng lòng dành cho những người anh em ruột rà, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Những tấm lòng thơm thảo như hoa, đùm bọc, che chở lẫn nhau của những người cùng chung dòng máu đỏ da vàng. Trên cái nền cuộc sống chan chứa tiếng cười và niềm vui ấy chính là nơi cha mẹ đã nên duyên vợ chồng, “ngày đẹp nhất trên đời” khi được cùng nhau về chung một mái nhà, cùng làm việc, cùng sinh ra con và dạy dỗ con nên người.

Trong những lời đầu tiên cha dạy con không chỉ nhắc con ghi nhớ về núi rừng nguồn cội mà còn có tình yêu thương với con người. Nhắc đến người đồng mình, người cha mang một niềm tự hào vì những đức tính tốt đẹp, quý báu truyền thống của dân tộc:

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”.

“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì là phong tục”

Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với những cuộc chiến tranh giữ gìn độc lập và chủ quyền dân tộc, có lẽ vì vậy, người dân đều lớn lên với ý chí quật cường, đứng lên từ thất bại, từ máu lửa đạn bom. “Cao đo nỗi buồn”, “xa nuôi chí lớn” chính là để nhắc về những nỗi đau, nỗi mất mát gia đình, người thân, từ đó trở thành động lực phấn đấu không ngừng, rèn luyện ý chí kiên cường, vững chắc. Tuy chỉ là một đất nước nhỏ bé, con người nhỏ bé về tâm vóc, không được trang bị đầy đủ, rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp như các cường quốc, nhưng trí lực thì không hề nhỏ bé. Những dẫn chứng lịch sử oai hùng từ thời vua Hùng, vua Lê cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, ngày giải phóng Đất nước, Bắc Nam về cùng một mối năm 1975 gây rúng động toàn nhân loại, chẳng có ai dám nói người Việt Nam nhỏ bé và yếu đuối. Vượt lên những khó khăn cả về điều kiện tự nhiên, “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”, cải tạo đất đai, cải tạo thiên nhiên để làm giàu cho đất nước. Sau bao nhiêu năm bị đô hộ và trải qua thời kì hội nhập, dân tộc Việt Nam vẫn trường tồn, giữ lại những nét đẹp phong tục truyền thống, đồng thời phát triển cả về kinh tế và văn hóa. Đoạn thơ giàu cảm xúc với âm hưởng bi tráng, khẳng định tinh thần nghĩa khí bất khuất của dân tộc ta, dẫu có đạn bom loạn lạc, dẫu có phải trải qua âm mưu đồng hóa và đô hộ của giặc ngoại xâm vẫn không nao núng, giữ vững tinh thần dân tộc và từng bước phát triển đất nước.

Nối tiếp truyền thống dân tộc, người cha mong con mình lớn lên, nhìn vào những tấm gương các thế hệ đàn anh đi trước để luyện rèn bản thân:

“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”

Người cha muốn con hãy lớn lên quật cường, nối tiếp truyền thống quý giá được xây dựng ngàn năm của nhân dân, sống ngay thẳng, có ý chí vươn lên và luôn biết trân trọng những gì mình đang có. “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh”, “Sống trong thung không chê thung nghèo đói”, đất nước Việt Nam tự do độc lập là thành quả của biết bao mồ hôi nước mắt cha ông đã hi sinh, vì vậy, nhiệm vụ của con là dựng xây, kiến thiết đất nước, đưa Tổ quốc sánh vai với các nước bạn trong khu vực và trên toàn thế giới. Sống trong sạch “như sông như suối”, không quản ngại “lên thác xuống ghềnh”, “không lo cực nhọc”, tích lũy hành trang vững chắc để bước vào đời. Ở đây, người đọc dễ dàng cảm nhận được tình cảm của người cha dành cho đứa con bé nhỏ, không phải những lời an ủi ngợi ca êm ái, lời dặn của cha mang tầm vóc lớn lao với cái nhìn xa rộng, mong muốn con nên người và hoàn thiện bản thân. Và cuối cùng, những lời căn dặn của người cha càng trở nên ý nghĩa, sâu sắc:

Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

Người đọc có chút băn khoăn rằng không biết người cha đang thủ thỉ tâm sự với đứa con nhỏ của mình, hay người con đã lớn và chuẩn bị đi xa, người cha muốn gửi gắm những lời căn dặn về lẽ sống với con. Lời nói có âm sắc vừa quyến luyến, vừa rắn rỏi, vừa dặn dò con cũng là vừa răn dạy. “Không bao giờ nhỏ bé”, cha mong con không bao giờ từ bỏ giấc mơ, không nản chí khi gặp khó khăn và không sa ngã vào con đường lầm lối. Quả thực, người cha đặt vào con rất nhiều niềm tin và mong con thành công vang dội. Điều vĩ đại nhất người cha muốn con thực hiện chính là sống sao cho thanh khiết, liêm chính, sống cho xứng đáng với sự hi sinh của cha ông, sống đúng với đạo làm người của dân tộc.

Thể thơ tự do bay bổng và linh động, lời thơ chứa chan cảm xúc yêu thương và tự hào, đây giống như lời của chính nhà thơ muốn gửi tới con mình, mong con có một cuộc sống tốt đẹp và xứng đáng với những gì cha mẹ đã cho. Câu từ gần gũi, những hình ảnh miêu tả đặc trưng nếp sống sinh hoạt của người miền núi phía Bắc cũng thể hiện tinh thần tự hào của tác giả đối với đồng bào mình. Người cha gửi tới con những lời dạy vừa nhẹ nhàng, tha thiết mà vừa mang sức nặng tầm vóc lớn lao của cả một dân tộc.

Tình cha con thắm đượm xúc cảm được thể hiện qua cách dặn dò, dạy bảo của người cha với con, Y Phương rất xuất sắc trong việc khắc họa chân dung người nông dân Việt Nam với những đức tính tốt đẹp, ý chí cao cả, kiên trung, qua đó truyền tải tới người đọc những chiêm nghiệm về cuộc sống, con người cũng như mong muốn thế hệ trẻ lớn lên tiếp thu được những tinh hoa dân tộc, lấy đó làm cơ sở phát triển và đưa đất nước lên một tầm cao, một vị trí mới.

———————HẾT——————-

Bên cạnh bài Cảm nhận về tình cha con trong bài thơ Nói với con của Y Phương, các em học sinh có thể tham khảo thêm: Hình tượng người chiến sĩ lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy gợi cho em những suy nghĩ gì?, Phân tích khổ thơ đầu trong bài Sang thu của Hữu Thỉnh, Những đặc sắc trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button